Khi mục sư yêu dấu của bạn vấp ngã

Oneway.vn – Chắc hẳn tất cả chúng ta đều đã từng thất vọng về con người, nhưng nỗi đau đó có thể khó nuốt hơn khi nó đến từ bên trong bốn bức tường của nhà thờ chúng ta tham dự.

Có lẽ một mục sư được yêu mến đã đưa dẫn cha mẹ bạn đến với Đấng Christ và tổ chức lễ cưới cho bạn, nhưng sau đó bạn phát hiện ra ông đã lạm dụng các thành viên khác trong Hội thánh về mặt thuộc linh. 

Có thể mục sư thời trẻ của bạn luôn ủng hộ bạn trong các trận bóng đá và các trận đấu nhưng gần đây ông đã bỏ vợ và gia đình của mình để theo người khác. 

Chúa đã sử dụng vị mục sư này trong cuộc đời bạn, nhưng bây giờ những ký ức đó đã bị vấy bẩn. Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa điều tốt mà ông ấy đã làm cho chúng ta với những tổn hại mà ông đã gây ra cho người khác?

Khi một mục sư hoặc lãnh đạo khác của Hội thánh thất bại về mặt đạo đức, các thành viên Hội thánh thường có xu hướng hướng tới hai loại phản ứng. 

Chúng ta có thể phủ nhận hoặc bào chữa cho những thất bại của mục sư—Ông ấy đã làm rất nhiều điều tốt cho Hội thánh của chúng ta trong những năm qua; nên đó không thể nào là sự thật được! Hoặc chúng ta có thể hoàn toàn làm mất uy tín chức vụ của ông ấy—Tất cả các bài giảng của ông và mọi điều tôi học được từ ông đều không còn giá trị nữa.

Thay vào đó, chúng ta phải học cách cân bằng những thái cực này. Trong mặt tốt không có nghĩa là một mục sư không có khả năng làm điều sai trái, hay với mặt xấu thì không nhất thiết là phải xóa bỏ thành quả chức vụ của ông.

Giữ cân bằng 

Kinh thánh có rất nhiều người và những nhà lãnh đạo được Đức Chúa Trời sử dụng cho mục đích tốt đẹp, mặc dù họ có những thất bại lớn. Áp-ra-ham và Môi-se là những ví dụ quen thuộc.

Áp-ra-ham theo Chúa đến một vùng đất vô danh và dâng con trai mình làm của lễ hy sinh, ông hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng phục sinh (điều mà trước đó chưa từng xảy ra trong lịch sử). Nhưng ông cũng đã hai lần nói dối về việc Sa-ra là vợ mình, và ông đã đồng ý với kế hoạch của bà để có một người thừa kế thông qua người hầu của họ là Ha-ga (Sáng. 12:12–14; 16:2–4; 20:2).

Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập băng qua Biển Đỏ bị chia cắt, và Đức Chúa Trời giao cho ông Mười Điều Răn. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến hết phép lạ này đến phép lạ khác, ông đã vô tín đập vào một tảng đá để tạo ra nước uống (Xuất Ê-díp-tô Ký 20; Dân Số Ký 20:10–13).

Hai người này cùng với nhiều người có khuyết điểm khác được khen ngợi trong Hê-bơ-rơ 11 vì điều gì? Đức tin của họ. Mặc dù đôi khi Áp-ra-ham và Môi-se thất bại, nhưng họ liên tục quay về với Chúa trong sự vâng lời. Những thất bại của họ không xóa đi những cách tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã sử dụng họ cho mục đích của Ngài.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà lãnh đạo Hội thánh được miễn trừ cho tội lỗi của họ. Áp-ra-ham bị tách khỏi con trai mình là Ích-ma-ên, và Môi-se không bao giờ được vào đất hứa. Kết quả của tội lỗi thường có thể nghiêm trọng và đau buồn. Các mục sư có thể cần phải từ chức cho đến khi sự ăn năn và hòa giải diễn ra và kỷ luật của Hội thánh được ban hành. Ngay cả khi đó, việc phục hồi hoàn toàn chức vụ có thể không khả thi hoặc không khôn ngoan.

Bám lấy Đấng Christ 

Điều đó có ý nghĩa gì đối với những người còn lại sau hậu quả của việc họ vấp ngã? 

Thực tế đáng buồn là người lãnh đạo Hội thánh từng được yêu mến có thể không còn là người mà chúng ta nên tâm sự hoặc noi theo. Thậm chí có thể chúng ta cần tìm một Hội thánh mới để gia nhập.

Tuy nhiên, điều đó không làm mất hiệu lực về cách Chúa đã sử dụng những nhà lãnh đạo này trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta vẫn có thể cảm ơn Chúa vì những gì Ngài đã dạy chúng ta qua họ trong khi bản thân bày tỏ sự tổn thương, thất vọng và thậm chí là tức giận với Chúa về những tình huống tan vỡ trong Hội thánh. Đó là một phần của việc trao mọi quan tâm của chúng ta cho Ngài (1 Phi-e-rơ 5:7). Thay vì đè nén cảm xúc của mình trước những thất bại này hoặc để cho sự cay đắng tội lỗi hủy diệt chúng ta, Hê-bơ-rơ 12:1–2 mang đến cho chúng ta một tập trung tốt hơn:

Thế thì, vì chúng ta có nhiều nhân chứng bao quanh như một đám mây lớn, chúng ta hãy vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vướng mắc, và kiên trì chạy xong cuộc đua đã đặt ra trước mặt mình. Hãy nhìn chăm vào Ðức Chúa Jesus, Ðấng Khởi Ðầu và Ðấng Hoàn Tất đức tin, Ðấng vì niềm vui trước mặt gánh chịu thập tự giá, coi thường sỉ nhục, và đang ngồi bên phải ngai Ðức Chúa Trời. 

Đức Chúa Trời đã đặt trước mỗi chúng ta một cuộc đua, và đối với nhiều người trong chúng ta, cuộc đua đó liên quan đến việc đối phó với tội lỗi và sự đổ vỡ của những người lãnh đạo Hội thánh. Mong sao chúng ta để cho những thất bại của họ nhắc nhở chúng ta về nhu cầu của chính mình để gạt bỏ tội lỗi đang bám chặt lấy chúng ta.

Chỉ một mình Chúa Jêsus đã sống hoàn hảo. Khi các nhà lãnh đạo trần thế của chúng ta thất bại, chúng ta được nhắc nhở phải liên tục hướng về Đấng Christ. Bởi vì chỉ mình Ngài là người sáng lập và hoàn thiện đức tin của chúng ta, nên chúng ta có thể giữ cân bằng về mặt tốt và mặt xấu của các nhà lãnh đạo của mình. Chỉ có Chúa Jêsus là xứng đáng để chúng ta bám lấy bằng cả tấm lòng.

 

Bài: Hannah De Cleene; dịch: Abby
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *