Oneway.vn – Năm 2014, hàng chục ngàn người dân tộc thiểu số Yazidis chạy trốn lên đỉnh núi Iraq Sin Sinjar để thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo bạo lực của ISIS. Sau đó, nhân viên cứu trợ và quân đội Iraq đã cung cấp đồ tiếp tế bằng máy bay, và giải cứu trẻ em khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong một bức ảnh, một bà mẹ Iraq với gương mặt hoảng hốt, bế đứa con nhỏ giơ cao lên trời, hy vọng một nhân viên cứu trợ sẽ đưa đứa bé đi. Bà có thể không bao giờ gặp lại con, nhưng ít nhất đứa bé sẽ được an toàn.
Khi nhìn thấy bức ảnh đó, tôi đang ngồi trong văn phòng máy lạnh ở Phoenix, mặc một chiếc váy xinh đẹp, sạch sẽ, lắng nghe tiếng người ta trò chuyện công sở. Tôi chuẩn bị ăn, uống cà phê, và buồn chán một chút. Và rồi tôi trông thấy bức ảnh, và cảm giác hoảng loạn run rẩy bỗng ập đến lan tỏa khắp người tôi.
Vật lộn với Tin tức
Đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối. Nghe những chuyện bi kịch là việc rất khó khăn cho tất cả mọi người. Đối với tôi, khó khăn đôi khi là tôi không thể thở, hoặc đứng lên, hoặc nói mà không bị nghẹn bởi nước mắt. Điều này là nỗi xấu hổ lớn với tôi trong một thời gian dài. Làm sao tôi có thể sụp đổ khi chỉ nhìn thấy nỗi kinh hoàng mà người khác đang gánh chịu?
Trong một thời gian, tôi tin rằng cách duy nhất để giải quyết chuyện khủng khiếp này là buộc bản thân phải đối diện. Đừng lướt qua bức ảnh đứa trẻ Syria với xương sườn nhô ra ngoài. Đừng chuyển kênh khi có tin tức về vụ nổ súng hàng loạt. Nhưng cách này dường như phản tác dụng. Mặc dù đối mặt với nỗi kinh hoàng khiến tôi muốn giúp đỡ họ phần nào, nhưng tôi chẳng thể giúp đỡ bất cứ ai khi tôi còn chẳng thể giúp nổi chính mình.
Tôi không đơn độc. Giáo sư tâm lý học của Đại học Sussex, Graham Davey nói với tờ Time rằng: đối với nhiều người, việc xem những câu chuyện thời sự gây sốc hoặc bi thảm có thể dẫn đến các triệu chứng căng thẳng cấp tính, hay thậm chí là PTSD.
Là tín đồ Đấng Christ, tôi có nghĩa vụ quan tâm đến người lân cận mình và tôi không thể làm điều đó nếu không biết họ là ai hoặc họ cần gì. Tôi cũng không được quyền thờ ơ với cả một “đại dương nhu cầu” không đáy. Đồng thời, tôi không thể giúp đỡ bất kỳ ai nếu cứ liên tục bị tấn công bởi những cơn hoảng loạn khiến mình không còn tỉnh táo. Trong thời đại truyền thông, đây là sự căng thẳng mà cả Hội Thánh phải đấu tranh: cập nhật bao nhiêu tin tức là đủ? Và làm sao có thể cập nhật một cách có trách nhiệm, để nó không làm tê liệt chúng ta, hay tệ hơn, nó làm chúng ta trở nên “tê liệt”?
Biết giới hạn của bạn
Đối với những người như tôi, tiêu thụ quá nhiều tin tức bi thảm sẽ cản trở khả năng hoạt động, khiến tôi không còn khỏe mạnh. Cơ thể tôi báo động khi trông thấy ảnh hoặc video đáng sợ. Nếu dại dột bỏ qua những báo động đó; tôi không chỉ bị tổn thương mà còn mất đi khả năng giúp đỡ người khác.
Nhưng như vậy không có nghĩa cứ nhìn đi chỗ khác nếu thấy một tin tức đáng buồn. Vẫn có những trường hợp chúng ta có thể cùng than khóc với người khác, và an ủi trái tim tổn thương của họ. Mọi người phải biết giới hạn của chính mình.
Điều đáng chú ý là bộ não và trái tim chúng ta phản ứng với hình ảnh và video dữ dội hơn là từ ngữ. Chúng ta có thể tránh hình ảnh trong khi vẫn đọc hoặc nghe thông tin.
Đồng thời, chúng ta phải thúc đẩy bản thân đối diện. Nếu tránh những câu chuyện bi thảm khiến chúng ta thoải mái tưởng tượng rằng mọi người khác đang sống cuộc sống bình yên như chúng ta, thì thật vô cảm. Chúng ta cần định hướng lại thói quen của mình để biết những gì đang xảy ra trong thế giới, không chỉ biết mình mà thôi, và để bản thân cảm thấy khó chịu một chút vẫn hơn.
Làm những gì bạn có thể
Hướng dẫn của Chúa Jesus về việc trả cho Sê-sa những gì thuộc về Sê-sa rất thú vị với những người sống trong nền dân chủ như chúng ta: “Sê-sa” của chúng ta yêu cầu chúng ta tham gia (Matt. 22:21). Chúng ta nên cập nhật đủ tin tức để có thể trở thành cử tri có trách nhiệm.
Tuy không thể giải cứu người phụ nữ Yazidi khỏi Núi Sinjar, nhưng tôi có thể bỏ phiếu ủng hộ các nhà lãnh đạo với chính sách đối ngoại nhằm nỗ lực ngăn chặn thảm kịch khác xảy ra. Phải mất thời gian và sáng suốt để tìm nguồn tin tức đáng tin tưởng, nhưng chúng ta phải cố gắng. Bỏ phiếu không phải toàn bộ câu trả lời và không thể giải quyết mọi thứ, nhưng đó lại là quyền rất ý nghĩa.
Ưu tiên cộng đồng
Khi lắng nghe cơ thể mình, thật khó để lướt mạng xã hội hay xem mọi video được chia sẻ trên tin tức. Nhưng vì cần phải nắm bắt tin tức, tôi đã chọn cách dựa vào cộng đồng quanh mình. Chồng tôi là người thích đọc tin tức, anh nói chuyện với tôi mỗi tối về tin tức trong ngày mà tôi phải biết. Bạn bè và đồng nghiệp cũng thế.
Cộng đồng chính là sự trợ giúp đắc lực. Thông báo cho nhau. Thảo luận tin tức cùng nhau. Giải quyết vấn đề địa phương với nhau. Hành động cùng với cộng đồng sẽ hữu ích hơn nhiều so với cố gắng làm một mình.
Trong câu chuyện về người Samari, thầy tế lễ và người Lê-vi đã phạm tội, một phần vì họ đã gặp nạn nhân cần được giúp đỡ nhưng lại bỏ đi. Nạn nhân bị đánh, bị cướp và bỏ mặc cho đến chết. Một thầy tế lễ đầu tiên nhìn thấy cũng bỏ đi (Lu-ca 10:30). Sau đó, người Lê-vi đến, nhưng cũng đã đi qua (câu 31).
Thật ngạo mạn khi nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề. Ngoài việc cầu nguyện cho người phụ nữ Yazidi được an toàn, bình an và được giải cứu, tôi hầu như không thể làm được gì khác cho cô ấy. Chắc chắn tôi không thể làm gì trong thời gian ngắn ngủi này.
Nhưng nhu cầu của cô ấy nhắc nhở tôi nhìn về phía cộng đồng địa phương của mình. Ai đang đau khổ? Chúa có mục đích khi đặt chúng ta trong gia đình, nhà thờ và khu phố của mình. Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta: “Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin”. (Gal. 6:10).
Chúng ta không thể giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng chắc chắn phải giúp đỡ một ai đó. Và cộng đồng đức tin chính là nơi để bắt đầu.
Bài: Maria Baer, dịch: Hồng Nhạn
(nguồn: thegospelcoalition.org)