Hãy dạy con cái tấm lòng rộng rãi

Oneway.vn – Là người yêu mến Chúa, cha mẹ nào cũng muốn dạy con cái mình có tấm lòng rộng rãi.

Tất cả chúng ta đều muốn con cái mình có lòng rộng rãi. Nhưng đang khi làm việc tại nhà với các con tôi, cố hoàn tất bài tập về nhà của chúng, và kịp giặt hàng núi đồ, thì thật khó để tìm ra thời gian và không gian mà tập trung vào những điều quan trọng nhất. 

Tôi hiểu chuyện đó. Nhưng tin mừng là: Dạy con cái bạn có lòng rộng rãi không nhất thiết phải là điều gì đó quá công phu hay cầu kỳ. Bạn chỉ đơn giản cho chúng thấy lòng rộng rãi trông như thế nào qua đời sống của chính bạn. Đó là những gì tôi đã tìm ra được.

Tấm lòng rộng rãi là gì?

Trước tiên, hãy xác định rộng rãi là gì. Bạn có thể, thậm chí là nhờ con cái của bạn tạo ra một định nghĩa cho gia đình bạn. Tôi có thể nói rằng rộng rãi là hành động ban cho hơn cả mong đợi, thường là thời gian hoặc tiền bạc. Nó chỉ đơn giản là thể hiện lòng tốt với người khác. Giống như cách con trẻ được dạy để biết chia sẻ, đi và đọc, chúng cũng có thể được dạy để trở nên rộng rãi.

Bạn có bao giờ để ý rằng con trẻ bắt chước trong vô thức điều gì đó mà cha mẹ chúng làm không? Bạn yêu thích gì, chúng cũng có xu hướng yêu thích cái đó. Điều bạn làm, chúng làm theo. Điều bạn nói, chúng nói theo. Vậy nên, nếu bạn sống một đời sống rộng rãi, luôn nghĩ đến người khác, con cái của bạn cũng sẽ học được cách làm như vậy.

Rộng rãi là tin rằng luôn có đủ để chia sẻ, bất kể bạn đang có bao nhiêu.

Rộng rãi không liên quan đến giàu hay nghèo; mà đó là một tình trạng của tấm lòng. Tôi tin rằng luôn có đủ để chia sẻ, bất kể bạn đang có bao nhiêu.

Tôi lớn lên trong một gia đình không đủ sống, nhưng tôi vẫn nhớ cha mẹ tôi đã dạy tôi về bốn loại tiền. Khi tôi lên 5, bố mẹ đã cho tôi bốn hộp nhựa khác nhau để bỏ tiền tiêu vặt vào: phần mười, tiết kiệm, ban cho và chi tiêu.

Khi tôi 10 tuổi, cha mẹ tôi giải thích số tiền họ chi tiêu hàng tháng cho các mặt hàng tạp hóa và tiêu dùng của gia đình, cũng như lượng tiền hoặc thời gian họ quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương. Họ đã dạy tôi rằng khi được trả lương, họ luôn dâng 10 phần trăm cho hội thánh địa phương trước. Khi dạy tôi như vậy, tôi không chỉ học được điều họ xem trọng là gì mà còn biết được tại sao nó quan trọng nữa.

Sau đây là ba câu hỏi bạn có thể hỏi con cái mình để giúp chúng có lòng rộng rãi:

1. Đức Chúa Trời đã rộng rãi với con như thế nào? 

Những điều nào là quà tặng của Đức Chúa Trời mà bạn có thể giúp con cái mình nhận ra? Có thể đó là một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè yêu thương chúng, chúng được tha thứ khi phạm lỗi, một ngôi nhà ấm cúng, nước sinh hoạt hoặc thậm chí là món đồ chơi yêu thích của chúng. 

Đức Chúa Trời rất rộng rãi với chúng ta! (Xem Gia-cơ 1:17, Ê-phê-sô 1:3, Giăng 3:16 và Ma-thi-ơ 6:30-33).

2. Khi ai đó cho con điều gì, con cảm thấy thế nào? 

Như cách chúng ta thích nhận những món quà ý nghĩa, chúng ta cũng hãy tìm cơ hội chia sẻ những gì chúng ta có với người khác như vậy! Chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có bởi vì Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta trước.

Chớ quên làm việc lành và chia sẻ cho người khác, vì các tế lễ như thế làm hài lòng Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 13:16

3. Khi con ban cho ai điều gì đó, con cảm thấy thế nào? 

Hãy kết nối hành động ban cho với lý do chúng ta ban cho. Ban cho rất vui, và Đức Chúa Trời hài lòng khi chúng ta yêu người khác như cách Ngài đã yêu chúng ta!

Mỗi người hãy theo lòng mình đã định mà dâng hiến, không dâng một cách miễn cưỡng hoặc bị cưỡng ép, vì Ðức Chúa Trời yêu người dâng hiến cách vui lòng. II Cô-rinh-tô 9:7 (BD2011)

Khi con trẻ hiểu được những gì Chúa đã ban cho chúng, thì niềm vui khi được ban tặng sẽ ngập tràn trong lòng chúng.

Hãy để con bạn bắt đầu tập tính rộng rãi. Có thể chúng sẽ hỏi hàng xóm hoặc bạn bè cho chúng phụ giúp công việc nhà. Có thể chúng sẽ muốn mua tặng ai đó một món quà nhỏ nhân dịp sinh nhật, hoặc có thể chúng muốn phụ Bà hoặc Ông xách túi vào nhà khi họ đến thăm. Đây đều là những món quà của lòng rộng rãi. Và khi con trẻ hiểu được những gì Chúa đã ban cho chúng, thì niềm vui khi được ban tặng cho người khác sẽ ngập tràn trong lòng chúng!

Mới đây, con trai 9 tuổi của tôi đang chơi với bạn tại nhà của chúng tôi. Cháu có một bộ sưu tập Legos đồ sộ, và người bạn qua chơi thì chỉ có rất ít. Sau khi bạn cháu về, cháu nói, “Mẹ ơi, bạn của con không có nhiều Legos lắm. Con chưa từng biết mình có từng ấy cho đến hôm nay, nhưng có chúng con thấy mình rất giàu có. Có ổn không nếu con dành số tiền Giáng sinh của con để mua cho bạn một bộ Lego mà bạn muốn, rồi gửi đến nhà bạn như một bất ngờ? Con nghĩ bạn sẽ rất thích!”

Đó không phải là điều tôi gợi ý cho con trai tôi, nhưng sau nhiều năm thực hành và nhiều cuộc trò chuyện về cách mà gia đình chúng tôi luôn nghĩ về người khác, cháu đã không thể chờ để ban tặng! Dạy con cái bạn có lòng rộng rãi có lẽ sẽ không xảy ra một sớm một chiều. Nhưng khi bạn tạo thói quen nói và làm gương về nó, bài học sẽ còn đọng lại mãi.

Hãy nhớ rằng ban cho là một tình trạng của tấm lòng, và trước hết lý do mà chúng ta ban cho là vì Chúa đã ban cho chúng ta hết mọi điều. Vì Ngài đã ban cho trước, nên chúng ta có thể ban cho với tấm lòng vui mừng!

Bài: Michelle Meisner; dịch: Tiểu Nguyên

(Nguồn: finds.life.church)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *