Học cách lắng nghe tiếng Chúa

Oneway.vn – Bạn cần tập trung vào việc phát triển tâm linh để có thể nghe tiếng Chúa rõ ràng hơn.

Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về khả năng lắng nghe tiếng Chúa của mình (Giăng 10:27), hãy làm những điều sau:

  1. Nán lại với Chúa

Giăng Báp-tít “sống nơi hoang mạc cho đến ngày xuất hiện trước dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 1:80). 

Giăng là một đứa con của phép lạ, cha mẹ ông đã phải chịu đựng những năm tháng hiếm muộn dài đằng đẵng (Lu-ca 1:7) và vô số lời cầu nguyện dâng lên Chúa (Lu-ca 1:13). 

Nếu cha mẹ ông vẫn còn sống khi ông quyết định đi đến hoang mạc, chắc chắn mẹ ông là Ê-li-sa-bét sẽ phản đối, đơn giản vì bà nhớ đứa con trai duy nhất của mình! Chắc chắn, cha mẹ Giăng đã biết rõ về sứ mệnh cuộc đời ông (Lu-ca 1: 76-79), nhưng bất cứ người mẹ hiếm muộn nào cũng sẽ không sẵn lòng rời xa đứa con quý giá của mình. 

Điều đó có nghĩa là: khi Giăng Báp-tít chuyển đến hoang mạc, ông không chỉ hy sinh sự thoải mái của bản thân, mà còn khiến cha mẹ ông đau buồn.

Như thể đáp lại những suy nghĩ riêng tư của tôi, Đức Thánh Linh đã khẳng định quyết định của Giăng: “Hãy làm những gì Giăng đã làm nếu như con muốn lắng nghe tiếng Ta”.

Điều đó không có nghĩa là Chúa bảo tôi thu dọn đồ đạc và chuyển ra bãi biển hoang sơ để nghe tiếng Ngài rõ hơn. Nhưng Ngài muốn chúng ta dành thời gian lặng giữa những thói quen hàng ngày, bao gồm cả việc gác lại những điều mà chúng ta muốn làm (Ma-thi-ơ 10:39, Ma-thi-ơ 16: 24-25), để có thể nán lại trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời và học cách tương giao với Ngài (1 Giăng 1:3).

  1. Giám sát tâm hồn bạn

Là một nhà tâm lý học, tôi phải giám sát chính tâm hồn mình trước tiên. Cơ bản là, thầy thuốc phải tự chữa lành mình (Lu-ca 4:23). Nếu tôi không quen thuộc với thế giới nội tâm của chính mình, thì làm sao người khác dám để tôi làm việc với nội tâm của họ? Đó là lý do tôi đọc ngấu nghiến những cuốn sách tâm lý học. Tôi lắng nghe tâm hồn mình và nhu cầu của nó. Tôi phải nhận thức rõ những gì tâm hồn tôi khao khát.

Có vô số sở thích và thú vui để làm thỏa mãn tâm hồn bạn. Tuy nhiên, theo Truyền đạo 5:10, mọi thứ đều là hư không. Không gì có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của tâm hồn chúng ta.

Để cho linh hồn mình ham mê quá nhiều sở thích sẽ ngăn cản chúng ta lắng nghe tiếng Chúa. Bởi vì linh hồn được thiết kế để “hấp thụ” và “tiêu hóa” những gì chúng ta cung cấp cho nó; nghĩa là bất cứ điều gì chúng ta chú ý đến sẽ chiếm trọn tâm trí chúng ta. 

Chẳng hạn, càng dành nhiều thời gian cho phim ảnh, tâm trí chúng ta sẽ càng phân tích, hồi tưởng và suy ngẫm về bộ phim đó.

Làm sao có thể nghe thấy Chúa khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cho việc làm thỏa mãn linh hồn mình?

  1. Đừng che giấu tội lỗi 

Sự hiện diện của tội lỗi làm tắc nghẽn đôi tai thuộc linh của chúng ta. “Nếu lòng tôi xu hướng về điều ác, Chúa chẳng nghe tôi đâu” (Thi thiên 66:18), và tôi cũng sẽ không nghe rõ Lời Ngài.

Vui đùa với tội lỗi khiến bạn khó mà nghe được tiếng Chúa. Bởi vì linh hồn vốn đã khá ồn ào. Và khi chúng ta thêm tội lỗi vào bản chất ồn ào vốn có của linh hồn mình, thì việc nghe thấy tiếng Chúa thật sự rất khó khăn. Giả sử bạn tức giận một ai đó, và cơn giận này kéo dài hơn một ngày – giới hạn mà Kinh thánh đặt ra cho sự tức giận (Ê-phê-sô 4:26) — thì việc chứa đựng cảm xúc như vậy chính là tội lỗi. Chúng ta biết rằng “cơn giận như nước vỡ bờ” (Châm ngôn 27:4), mạnh mẽ và không ngừng. 

Với quá nhiều tiếng ồn bên trong, việc nghe được tiếng Chúa sẽ là một thách thức lớn, mà Ngài lại thường nói bằng lời thì thầm nhẹ nhàng (1 Các Vua 19:12)!

  1. Chữa lành tổn thương quá khứ

Một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra với cuộc đời bạn? Nếu có, thì bạn chính là một người sống sót sau chấn thương.

Chấn thương rạch nát tâm hồn. Nó làm suy yếu sức khỏe tinh thần và làm sai lệch cách chúng ta nhìn người khác – đặc biệt nếu chấn thương đó là do con người gây ra. Tuy nhiên, hậu quả khủng khiếp nhất của chấn thương tâm lý là sự rạn nứt đức tin. Như các chuyên gia giải thích: “Chấn thương làm lung lay nền tảng đức tin tâm linh của những người sống sót” (Gingrich).

Nếu những trải nghiệm cay đắng đã làm quá khứ của bạn trở nên chua chát, thì rất có thể bạn đã quy trách nhiệm cho Đức Chúa Trời:

Tại sao Ngài lại để con tôi chết?

Tại sao Ngài để chồng tôi lừa dối tôi?

Tại sao Ngài không cứu gia đình tôi khỏi cơn lốc xoáy?

Nếu lòng bạn đã hỏi những câu hỏi tương tự như vậy, thì những chấn thương của bạn vẫn chưa được chữa lành. Nếu đúng như vậy, không có gì phải xấu hổ, hãy tìm kiếm ngay sự giúp đỡ. 

“Vậy bây giờ, những ai ở trong Đấng Christ Jêsus sẽ không bị kết tội nữa” (Rô-ma 8:1). 

Có những mục sư, mục vụ, và những nhà trị liệu Cơ Đốc sẵn sàng giúp linh hồn bạn phục hồi sau những chấn thương. Và vì tình trạng tâm lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tâm linh, nên việc vượt qua chấn thương sẽ là một bước tuyệt vời để bạn sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa.

Đây không phải là một quá trình quá sức bạn đâu. Hãy bắt đầu với việc cầu xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn, và bắt đầu hành động ngay những bước đầu tiên.

Nếu bạn nản lòng đâu đó trên đường đi, hãy củng cố quyết tâm bằng cách nhìn lại lợi ích của việc nhạy bén lắng nghe Chúa: không chỉ cho bản thân bạn mà còn cả những người xung quanh bạn.

Nếu bạn học cách lắng nghe tiếng Chúa cách riêng tư, kỹ năng tương tự sẽ lan truyền từ bạn đến khắp xung quanh, và mang lại phước hạnh cho nhiều người khác.

Bài: Dr. Audrey Davidheiser; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: crosswalk.com)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *