Oneway.vn – Khi nói về câu chuyện Giáng sinh, chúng ta sẽ mường tượng về một gia đình thánh, lúc nửa đêm, nơi chuồng chiên máng cỏ, thiên sứ cùng những bài hát mừng, người chăn chiên, ba vua và một thị trấn nhỏ yên tĩnh Bết-lê-hem.
Nhưng đáng chú ý là bốn sách Tin Lành Tân Ước kể câu chuyện Giáng sinh của Chúa Jesus theo bốn cách rất khác nhau, nhưng không hề mâu thuẫn với nhau.
Mỗi sách Tin Lành tập trung truyền đạt cách nhìn của họ về Chúa Jesus, qua đó mạnh mẽ công bố thông điệp độc đáo của mỗi người đến với chúng ta.
Tin Lành Mác
Tin Lành Mác có thể là sách đầu tiên được viết trong 4 sách Tin Lành, và mặc dù được Mác viết, nhưng theo truyền thống của Hội Thánh đầu tiên, sách này đại diện cho lời rao giảng và sứ điệp của Sứ đồ Phi-e-rơ.
Phúc âm Mác không ghi lại gì về sự ra đời của Chúa Jesus. Mác bắt đầu câu chuyện về Chúa Jesus bằng lời kêu gọi của Giăng Báp-típ ở nơi đồng vắng. Lần đầu tiên Chúa Jesus xuất hiện trong sách này này là khi Ngài đến chịu Báp-têm bởi Giăng.
“Câu chuyện thiếu sót” này phục vụ mục đích duy nhất của Phúc âm Mác: dành cho người Rô-ma trong thời đại ông, nhấn mạnh thông điệp ẩn giấu về công việc âm thầm của Chúa Jesus là Cứu Chúa. Việc bỏ qua những chi tiết về sự ra đời của Chúa Jesus giúp độc giả hiểu rằng việc Chúa Jesus sinh ra hoặc đến từ gia đình nào không quan trọng, mà công việc phục vụ, hy sinh của Ngài mới là điều định nghĩa Ngài.
Xã hội Rô-ma trong Thế kỷ I bị chia rẽ sâu sắc thành các tầng lớp xã hội, danh dự và địa vị, thì bức tranh tinh tế về công việc ẩn giấu và trọn vẹn của Đấng nắm mọi thẩm quyền cho thấy Chúa Jesus định nghĩa sứ mệnh và chức vụ của Ngài bằng cách phục vụ người khác.
Tin Lành Ma-thi-ơ
Trái ngược hoàn toàn với “câu chuyện thiếu sót” của Mác, Ma-thi-ơ bắt đầu bằng một gia phả công phu, với Chúa Jesus là hậu duệ của vua Đa-vít và Áp-ra-ham. Ma-thi-ơ cho thấy mối quan tâm đặc biệt của mình và định hướng độc giả theo Phúc âm của ông. Ông đang viết thư cho người Do Thái, tuyên bố rằng Chúa Jesus là Vua tốt hơn Đa-vít và là một lãnh đạo vĩ đại hơn Môi-se.
Câu chuyện Giáng sinh trong Ma-thi-ơ tập trung vào vai trò của Giô-sép – “là người có nghĩa” theo lời của Ma-thi-ơ. Giô-sép hoàn toàn trái ngược với Hê-rốt, kẻ thống trị bất công và độc ác.
Ma-thi-ơ cũng tập trung minh chứng sự kiện Chúa Jesus Giáng sinh đã hoàn thành những lời tiên tri trong Cựu Ước, và sử dụng những lời tiên tri này để công bố Chúa Jesus là Vua, Đấng cai trị Israel, là Con Một của Đức Chúa Trời.
Ma-thi-ơ kể về các vị vua thông thái đến thờ phượng cùng lễ vật quý giá dâng lên Vua; hành động xấu xa của vua Hê-rốt; cuộc hành trình của gia đình thánh đến Ai Cập và trở về (đây là một phần không nhỏ để minh họa cách sống của Chúa Jesus phản ánh cuộc sống của người dân Y-sơ-ra-ên); và những thiên sứ hướng dẫn Giô-sép trong giấc chiêm bao. Ma-thi-ơ trình bày rõ ràng rằng sự ra đời của Chúa Jesus đã ứng nghiệm mọi lời tiên tri và niềm hy vọng trong Kinh Thánh Do Thái, Ngài là Vua dân Y-sơ-ra-ên, Đấng được trao mọi quyền phép trên Thiên đàng và dưới đất. Ngài là Emmanuel, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
Tin Lành Lu-ca
Lu-ca là sách được viết theo trình tự: sự ra đời, chức vụ, cuộc đời, sự hy sinh và sự phục sinh của Chúa Jesus. Lu-ca được viết chủ yếu dành cho độc giả người ngoại, tập trung vào nhóm người bị bỏ rơi và bị lãng quên trong xã hội Địa Trung Hải thế kỷ thứ nhất. Do đó, Tin Lành Lu-ca có đầy đủ các tài liệu tham khảo về phụ nữ, trẻ em, người bệnh, người nghèo và những nhóm người bị từ chối như người Samari.
Những người bị bỏ rơi và từ chối cũng được quan tâm đặc biệt trong câu chuyện ra đời của Chúa Jesus. Câu chuyện Giáng sinh của Lu-ca là dài nhất trong bốn sách Tin Lành, đặc biệt tập trung vào vai trò của Đức Thánh Linh và những người phụ nữ. Ở đây ghi lại sự kiện thiên sứ đến với Ma-ri (không phải Giô-sép); cũng như sự kiện Ê-li-sa-bét và Ma-ri đều ca ngợi, chúc tụng Chúa. Lu-ca tập trung kể lại tình trạng bơ vơ không chốn ở của Giô-sép và Ma-ri ở Bết-lê-hem, sự chăm sóc đặc biệt dành cho Hài nhi Jesus, và việc chuồng chiên máng cỏ lại hóa ra chiếc nôi thánh như thế nào.
Để tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào người nghèo và người bị xã hội từ chối, các thiên sứ đã hiện ra với những mục đồng trong sách Lu-ca, chứ không phải những người thông thái giàu có và quyền lực được nhắc đến trong Ma-thi-ơ. Chính những người chăn chiên bình thường đã chứng kiến sự kiện vinh quang này và trở thành những sứ giả đầu tiên của Chúa Hòa bình và Nhân lành cho nhân loại.
Câu chuyện Giáng sinh tuyệt đẹp trong Lu-ca đã khắc họa trọn vẹn sự kiện Nhập thể của Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus, sinh ra giữa những người nghèo và bị xã hội từ chối, mang lại bình an và hạnh phước cho nhân loại.
Tin Lành Giăng
Tin Lành Giăng là sách cuối cùng được viết, ghi lại sự ra đời của Chúa Jesus bằng ngôn ngữ thiêng liêng, thuộc linh. Sách này được viết bởi môn đồ đã trải nghiệm tình yêu tuyệt vời của Chúa Jesus, ông tự nhận mình là người được Chúa yêu. Giăng tường thuật về sự ra đời của Chúa Jesus như sách Sáng thế ký thứ hai vậy.
Đối với Giăng, Giáng sinh bắt đầu từ Thiên đàng: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài”. Sau đó, Giăng mô tả sự ra đời của Chúa Jesus bằng ngôn ngữ mạnh mẽ: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta”. Đây là bức thư viết cho dân ngoại thuộc Đế chế La Mã, giải thích rằng trong Chúa Jesus đã trở nên xác thịt và chọn sống giữa chúng ta, do đó tất cả chúng ta đều là nhân chứng cho vinh hiển Ngài, đầy ơn và lẽ thật.
Phúc âm Giăng tập trung vào những thuộc tính thiêng liêng của Chúa Jesus. Giăng không đề cập bất kỳ điều gì về Ma-ri, Giô-sép và tất cả những nhân vật mà Ma-thi-ơ và Lu-ca đã nhắc đến trong sự kiện Giáng sinh.
Giăng tuyên bố rõ rằng Giáng sinh là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới. Chúa trở nên xác thịt và chiếu soi ánh sáng Ngài trong bóng tối, sự kiện phản chiếu lại một lần nữa công trình sáng tạo thiên đàng và thế giới.
Tóm tắt – Bốn sách Tin Lành
Bốn sách Tin Lành trong Tân Ước vẽ nên bốn bức tranh về sự kiện Chúa Jesus ra đời một cách độc đáo và tự do:
Ma-thi-ơ viết rằng Chúa Jesus là Vua dân Giu-đa, đáng được vâng phục và tôn thờ.
Lu-ca cho thấy Đấng Cứu Rỗi nhân lành mang lại ơn phước và giải thoát cho những người nghèo khổ, bị bỏ rơi và thiệt thòi.
Mác mô tả Chúa Jesus là Đấng hy sinh, phục vụ trong thầm lặng, Ngài không cần tham gia cuộc chiến giành quyền tối cao và địa vị.
Giăng bày tỏ Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, là Ngôi Lời trở nên xác thịt, Ngài tỏa sáng trong bóng tối để mang đến một khởi đầu mới cho thế giới này.
Hãy tận dụng mùa Giáng Sinh này để khám phá lại những câu chuyện đầy năng quyền trong cách sách Tin Lành Tân Ước.
Và cùng đọc lại câu chuyện Giáng sinh trong Tân Ước:
Ma-thi-ơ 1: 1 – Ma-thi-ơ 2:23
Lu-ca 1: 1 – Lu-ca 2:40
Giăng 1: 1-14
Bài: Corné Bekker; dịch: Jennie
(nguồn: cbn.com)
Leave a Reply