Oneway.vn – Khi những người tin kính Chúa bất đồng quan điểm: Bài học rút ra từ Công-vụ-các sứ đồ đoạn 5.
Cơ Đốc nhân có thể có một số bất đồng sâu sắc với nhau.
Chỉ cần nhìn vào số lượng các hệ phái Tin Lành trong thời của chúng ta, hay các điểm tranh cãi giữa vòng các hệ phái hoặc nhánh thần học. Cuộc tranh luận hiện nay về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề “công bằng xã hội” theo quan điểm Thánh Kinh là một thí dụ.
Những sự chia rẽ này có thể làm chúng ta nản lòng, đau đớn, hoặc thậm chí nao núng trong đức tin.
Dù vậy, những bất đồng giữa các Cơ Đốc nhân không phải là điều mới. Thật ra, chính vị sứ đồ từng động viên Cơ Đốc nhân hãy có “đồng tâm trí” với nhau cũng không phải lúc nào cũng làm được điều lý tưởng ấy (Phi-líp 2:2).
Trong Công vụ 15:36-41, chúng ta đọc thấy một câu chuyện đáng buồn về cuộc tranh cãi gay gắt giữa sứ đồ Phao-lô và người bạn đồng hành thân thiết của ông là Ba-na-ba.
Ba-na-ba muốn dẫn theo Giăng Mác trong chuyến hành trình truyền giáo tiếp theo của họ, nhưng Phao-lô không đồng ý, vì Mác đã rời bỏ họ trước đó (Công vụ 13:13). Điều làm cho sự bất đồng này trở nên thật đau lòng chính là sự chia rẽ giữa họ sau đó. Thế nhưng, mục đích của Kinh Thánh trong việc thuật lại những thực tế đáng buồn này là để hướng dẫn chúng ta chứ không phải để làm chúng ta nản lòng. Vậy nên, hãy lượng giá nhanh qua sự việc và rút ra một số bài học.
Ai đúng, ai sai?
Hãy xem xét vấn đề từ góc nhìn của cả Phao-lô và Ba-na-ba. Lập luận của Phao-lô được nêu rõ trong Kinh Thánh: Giăng Mác đã rời bỏ vị trí của mình. Hiển nhiên, một “sự đào ngũ” như vậy là vấn đề nghiêm trọng (Lu-ca 9:62; Châm 25:19). Có vị chỉ huy nào lại muốn đem theo một anh lính đã từng trốn khỏi đơn vị trong một nhiệm vụ trước đó cơ chứ? Thế thì, có vẻ như Phao-lô đang làm đúng theo nguyên tắc Kinh Thánh ở đây.
Tuy nhiên, trước khi chúng ta đưa ra phán quyết, hãy cho Ba-na-ba có cơ hội lên tiếng (Châm 18:17). Kinh Thánh không ghi lại lập luận của Ba-na-ba, nhưng chúng ta có thể suy ra một chút từ những gì đã biết về phẩm cách của ông (Công 4:36; 9:26–27). Tôi không cho rằng Ba-na-ba đã biện hộ cho hành động của Mác. Có lẽ ông đã đồng ý rằng, một người làm việc cho Phúc âm phải trung tín. Dù vậy, tôi tin rằng ông cũng nhắc Phao-lô về một nguyên tắc khác trong Kinh Thánh: tội lỗi và thất bại trong quá khứ không phải là rào cản cho sự trung tín và thành công trong tương lai. Hãy nhớ lại sứ đồ Phi-e-rơ, ông đã chối Chúa Jêsus ba lần! Nhưng Chúa vẫn dùng ông. Tôi cảm thấy như Ba-na-ba sẽ nói rằng: “Nếu Phi-e-rơ được thì sao Mác lại không được?”
Trước khi chúng ta chọn đứng về phía nào, hãy lưu ý rằng sự bất đồng này không liên quan đến vấn đề tà giáo hay vô đạo đức. Phao-lô và Ba-na-ba không tranh cãi về nền tảng của đức tin, như là thần tính của Đấng Christ, hay việc một mục sư có được ngoại tình hay không. Ở đây, chúng ta nhìn thấy hai con người tận hiến cho Đấng Christ đang bất đồng với nhau về việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Điểm căng thẳng ở đây là Phao-lô đang nhấn mạnh hơn nguyên tắc này, còn Ba-na-ba thì nguyên tắc kia. Khi mỗi người đặt các nguyên tắc của mình lên bàn cân, cuộc tranh cãi sẽ kết thúc tùy vào cán cân nghiêng về bên nào.
Ở đây, chúng ta nhìn thấy hai con người tận hiến cho Đấng Christ đang bất đồng về việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh.
Tôi không nghĩ trước giả Lu-ca đưa ra kết luận thiên về bên nào. Việc các anh em tín hữu giao phó Phao-lô và Si-la cho ân điển Chúa (Công 15:40) không nhất thiết cho thấy họ đứng về phía Phao-lô. Nó chỉ đơn giản là cho dù Phao-lô và Ba-na-ba chia rẽ nhau, hội thánh tại An-ti-ốt vẫn sẽ không loại Phao-lô ra. Thậm chí, dù họ có đứng về phía Phao-lô thì điều đó cũng không có nghĩa là họ đúng. Rõ ràng, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta biết ai mới là người đúng nhất và ai sai nhất.
Chúng ta học được điều gì?
Như vậy, sau khi đã đánh giá tình huống, chúng ta có thể rút ra bài học gì từ câu chuyện này để áp dụng cho những bất đồng đang diễn ra trong thời đại của chúng ta? Xin được nêu ra bốn bài học.
1. Chống lại khuynh hướng luôn đứng về một phía.
Đôi khi, chúng ta bắt buộc phải lựa chọn đứng về một bên nào đó và xác quyết quan điểm, nhưng trong nhiều trường hợp thì không cần phải như vậy. Chúng ta có thể có những quan ngại hoặc hoài nghi, nhưng có lẽ điều khôn ngoan hơn là hãy giao vấn đề đó cho Chúa.
Chúng ta thường nhìn quanh và tự hỏi tại sao hai vị lãnh đạo Cơ Đốc tuyệt vời thế kia lại làm việc trong những mục vụ khác nhau. Họ sống cùng thành phố, có cùng nền tảng tín lý, vậy sao không làm việc với nhau nhiều hơn? Anh chị em ơi, Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng muốn chúng ta đứng về một phía đâu. Vậy nên, hãy kháng cự lại cám dỗ muốn làm rõ mọi chuyện. Hãy dâng cả hai phía lên cho Chúa (Phi 3:15).
2. Bất đồng quan điểm luôn tồn tại trong thời đại ngày nay.
Đôi khi, chúng ta có cái nhìn quá lý tưởng về Hội thánh, và khi có một hội thánh hoặc một mục sư nào đó làm ta thất vọng thì chúng ta lại rơi vào trạng thái nghi ngờ về năng quyền của Phúc Âm hoặc hoàn toàn từ bỏ đức tin của mình. Nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta là những người tin Kinh Thánh một cách thực tế. Nếu những sự hữu hạn hoặc tội lỗi còn tồn tại trong con người có thể ngăn trở hai vị sứ đồ tin kính hòa hợp với nhau khi xưa thì chúng ta không nên ngạc nhiên khi có những tín hữu yêu mến Chúa bất đồng và thậm chí phân rẽ nhau ngày nay.
Nếu những sự hữu hạn hoặc tội lỗi còn tồn tại trong con người có thể ngăn trở hai vị sứ đồ tin kính hòa hợp với nhau khi xưa thì chúng ta không nên ngạc nhiên khi có những tín hữu yêu mến Chúa bất đồng và thậm chí phân rẽ nhau ngày nay.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự mặc khải của Đức Chúa Trời, mặc dù đủ, nhưng chỉ mới là một phần cho chúng ta (1 Cô 13:9–10), giống như một bức tranh ghép hình lớn có một vài mảnh bị thiếu nhưng đủ số lượng mảnh để chúng ta có thể tạo thành một bức tranh. Đây là lý do tại sao mà những Cơ Đốc nhân chân chính thường không có quan điểm giống nhau, khi họ nỗ lực áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Mục sư theo trường phái Thanh giáo Matthew Henry từng nhận định: “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ đồng tâm trí trong tất cả cho đến khi lên thiên đàng, nơi có sự sáng và tình yêu trọn vẹn”.
3. Ở trong Chúa
An nghỉ trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời, vì biết rằng Ngài tể trị trên những bất đồng vì một mục đích tốt lành.
Tôi chắc rằng Sa-tan được hưởng lợi một ít từ sự phân rẽ của hai vị sứ đồ. Tuy nhiên, những điều hắn mưu toan xấu xa thì Đức Chúa Trời có thể biến thành kết quả tốt lành (Sáng 50:20; Rô 8:28).
Thử nghĩ xem, từ sự phân rẽ này, nỗ lực truyền giáo đã được nhân đôi lực lượng. Nhiều công tác được thực hiện hơn, nhiều hội thánh mới được mở. Phao-lô ban đầu chỉ đề xuất với Ba-na-ba rằng hãy trở lại viếng thăm những hội thánh mà họ đã mở (Công 15:36), nhưng Đức Chúa Trời lại có kế hoạch khác. Ngài muốn công tác Ngài mở rộng sang Macedonia và Hi Lạp..
Đừng loại những ai bất đồng với bạn ra khỏi danh sách cầu nguyện của bạn.
Cũng hãy xem xét cách Đức Chúa Trời có thể sử dụng cuộc tranh cãi này để làm nên ích lợi cho những người có liên quan. Việc Ba-na-ba sẵn lòng khôi phục Mác có thể đã đem đến hy vọng cho chàng trai trẻ, trong khi tình yêu thương có phần nghiêm khắc của Phao-lô có thể khiến anh càng quyết tâm không lặp lại sai lầm của mình. Có lẽ sự chú trọng đến lòng trung tín của Phao-lô đã khiến Ba-na-ba cẩn trọng hơn và đòi hỏi hơn ở Mác, đồng thời sự nhấn mạnh đến ân điển của Ba-na-ba cũng giúp Phao-lô kiên nhẫn hơn, nhạy cảm hơn trong chức vụ của ông sau này. Thật vậy, chúng ta biết rằng những năm sau đó, điều mà Ba-na-ba làm cho Mác cũng là điều mà Phao-lô đã làm cho một nô lệ tên Ô-nê-sim (Phil 17–19).
Vậy nên, hãy nghĩ đến những cách mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng những bất đồng và sự phân rẽ giữa vòng những người tin kính vì lợi ích của họ, của chúng ta và vì sự vinh hiển của Danh Chúa.
4. Hãy nhớ rằng sự khác biệt không dập tắt tình yêu thương.
Cho dù xảy ra mâu thuẫn sâu sắc và thậm chí phân rẽ, Kinh Thánh dường như cho thấy rằng cả hai bên đều tiếp tục xem nhau như anh em trung tín và hỗ trợ cho công tác của nhau. Phao-lô vẫn nói về Ba-na-ba như một vị sứ đồ của Đấng Christ, một người đồng công cho Vương quốc (1 Cô 9:5–6). Tôi tin rằng người luôn kêu gọi các anh em tín hữu “cầu nguyện cho tất cả các thánh đồ” là người làm đúng theo điều ấy, Phao-lô đã luôn cầu nguyện cho Ba-na-ba và Mác; và Ba-na-ba và Mác cũng làm như vậy với Phao-lô.
Chúng ta cũng nên học theo điều ấy. Đừng ngưng cầu nguyện cho những ai bất đồng với bạn. Nếu bạn cho rằng họ sai, hãy cầu nguyện để Chúa giúp họ hiểu biết đúng đắn. Nhưng nếu họ vẫn đang bước đi trong chân lý, hãy cầu nguyện xin Chúa ban phước cho họ.
Cũng đừng để cho điều mà bạn không đồng ý với họ trở nên cứng nhắc đến nỗi không thể điều chỉnh. Về sau, Phao-lô đã phải thay đổi suy nghĩ của mình về Mác, thậm chí ông hạ mình để nhờ Mác giúp đỡ (1 Ti 4:11). Bạn có hình dung được Mác vui như thế nào khi anh biết rằng Phao-lô, người từng nghi ngờ sự hữu dụng của anh, bây giờ người ấy lại muốn anh giúp đỡ?
Vậy thì, hỡi các anh chị em trong Chúa, hãy sẵn sàng để thay đổi những phán xét của chúng ta. Một số những niềm tin liên quan đến tín lý và đạo đức theo Thánh Kinh là không thể nhân nhượng. Nhưng nếu vấn đề liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh thì ít ra chúng ta nên sẵn lòng để điều chỉnh ý kiến của mình. Điều đó không quá khó nếu chúng ta giữ được tình yêu thương anh em, là tình yêu thương hay nhịn nhục và nhân từ, tình yêu thương không kiêu ngạo và không nhạy giận, tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự (1 Cô 13:4–7).
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn tình yêu này!
Bài: Robert Gonzales Jr, dịch: Blessy Nguyễn
(Nguồn: thegospelcoalition.org)