Oneway.vn – Chúng ta đang sống trong thời kỳ thử thách chưa từng có.
Điều gì xảy ra khi một nền văn hóa “cá nhân” va chạm với cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi phải tự nguyện hy sinh và vâng phục chính quyền?
Thời gian khủng hoảng này sẽ thử thách con người thật của chúng ta, vạch trần những gì chúng ta tin tưởng và quý trọng. Làm thế nào để xã hội tránh được sự ích kỷ và hoảng loạn khi khủng hoảng xảy ra?
Thế kỷ 21, nhu cầu tự khẳng định mình dường như chính là đức tin và học thuyết cơ bản của con người: “sống theo luật bất thành văn của chính bản thân mình đặt ra”. Nhưng thứ nền tảng này không thể cứu chúng ta khi cái chết và bệnh tật bất chợt ập đến! Cảnh tượng xấu xí khi chúng ta chen chúc nhau mua nhu yếu phẩm nhất định không phải là hình ảnh đẹp của Cơ Đốc giáo.
Hình ảnh tình yêu bất chấp nguy hiểm
Giữa thời đại chủ nghĩa cá nhân cực đoan lên ngôi, Cơ Đốc giáo chứa đựng sức mạnh to lớn cho thời kỳ khủng hoảng. Đó là đức tin được rèn giũa không phải bởi sự thờ ơ của thế kỷ 21, mà là nhờ dòng huyết báu trên thập tự giá. Không phải nhờ một người nổi tiếng giàu có, mà là một Đấng Cứu Thế chịu đau đớn hy sinh.
Trải qua hàng thiên niên kỷ, qua sự bắt bớ, bệnh dịch, nạn đói và chiến tranh, sự hy sinh cứu rỗi của Chúa Jêsus, và mục đích chủ quyền của Đức Chúa Trời đã truyền cảm hứng cho cộng đồng Cơ Đốc, để đối phó với khủng hoảng không phải bằng năng lực bản thân, nhưng bằng sự hiệp một.
Trong Thế chiến II ở Pháp, khi người Do Thái bị trục xuất đến các trại tập trung của Đức Quốc xã, một phép lạ đã lặng lẽ diễn ra tại ngôi làng Les Chambons-sur-Lignon, Pháp. Bất chấp bản thân bị nguy hiểm, các Cơ Đốc nhân Huguenot đã thực hiện một chiến dịch vô cùng mạo hiểm để giúp hàng ngàn người Do Thái ẩn náu. Triết gia Richard Hallie nhớ lại cách mà mục sư André Trocmé tại Les Chambons thúc giục bầy chiên của mình thể hiện tình yêu vẹn toàn, đặt người khác làm trung tâm giống như Chúa Jêsus:
“Nghĩa vụ phi thường này không hề dễ dàng. . .” Trocmé bày tỏ với hội chúng trong nhà thờ. “Tình yêu họ đang bày tỏ không chỉ đơn giản là sự tôn sùng; hay một tình yêu thuần đạo đức, giữ cho bàn tay mình luôn sạch sẽ, cũng không phải tình yêu giấu kín hay tự cô lập mình khỏi cái ác. Nhưng đó là một tình yêu tích cực, bất chấp nguy nguy hiểm để giúp đỡ cho những người có nhu cầu.
Sự can đảm thầm lặng, rộng lượng của dân làng không phải là việc ngẫu nhiên trong đức tin Cơ Đốc. Phản ứng tập thể của họ đối với cái ác nói lên lòng biết ơn, vì Chúa Jêsus đã lìa thiên đàng vinh hiển để chết vì tội lỗi họ. Tình yêu bất chấp nguy hiểm của họ phản chiếu hình ảnh Chúa”.
Năm 1665, đại dịch hạch Luân Đôn đã tàn phá Đông Nam nước Anh, miền Bắc tương đối ổn cho đến một ngày tháng 9, khi làng Eyam nhận được một kiện vải bị nhiễm bọ chét. Nhận ra sự tàn phá sẽ xảy đến nếu dân làng bị nhiễm bệnh mang dịch hạch đến các thành phố lân cận, mục sư William Mompesson của Eyam kêu gọi tín đồ cách ly. Trong 14 tháng tuyệt vọng, một phần ba dân làng đã thiệt mạng, bao gồm cả bà mục sư Mompesson, nhưng hầu như không có bất kỳ ai rời khỏi biên giới làng. Bằng sự hy sinh ấy, họ đã ngăn chặn được sự mất mát thảm khốc hơn.
Những Cơ Đốc nhân đó không có chút ích kỷ hay mảy may lợi ích cá nhân. Thay vì dựa vào sức mạnh bản thân, họ đã đi theo bước chân Đấng Cứu Rỗi, giao phó mọi sự cho Đức Chúa Trời có thẩm quyền và đầy lòng yêu thương. Họ sống thể hiện lời Phao-lô viết trong Rô-ma 14: “Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa”.
4 chân lý
Trớ trêu thay, thời nay Tin Lành lại bị chỉ trích là trái đạo lý. Tuy nhiên, có 4 chân lý cần nhớ để ứng phó với cuộc khủng hoảng này bằng tình yêu thương:
– Có hy vọng giữa cơn thử thách, vì Chúa nắm chủ quyền vĩ đại đang làm việc vì lợi ích đời đời của chúng ta.
– Đối xử với người lân cận như chính bản thân mình, nhớ rằng tất cả chúng ta được tạo ra theo hình ảnh Chúa.
– Tha thứ và cầu nguyện cho người khác, ngay cả kẻ thù, vì chúng ta đã nhận sự tha thứ mà mình không đáng được nhận.
– Tin rằng bệnh tật và cái chết không có giá trị quyết định, vì Chúa Jêsus đã đắc thắng cõi chết.
Những chân lý này cho chúng ta nền tảng vững chắc để cùng nhau hiệp một đối phó với thời kỳ khủng hoảng giữa thời đại thế tục này. Chủ nghĩa nhân văn thế tục không đưa ra lý do tại sao mỗi cá nhân phải hy sinh vì lợi ích của người khác. Triết lý đạo đức tương đối không thể giải thích tại sao lòng hy sinh lại “đạo đức” hơn sự ích kỷ. Tại sao không gom hết tất cả giấy vệ sinh trong siêu thị? Tại sao không hắt hơi vào mặt hàng xóm bạn? Tại sao phải chịu rủi ro để giúp đỡ người mà bạn không quen biết?
Tất nhiên, không phải chỉ có Cơ Đốc nhân mới yêu thương và hy sinh. Nhưng không giống như người theo chủ nghĩa thế tục, đối với Cơ Đốc nhân, việc hành động ích kỷ và thiếu yêu thương sẽ chống lại nền tảng đức tin. Nếu Đấng Tạo Hóa đã hy sinh chết thế cho những kẻ tội lỗi như chúng ta, thì sau nhiều lần vấp ngã, sợ hãi và ăn năn, chúng ta phải tìm cách thể hiện tình yêu hy sinh như Ngài cho những người xung quanh.
Chúng ta không biết đại dịch coronavirus kêu gọi mình hy sinh điều gì. Chủ nghĩa anh hùng khiêm nhường của Cơ Đốc nhân tại Les Chambons và Eyam nghe sao xa lạ trong thế kỷ 21. Mặc dù chúng ta yếu đuối, nhưng dù là quá khứ hay ngày nay, kim chỉ nam vẫn chỉ duy nhất một hướng mà thôi: dẫn chúng ta theo bước chân Chúa Jêsus.
Chúng ta không phải là thần thánh
Khi cái chết và nỗi sợ hãi rình rập trái đất, cơn gió lạnh lẽo thổi qua những bức tường được xây dựng cẩn thận bởi bản sắc, sự giàu có và quyền hành, thì sức mạnh của nền tảng Cơ Đốc vững chắc được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Thế giới ghét Phúc âm trong mọi thời đại vì Phúc âm phơi bày sự dối trá, khi loài người nghĩ rằng mình là thần thánh, có thể xây dựng thiên đàng trên đất khi đủ thông minh hoặc làm việc đủ chăm chỉ.
Hy vọng duy nhất giữa sự sống và cái chết không nằm ở việc chúng ta có đủ giấy vệ sinh cho bốn tháng hay không?! Chỉ duy một hy vọng giúp chúng ta không chìm trong cám dỗ “tự lực cánh sinh”, nhưng biết tìm kiếm sự giúp đỡ và hiệp một nơi người khác. Đó không phải là một hy vọng mới, cũng không phải một hy vọng “thời thượng”, hay đúng đắn về mặt chính trị.
Hy vọng đó chính là kẻ thù của việc tự khẳng định bản thân, chủ nghĩa duy vật và những bức tường vang vọng cái tôi bản sắc. Nhưng như các Cơ Đốc nhân ở Rome, Eyam và Les Chambons-sur-Lyons trong cuộc khủng hoảng, đó là niềm hy vọng sẽ không bao giờ khiến chúng ta thất vọng, dù là nạn đói, chiến tranh hay bệnh dịch. Đó là niềm hy vọng trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Bài: Sam Keyes; dịch: Nhạn Võ
(nguồn: thegospelcoalition.org)