Oneway.vn – Hầu như mỗi ngày, trẻ nhỏ “tấn công” cha mẹ dồn dập với một loạt câu hỏi. Từ tình huống (Tại sao con phải đi ngủ lúc 7:30?), đến lý thuyết (Liệu con có thể bay nếu con chế tạo ra một đôi cánh?), cho đến thần học (Tại sao Chúa không bảo vệ con khỏi bị ngã xe đạp?).Cha mẹ phải đưa ra câu trả lời, lời khuyên cách khôn ngoan để thỏa mãn sự tò mò tự nhiên của con.
Tuy nhiên, một khi tuổi teen đến, thanh thiếu niên bắt đầu tìm kiếm nguồn thông tin mới. Cha mẹ không còn là “Google” của bọn trẻ. Trên thực tế, đối với nhiều thanh thiếu niên, cha mẹ là người cuối cùng họ muốn đặt câu hỏi, nhất là về vấn đề đức tin.
Khi con cái trong độ tuổi thanh thiếu niên tìm kiếm câu trả lời, chúng cần một gia đình không ngại để bày tỏ câu hỏi, sự nghi ngờ và nỗi bất an. Làm sao để cha mẹ có thể chủ động tạo không gian thảo luận và trả lời mọi nghi ngờ, câu hỏi của con bằng đôi tai sẵn sàng lắng nghe và tấm lòng cầu nguyện.
Dưới đây là cách cha mẹ có thể xây dựng một mái ấm luôn sẵn sàng giúp con cái trả lời những câu hỏi về đức tin.
Chủ động: Tạo môi trường để thảo luận về tâm linh
Nếu con bạn vẫn còn nhỏ, cách tốt nhất để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận tâm linh trong những năm thiếu niên là xây dựng thời gian đọc Kinh Thánh theo lịch thường xuyên trong gia đình.
Nói chuyện về Chúa thường xuyên suốt cả ngày. Học thuộc những câu Kinh Thánh cùng nhau và thảo luận về ý nghĩa. Hãy khiến tên của Áp-ra-ham, Sa-ra, Môi-se và Ru-tơ quen thuộc với con như những người bạn ở trường mầm non. Hãy cầu nguyện trước bữa ăn, cầu thay cho những người yêu thương. Bắt đầu những cuộc trò chuyện tâm linh trong thời thơ ấu sẽ xây dựng nền tảng cho những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn trong những năm thiếu niên.
Nếu con bạn đã lớn, cũng không quá muộn. Gia đình có thể bắt đầu đọc và học Kinh Thánh cùng nhau. Nếu cảm thấy không chắc chắn về cách học hoặc những thắc mắc, hãy tâm tình chân thành với con bạn. Sự trung thực và khiêm tốn của cha mẹ sẽ khiến con không còn đề phòng.
Cùng nghiên cứu Kinh Thánh. Hỏi bạn bè hoặc mục sư những nghiên cứu họ từng trải nghiệm. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu các cuộc thảo luận tâm linh trong gia đình. Sẵn sàng đọc Kinh Thánh với con, tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi thuộc linh. Hãy để Kinh Thánh nắm giữ thẩm quyền, cho phép Lời Chúa vang vọng trong gia đình bạn.
Phản ứng: Tranh luận ít hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn
Khi thanh thiếu niên đặt ra các câu hỏi thần học, bạn sẽ dễ bị cám dỗ dẫn đến tranh luận và cãi cọ về những chủ đề có khi chẳng liên quan đến câu trả lời.
Đặt câu hỏi sẽ giúp bạn hiểu về con hơn là chỉ trả lời. Nếu con bạn nghi ngờ về Kinh Thánh, hãy hỏi “Từ khi nào con bắt đầu nghi ngờ về Kinh thánh? Kinh Thánh có dạy điều gì khiến con phiền lòng và nghi ngờ về lòng tốt của Chúa không?”. Những câu hỏi mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn.
Nếu con cái không nghi ngờ gì về Chúa, hãy thăm dò mối quan tâm của con: “Nếu Chúa không tồn tại, con nghĩ mục đích cuộc sống là gì?” Hãy tìm hiểu và thấu hiểu con bạn giữa những nghi ngờ. Đặt câu hỏi cho thấy bạn sẵn sàng lắng nghe, cũng như tôn trọng con. Điều này giúp duy trì cuộc trò chuyện và thúc đẩy thảo luận thêm.
Chủ động: Giúp con đặt câu hỏi trước khi con hỏi
Trong giờ gia đình lễ bái, vợ chồng tôi thường xuyên hỏi con cái những câu hỏi mà chúng tôi biết chúng sẽ nghe được một ngày nào đó: Ví dụ như làm sao Chúa Jesus có thể đi trên mặt nước; hay đó có lẽ chỉ là một bãi cát? Hay con sẽ phản ứng như thế nào khi có người nói rằng: thật không công bằng đối khi Chúa phán xét một người chưa bao giờ được nghe nói về Ngài?
Đặt câu hỏi giúp thanh thiếu niên đọc Kinh Thánh cẩn thận hơn. Khi nghiên cứu sách Giăng, tôi đã hỏi con tôi: “Nếu con muốn mọi người tin vào lời nói dối, con sẽ cung cấp nhiều chi tiết cụ thể hay chỉ kể một câu chuyện chung chung?” Sau khi kết luận rằng cách tốt nhất để nói dối là cung cấp càng ít chi tiết càng tốt, tôi dạy con rằng hãy để ý đến vô số chi tiết cụ thể mà Giăng đã cung cấp: tên của mọi người và nơi họ sống, những nơi cụ thể phép lạ đã xảy ra. Nếu Giăng nói dối lớn về Jesus, tại sao ông lại kể ra nhiều chi tiết cụ thể như vậy? Chà, nếu thế thì Giăng phải là một kẻ nói dối dở tệ, hoặc những điều ông nói hoàn toàn là sự thật.
Đặt câu hỏi cho con cái là cách tốt nhất để thu hút tâm trí con và khuyến khích con học tập. Đặt câu hỏi trước khi con hỏi bạn giúp bạn chủ động trả lời những nghi ngờ của con, cũng như cho con biết gia đình là một nơi hấp dẫn để hỏi và trả lời.
Phản ứng: Đừng sợ (hoặc nổi giận) khi con đặt câu hỏi
Nếu con đặt câu hỏi về Kinh Thánh, chúng ta thường hoảng hốt và đưa ra câu trả lời nhanh chóng qua loa vì chúng ta sợ hãi. Chúng ta nhầm tưởng rằng việc con cái chấp nhận Tin Lành là bằng chứng cho thấy chúng ta nuôi dạy con cái thành công.
Nếu con cái có đức tin, thì chắc chúng ta đã dạy dỗ chúng cách đúng đắn. Nếu con cái không tin, thì chúng ta thất bại. Chúng ta cũng lo sợ vì cho rằng việc con đặt câu hỏi là bước đầu tiên dẫn đến sự bội đạo không thể tránh khỏi.
Để giải quyết nỗi sợ này, hãy phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng mọi người đều được cứu bởi ân điển và chỉ nhờ ân điển. Nếu con cái chúng ta đến với đức tin, thì đó là vì Chúa đã lựa chọn con trước khi sáng thế (Ê-phê-sô 1: 4) và giải cứu con khỏi quyền của sự tối tăm (Cô-lô-se 1:13). Chúa nhận con cái chúng ta thông qua công việc của Đấng Christ, chứ không phải qua cách làm cha mẹ của chúng ta. Và con cái chúng ta kiên trì trong đức tin không phải nhờ cha mẹ, mà nhờ bàn tay Chúa.
Đúng vậy, cha mẹ Cơ đốc là phương tiện để Chúa hành động, nhưng chính kế hoạch, sức mạnh và ân điển Ngài sẽ cứu con cái chúng ta.
Vì vậy, khi con bạn bắt đầu tranh chiến với đức tin, hãy ủng hộ con. Đừng nổi giận. Đừng sợ hãi. Đừng băn khoăn. Hãy đến với Chúa và giao phó nỗi sợ hãi của bạn cho Ngài. Hãy kiên nhẫn và cầu nguyện, yêu thương và tử tế. Giúp con cái tìm câu trả lời cho câu hỏi của con, nhưng luôn nhớ rằng chỉ có Thánh Linh mới mang đến sự thông sáng (1 Cô. 2:14). Tham gia vào cộng đồng Cơ đốc, tìm kiếm lời khuyên từ mục sư hoặc cố vấn. Tặng con những cuốn sách có liên quan để giúp con suy nghĩ và xử lý.
Để xây dựng một gia đình lý tưởng, trả lời các câu hỏi về đức tin cần có thời gian, năng lượng, sẵn lòng và cầu nguyện. Trong những năm niên thiếu, con cái vẫn cần sự hiện diện của cha mẹ như cũng như thời thơ ấu. Trong sự vội vã bận rộn của cuộc sống hằng ngày, cha mẹ cần nỗ lực để tạo ra môi trường lý tưởng cho việc thảo luận giải quyết thắc mắc.
Mong muốn lớn nhất của tôi là các con sẽ luôn tìm kiếm Chúa. Tôi hy vọng con bước đi với Chúa, tuân theo mệnh lệnh Ngài và tìm thấy sự sống dư dật trong Chúa Jesus. Tuy nhiên, tôi cũng muốn con biết rằng tôi sẽ lắng nghe những nghi ngờ, quan tâm đến những lo toan của con và yêu con mãi mãi.
Bài: Melissa Kruger; dịch: Hồng Nhạn
(nguồn: thegospelcoalition.org)