Giải thích 4 câu nói “khó nghe nhất” của Chúa Jêsus

Oneway.vn – Chúng ta biết rằng, trong Kinh Thánh, Chúa Jêsus đã nói nhiều câu từ dường như đầy mầu nhiệm và khó hiểu.

(Ảnh minh họa – Nguồn: tithe.ly)

Dưới đây là 4 câu nói của Chúa Jêsus khiến chúng ta nếu hiếu theo nghĩa đen sẽ dễ dàng vấp phạm, nhưng khi được hiểu theo Thánh Kinh, Lời Ngài vô cùng ý nghĩa!


“Ăn thịt ta, uống ta

Liệu bạn có thể mường tượng được một ai đó chưa được cứu và họ được khuyến khích rằng cần phải ăn thịt và uống huyết của Chúa Jêsus để được ở trong Ngài?

Tôi chắc chắn rằng họ sẽ hoảng lên và bực tức vì những đáng sợ và vô lý như thế, thực ra họ không hiểu là chuyện thường tình vì chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể giúp chúng ta hiểu hơn về Kính Thánh (I Cô-rinh-tô 2:13; Rô-ma 8:7; Thi thiên 119:105).

Khi Chúa Jêsus nói với đám đông, “Ai ăn thịt Ta và uống huyết Ta thì ở trong Ta, và Ta ở trong người ấy” (Giăng 6:56), thậm chí chính những môn đồ của Ngài cũng đã không hiểu điều đó. “Nhiều môn đồ của Ngài nghe điều nầy thì nói: “Lời nầy khó quá, ai mà nghe được?” (Giăng 6:60).

(Ảnh minh họa – Nguồn: pixabay.com)

Nhiều người không chịu lắng nghe những Lời của Chúa Jêsus vì họ cảm thấy bị “xúc phạm”, và đó là lý do tại sao sau khi Chúa Jêsus nói điều này: “nhiều môn đồ của Người đã bỏ đi và không còn đi theo Người nữa” (Giăng 6:60). Điều đó cũng xảy ra ngày nay, những kẻ chống phá, đối nghịch trong nhà thờ cáo buộc người theo đạo Cơ Đốc là những “kẻ ăn thịt người”.

Nhưng rõ ràng trong câu này (Giăng 6:56) đang nói về sự liên thông thuộc linh được thiết lập, trong một giao ước mới và toàn hảo bởi sự thương khó và phục sinh của Chúa Jêsus; nơi mà những tín hữu được kêu gọi dự phần vào “thân thể tan nát” của Đấng Christ (bánh) và huyết của Chúa Jêsus (nước nho) đã tuôn ra trên thập giá, với lòng biết ơn chân thật.


Kẻ chết chôn kẻ chết

Có một người đàn ông đã đi đến gặp Chúa Jêsus để xin được làm môn đồ của Ngài và rằng anh ta sẽ đi theo Ngài, nhưng vấn đề chính ở đây là anh ta không muốn từ bỏ tất cả và theo Chúa. Đó là lý do tại sao anh chàng đã thưa với Chúa Jêsus, “xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã” (Ma-thi-ơ 8:21).

Chúa Jêsus đã đáp lại điều đó như thế nào? Ngài nói “Hãy theo Ta, để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Ma-thi-ơ 8:22).

(Ảnh minh họa – Nguồn: pexel.com)

Chúng ta nghĩ rằng đây là một phát ngôn thật vô tâm và lạnh lùng của Chúa Jêsus, tuy nhiên, cha của người đàn ông đó thậm chí còn chưa chết. Anh ta có thể muốn chờ cho đến khi cha qua đời để nhận được gia tài thừa kế… sau đó, không còn gì vướng bận nữa và anh ta sẽ đi theo Chúa.

Trong khi bảo người đàn ông để cho người chết được chôn cất kẻ chết. Chúa Jêsus đang nói theo nghĩa bóng vì bất kỳ ai không được cứu rỗi đều chết về mặt tâm linh… chết trong tội lỗi của mình (Ê-phê-sô 2:1; Cô-lô-se 2:13). Chúa Jêsus không gọi chúng ta là một Cơ Đốc giáo bán thời gian. Chúng ta phải hết lòng theo Ngài và không trông chờ vào những điều tạm bợ của thế gian.


“Các con phải nên trọn vẹn”

Một câu nói mà tôi đã đấu tranh trong nhiều năm qua cũng có thể là câu mà bạn đang tranh đấu hôm nay! Chúa Jêsus nói “Thế thì các con phải nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là toàn thiện” (Ma-thi-ơ 5:48). Với cá nhân tôi, không có khả năng nào tôi có thể trở nên hoàn hảo… ít nhất là trong cuộc sống này, vì vậy khi Ngài nói chúng ta phải hoàn hảo như Đức Chúa Trời, chắc hẳn ai nghe đều kinh ngạc.

Giống như bạn và tôi, chúng ta biết rằng mình không hề hoàn hảo. Thực tế, tôi cách xa sự hoàn hảo vô cùng. Làm sao tôi có thể hoàn hảo được!? Sứ đồ Phao-lô nói rằng, “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta được trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21).

(Ảnh minh họa – Nguồn: pixabay.com)

Sự công bình của Đức Chúa Trời là điều cần thiết để vào thiên đàng, nhưng sự công bình đó được ban cho qua đức tin nơi Chúa Jêsus. Điều này có nghĩa, Đức Chúa Trời xem chúng ta là công bình như Chúa Jêsus, nếu chúng ta tin cậy hoàn toàn vào Ngài. Tự nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn hảo trong cuộc đời này, nhưng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự hoàn hảo trong Chúa Jêsus qua sự chuộc tội.


Mang theo gươm giáo

Trong Ma-thi-ơ 10:34 Chúa Jêsus phán: “Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo”, nhưng chúng ta cũng được nghe câu này: “Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con” (Giăng 14:27a).

Trước khi Chúa Jêsus giáng sinh, người Do Thái tin rằng sự xuất hiện của Đấng Messiah sẽ ngay lập tức mang lại hòa bình và thịnh vượng cho Israel. Ngay cả các môn đồ của Chúa Jêsus cũng như vậy. Chúa Jêsus đã chứng minh qua lời dạy và phép lạ của Ngài rằng Ngài thực sự là Đấng Messiah. Tuy nhiên, giờ đây, Ngài muốn giúp những người theo Ngài hiểu rằng thời kỳ hòa bình chính trị sẽ không đến sớm.

Thay vào đó, sự xuất hiện của Ngài sẽ mang đến sự chia rẽ lớn cho thế giới. Ngài đến để mang theo “một thanh gươm”. Chúa Jêsus không mô tả thanh gươm phán xét của Chúa, cũng không phải là thanh gươm hành động quân sự hay bạo lực cá nhân. Điều mà Chúa Jêsus đề cập ở đây là thuật ngữ tiếng Hy Lạp machairan, thường được dùng để chỉ những con dao lớn như loại mà ngư dân sử dụng. Mục đích chính của những lưỡi dao đó là để tách các phần khác nhau của một miếng thịt – đây là thuật ngữ tương tự được sử dụng trong sách Hê-bơ-rơ để mô tả khả năng phân biệt sự thật và sai lầm của Kinh thánh (Hê-bơ-rơ 4:12).

(Ảnh minh họa – Nguồn: tithe.ly)

Nói cách khác, thông điệp của Chúa Jêsus sẽ tự nhiên tạo ra sự chia rẽ; “thanh gươm” này sẽ chia thế giới thành những người tin và người không tin. Sự xuất hiện của Ngài sẽ mang đến xung đột lớn vì những người từ chối Chúa Jêsus là Đấng Mê-si và Con Đức Chúa Trời sẽ quay sang căm ghét những người nghe và tin (1 Phi-e-rơ 4:3–4 ; Giăng 15:18–21), bao gồm cả các thành viên trong gia đình của người đó.

Chúa Jêsus đã nói ra những lời khó nghe với những tấm lòng chai sạn và những lời mềm mại đến những tâm hồn yếu đuối. Ngày nay chúng ta thường thích nghe những lời êm tai hơn là lời quở trách công chính, yêu thương, vì lẽ đó, đã sản sinh ra nhiều tấm lòng chai sạn, vô ơn.

Khi đọc Lời Chúa, chúng ta cần phải lắng nghe toàn bộ câu chuyện, bối cảnh, ý nghĩa thần học và hơn hết, cầu nguyện, nương cậy nơi Chúa để Ngài ban sự khôn ngoan, thông sáng, giúp chúng ta hiểu Lời Ngài cách tường tận, chính xác.


Bài: Jack Wellman; dịch: Thùy Duyên
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *