“Hãy sống với nhau cách nhân từ”

Oneway.vn – Nhân từ là điều căn bản thứ hai mà Chúa muốn thấy trong chúng ta (Mi-chê 6:8b). Nhân từ tiến xa hơn công bình một bước và bổ khuyết cho điều công bình.

Người công bình chỉ cho người khác những gì họ đáng được hưởng: Ơn đền, nghĩa trả phân minh, thương người đáng thương, quý người đáng quý. Đây là cách đối xử sòng phẳng, cách yêu thương có điều kiện, có tiêu chuẩn. Cách đối xử và tình thương này là cần thiết, chính đáng. 

Là Cơ Đốc nhân, Chúa muốn chúng ta không dừng lại ở chỗ sống cuộc đời công bình, mà phải sống nhân từ, đối đãi tử tế với người không xứng đáng.

Tại sao chúng ta phải sống nhân từ?

1. Vì đây là mạng lệnh Chúa truyền

“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:32)

2. Vì Đức Chúa Trời là Đấng đầy lòng nhân từ

Thi-thiên 103:8-9 mô tả phẩm chất của Chúa, “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.”

Đức Chúa Trời Thánh khiết đã thể hiện phẩm chất nhân từ của Ngài qua công cuộc cứu rỗi, Ngài không hình phạt con người theo tội lỗi họ. Loài người đáng lẽ phải bị xử theo luật công chính của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã ban Con Một là Chúa Cứu Thế Jesus xuông thế gian gánh thay tội lỗi và chịu chết trên thập tự giá thay cho con người.

Vì vậy, trong phạm vi gia đình, Hội thánh, chúng ta cần lấy lòng nhân từ Chúa cho mà chấp nhận, tha thứ, gây dựng, giúp đỡ nhau. Có vậy gia đình mới êm thấm, Hội thánh mới được phước. Còn nếu chúng ta cứ mãi xét đoán nhau, cứ mãi “vạch lá tìm sâu” thì chắc chắnđiều nhận được chỉ thấy giận hờn, cay đắng, đánh mất phước hạnh Chúa ban.

3. Vì đó là bản chất của con cái Đức Chúa Trời

Trong Cô-lô-se đoạn 3, sứ đồ Phao-lô dạy chúng ta một điều rất quan trọng về sự sống lại. Ngoài việc Chúa Jesus đã sống lại từ kẻ chết và trong tương lai, thân thể của người tin Chúa cũng sẽ được sống lại, thể xác được biến hoá hiệp với linh hồn để lên không trung gặp Chúa. 

Khi đặt đức tin nơi công lao cứu chuộc của Chúa Jesus, chúng ta trở thành tạo vật mới, chết con người cũ, từ bỏ những việc làm của xác thịt như: Tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam (câu 5), thạnh nộ, buồn giận và hung ác, nói hành, nói tục, nói dối (câu 8,9) và mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn.” (câu 5, 8-10). Đó là nếp sống của người được sống lại với Đấng Christ, người ấy sẽ thể hiện lòng thương xót và sự nhân từ của Đức Chúa Trời qua sự khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nhường nhịn, tha thứ, và yêu thương. (câu.12-14)

Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ như: “Giúp đỡ người thiếu thốn” (Ê-phê-sô 4:28), “thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ” (Gia-cơ 1:27), “an ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14), “mang lấy gánh nặng cho nhau” (Ga-la-ti 6:2), “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15),…

Khi chúng ta đối xử với nhau bằng sự nhân từ, hành động này sẽ biến đổi đời sống người khác, ngay cả đối với những người có ý làm hại chúng ta. Vì sao? Vì chính lòng nhân từ sẽ khiến họ tự hổ thẹn, và cho họ thấy hành động sai trật. Đức Chúa Trời sẽ khiến họ chịu trách nhiệm về những hành động sai mà chúng ta không cần can thiệp vào.

Sứ đồ Phao-lô cũng chỉ cho chúng ta cách để thắng điều ác qua việc làm điều thiện: “Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác, nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:15)

Vì vậy, khi suy nghĩ về sự nhân từ lớn lao mà Chúa dành cho mình, hãy noi gương Ngài và sống một cuộc đời bày tỏ lòng nhân từ với bất kỳ ai bạn gặp gỡ, trò chuyện. Chính điều này sẽ đưa nhiều người đến với Chúa, Hội Thánh được gây dựng và cuộc đời chúng ta được phước. 

Tabitha Lê

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *