Hội Thánh có thể học gì từ… Disneyland?

Oneway.vn – Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Nhưng trước khi bạn dán nhãn tôi là một kẻ dị giáo, khi cho rằng Hội Thánh Chúa có thể học được điều gì từ một công ty giải trí không liên quan gì tới Cơ Đốc nhân? Xin hãy lắng nghe tôi!

Chồng tôi là Mục sư, có nghĩa con gái chúng tôi lớn lên trong nhà thờ. Con bé được làm việc gần 4 năm qua cho Walt Disney, và là người hướng dẫn thờ phượng trong Hội Thánh chúng tôi. Các câu chuyện và thông tin mà con bé mang về liên quan đến việc đào tạo và dịch vụ khách hàng của công ty đã mang đến nhiều cuộc thảo luận tuyệt vời trong gia đình chúng tôi về Cơ Đốc giáo, về văn hóa Hội Thánh, buộc tôi phải chia sẻ với bạn một số điều, những bài học mà tôi thu được từ các cuộc thảo luận của chúng tôi quanh bàn ăn tối.

Cứ cho là một số điều của Disney không thể áp dụng trong Hội Thánh, thậm chí có thể khiến bạn sai lối. Nhưng thực tế Disneyland ở California (và Disneyland khắp thế giới) là nơi hầu hết mọi người đều muốn đến nhiều lần. Điều gì xảy ra nếu mọi người phải xếp hàng để được bước vào Hội Thánh bạn? Tôi sẽ không bao giờ đề nghị bất kỳ Hội Thánh nào thỏa hiệp với các tiêu chuẩn của Disney. Nhưng đây là một số bài học về hệ phương pháp mà Hội Thánh có thể học hỏi từ họ:

1/ Đối xử “thảm đỏ” với những vị khách đến lần đầu

Đừng dán ruy băng đỏ cho những người lần đầu đến Hội Thánh nữa! Bởi nó khiến họ cảm thấy mất tự nhiên. Hầu hết khách mới thích ngồi những dãy ghế sau, để họ có thể ra về sớm mà không cảm thấy “căng thẳng”, cho nên bạn đừng cố thúc đẩy, bắt ép họ phải lên hàng ghế trên.

Vì một lý do nào đó, những người đến Disney lần đầu đều thích mang khuy cài “First Visit”, nhưng liệu đó có phải là cách để họ được đối xử “thảm đỏ” (ưu tiên)?

Tại Disneyland California, bất cứ diễn viên nào khi nhìn thấy khuy cài “First Visit”, đảm bảo vị khách đó sẽ có một trải nghiệm chất lượng. Tất nhiên, họ không dành mọi thứ, làm mọi thứ để thu hút vị khách đó quay lại vào hôm sau, tuần sau, lần sau. Các nhân viên đều hiểu rằng một số vị khách “lần đầu” này thậm chí sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở lại nữa. Nhưng trọng tâm của họ là làm cho mọi thứ trở thành “một ngày đáng nhớ nhất trong đời” vị khách này.

Nếu bạn ở trong một Hội Thánh nhỏ, chỉ cần vài người chào mừng thường xuyên ở cửa nhà thờ có khả năng nhận diện những khuôn mặt quen để dễ dàng “gắn thẻ” những người này trong tâm trí. Đó là những người mang chút bối rối, lạ lẫm, thậm chí không tự tin. Đừng quá quan tâm đến việc cố thu hút họ quay lại, để rồi bỏ quên điều quan trọng hơn là mọi thứ trở nên một ngày tuyệt vời với họ, để họ cảm thấy được chào đón, được một trải nghiệm tốt và cảm thấy cần quay trở lại.

2/ Ưu tiên tạo “phép thuật”

Hội Thánh đề cập đến điều này như sự “phục vụ”, nhưng ở Disneyland nó được gọi là tạo “phép thuật cho khách”. Các diễn viên được đào tạo để liên tục tìm kiếm cơ hội tạo “phép thuật” cho khách. Cụ thể khi các gia đình xếp hàng dọc con đường chính chờ các cuộc diễu hành buổi tối. Các nhà “tạo phép thuật” sẽ chủ động tìm kiếm khách, trò chuyện với họ, tìm ra điều gì sẽ làm nên “ngày đặc biệt” cho họ. Các diễn viên này được trao các “thẻ đặc quyền” trong túi để có thể làm điều gì mình muốn cho những vị khách mới đang kiên nhẫn trong những hàng chờ lê thê. Và khi bạn nghe thấy tiếng hét sung sướng của ai đó, họ không thể tin rằng một diễn viên của Disney vừa làm cho họ, và đó là sự thành công của “phép thuật”.

Điều gì xảy ra nếu những người chào đón ở cửa – chấp sự hay nhân sự nào đó – được chỉ định nhiệm vụ “làm phép thuật” vào các sáng Chúa Nhật cho những người mới đến? Tôi tin rằng các nhân sự ở mục vụ thiếu nhi hiểu và thực hành khái niệm này nhiều hơn bất kỳ ai khác. Họ biết khi nào cần làm điều gì đặc biệt cho một đứa trẻ để đôi mắt chúng sáng lên, và rồi chúng sẽ nói về điều đó cả tuần, rằng mình muốn trở lại đó biết bao nhiêu.

Bạn cũng có thể “làm phép thuật” cho người lớn. Hãy đặt vấn đề để cầu nguyện: “Lạy Chúa, làm sao con có thể phục vụ mọi người theo cách mà họ sẽ ấn tượng bởi tình yêu của Ngài dành cho họ, và họ sẽ muốn trở lại đơn giản chỉ để được vây quanh một lần nữa?”.

3/ Nơi an toàn cho mọi người

Các công viên Disney không chỉ có đội bảo vệ tay nghề cao để bảo đảm an toàn về mặt thể chất cho mọi người; mà còn là nơi an toàn về mặt tình cảm cho họ khi vừa bước qua cổng. Sau khi con gái tôi được đào tạo tại Disneyland, con bé nhận thấy nơi này thu hút sự đa dạng của con người về văn hóa, chủng tộc… “Disney khiến mọi người cảm thấy được chấp nhận”. Khi tôi chưa thốt ra: “Đó là những gì mà Hội Thánh nên có – nơi mọi người muốn đến vì cảm thấy được yêu thương, được chấp nhận…” thì con bé đã tiếp lời: “Nhưng Hội Thánh thường là nơi cuối cùng họ muốn đến vì sợ bị xét đoán”. Thật đáng buồn, con bé đã nói đúng.

Hội Thánh không phải nơi xét đoán thế gian, nhưng là nơi yêu thương người ta qua Đấng Christ. Chúng ta đôi khi rất quan tâm đến hành vi, lối sống của những người bướcchân vào nhà thờ, mà quên rằng chính chúng ta cũng vậy. Chúng ta đã có một lối sống thế nào trước khi được Chúa Thánh Linh biến đổi? Disney không cố gắng thay đổi hoặc làm theo mọi người bất kỳ cách nào. Họ chỉ muốn những người đến đây cảm thấy đặc biệt. Hội Thánh cũng không nên cố gắng thay đổi người khác, mà bày tỏ tình yêu của Chúa cho họ và để Thánh Linh bắt phục lòng họ. Những cuộc đời được biến đổi là kết quả của mối quan hệ với Chúa Jesus, không phải do họ cố gắng phù hợp với những mong đợi của Hội Thánh.

4/ Đối xử với nhân sự cách hợp lý, họ sẽ không bao giờ rời bỏ bạn

Rất khó để được làm nhân viên toàn thời gian với công ty Walt Disney. Không phải vì Disney chỉ thuê nhân viên bán thời gian để tiết kiệm. Nhưng vì những người toàn thời gian không bao giờ rời vị trí của họ. Tôi đang nói rất nghiêm túc. Ngoài việc được đối xử như gia đình, được tặng quà mỗi kỳ nghỉ, mỗi lần ra mắt phim mới… các nhân viên được trao thưởng vì sự gắn bó lâu dài với công ty. Mỗi 5 năm làm việc, họ sẽ nhận được huy hiệu cá nhân, tác phẩm điêu khắc hình nhân vật Disney, ngoài ra còn có tiệc riêng trong công viên chỉ dành cho nhân viên danh dự và gia đình họ.

Một khi đã làm ở đó ít nhất 16 năm, họ có thể nghỉ hưu với lợi ích suốt đời, được đến Disneyland miễn phí một số lần nhất định mỗi năm với gia đình, bạn bè… Bởi được đối xử tốt như thế, nên rất ít người nghĩ đến việc rời khỏi Disney để đến nơi nào khác. Đơn giản chỉ vì không thể so sánh. Và khi họ làm điều gì đó cực tốt, họ sẽ được cấp các chứng chỉ cùng nhiều lời tán dương tốt đẹp. Thật khó để không cảm thấy mình là người được yêu thích nhất khi bạn làm việc tại “Nơi hạnh phúc nhất quả đất” này (the Happiest Place on Earth)!

Các tác giả Tân Ước gọi Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, và nhấn mạnh đến sự hiệp nhất và sự phụ thuộc lẫn nhau đến mức “khi có một cái nào chịu đau đớn, thì cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (I Corinthians/I Cô-rinh-tô 12:26). Khi Hội Thánh đối xử với nhân sự và người khác như gia đình, như cùng một thân thể, sẽ không ai muốn rời bỏ nó.

5/ Hãy tập trung vào mục đích

Mặc dù bạn có thể nói khác đi, nhưng Walt Disney không tồn tại chủ yếu để kiếm tiền, nhưng để hoàn thành tầm nhìn của người sáng lập, ông Walt Disney, người đã phát biểu vào ngày khai mạc Disneyland: “Đây có thể là nguồn vui, nguồn cảm hứng cho cả thế giới”. Rõ ràng mục đích của Hội Thánh không đơn thuần là “nơi hạnh phúc” (tôi hy vọng ít nhất đó không phải là mục đích duy nhất của Hội Thánh bạn), nhưng để tạo dựng và trang bị cho các tín hữu sống cho Chúa trong thế giới này, hiển thị năng quyền thay đổi của Chúa Thánh Linh, để tất cả đến và biết rằng Chúa Jesus là “đường đi, chân lý và sự sống” (John/Giăng 14:6).

Nếu bạn tin rằng tôi đang muốn Hội Thánh bạn trở thành nơi bỏ qua sự giảng dạy sâu sắc, tập trung vào việc làm vui, trở thành câu lạc bộ ngoài trời tốt nhất… thì hãy để tôi nhắc nhở bạn: tập trung vào mục đích! Tại sao Hội Thánh tồn tại? Để thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Trời qua việc rao giảng Lời Ngài? Để xây dựng và trang bị cho người tin Chúa? Để thúc đẩy người khác chia sẻ đức tin và trở thành môn đệ của Chúa Jesus? Một khi bạn đã biết mục đích của bạn, hãy giữ tất cả những điều đó.

Tôi yêu công ty Disney và những gì họ đã làm cho con gái tôi. Tôi thích cách nó làm “ảo thuật” khiến mọi người cảm thấy mình thật đặc biệt và hạnh phúc. Nhưng dĩ nhiên tôi không yêu nó nhiều hơn Hội Thánh – nơi Đấng Christ đã chết để thiết lập và phán hứa không phải những cánh cổng địa ngục sẽ thắng thế. Bạn hãy lấy những gì đáng giá từ bài viết này và quăng hết phần còn lại, nhưng ít nhất cũng hãy sẵn sàng thử.Hãy tự hỏi mình: Làm sao chúng ta có thể khiến những khách viếng, những tân tín hữu và người chưa tin Chúa cảm thấy được yêu thương, được chấp nhận, họ sẽ tự cảm nhận chứ không phải được “ảo thuật” theo tinh thần của Walt Disney – mà là tình yêu và sự hiện diện thực sự của Đấng Christ.

Diệu Trang dịch

(Nguồn: crosswalk.com)

Tác giả Cindi McMenamin là giáo viên dạy Kinh Thánh, chồng bà là Mục sư, và bà là nhà hùng biện quốc gia chuyên giúp phụ nữ và các cặp vợ chồng củng cố hành trình của họ với Chúa và các mối quan hệ. Bà cũng là tác giả của 16 quyển sách, bao gồm quyển bán chạy nhất “When Women Walk Alone” (hơn 125.000 bản đã bán), “When a Woman Overcomes Life’s Hurts”, “When God Sees Your Tears”… Đây là website của bà:www.StrengthForTheSoul.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *