II Cô-rinh-tô 8-9: Thúc đẩy mọi người hãy cho đi!

Oneway.vn – “Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng.” (II Cô-rinh-tô 9:7)

Đọc đến câu ấy, mắt chúng ta tự nhiên sẽ dừng lại ở chữ “vui lòng”. Sứ đồ Phao-lô đang viết cho tín đồ người Cô-rinh-tô, dạy rằng Đức Chúa Trời vui thích những người dâng tặng cách vui lòng, Ngài không hài lòng nếu chúng ta làm trong miễn cưỡng.

Sự dâng hiến phải tuôn chảy từ lòng biết ơn đối với ân điển Chúa dành cho chúng ta trong Con của Ngài, Đấng đã trở nên nghèo để chúng ta được giàu (II Cô-rinh-tô 8:9).

Nhưng nếu chúng ta chuyển sang nói về sự hào phóng cách vui vẻ sẽ dẫn đến việc Chúa yêu mến người dâng hiến, thì sao? Nghe có vẻ không đúng. Trên hết, Kinh Thánh – ngay cả trong câu này – dường như dạy điều ngược lại: Chúng ta dâng hiến vì Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta trước. Chúng ta rộng rãi hy sinh những gì mình có để đáp lại sự hy sinh của Đấng Christ. Đây chính là trọng tâm của đời sống và sự dâng hiến trên nền tảng Phúc âm.

Dù vậy, Phao-lô cho chúng ta thấy có nhiều lý do hơn để dâng hiến. Ông thúc giục người Cô-rinh-tô, và chúng ta, hướng đến sự hào phóng  vui vẻ bằng cách nêu ra nhiều động lực. Chúng ta sẽ tự làm mình thiệt thòi nếu không xem xét nhiều lý do để chúng ta dâng hiến, với sự giúp đỡ của Phao-lô.

Sự dâng hiến phải tuôn chảy từ lòng biết ơn đối với ân điển Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong Con của Ngài, Đấng đã trở nên nghèo để chúng ta được giàu. 

Nhiều động lực để dâng hiến

Trong thư II Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô đã dành ra hai chương để thuyết phục các Hội thánh ở vùng A-chai cùng ông tham gia dâng hiến cho các thánh đồ đang gặp nạn tại thành Giê-ru-sa-lem.

Ông làm vậy vì tín hữu Cô-rinh-tô đang bị dao động trong sự dâng hiến của họ, ít nhất có phần nào như thế. Hội thánh Cô-rinh-tô bị tác động bởi những người tìm cách phá hoại chức vụ của Phao-lô: Họ chỉ trích ông không làm đúng theo các kế hoạch viếng thăm đã nói.

Một số đang thách thức tư cách, tiêu chuẩn và trình độ của ông, thậm chí chất vấn việc ông từ chối nhận hỗ trợ trước đây và lúc này nghi ngờ rằng ông có thể đang rút rỉa từ cái gọi là vận động quyên góp.

Nói cách khác, Phao-lô có lý do để quan ngại. Ông không chắc người Cô-rinh-tô có giữ đúng cam kết trước đây của họ hay không, vậy nên ông ra sức đánh động họ bằng tất cả những động lực có thể có.

Trước hết, Phao-lô khích lệ họ bằng tấm gương dâng hiến cách hi sinh của các Hội thánh xứ Ma-xê-đô-ni-a (II Cô-rinh-tô 8:1–5). Dù rất nghèo nhưng tín đồ Ma-xê-đô-ni-a đã dâng hiến dồi dào với lòng vui mừng.

Rõ ràng, Phao-lô muốn người Cô-rinh-tô học theo tấm gương này và qua đó chứng minh cho chính họ và người khác về tình yêu chân thành họ dành cho Đấng Christ. Hơn thế, Phao-lô còn thúc đẩy họ bằng nhu cầu thật sự của Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem, rằng sự chia sẻ dư dật của họ có thể lấp đầy cho sự thiếu thốn của người khác.

Ông cũng đảm bảo với họ về sự công chính của ông trong vấn đề quản lý số tiền quyên góp, nó được chuyển đi bởi những người có năng lực và đáng tin cậy là Tít và một người anh em được tôn trọng khác. Thử hình dung về sự tín nhiệm cần phải có để trao một số tiền lớn cho người giao liên với một quảng đường xa và trao tận tay người nhận như vậy.

Cho đến thời điểm này, những động lực mà Phao-lô sử dụng có vẻ quen thuộc. Ngày nay cũng thế, các mục sư và giáo sĩ có lẽ khích lệ tín đồ dâng hiến bằng cách nêu ra tấm gương của người khác, như một minh chứng cho đức tin nơi Đấng Christ và tình yêu dành cho Hội thánh Ngài, hoặc có thể nói về nhu cầu cấp bách, chẳng hạn như cứu tế người nghèo hay rao truyền Phúc âm, đồng thời đảm bảo với chúng ta về sự chính trực trong tài chính của họ. 

Giữ ranh giới để không bước sang sự thao túng

Thế nhưng, chúng ta có thể ngạc nhiên trước những phương cách khác mà Phao-lô sử dụng để khuyến khích sự dâng hiến, thông qua những lập luận có vẻ như có lợi cho bản thân và gần như lôi kéo.

Ví dụ, ông nói với tín hữu Cô-rinh-tô rằng việc góp phần dâng hiến sẽ có lợi cho họ (II Cô-rinh-tô 8:10), nhắc họ rằng “Ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô-rinh-tô 9:6).

Ông đảm bảo với họ về sự chu cấp của Đức Chúa Trời, đồng thời truyền cảm hứng bằng hình ảnh gieo và thu hoạch sự công chính (II Cô-rinh-tô 9:8–10). Phao-lô đang hình dung rằng khi Hội thánh Giê-ru-sa-lem nhận được quà tặng của tín hữu Cô-tinh-tô, họ sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời và đáp lại bằng cách cầu nguyện cho Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 9:12–14).

Với nhận thức được nâng cao đó, chúng ta có thể xem lại hiệu quả tác động mà Phao-lô muốn tạo ra khi nói rằng: “Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng” (II Cô 9:7).

Rõ ràng, Phao-lô không ngại sử dụng những động lực khác, ngoài lòng trắc ẩn. Thực tế, một số người trong chúng ta có thể ngại ngùng với phương pháp thuyết phục của Phao-lô, chẳng hạn như khi ông không cần phải nói khéo về sự giàu có của người Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 8:14). Việc nhắc đến sự dư dả của họ là có ý muốn làm cho họ hơi xấu hổ – không phải vì của cải có gì xấu xa, mà là vì người Ma-xê-đô-ni-a vốn nghèo khó mà còn ban cho cách dư dật.

Cách nói cường điệu như vậy gắn liền với việc vận dụng mối liên hệ giữa tự hào và xấu hổ nổi bật trong sự hướng dẫn của Phao-lô.

Ở chương 7, ông nhắc đến sự tự tin của ông nơi người Cô-rinh-tô. Việc họ tiếp nhận bức thư trước đó của ông khiến ông một lần nữa tự hào về họ, như ông đã tự hào về người Ma-xê-đô-ni-a nhiều tháng trước đó.

Trên thực tế, chúng ta biết rằng Phao-lô chủ động thúc đẩy người Ma-xê-đô-ni-a dâng hiến bằng cách nêu tấm gương sốt sắng của người Cô-rinh-tô. Giờ đây, ông quay ngược lại thúc đẩy người Cô-rinh-tô đừng làm ông thất vọng, rằng nếu họ không làm tới nơi tới chốn thì ông sẽ bị xấu hổ. Thật ra, ông nói rằng sự thất bại này sẽ dẫn đến sự sỉ nhục cho chính người Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 9:4). 

Cách bạn dâng hiến và ban cho

Nếu lập luận của sứ đồ Phao-lô khiến chúng ta cảm thấy kỳ lạ thì sẽ khôn ngoan khi xem xét lại những giả định và khuynh hướng của chúng ta về lòng từ thiện của người Cơ Đốc. Khi chúng ta dạy về sự dâng hiến hoặc ban cho từ II Cô-rinh-tô 8–9, nếu chỉ tập trung vào ân điển Đức Chúa Trời mà bỏ qua sự xấu hổ trước mặt người khác – nếu nhấn mạnh đến lời kêu gọi cam kết cá nhân (II Cô-rinh-tô 9:7) mà bỏ qua những lời kêu gọi dành cho sự công bằng trong tập thể (II Cô-rinh-tô 8:13–14), nếu đề cao sự thật khách quan mà bỏ qua những lời thỉnh cầu chủ quan – thì có thể nền văn hóa của chúng ta đã che mờ khiến chúng ta muốn thừa nhận.

Có lẽ chúng ta đang không truyền đạt toàn bộ ý muốn của Đức Chúa Trời.

Với suy nghĩ đó, tôi xin đưa ra một vài đề xuất cho việc xem lại phương cách dâng hiến của chúng ta: 

1. Dâng hiến-ban cho không cần phải là ân điển cá nhân

Khi Chúa Jêsus dạy chúng ta đừng để tay này biết tay kia làm gì, Ngài không có ý khuyến khích sự riêng tư mà đang sửa dạy những ai đang dâng hiến-ban cho để người khác nhìn thấy và khen ngợi họ. Một số Hội thánh, có lẽ vì lời dạy của Chúa Jêsus hoặc vì không muốn trông giống như ‘moi tiền’ của tín hữu, đã không có thì giờ dâng hiến trong buổi nhóm thờ phượng. Với sự ra đời của dâng hiến online, chúng ta cũng đang mất đi sự thể hiện niềm tin Cơ Đốc chung có thể có trong buổi thờ phượng hội chúng (Lu-ca 21:1–4).

Nhưng dâng hiến có sức mạnh nhất khi nó được thực hiện trong tập thể, thúc đẩy sự hy sinh và thổi lên niềm vui mừng. 

2. Thuyết phục ≠ Lôi kéo

Nhiều người trong chúng ta đã gặp phải những Hội thánh nói về sự dâng hiến-ban cho một cách không lành mạnh.

Một số người đã làm cho việc quản trị trở thành trọng tâm chính của sự thờ phượng, còn sự thịnh vượng trở thành kết quả mong đợi của lòng rộng rãi.

Vì thế, đúng là chúng ta nên cẩn trọng trước những lời kêu gọi tài chính quá mức, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta ngưng thuyết phục Cơ Đốc nhân dâng hiến hay ban cho.

Sẽ cần đến sự cẩn trọng và khôn ngoan để kêu gọi sự dâng hiến, một số người trong chúng ta có lẽ cần vận dụng nghệ thuật thuyết phục, mà vẫn tránh rơi vào sự lôi kéo, thao túng người khác.  

3. Tập trung vào Phúc Âm không có nghĩa ân điển là động cơ duy nhất

Vâng, lý do lớn nhất để dâng hiến hay ban cho chính là lòng biết ơn Đức Chúa Trời vì món quà là Con của Ngài.

Dù vậy, chúng ta đang giới hạn Kinh Thánh nếu chỉ nói rằng sự hy sinh của chúng ta là để đáp lại sự hy sinh của Đấng Christ. Theo sứ đồ Phao-lô, chúng ta trao tặng người khác cũng là vì lợi ích của họ và của chúng ta nữa.

Dâng hiến để làm vinh quang Đức Chúa Trời; để chính chúng ta được phát triển trong sự công chính, sự chắc chắn trong đức tin và niềm vui dư dật; để khuyến khích những Cơ Đốc nhân khác cũng dâng hiến-ban cho theo gương của chúng ta; để thể hiện sự tôn trọng người lãnh đạo và để chúng ta không phải xấu hổ; thậm chí, chúng ta vui mừng dâng hiến vì biết rằng Đức Chúa Trời yêu thích điều đó.

 

Bài: Elliot Clark ; dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Tác giả: Elliot Clark (MDiv, Thần học viện Báp-tít Nam Phương) từng sống ở Trung Á, nơi ông cùng vợ và các con phục vụ trong vai trò mở mang Hội thánh đa văn hóa. Ông hiện đang làm công tác đào tạo lãnh đạo Hội thánh địa phương ở nước ngoài cùng với tổ chức Training Leaders International. Là tác giả của quyển Evangelism as Exiles: Life on Mission as Strangers in Our Land (TGC) (tạm dịch: Truyền Giảng Như Những Người Lưu Vong: Đời Sống Truyền Giáo Như Những Người Khách Lạ Trên Quê Hương Mình) (TGC phát hành).

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *