Gửi ai đó đang tranh chiến với… tự tử!

Oneway.vn – Bạn đã từng có ý định tự tử? Thực ra không chỉ mình bạn, vì 11 triệu người Mỹ thừa nhận họ đã từng nghĩ đến việc tự tử.

Là một nhà tâm lý học lâm sàng, tôi được chứng kiến ​​những phương diện nhạy cảm của mọi người. Trong khi thế giới nhìn nhận họ là những người thành công, tôi lại được tiếp xúc với những đặc tính ẩn giấu bên trong khách hàng của mình. Tôi hiểu sâu sắc về nỗi đau của họ.

Ý định tự tử sẽ dằn vặt bạn, ngay cả khi người khác tán dương bạn.

Tôi không biết rõ mức độ nghiêm trọng khi bạn vạch ra kế hoạch tự tử và thực hiện kế hoạch đó. Có lẽ đó chỉ là một suy nghĩ thoáng qua – “sẽ thật tuyệt vời nếu tôi ra đi phải không?” – và chỉ dừng lại ở đó. Cũng có thể bạn sẽ nán lại lâu hơn với ý định này, tưởng tượng mọi người sẽ phản ứng như thế nào khi tìm thấy thư tuyệt mệnh của bạn. 

Cũng có thể bạn sẽ tiến thêm một bước nữa và cố gắng kết thúc cuộc đời mình. 

Dù bạn đang ở đâu trên con đường này, tôi mong muốn được tâm tình với bạn, ngay tại đây. Tôi ao ước bạn mở lòng và lắng nghe. 

Hãy để tôi đi thẳng vào vấn đề: Tôi không muốn bạn ra đi.

Không phải vì tôi không thấu hiểu nỗi đau của bạn.

Nhưng vì cuộc sống bạn vô cùng quý giá.

Có thể bạn chán ngấy những gì tôi vừa nói. Tôi hiểu. Có lẽ cuộc sống bạn đã mất đi giá trị trong một thời gian dài, điều này sinh ra ý định tự tử của bạn.

Nhưng hãy để tôi chia sẻ lý do tại sao cuộc sống bạn xứng đáng được cứu.

Hãy cùng nhau xem xét một số suy nghĩ nảy ra trong tâm trí bạn, và lắng nghe những lời tâm tình tôi dành cho bạn:

“Nỗi đau không thể chịu đựng nổi”

Có thể người bạn yêu hơn cả mạng sống đã qua đời, hoặc bỏ rơi bạn theo một cách nào đó. Có thể bạn bị bắt nạt, bị bạo hành, bị cưỡng hiếp.

Có thể bạn đang chiến đấu với nỗi đau thể xác. Có thể bác sĩ chẩn đoán bạn mắc một căn bệnh hiểm nghèo, hay một tai nạn ập đến gây ra những cơn đau mãn tính. Bạn cảm thấy dường như không lối thoát.

Nỗi đau dày xéo sẽ không bao giờ kết thúc, và nó khiến cuộc sống bạn trở nên ngột ngạt.

Tôi hiểu cảm giác ấy. Kể từ khi cha tôi bất ngờ qua đời, một phần trong tôi mong mỏi được nhanh chóng đến thiên đàng – nơi cha đang ở – còn hơn là quằn quại trong đau đớn nơi đây.

Tuy nhiên, mặc dù tôi đồng cảm với khao khát sâu sắc này, nhưng tôi không lên kế hoạch hoặc có ý định làm hại bản thân.

Một số người đã làm điều ngược lại. Họ đã cố gắng tự sát nhưng vẫn sống sót. Họ quay sang giận dữ với Chúa vì không cho mình chết đi. Nhưng bây giờ họ đã thay đổi và muốn giúp đỡ người khác.

Bạn cũng có thể quyết định chọn tiếp tục sống.

Hãy cầu xin Đức Chúa Trời gia thêm ân điển giúp bạn vượt qua hoàn cảnh khó khăn (2 Cô-rinh-tô 12:9). Vì Ngài là An-pha và Ô-mê-ga (Khải Huyền 1:8, Khải Huyền 22:13), là Đầu Tiên và Cuối Cùng, nên bạn có thể cầu xin Ngài ban cho bạn một kết thúc tốt đẹp – vào thời điểm của Ngài.

Hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời ở gần người đau khổ (Thi-thiên 34:18). Ngài luôn mở tai để lắng nghe bạn (Thi thiên 34:15, 1 Phi-e-rơ 3:12).

“Tôi không muốn trở thành gánh nặng”

Nếu mục đích của bạn là giúp cho cuộc sống của những người thân yêu trở nên dễ dàng hơn, thì việc tự tử sẽ khiến bạn thất bại hoàn toàn. Bởi vì khi bạn ra đi, những người bị bỏ lại sẽ phải dằn vặt với cảm giác tội lỗi và xấu hổ dài lâu.

Đó chưa phải là tất cả. Nếu bạn tự tử, các thành viên khác trong gia đình có thể bắt chước bạn và tự sát trong tương lai. Gia đình Hemingways là minh chứng cho nguyên lý bi thảm này; bảy thành viên gia đình này đều tự tử, bao gồm cả Ernest – vị tiểu thuyết gia huyền thoại.

Tôi không biết tại sao bạn cho rằng mình là gánh nặng của gia đình (chắc chắn gia đình bạn sẽ phản đối kịch liệt). Bạn có thể cầu xin Chúa ban cho họ sức mạnh và ân điển để đối mặt với trách nhiệm của họ – cho dù trách nhiệm đó bao gồm cả bạn.

“Dù sao cũng chẳng ai cần, tôi chết cũng chẳng ai quan tâm”

Tôi rất tiếc nếu ý nghĩ này cứ quẩn quanh trong đầu bạn. Có lẽ bạn cảm thấy không được yêu thương vì mẹ nói rằng bạn là sai lầm lớn nhất cuộc đời bà; hoặc bà đã từng cố gắng phá thai khi có mang bạn, hoặc có ý định giao bạn cho người khác làm con nuôi. Cũng có thể bạn bị chính gia đình mình ngược đãi, hoặc có những người đã gieo cho bạn cảm giác bị ghét bỏ từ khi còn thơ ấu. 

Cảm giác không được yêu thương có thể giết chết chúng ta.

Nhưng sẽ ra sao nếu bạn suy xét ý nghĩ này theo một quan điểm mới? Thay vì hợp nhất với ý nghĩ này – như thể mọi phần trong bạn đều đồng ý rằng bạn xứng đáng phải chết – hãy xem ý tưởng này chỉ là một phần trong bạn. 

Liệu pháp Hệ thống gia đình nội bộ (IFS) giải thích rằng tâm thức chúng ta bao gồm nhiều phần.

Vậy thì, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nói với “phần bị chối bỏ” rằng bạn yêu thương nó? Giống như bạn không muốn cắt cụt ngón chân, chóp mũi hoặc bất kỳ bộ phận cơ thể nào, hãy giúp những phần bị từ chối trong tâm thức biết rằng bạn cần nó.

Có nhiều cách để giúp mọi phần trong chúng ta cảm thấy được yêu thương. 

“Cuộc sống quá khó khăn”

Tôi đồng ý. Nếu trước đây việc kiếm sống vốn đã khó khăn, thì đại dịch COVID còn khiến chuyện cơm áo gạo tiền chật vật hơn rất nhiều.

Nhưng vấn đề ở đây là: không ai xuất hiện trên trái đất một cách tình cờ. Có thể cha mẹ bạn không lên kế hoạch để sinh ra bạn, nhưng nếu bạn vẫn còn thở, thì đó là vì bàn tay Chúa đã đặt trên bạn ngay từ ngày đầu tiên.

Hãy xem xét cách Đức Chúa Trời dệt tế bào nhỏ bé của bạn thành một phôi thai, và chăm sóc bạn ngay từ lúc đó (Giê-rê-mi 1:5). Khi đến kỳ sinh nở, Đức Chúa Trời biệt riêng bạn từ trong lòng mẹ (Ga-la-ti 1:15). Ngài vốn đã yêu thương bạn ngay từ đầu (Thi thiên 22:10).

Khi bạn lớn lên, Ngài phái một thiên sứ đến để bảo vệ bạn (Ma-thi-ơ 18:10). Ngài ban những điều tốt đẹp cho tương lai bạn (Giê-rê-mi 29:11). Chúa quý trọng bạn đến nỗi, bất cứ khi nào bạn khóc, Ngài cất giữ những giọt nước mắt bạn như kho báu (Thi thiên 56:8).

Chúa đã hứa sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn bất kể điều gì xảy ra (Hê-bơ-rơ 13: 5).

Chúa đã nuôi dưỡng và bảo vệ bạn từ thuở ấu thơ. Ngài sẽ tiếp tục chăm sóc bạn vì Ngài không bao giờ thay đổi (Hê-bơ-rơ 13:8).

Nhưng bạn phải để cho Ngài làm điều đó.

Chờ đợi thời điểm của Chúa 

Hãy bày tỏ nhu cầu của bạn với Ngài. Hãy nói với Chúa rằng bạn đang giao mọi sự cho tay Ngài chăm sóc (Thi thiên 55:22, Thi thiên 62:8, Ma-thi-ơ 11:28, Phi-líp 4:6-7, 1 Phi-e-rơ 5:7).

Ngài là Đấng tạo ra bạn cách diệu kỳ (Thi thiên 139:13-14). Ngài cũng sẽ chịu trách nhiệm về hạnh phúc của bạn.

Nhưng xin hãy chờ đợi đến đúng thời điểm để Đức Chúa Trời đáp lại lời cầu nguyện của bạn. Tôi biết, không ai thích chờ đợi cả. Tôi hiểu chờ đợi mệt mỏi như thế nào. Nhưng tôi cũng biết rằng Chúa thường cứu giúp chúng ta thông qua những người xung quanh. Để đáp lời cầu nguyện tha thiết của bạn, Chúa có thể cho một người hàng xóm đến thăm. Hoặc Ngài có thể cho một người bạn ở xa gửi quà cho bạn qua bưu điện. Chúa có thể sử dụng mọi người qua muôn vàn cách thức để chứng minh rằng bạn là người quan trọng.

Nhưng vì con người thường “chậm tin” (Lu-ca 24:25) và chậm phản ứng với tiếng Ngài thúc giục, nên chúng ta phải học cách chờ đợi câu trả lời.

Điều đó có nghĩa là trong thời gian chờ đợi, bạn đừng tự tử.

Bạn có đồng ý cùng tôi chờ đợi câu trả lời của Chúa không?

Cuối cùng, “Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái thương ngươi và ban bình an cho ngươi!” (Dân số ký 6:24-26).

Và bạn hãy mở lòng để Ngài làm điều đó cho bạn. 

Bài: Dr. Audrey Davidheiser; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: crosswalk.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *