Khi Cơ Đốc nhân ‘lên án lẫn nhau’ trên mạng xã hội

Oneway.vn – Chúa Jêsus phán: “Phước cho những người hòa giải”.

Nhưng mạng xã hội thường có vẻ như cổ xuý cho việc đả kích, trút giận. Chúa Jêsus phán: “Phước cho những người nhu mì”, nhưng mạng xã hội lại có vẻ cổ xuý cho sự ái kỷ.

Tôi rất cảm kích khi có nhiều nhà lãnh đạo Cơ Đốc tin kính đang làm gương về cách sử dụng mạng xã hội khôn ngoan. Đồng thời, tôi cũng lo lắng việc Hội thánh thường bị định hình bởi những động thái không lành mạnh của văn hóa trên mạng xã hội thay vì chúng ta phải định hình nó. Chúng ta rất thường để mình bị lôi vào những thứ xấu xí, ồn ào và chế nhạo trên đó.

Tôi không nghĩ rằng giải pháp nhất thiết phải là tránh xa hoàn toàn mạng xã hội, mặc dù đối với một số người thì có thể nên như vậy, và tất cả chúng ta đều nên xem xét những giới hạn của mình. Nhưng tôi thật sự nghĩ rằng với tình trạng hiện nay trong nền văn hóa của chúng ta, sự tin kính trong cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đòi hỏi nhiều sự chú tâm và cẩn trọng hơn. 

Chúng ta sẽ không bị cuốn theo cách sử dụng Twitter hay Instagram thời nay. Những thứ như sự tự quảng cáo bản thân và thô lỗ đang là xu hướng quá mạnh.  

Làm thế nào chúng ta làm được điều này? Tôi vẫn đang trăn trở với điều đó, nhưng sau đây là ba cách chúng ta có thể xem xét để bắt đầu thực hiện.

1. Biết ơn, thay vì ganh tị

Mạng xã hội khiến người ta không ngừng so sánh nhau, dẫn đến một mối nguy không ngừng là sự ganh tị. Sẽ luôn có ai đó có nhiều người theo dõi hơn, hoặc một khủng hoảng mới nào đó mà bạn cảm thấy mình phải có tiếng nói vào (hay những kiểu đùa bạn muốn tham gia). Rất dễ cho một người xuất phát từ nỗi sợ bị người khác xem thường trở thành một người hung bạo, hoặc từ nhu cầu duy trì diễn đàn của mình trở thành một gánh nặng.

Tôi khám phá ra phương cách để chống lại sự ganh tị là nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với những gì tôi đang có. Sẽ hữu ích hơn khi tập trung sử dụng diễn đàn của chúng ta cho lợi ích thực có, thay vì phát triển nó để chạy theo một lợi ích tiền năng nào đó. Hãy vui mừng với bất cứ sự ảnh hưởng nào Chúa đã ban cho bạn, cho dù bé nhỏ. Hãy biết ơn! Nuôi dưỡng lòng biết ơn giống như gieo trồng một khu vườn quý giá trong sa mạc. 

Việc thường xuyên nhắc bản thân rằng bất cứ sự ảnh hưởng nào chúng ta có đều nhờ Chúa cũng là điều ích lợi và đem lại tự do. Hãy giao phó cho Chúa và sẵn lòng nếu Ngài cất nó đi, chỉ cần chúng ta sẽ được có Ngài nhiều hơn.

Cũng hãy nhớ rằng sự kiêu ngạo luôn dẫn tới đời sống khô cằn, nhưng sự khiêm nhường dẫn tới niềm vui thỏa. Chúa Jêsus đã đến thế gian với một máng cỏ, không phải với một cuộc diễu hành. Sự tồn tại của chúng ta trên phương tiện truyền thông nên phản ánh ra điều này. Hạnh phúc và tự do chỉ đơn giản là phục vụ người khác, không màng đến tiếng tăm!

2. Nỗ lực thể hiện lòng ân hậu

Trước đây, tôi hay nghĩ rằng mạng xã hội là một trong những cơ chế làm nhục người khác trước công chúng trong nền văn hóa của chúng ta. Điều chúng ta từng làm với chứng khoáng thì bây giờ làm với Twitter.

Điều đáng sợ là những người tham gia vào hoạt động này thường được người ta chú ý nhiều hơn. Đó là một dấu hiệu rõ ràng về sự sa ngã của con người, khi trong một số bối cảnh, chúng ta không chỉ dung túng cho sự ném đá và trút giận, mà thật ra còn tưởng thưởng chúng.

Trước thực trạng đối thoại trong văn hóa của chúng ta và với bản chất của phương tiện truyền thông, chúng ta càng phải nỗ lực hơn nữa để thể hiện lòng nhân từ. Hãy cố gắng nói điều gì đó tích cực bất cứ khi nào có thể. Tránh những hình thức mỉa mai, châm biếm. Tìm kiếm cơ hội để đề cao người khác (Rô-ma 12:10).

Tôi biết vấn đề này không đơn giản chỉ như vậy, tôi không muốn bác bỏ giá trị của việc công khai bày tỏ sự bất đồng ý kiến hoặc tranh luận, và tất nhiên, sẽ có lúc cần đến sự quở trách và phản đối nữa. Một số sự tấn công hay đại diện sai trật cần có sự đáp trả mạnh mẽ.

Dù vậy, bất kỳ bài đăng hay dòng trạng thái nào cũng đáng để chúng ta tự hỏi: Điều này trông giống như việc làm của xác thịt hơn hay của Thánh Linh hơn? Mình đang góp phần xây dựng nên văn hóa nào?

3. Tạm tách mình khỏi mạng xã hội

Việc định kỳ tách mình khỏi mạng xã hội góp phần đem lại đời sống lành mạnh. Ngoài việc ngưng dùng mạng xã hội vào ngày sa-bát, bạn cũng có thể xem xét thực hiện những gợi ý sau:

 Xóa ứng dụng khỏi điện thoại, chỉ sử dụng trên máy tính (có thể luôn làm như vậy hoặc chỉ trong những giai đoạn nhất định như cuối tuần hoặc những ngày dành cho gia đình).

– Quy ước một số nơi trong nhà sẽ không sử dụng các thiết bị kết nối mạng xã hội (vd: phòng làm việc hoặc học tập).

– Cài mặc định chức năng “không làm phiền” (để nó không gây tiếng ồn cho bạn, việc liên tục bị chi phối không tốt cho chúng ta).

Một cách hữu ích khác khá đơn giản là ngừng theo dõi hoặc để chế độ im lặng đối với những người liên tục làm bạn xuống tinh thần. Đừng ngần ngại làm điều này. Không ai bắt bạn phải theo dõi (hoặc tương tác bình luận) khi việc đó chỉ có hại cho tâm hồn bạn. 

Khi tôi cảm thấy mình bắt đầu có những ý nghĩ so đo với người khác hoặc cô đơn khi lướt mạng xã hội, tôi biết có lẽ đã đến lúc tôi tạm ngưng nó một thời gian.

Hoặc, nếu bạn chẳng bao giờ cãi cọ với ai ngoài đời, nhưng lại làm thế trên Facebook, đã đến lúc cần phải quân bình hơn. Mạng xã hội nên góp phần, không phải thay thế, cho giao tiếp mặt đối mặt (mặc dù đây hiện là một thách thức trong bối cảnh đại dịch toàn cầu!).

Lời khẩn nài đối với Cơ Đốc nhân

Cơ Đốc nhân, những người mang danh của Đấng Christ, càng phải cẩn trọng trong cách dùng lời nói với nhau. Tương tác trên mạng xã hội của chúng ta trưng ra cho cả thế giới nhìn thấy. Ngay cả trong những bất đồng quan điểm, chúng ta cũng cần tạo nên sự khác biệt bởi tình yêu thương (Giăng 13:35), kẻo sẽ làm ô danh của Phúc Âm ân điển.

Tôi nhận ra có một số người gần như không thể có cách tương tác văn minh được. Thật vậy, tôi nghĩ chúng ta cần phải áp dụng Tít 3:10 thường xuyên hơn trong những trường hợp như thế: “Sau khi đã khiển trách kẻ gây bè phái một đôi lần rồi thì hãy xa lánh họ”. Nghe có vẻ khắc khe, nhưng sự khôn ngoan đôi khi buộc phải tránh xa hoàn toàn. Sứ đồ Phao-lô hiểu được điều này và chúng ta cũng nên như vậy.

Có quá nhiều thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta không thể ngăn chặn tiếng la hét và bon chen không ngừng xảy ra trên internet, nhưng có thể hạn chế góp phần vào nan đề và làm tất cả những gì có thể để xây dựng một văn hóa lành mạnh hơn. 

Hãy cầu nguyện hướng đến mục tiêu rằng sẽ ngày càng có nhiều Cơ Đốc nhân được nhận biết bởi sự khôn ngoan mà Gia-cơ mô tả là “thanh sạch, rồi hiếu hòa, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành, không chút thành kiến hay giả dối” trên mạng xã hội (Gia-cơ 3:17).

 

Tác giả: Gavin Ortlund (Tiến sĩ, Viện Thần học Fuller) là một người chồng, người cha, mục sư và nhà văn. Ông là mục sư quản nhiệm của hội thánh First Baptist Church ở Ojai, California. Gavin viết blog thường xuyên trên Soliloquium. Ông là tác giả của quyển Theological Retrieval for Evangelicals: Why We Need Our Past to Have a Future (tạm dịch: Căn nguyên thần học của người Tin Lành: Tại sao chúng ta cần quá khứ để có một tương lai) (Crossway, 2019) và Finding the Right Hills to Die on: The Case for Theological Triage (tạm dịch: Tìm đúng ngọn đồi để chết: Đấu tranh đúng với mức độ quan trọng của các tín lý thần học khác nhau) (Crossway/TGC, 2020). Bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.

 

Tác giả: Gavin Ortlund; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *