Kiêng ăn cho người mới bắt đầu

Oneway.vn – Có thể bạn là một Cơ Đốc nhân hiếm khi hoặc không bao giờ kiêng ăn.

Không phải vì chúng ta chưa đọc Kinh Thánh hay giảng về năng quyền của sự kiêng ăn, cũng không phải do chúng ta không thực sự muốn kiêng ăn. 

Một phần có thể là do xã hội hiện nay nhiều “đồ ăn” đến mức chúng ta không chỉ ăn khi cần, mà đôi khi ngay cả khi hề không muốn ăn. Chúng ta ăn để giao lưu với người khác, để xây dựng, phát triển mối quan hệ…

Và tất nhiên, cảm giác thèm muốn sự thoải mái, no nê khiến chúng ta rất khó chịu khi phải kiêng ăn.

 

Bạn không bị buộc phải kiêng ăn
Kiêng ăn là tự nguyện từ chối những món ăn và những thứ tốt đẹp chúng ta thường được hưởng từ Chúa, vì một mục đích tâm linh nào đó. Nghe như “phản văn hóa” trong xã hội tiêu dùng của chúng ta, như việc không quan hệ tình dục cho đến khi kết hôn.

Nếu muốn học “nghệ thuật kiêng ăn” và thưởng thức thành quả của nó, chúng ta phải mở Kinh Thánh ra. Sau đó, điều quan trọng không phải là chúng ta có kiêng ăn hay không, mà là khi nào. Chúa Jesus cho rằng những ai theo Ngài thì sẽ kiêng ăn. Ngài không nói “nếu”, nhưng là “khi các ngươi kiêng ăn” (Ma-thi-ơ 6:16). Và Ngài không nói rằng những người theo Ngài “có thể” kiêng ăn, nhưng nói rằng “thì họ mới kiêng ăn” (Matthew 9:15).

Chúng ta kiêng ăn trong đời này vì chúng ta tin vào đời sau. Chúng ta không cần phải có tất cả ở đây và ngay bây giờ, bởi vì có lời hứa rằng chúng ta sẽ có tất cả nơi thiên đàng. Bạn kiêng ăn những gì có thể nhìn thấy và nếm, bởi vì chúng ta đã nếm và thấy sự tốt lành của Đức Chúa Trời vô hình và vô hạn, và chúng ta thèm khát Ngài hơn bất cứ điều gì.

 

Biện pháp tạm thời
Kiêng ăn là cách để tấm lòng chúng ta nhận được “không khí trong lành” để vượt qua nỗi đau và rắc rối xung quanh, dành cho cuộc chiến chống lại tội lỗi và sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chúng ta bày tỏ sự bất mãn với tội lỗi mình và khao khát Đấng Christ.

Khi Chúa Jesus trở lại, việc kiêng ăn sẽ nên trọn vẹn. Kiêng ăn là một biện pháp tạm thời cho cuộc sống và thời đại này, để làm phong phú niềm vui của chúng ta trong Chúa Jesus và chuẩn bị tâm linh để đối mặt với Ngài trong ngày sau rốt. 

Khi Chúa trở lại, Ngài sẽ không kêu gọi chúng ta kiêng ăn, mà là dự một bữa tiệc thịnh soạn; mọi sự kiêng ăn thiêng liêng hôm nay sẽ phục vụ cho mục đích vinh quang và trở nên một món quà tuyệt vời.

Cho đến lúc đó, chúng ta sẽ kiêng ăn.

 

Bắt đầu kiêng ăn
Kiêng ăn thật khó. Nói dễ hơn làm. Cảm giác khi bỏ một bữa ăn thật khó chịu. Nhiều người “nhanh nhẹn” đã bỏ bữa và sau đó phải ăn bù lại còn nhiều hơn bình thường.

Kiêng ăn nghe có vẻ đơn giản, nhưng thế gian, xác thịt và ma quỷ âm mưu ngăn cản cách tinh vi. Sau đây là sáu lời khuyên đơn giản để bắt đầu kiêng ăn. 

 

Bắt đầu từ tốn
Đừng cố kiêng ăn trong cả một tuần. Bắt đầu với duy nhất một bữa ăn; kiêng ăn một bữa một tuần trong vài tuần. Sau đó thử kiêng hai bữa ăn, và cứ thế theo cách của bạn cho đến kiêng ăn cả ngày. Cuối cùng có thể thử kiêng ăn hai ngày mà chỉ uống nước ép.

Kiêng tất cả các loại thực phẩm và đồ uống, ngoại trừ nước trái cây và nước trắng. Uống nước trái cây để cung cấp chất dinh dưỡng và đường cho cơ thể để bạn vẫn có năng lượng hoạt động, đồng thời vẫn cảm nhận những tác động do không tiêu thụ thức ăn đặc. Không được ngừng uống nước trong thời gian kiêng ăn.

 

Lên kế hoạch những gì bạn sẽ làm thay vì sẽ ăn.
Kiêng ăn không chỉ là hành động kỷ luật bản thân, mà còn là kỷ luật tâm linh để tìm kiếm sự trọn vẹn Chúa. Nghĩa là chúng ta nên có kế hoạch theo đuổi những điều tích cực để thực hiện trong thời gian kiêng ăn. Kiêng ăn giúp chúng ta có thời gian cầu nguyện và suy ngẫm lời Chúa, hay thực hiện những hành động yêu thương với người khác.

Trước khi kiêng ăn, hãy lập kế hoạch đơn giản. Kết nối với mục đích bạn kiêng ăn. Mỗi kỳ kiêng ăn nên có một mục đích tâm linh cụ thể. Xác định mục đích ấy và đặt trọng tâm, sử dụng thời gian ăn uống để thực hiện trọng tâm đó. Nếu không có mục đích và kế hoạch thì đó không phải là kiêng ăn.

 

Cân nhắc việc kiêng ăn có ảnh hưởng đến người khác
Kiêng ăn sẽ không có ý nghĩa nếu không có tình yêu thương. Sẽ thật buồn khi thiếu sự quan tâm chăm sóc cho những người xung quanh vì phải tập trung cao độ vào Chúa. Tình yêu dành cho Chúa và người lân cận phải đi cùng nhau. Kiêng ăn phải đi đôi với yêu thương. Người khác thậm chí sẽ cảm thấy được yêu thương và chăm sóc nhiều hơn khi chúng ta đang kiêng ăn.

Vì vậy, khi lên kế hoạch kiêng ăn, hãy xem nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Nếu bạn thường ăn trưa với đồng nghiệp, ăn tối với gia đình hoặc bạn cùng phòng, hãy xem việc bạn kiêng ăn sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào, và cho họ biết trước thời gian kiêng ăn, thay vì lặng lẽ không tham gia cùng họ.

 

Thử những cách kiêng ăn khác nhau.
Kiêng ăn là việc cá nhân, riêng tư, nhưng chúng ta cũng thấy nhiều hình thức khác nhau trong Kinh Thánh: cá nhân, cộng đồng, quốc gia, có thể thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, tuyệt đối hoặc một phần.

Cụ thể, hãy cân nhắc việc kiêng ăn cùng gia đình, nhóm nhỏ hoặc Hội Thánh bạn. Các bạn có chia sẻ với nhau khi có nhu cầu đặc biệt cần được Chúa hướng dẫn không? Có khó khăn lớn nào mà Hội Thánh hoặc nơi bạn sống cần đến sự can thiệp của Chúa không? Cầu xin sự giúp đỡ đặc biệt của Chúa bằng cách kiêng ăn cùng các tín hữu khác.

 

Kiêng những thứ khác ngoài thức ăn.
Không nhất thiết phải kiêng thực phẩm. Như Martyn Lloyd-Jones đã nói: “Kiêng ăn bao gồm việc kiêng bất cứ thứ gì phù hợp vì mục đích tâm linh đặc biệt”.

Nếu tình trạng sức khỏe của bạn không cho phép kiêng ăn, hãy xem xét việc kiêng xem tivi, máy tính, mạng xã hội hoặc một số thú vui thường xuyên khác. Điều đó sẽ khiến tấm lòng bạn vui thích với Đấng Christ hơn. Thậm chí Phao-lô còn nói về những cặp vợ chồng kiêng quan hệ trong một thời gian, để có thể hết lòng cùng nhau cầu nguyện (1 Cô-rinh-tô 7: 5).

 

Đừng nghĩ về chiếc dạ dày rỗng
Khi chiếc dạ dày trống rỗng bắt đầu gầm gừ và gửi cho bộ não tín hiệu khao khát thức ăn, đừng để tâm trí bạn tập trung vào việc bạn đang kiêng ăn. Nếu bạn kiên quyết nói không với dạ dày của mình, nhưng lại không bắt tâm trí mình phải hướng mắt về nơi khác, điều đó cho thấy bạn yêu đồ ăn hơn là yêu Chúa.

Kiêng ăn là chuyển sự chú ý của mình về Chúa Jesus và những mục đích lớn lao hơn trong thế gian. Kiêng ăn là chịu đựng cơn đói và hướng mắt về Chúa, để chiến đấu chống lại tội lỗi, cầu xin sự cứu rỗi cho người khác, và khao khát được nếm trải sâu sắc hơn hương vị của Đức Chúa Jesus.

 

Bài: David Mathis; dịch: Daisy

(Nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *