Oneway.vn – Hiện nay, nhiều mục sư trên khắp thế giới phải đối mặt với tình huống mà họ chưa bao giờ tưởng tượng được: giảng Kinh Thánh cho cả hội chúng bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của họ.
Chúng ta biết ơn vô cùng vì Chúa đã ban cho chúng ta công nghệ để có thể nhóm họp từ xa. Nhưng điều này không thể làm giảm cảm giác mất mát khi đứng trong phòng khách nhà mình và giảng trước một chiếc máy quay. Các mục sư có khao khát tự nhiên là được thờ phượng trước sự hiện diện của con dân Chúa, đặc biệt là vào những ngày lễ lớn nhất trong năm. Đó là lý do tại sao mọi người đều tự hỏi: khi nào chúng ta mới có thể gặp lại nhau?
Câu trả lời là: không ai ngoài Chúa biết khi nào ngày đó sẽ đến. Trong khi nhiều chuyên gia y tế và các quan chức chính phủ đã bày tỏ quan điểm của họ, không cơ quan nào có thể đặt ra một mốc thời gian dứt khoát. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể suy đoán một cách hợp lý khi nào các các Hội thánh sẽ được mở cửa trở lại, bằng cách cân nhắc các yếu tố y tế, chính trị và tâm lý có liên quan.
Yếu tố y tế
Giữa cuộc khủng hoảng y tế, quyết định thời điểm an toàn để quay về cuộc sống bình thường nhất định sẽ dựa trên các tiêu chí y tế.
Nhưng có vẻ như coronavirus sẽ tồn tại lâu hơn cả sự kiên nhẫn và ổn định kinh tế của chúng ta. Mặc dù bảo vệ sức khỏe cộng đồng nên là ưu tiên hàng đầu, đó vẫn không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu các yếu tố y tế ảnh hưởng đến quá trình đưa ra quyết định như thế nào.
Các yếu tố y tế được cân nhắc khá đơn giản: cần giảm mạnh R0 và/hoặc tăng mạnh khả năng miễn dịch cộng đồng.
R0 là số lượng trung bình các trường hợp lây lan của một người nhiễm bệnh trong giai đoạn lây nhiễm của họ. Ví dụ, bệnh sởi rất dễ lây lan và có R0 dao động từ 12 đến 18, trong khi cúm có mức độ lây nhiễm vừa phải với R0 từ 2 đến 3. Điều đó có nghĩa là người bình thường mắc bệnh sởi sẽ lây nhiễm từ 12 đến 18 người, trong khi người bị cúm sẽ chỉ lây nhiễm từ 2 đến 3 người khác. Một nghiên cứu mới cho biết trung bình R0 của COVID-19 ở Trung Quốc là khoảng 5,7. Có nghĩa là COVID-19 lây nhiễm gấp đôi so với cúm và bằng một nửa bệnh sởi.
Biết con số thực tế giúp chúng ta xác định khi nào cuộc khủng hoảng có dấu hiệu giảm. Nếu R0 nhỏ hơn 1, thì dịch bệnh cuối cùng sẽ chấm dứt, vì không còn lây nhiễm với tốc độ đủ để duy trì khả năng lây truyền cho những người không bị nhiễm bệnh. Nếu R0 trên 1, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, có khả năng sẽ tăng theo cấp số nhân cho đến khi đủ số người mắc bệnh để phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng (nghĩa là khi một tỷ lệ đủ cao để cộng đồng trở nên miễn dịch với bệnh nhờ tiêm phòng và/hoặc đã mắc bệnh trước đó).
Bệnh càng dễ lây nhiễm thì con người càng cần được miễn dịch trước khi có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Ngưỡng hiệu quả vắc-xin kết hợp khả năng miễn dịch cộng đồng cần thiết để đẩy lùi bệnh được tính theo công thức 1 – 1/R0. Ở mức R0 là 5.7, chúng ta cần hơn 82% dân số được miễn dịch; với R0 ước tính trước đó là 3.28, chúng ta cần 70% khả năng miễn dịch cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng có được nhờ vào tiêm chủng hoặc từng nhiễm bệnh trước đó. Nhưng chúng ta hiện chưa có vắc-xin, vì vậy tỷ lệ miễn dịch cộng đồng bây giờ chỉ dựa trên số lượng nhiễm trước đó. Trong số những người Mỹ bị nhiễm COVID-19, tỷ lệ tử vong theo độ tuổi dao động từ 1,8% đến 3,4%. Tuy nhiên, vì một số người có khả năng miễn dịch sẽ không biểu hiện triệu chứng hoặc chưa được kiểm tra, chúng ta nên sử dụng tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng (IFR) để ước tính tỷ lệ tử vong của tất cả những người bệnh. Ngay cả khi chúng ta cho rằng IFR sẽ ở mức khoảng 1% (gần mức thấp nhất của CFR), với dân số trưởng thành là 209 triệu, để đạt được khả năng miễn dịch từ 70% đến 82%, phải có 1,5 triệu đến 1,7 triệu ca tử vong. Bằng với con số người chết vì ung thư năm 2019.
Trước khi số ca tử vong đạt đến mức này, chúng ta phải phát triển vắc-xin. Ưu thế ở chỗ dân số Mỹ trải rộng trên một khu vực địa lý rộng lớn. Điều này làm chậm quá trình lây lan, nhưng cũng có nghĩa là sẽ không đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng ở tất cả mọi khu vực cùng một lúc. Như hiện đang thấy, một số khu vực đã vỡ trận, trong khi những khu vực khác hầu như không bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ thực tế của R0 được gọi là Rt (tốc độ lan truyền virus thực tế tại một thời điểm nhất định). Tỷ lệ Rt sẽ khác nhau trong cả nước.
Yếu tố tâm lý và chính trị
Nếu y tế là mối quan tâm duy nhất, chúng ta chỉ có thể thực hiện các chính sách đàn áp bắt buộc dựa trên chỉ số Rt hiện tại của một khu vực địa lý. Nhưng như đã thấy, nhiều người phản đối các biện pháp như vậy vì nhiều lý do. Ngoài ra, một số người có ác cảm sâu sắc với mọi hình thức kiểm dịch, và cảm thấy bị xúc phạm khi đồng bào ở các khu vực khác không bị buộc phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự. Tất cả chúng ta cũng đang tự cảm nhận những tổn thất về cảm xúc khi bị cách ly tại nhà. Nhưng một khi chúng ta được phép rời khỏi nhà để thực hiện các hoạt động không thiết yếu, chính phủ sẽ vô cùng khó khăn để buộc chúng ta ở lại trong nhà.
Đối mặt với thực tế đó, một số cơ quan nhà nước quyết định giữ lệnh cách ly tại nhà bất kể làn sóng phải đối, miễn là khả thi về mặt chính trị. Nhưng họ sẽ phải chống lại những thách thức tâm lý và chính trị khác, chẳng hạn như việc các quan chức Nhà Trắng ám chỉ rằng mọi việc sẽ trở lại bình thường trong vòng vài tuần. Các phương tiện truyền thông thì lại tập trung vào thời điểm khủng hoảng sẽ lên đến đỉnh điểm, ngụ ý rằng việc cách ly tại nhà sẽ giảm bớt ngay sau khi đại dịch đạt đến điểm đó.
Vì chúng ta không có thông tin đầy đủ, nên số liệu tốt nhất là số người chết hàng ngày do COVID-19. Dự đoán hiện tại: giả định nếu tiếp tục giãn cách xã hội cho đến tháng 5 năm 2020, thì ước tính đỉnh điểm sẽ xảy ra vào cuối tuần này. Nếu số người chết hàng ngày tiếp tục giảm trong hai tuần sau khi đạt đỉnh, đó sẽ là sự thúc đẩy mạnh mẽ để dỡ bỏ các chính sách giãn cách xã hội bắt đầu vào khoảng ngày 27 tháng 4. Từ giờ cho đến ngày đó, chúng ta sẽ phải tự cách ly trong 45 ngày và hầu hết các Hội thánh phải ngừng nhóm họp trực tiếp trong bảy ngày Chúa nhật liên tiếp.
Đã đến lúc chuẩn bị
Dựa trên các dự đoán hiện tại, có vẻ như ngày Hội thánh nhóm lại sớm nhất sẽ là ngày 2 tháng 5, muộn nhất là tháng 9. Đối với hầu hết các Hội thánh, ngày nhóm lại rất có thể sẽ là ngày 31 tháng 5 hoặc ngày 7 tháng 6.
Tuy nhiên, trước lúc đó, lãnh đạo các Hội thánh địa phương cần chuẩn bị chính sách của mình và truyền đạt cách thức thực hiện. Dưới đây là một số câu hỏi cần được giải quyết:
Bạn sẽ quyết định nhóm trở lại dựa trên yếu tố nào? – Kinh Thánh cho biết chúng ta phải chịu sự quản lý của chính quyền (Rô-ma 13:1). Bạn cần phải đưa ra quyết định và thông báo với mọi người.
Khi nào bạn sẽ mở cửa Hội thánh trở lại? – Bạn sẽ tổ chức thờ phượng vào Chúa nhật đầu tiên sau khi được phép? Nếu thông báo đến vào thứ bảy thì sao? Đội ngũ của bạn sẽ được chuẩn bị sẵn sàng chứ? Ngay cả khi lệnh cách ly được dỡ bỏ, lệnh cấm các cuộc tụ họp lớn vẫn có thể giữ nguyên. Các Hội thánh nhỏ có thể nhóm họp trực tiếp, trong khi Hội thánh lớn hơn vẫn có thể bị cấm. Các mục sư cần chuẩn bị từ bây giờ để đối phó với những khó khăn khác nhau có thể ảnh hưởng đến Hội thánh.
Bạn sẽ đưa ra những chính sách phòng tránh nào? – Được phép nhóm lại không có nghĩa là Hội thánh chúng ta an toàn khỏi coronavirus. Chúng ta sẽ bảo vệ người già, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch như thế nào? Bạn sẽ đưa ra những biện pháp phòng tránh nào để bảo vệ tín đồ? Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro nào để được thờ phượng trực tiếp?
Đây chỉ là một số câu hỏi mà mọi Hội thánh phải giải quyết. Bạn cần lập kế hoạch để phản ứng với vô số vấn đề của Hội thánh, suy nghĩ và cân nhắc nghiêm túc về vấn đề. Một số tín đồ sẽ sẵn sàng đặt sức khỏe vào tay bạn, vì vậy hãy tận dụng thời gian giãn cách xã hội này để chuẩn bị sẵn sàng khi cửa Hội thánh một lần nữa mở ra.
Bài: JOE CARTER; dịch: Jennie
(nguồn: thegospelcoalition.org)