Kỷ niệm lễ Phục sinh giữa đại dịch toàn cầu

Oneway.vn – Lần đầu tiên, và hy vọng cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời chúng ta, Hội thánh trên khắp thế giới sắp kỷ niệm lễ Phục sinh mà không được cùng nhau nhóm họp vào Chúa nhật này.

Thật là một cảnh tượng bi thảm, những ngày buồn bã và đáng sợ. Tuy nhiên, tình huống hiện nay có nhiều điểm giống với Chúa nhật Phục sinh đầu tiên.

Sách Giăng chép rằng Ma-ri Ma-đơ-len đứng bên ngoài mộ Chúa mà khóc (Giăng 20:11), trong khi Ma-thi-ơ nói thêm rằng cô và Ma-ri khác rất sợ hãi (Ma-thi-ơ 28:4). Khi đó các môn đồ cũng vô cùng sợ hãi, họ chỉ dám tụ họp một nhóm nhỏ (đủ nhỏ để đáp ứng lệnh kiểm dịch coronavirus hiện nay) và đóng cửa ở trong nhà (Giăng 20:19).

Nhưng sau đó, Chúa Jêsus xuất hiện, và mọi thứ bắt đầu thay đổi. “Đức Chúa Jêsus gặp hai người đàn bà đó, thì phán rằng: Mừng các ngươi!” (Ma-thi-ơ 28:9), “Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi!” (Giăng 20:21).

Đấng Christ Phục sinh cũng đang nói những lời này với dân Ngài và các lãnh đạo Hội thánh ngày nay. Ngài biết bạn đang phải đấu tranh với sự thay đổi đột ngột của đời sống thường nhật. Ngài biết bạn sợ hãi, lo lắng về Hội thánh và đời sống tín đồ. Và Ngài thấu hiểu áp lực của bạn khi Chúa nhật Phục Sinh đến gần: Làm sao Hội thánh bạn có thể kỷ niệm lễ Phục sinh trong thời điểm khó khăn như thế này?

Vì quan điểm đa dạng của nhiều Hội thánh và mục vụ, sẽ không có một cách tiếp cận thống nhất phù hợp với tất cả mọi người để tổ chức kỷ niệm lễ Phục sinh trong đại dịch COVID-19. Nhưng sau đây là bốn điều khích lệ bắt nguồn từ Chúa nhật Phục sinh đầu tiên, từ bản chất Hội thánh và những lời hứa của Chúa chúng ta.

1. Đừng đặt nặng vấn đề ‘thể hiện’

Phục sinh là lễ kỷ niệm những việc Đấng Christ đã làm, không phải để minh chứng về điều một Hội thánh có thể làm. Điều này cũng áp dụng cho tất cả những Chúa nhật khác, nhưng đặc biệt cần nhớ trong thời điểm này. Nếu tổ chức thờ phượng trực tiếp qua mạng, có thể bạn sẽ cảm thấy áp lực, rằng phải làm điều gì đó thật tuyệt vời hoặc đáng nhớ, hoặc ít nhất là không gây nhàm chán. Áp lực liên tục khi phải chuẩn bị thật hoàn mỹ giờ nhóm hàng tuần đôi khi lại khiến kẻ thù của chúng ta mỉm cười. 

Đừng đặt nặng vấn đề thể hiện. Thay vào đó, hãy nhớ rằng giờ thờ phượng Chúa nhật không nhằm mục đích tạo ấn tượng, nhưng là để trung tín ra mắt Chúa Jêsus (Giăng 12:21). Thờ phượng Chúa chưa bao giờ – và không bao giờ là một chương trình. Nên thay vì băn khoăn về chất lượng buổi thờ phượng phát trực tiếp, hãy vui mừng vì chúng ta vẫn còn cách nhóm nhau lại trong thời kỳ khó khăn này: con dân Chúa được hiệp lại cùng nhau.

2. Đừng xem nhẹ tầm quan trọng của lễ Phục sinh

Nếu một bộ phận có xu hướng sùng bái lễ Phục sinh cách quá mức, thì một bộ phận khác lại có xu hướng xem thường ngày này. Nhiều người cố xoa dịu nỗi buồn trong hoàn cảnh hiện tại bằng cách nói rằng: “Rốt cuộc, đó chỉ là một ngày Chúa nhật như bao ngày khác mà thôi”. Nhưng tôi cảnh báo bạn điều này là sai, vì một tinh thần như vậy sẽ hạ thấp ý nghĩa của ân điển Chúa. Nhưng theo một nghĩa khác, điều này đúng: rằng mỗi Chúa nhật sau Phục sinh đều là lễ Phục sinh, và đó là lý do chính đáng để Hội thánh luôn sống trong tinh thần vui mừng của ngày phước hạnh này.

Thay vì hạ thấp, hãy nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của lễ Phục sinh. Hãy dẫn dắt tín đồ của bạn trở lại với sự thờ phượng. Khi biết quý trọng, chúng ta sẽ thấy rằng thiếu lễ Phục sinh khiến chúng ta thấm thía hơn những mất mát của thời điểm hiện tại.

3. Hãy vui mừng ngay cả khi than khóc

Những người nữ đầu tiên biết Chúa Jêsus phục sinh “vừa sợ vừa cả mừng, chạy báo tin cho các môn đồ” (Ma-thi-ơ 28:8). Vui mừng bởi vì họ phát hiện ra rằng Chúa Jêsus còn sống, nhưng có lẽ cũng sợ hãi vì không chắc chắn mọi việc đã diễn ra như thế nào. Tương tự như vậy, lễ Phục sinh nhắc nhở rằng chúng ta có nhiều điều để vui mừng.

Tội lỗi và cái chết đã bị đánh bại và sẽ bị tiêu diệt một ngày nào đó(1 Cô-rinh-tô 15: 54-57). Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải trải qua nỗi đau của cái chết, COVID-19 kinh hoàng nhắc nhở chúng ta điều đó. Nếu đã từng có một lễ Phục sinh khi nỗi sợ hãi và buồn bã pha lẫn với niềm vui lớn, thì bây giờ Phục sinh ấy đang lặp lại. Vì vậy, hãy vui mừng vì những gì Đấng Christ đã hoàn thành, ngay cả khi tiếng khóc của chúng ta chưa ngớt, và mong mỏi đến ngày cái chết không thể chạm đến chúng ta nữa.

4. Nghỉ ngơi trong Đấng vẫn đang làm việc vì chúng ta

Vào những ngày tươi đẹp nhất, một mục sư tin cậy lời hứa của Chúa Giêsu sẵn sàng bán mọi thứ ông có và di chuyển khắp đất nước, thậm chí khắp thế giới để gây dựng một Hội thánh, trong tay chỉ có gia đình, Kinh Thánh và hoài bão. Nhưng vào những ngày tồi tệ nhất đời mình, một mục sư vẫn có thể chìm trong lo lắng, vì cảm giác như mọi thứ đều phụ thuộc và đè nặng vào mình.

Tuy nhiên, trong thời gian dài Hội thánh bị cấm nhóm họp, các mục sư đã được trao một món quà độc đáo (Sáng thế Ký 50:20). Mọi nền tảng và chương trình dựa trên sự an ninh sai trật trước đây, nay đã bị xóa bỏ. Chúng ta không còn lại gì cả ngoài chính Cứu Chúa Jêsus.

Thay vì cố thay đổi tình hình, hãy yên tâm nghỉ ngơi trong Đấng vẫn luôn ở cùng chúng ta qua Thánh Linh, Lời Ngài và sự cầu nguyện. Vì nếu chúng ta tin cậy Chúa bằng chính cuộc sống mình, vậy tại sao không tin cậy giao phó cho Ngài Hội thánh đã chuộc bằng chính huyết Ngài? Vì vậy, Chúa nhật này đừng chỉ giảng sứ điệp về lễ Phục sinh. Cũng hãy sống với ý nghĩa của lễ Phục sinh nữa: Đấng Christ đã sống lại, vì vậy bạn có thể nghỉ ngơi trong Ngài.

 

Bài: DOUG PONDER; dịch: Jennie

(nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *