Hãy khích lệ, đừng tâng bốc!

Oneway.vn – Trong một thành phố nơi mọi người đều là thành viên Hội Thánh, thật khó nhận biết ai là môn đồ thực sự. Mọi người đều tốt, nhưng liệu họ đã được dựng nên mới? Và ngay cả khi một người đã được nên dựng mới, việc “lịch sự” thái quá sẽ cản trở quá trình thánh hóa của chúng ta.
Chỉ tốt bụng đơn thuần

Một sáng Chúa nhật, tôi được mời đến giảng thay cho một người bạn. Tôi mơ hồ nhớ mình bước xuống từ bục giảng, gấp bản thảo bài giảng trong tay và ngã sụp xuống ghế. Tôi vừa giảng xong bài giảng tồi tệ nhất trong 2.000 năm lịch sử Hội Thánh. Và ngay lúc đó, vài người đi ngang qua và nói: “Cảm ơn! Ông giảng thật hay.”

Sự thật là tôi không hề giảng hay.

Tôi biết Chúa vẫn có thể sử dụng những bài giảng tệ. Nhưng tôi muốn nói rằng việc tôi làm hôm đó không hề tuyệt vời. Thậm chí không hề ổn.

Trải nghiệm đó khiến tôi băn khoăn. Làm sao tôi có thể rút kinh nghiệm cho việc giảng dạy của mình nếu không ai chịu nhìn thẳng vào mắt tôi và cho tôi biết sự thật? Dù bài giảng của bạn tồi tệ đến mức nào, luôn có những người sẵn sàng dành cho bạn nụ cười yêu thương, nói rằng bạn đã làm thật tốt và cảm ơn vì bài giảng của bạn. Những lời khen ngợi ấy đến từ những con người tốt bụng đầy ấm áp, tình yêu và cảm thông. Nhưng liệu điều đó có luôn tốt?

Tôi cho rằng không.

Vài năm sau, khi tôi đang ngồi trong tư thất mục sư mới của mình ở Washington, D.C., một nhóm tín đồ họp lại vào tối Chúa nhật để thảo luận về hoạt động mục vụ của Hội Thánh trong cả tuần và tìm cách cải thiện. Đây được gọi là buổi lượng giá hoạt động, và lần đầu tiên tôi thấy được sự khác biệt giữa việc khích lệ với việc chỉ tốt bụng đơn thuần. Tâng bốc và khích lệ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vì khích lệ là tin kính, nhưng tâng bốc là tội lỗi.


Tâng bốc và khích lệ

Tâng bốc là khen ngợi quá mức và không thành thật, để đạt được lợi ích riêng cho một cá nhân. Phần lớn những gì được gọi là “khích lệ” trong Hội Thánh ngày nay chính là là sự tâng bốc trá hình. Mặc dù đôi khi tâng bốc không phải vì lợi ích cá nhân, nhưng đôi khi chúng ta “tích cực” đến mức thái quá và không thành thật.

Nói theo Kinh Thánh, khích lệ không bao giờ quá mức; nó luôn chính xác. Không bao giờ giả dối; nó luôn xuất phát từ tấm lòng. Lần đầu tiên tôi thấy được điều này trong cuộc họp lượng giá. Giáo viên Trường Chúa nhật sẽ nhận được phản hồi (có cả phê bình và khuyến khích), và các phản hồi tích cực luôn cụ thể và rõ ràng. Không bao giờ có chuyện “Anh đã làm rất tốt. Cảm ơn anh”. Nhưng sẽ là: “Tôi nghĩ phương pháp dùng hình minh họa của anh hôm nay rất tốt. Vì thế hãy tiếp tục áp dụng nó vào bài học của anh. Nhà Chúa đã thực sự được xây dựng lớn mạnh thêm nhờ chương trình dạy của anh hôm nay”.


Hãy “bỏ túi” định nghĩa này

Định nghĩa sự khích lệ: Khích lệ là chỉ cho người khác thấy ân điển Chúa trong cuộc sống họ.

Trong Công vụ 11, Lu-ca kể về công việc vĩ đại của Chúa tại Antioch/An-ti-ốt. Nhiều người đã hướng về Đấng Christ và được cứu. Khi nhà hội ở Jerusalem nghe về điều đó, họ đã gửi Ba-na-ba đến làm tai mắt cho họ: Khi người đến nơi và thấy ơn Đức Chúa Trời bèn vui mừng và khuyên mọi người phải cứ vững lòng theo Chúa (câu 23).

Bạn có thấy không? Ba-na-ba đã thấy ân điển Chúa; ông phấn khởi; sau đó ông nói với mọi người về ân điển ấy. “Tôi thấy bàn tay Chúa hành động nơi đây”, ông nói. “Hãy cứ vững lòng đi!”

Bạn thân mến, đó chính là sự khích lệ.

Đừng chỉ đơn thuần tốt bụng với nhau mà thôi. Hãy tìm kiếm bằng chứng thật của ân điển Chúa trong đời sống người xung quanh và chính bạn, sau đó công bố ân điển ấy với tất cả mọi người.

 

Bài: Sean DeMars, dịch: Lolita

(Nguồn: Thegospelcoalition.org)

 

 

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *