Oneway.vn – Nhiều Cơ Đốc nhân đã tranh đấu với khái niệm “bắt chước” trong những thập kỷ qua.
Phần lớn các Hội thánh Mỹ nói về Chúa Jêsus như một ví dụ tốt đẹp, kiểu người có tình yêu và tính cách nên được bắt chước. Về phần còn lại, một số nhà truyền giáo bảo thủ đã phản ứng bằng cách tránh hoặc thậm chí chê bai sự “bắt chước”.
Kế hoạch ăn uống của Đa-ni-ên là hình mẫu cho các nhà truyền giáo, Chúa Jêsus là gương mẫu cho những người lãnh đạo…
Tôi nhớ có lần chúng tôi đã đi diễu hành quanh nhà thờ bảy lần để cầu nguyện xin Chúa giải quyết vấn đề thoát nước. Ban lãnh đạo Hội thánh đã lấy cảm hứng từ sách Giô-suê và Hê-bơ-rơ 11:30. Chúng tôi cố gắng bắt chước các nhân vật Kinh Thánh, hy vọng rằng mình sẽ đạt được thành công như họ.
Dành cho những người bối rối, lo lắng về việc “bắt chước”, ba chương cuối của Hê-bơ-rơ (Hê 11-13) là cẩm nang ngắn gọn về đức tin, sự vâng lời và bắt chước Chúa Jêsus cùng các thánh đồ. Hãy cùng xem xét hai tính chất quan trọng giúp chúng ta “bắt chước” đúng cách.
1. Kinh Thánh định nghĩa “bắt chước”
Sự nhầm lẫn thường phát sinh khi chúng ta định nghĩa “bắt chước” trong phạm vi quá hẹp.
Với những người sống trong thời đại nhân bản và sao chép, khó có thể nắm bắt được điều này, nhưng sự bắt chước trong Kinh Thánh hiếm khi nào là những sự việc trùng lặp y hệt nhau. Khi Phao-lô nói với những người Cô-rinh-tô: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (1 Cô-rinh-tô 11:1), ông không có ý kêu gọi họ bắt chước y hệt như 12 môn đồ, hoặc nói tiếng Aramaic (hoặc diễu hành quanh nhà thờ bảy lần). Thay vào đó, ông đang kêu gọi họ sống hy sinh, phản chiếu hình ảnh thập tự giá.
Nếu chúng ta tìm hiểu Hê-bơ-rơ 11 trong bối cảnh văn học của nó, thì thông điệp của phần đoạn này chính xác là như vậy. Tác giả không trông đợi độc giả của mình bị đóng đinh như Chúa Jêsus, ông cũng không kêu gọi họ chinh phục Ca-na-an hoặc giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến. Thay vào đó, ông muốn độc giả làm việc lành và chịu đựng (Hê-bơ-rơ 12: 4; 13:1-25).
Những gì các anh hùng đã mất vì đức tin và sự vâng lời của họ được nhấn mạnh đặc biệt mạnh mẽ. Mặc dù có một số thành công ấn tượng, họ cũng mang những mất mát kéo dài qua nhiều thế kỷ tạo: cuộc sống, gia đình, đất đai, quyền thừa kế, sức khỏe, thịnh vượng, địa vị xã hội và danh tiếng. Các anh hùng đức tin trong Cựu Ước đã từ bỏ chính họ và mang thập tự giá mình giống như chúng ta bắt buộc phải làm (Mác 8:34), do đó họ rất đáng để suy ngẫm và bắt chước.
Như Hê-bơ-rơ 13: 7 gợi ý, việc bắt chước đức tin phải thật chính xác. Nhưng khi nói đến hành vi, chúng ta dễ bắt chước Chúa Jêsus và các thánh đồ hơn bằng cách phản ánh và sáng tạo theo các hình mẫu tin kính của họ. Trong cả Cựu ước và Tân ước, các thánh đồ không hề lặp lại chính xác những hành động của Chúa Jêsus. Nhưng trong cả hai thời đại, cuộc sống của họ đều phản ánh hình mẫu thập tự giá.
2. Đức tin là động lực để bắt chước
Với điệp từ “bởi đức tin”, tác giả cho chúng ta thấy bối cảnh thần học của sự bắt chước trong chương 11 (xem thêm Hê-bơ-rơ 13:7).
Charles Drew lưu ý rằng những kiến thức hạn chế của người xưa cũng không thể ngăn họ tìm đến cùng một Đấng Cứu Thế mà chúng ta tin tưởng. Điều này đúng, mặc dù chúng ta được mặc khải đầy đủ hơn về thập tự giá và sự phục sinh.
“Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1).
“Vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6), đó là điểm khởi đầu và bối cảnh cho một cuộc sống trung thành vượt mọi thời đại.
Cựu Ước dạy rằng đức tin là nền tảng của mọi công việc, ngay cả khi chúng ta đang cố gắng bắt chước Chúa Jêsus. Đây là lý do tại sao bắt chước theo hình thức lại thất bại.
Nhưng hành động cũng quan trọng không kém. Sách Hê-bơ-rơ liên tục kết hợp đức tin và sự vâng lời (không tin và không vâng lời) cho thấy đức tin và hành động phải đi đôi với nhau (Hê-bơ-rơ 3:18,19; 4:2,6; 5:9,39). Các nhân vật trong Hê-bơ-rơ 11 là ông tổ đức tin, và cũng là ông tổ việc lành. Cũng vậy, họ là ông tổ việc lành bởi vì họ là anh hùng đức tin thực sự.
Trong Hê-bơ-rơ, Gia-cơ và phần còn lại của Tân Ước, đức tin thật không bao giờ bất động, mà luôn hành động.
Như Luther đã nói: “Đức tin là một thực thể sống, bận rộn, năng động, mạnh mẽ. . . Đức tin không hỏi rằng liệu việc lành có thể thực hiện được hay không, nhưng trước khi hỏi, đức tin đã làm và liên tục làm việc lành. Cho dù nhiệm vụ là đóng một chiếc tàu, dâng hiến con trai duy nhất, giấu các thám tử hay chinh phục Ca-na-an, những việc lành đã luôn đầy dẫy bởi đức tin.
Danh sách các anh hùng đức tin cho chúng ta thấy rằng đức tin sống động, tin cậy hoàn toàn vào ân điển Chúa, vững chắc gắn bó mãi mãi với cuộc đời mỗi tín đồ.
Xuyên suốt lịch sử Y-sơ-ra-ên, những người nam và người nữ đầy dẫy đức tin đã dám đặt cả cuộc sống họ để tin cậy rằng những lời hứa Chúa sẽ trở thành sự thật. Kết quả là, những lời hứa ấy đã được hoàn thành cho họ. Họ từ bỏ thần tượng. Họ đã chết hoặc có nguy cơ phải chết, nhưng vẫn chọn trung thành với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hơn là các vị thần của đất nước họ. Họ mong muốn được thừa kế sản nghiệp tốt hơn những gì thuộc về thế gian.
Chúa Jêsus là hình mẫu hoàn hảo cho đức tin không trọn vẹn của họ. Lòng tin của Ngài vào Đức Chúa Cha cho thấy chúng ta nên đối mặt như con cái đầy dẫy đức tin nào bất cứ khi nào đối diện với đau khổ (Hê-bơ-rơ 12:1-11).
Bạn được kêu gọi dự phần cuộc sống của mình sự thánh khiết Chúa, và tin cậy hoàn toàn rằng Ngài sẽ giữ lời hứa, như Chúa Jêsus và các anh hùng đức tin trong Cựu Ước đã làm.
Ví dụ Kinh Thánh
Hê-bơ-rơ 11 kêu gọi chúng ta phải hiểu đúng về “bắt chước”, nhắc nhở đức tin rằng Chúa sẽ giữ lời hứa Ngài chính là nền tảng thiết yếu để “bắt chước”.
Một cuộc đời trung thành đòi hỏi đức tin và sự thánh khiết. Hê-bơ-rơ 11 cho biết nếu chúng ta không xem các tín đồ trong Cựu Ước là khuôn mẫu của đức tin và sự vâng phục, thì chúng ta đã tự mình cướp đi một điều quý giá trong hành trình môn đồ hóa.
Có lẽ tác giả liệt kê danh sách anh hùng đức tin để nói rằng: “Đây là những chứng nhân tuyệt vời để bắt chước”.
Bài: Jason Hood; Dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition)