Kỵ Nữ, Kẻ Ngoại Tình Và Đấng Mết-Si-A

Oneway.vn – Nếu bạn có thói quen bỏ qua gia phả của Chúa Jesus được chép trong chương thứ nhất, phúc âm Ma-thi-ơ thì… bạn đã bỏ lỡ một kho tàng ẩn giấu về danh sách 40 tổ phụ (kể cả Giô-sép) trong gia phả của Ngài.

Ở đây, chúng ta sẽ đề cập đến năm người phụ nữ: Ta-ma, Ra-háp, Ru-tơ, Bát-sê-ba và bà Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus. Vì sao họ được nhắc đến trong gia phả của Chúa? Điều gì đã khiến họ có giá trị ngang hàng với những người nam được đề cập? Và đó cũng là những gì sứ đồ Ma-thi-ơ muốn chúng ta đặt câu hỏi.

Năm người nữ mang tiếng xấu

Đầu tiên, chúng ta nói về Ta-ma/Tamar (Ma-thi-ơ/Matthew 1:3). Nếu tổ tiên của chúng ta có nhân vật như Ta-ma thì dễ lắm sẽ chẳng ai tự hào để nhắc đến. Trong Sáng-thế-ký/Genesis 38, Ta-ma bước vào phả hệ của Đấng Cứu Thế bằng cách giả dạng như một kỵ nữ và rồi quyến rũ Giu-đa, ông gia mình. Bối cảnh và câu chuyện này thật phức tạp. Thực tế, theo như văn hóa thời bấy giờ thì bà đã hành động đúng đắn hơn Giu-đa đã làm vì ông đối xử với Ta-ma, con dâu mình không công bằng và bà lại có rất ít sự cầu viện. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng nó thật sự là tình trạng hỗn độn, kinh tởm.

Thứ hai, kỵ nữ Ra-háp/Rahab (Ma-thi-ơ 1:5). Bà không cần cải trang. Bà là một kỵ nữ dân ngoại. Ra-háp không chỉ không phải là người Do Thái hay thuộc về dân Ca-na-an mà là dân thành Giê-ri-cô/Jericho, thành trì đầu tiên Giô-suê/Joshua đánh chiếm để tiến vào Đất Hứa. Vậy bằng cách nào bà trở thành một trong hai bốn tổ mẫu được ghi lại trong gia phả của Đức Chúa Jesus? Ngày đó, bà đã giấu những sứ giả do thám của dân Y-sơ-ra-ên và giúp họ trốn thoát, vì vậy mà Giô-suê đã bảo tồn sự sống cho Ra-háp và cả gia đình bà (Giô-suê 2,6). Ngay sau khi được tha mạng và sống giữa dân Y-sơ-ra-ên Ra-háp kết hôn với Sanh-môn/Salmon, đó là lý do vì sao Ra-háp xuất hiện trong phả hệ này.

Kế đến là Ru-tơ/Ruth, người nữ thứ ba được liệt kê ở đây (Ma-thi-ơ 1:5). Cá nhân Ru-tơ không bị lôi kéo hay dính vào vụ bê bối tình dục, nhưng cô xuất thân từ một dân tộc tội lỗi. Ru-tơ là dân Mô-áp/Moabite, dân tộc ra từ sự loạn luân giữa Lót và con gái lớn của mình (Sáng-thế-ký 19:30-38). Dân tộc của Ru-tơ là dân ngoại thờ đa thần, đôi khi họ còn hiến tế con người dâng cho thần mình như Kê-móc/Chemosh. Vượt lên trên bi kịch cá nhân và bởi lòng trung thành lớn lao, cô đã theo mẹ chồng về sinh sống tại Bết-lê-hem, trở thành vợ hợp pháp của Bô-ô/Boaz, cũng như được dự phần vào phả hệ của Đức Chúa Jesus.

Người nữ thứ tư chính là “vợ của U-ri/Uriah” (Ma-thi-ơ 1:6), tên bà là Bát-sê-ba/Bathsheba. Những điều được chép lại trong II Sa-mu-ên 11 không nói cho chúng ta về sự thỏa hiệp của Bát-sê-ba trong câu chuyện phạm tội tà dâm này, nhưng trên thực tế, vua Đa-vít/David nắm quyền hành gần như tuyệt đối với tư cách là vua, đây là một sự lạm dụng quyền lực tối cao, rõ ràng và đơn giản. Nhưng hệ quả nó để lại là những điều nặng nề bắt đầu từ những điều tưởng chừng đơn giản. Chỉ một “bữa ăn” vô đạo đức này (Hê-bơ-rơ 12:16) đã gây ra một chuỗi những bi kịch liền sau. Bát-sê-ba mang thai, chồng bà, ông U-ri bị sát hại theo kế hoạch kín nhiệm. Vua Đa-vít đã đẩy chính mình và toàn bộ gia đình vào những tai họa và sự rủa sả, gây ra đau khổ cho rất nhiều người, đặc biệt là Bát-sê-ba (II Sa-mu-ên 12). Tuy nhiên, cũng từ đó Bát-sê-ba được dự phần vào phả hệ của Đức Chúa Jesus.

Người nữ cuối cùng nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng chính là Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 1:6). Ma-ri chịu thai Đức Chúa Jesus Christ trước khi kết hôn. Vị hôn phu của cô, Giô-sép/ Joseph cũng không phải là cha của đứa trẻ. Vết nhơ của việc mang thai “ngoài giá thú” này sẽ khiến cho cô cùng con trai mình bị mang tiếng xấu suốt cả quãng đời họ sống trên đất.

Hai người nữ đầu tiên được Chúa Jesus bày tỏ Ngài là Đấng Mê-si-a và gặp Chúa phục sinh

Thêm hai người nữ nổi bật đã được nhắc đến khi Đức Chúa Jesus thi hành chức vụ trên đất. Họ cũng là những người nữ đầu tiên kinh nghiệm phép lạ và sự bày tỏ của Chúa.

Giăng 4 ký thuật câu chuyện Đức Chúa Jesus gặp người nữ Sa-ma-ri tại thành Si-kha đang độ giữa trưa bên giếng Gia-cốp (Giăng 4:6), và đây cũng không phải là người nữ Do Thái. Giống như Ta-ma hay Ra-háp, Bát-sê-ba, người phụ nữ này được biết đến là người nữ có năm đời chồng và có ít nhất một người chồng ngoài hôn thú như những người khác (Giăng 4:17-18). Tuy nhiên theo phúc âm Giăng, người phụ nữ này là người đầu tiên Chúa Jesus bày tỏ rằng Ngài chính là Đấng Mê-si-a (Giăng 4:25-26).

Và kế đến là Ma-ri Ma-đơ-len/Mary Magdalence. Kinh thánh cho chúng ta biết rất ít về người nữ này ngoại trừ việc bà được Chúa đuổi bảy quỷ dữ (Lu-ca 8:1-3), chứng kiến sự đau thương của Chúa Jesus (Giăng 19:25), thấy nơi an táng Chúa Jesus (Mác 15:47) và trông thấy Chúa phục sinh (Ma-thi-ơ 28:1-10).

Điều đáng ngạc nhiên ở đây, bà là người đầu tiên được nhìn thấy Chúa Jesus sau khi Ngài từ kẻ chết sống lại. Không phải là mẹ bà, cũng không phải là Phi-e-rơ nhưng là Ma-ri-Ma-đơ-len – Người từng bị quỷ ám và từng có lối sống dơ bẩn.

Những người nữ đầy ân điển

Tại sao là Ma-ri Ma-đơ-len? Tại sao là người nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cốp? Tại sao phải là trinh nữ Ma-ri? Tại sao là Bát-sê-ba – vợ U-ri, người nữ dân ngoại Ru-tơ, kỵ nữ Ra-háp hay nàng dâu Ta-ma? Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn những người nữ mang tiếng xấu này để trở nên những người nữ nổi bật trong lịch sử cứu chuộc?

Tất cả những người nữ này đều có điểm chung: một quá khứ nhuốc nhơ. Cho dù họ bị buộc vào quá khứ nhuốc nhơ ấy hay do chính họ gây ra, dù họ xứng đáng hay không, họ đều chịu mang tiếng xấu cả. Họ đều chịu sự khinh miệt của người khác, cảm thấy xấu hổ và đau khổ.

Nhưng Đức Chúa Trời đã biến đổi danh tính của họ. Thay vì những người nữ có danh tiếng xấu họ được dự phần và trở nên các tổ mẫu trong phả hệ của Đức Chúa Jesus hay trở thành môn đệ của Đấng Mê-si-a. Qua họ, chúng ta sẽ thấy những gì Chúa làm cho con cái Ngài. Đức Chúa Trời đang lớn tiếng phán qua mỗi người nữ rằng:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới. Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta”. (2 Cô-rinh-tô 5:17-18)

Những sự cũ đã qua đi

Trong Đấng Christ, mọi sự cũ đều qua đi! Chúa Jesus xóa đi danh tiếng cũ của bạn. Nghĩa là trong Chúa Jesus, những quá khứ về tội lỗi, sự lạm dụng và bất công bạn chịu đựng không nói lên bạn là ai. Trong Chúa Cứu Thế Jesus, Cha Thiên Thượng bảo cùng bạn rằng: Con là con của Ta (Ê-phê-sô 1:5), Ta đã thanh tẩy tội lỗi con và làm cho con nên thánh (1 Cô-rinh-tô 6:11). Con được tinh sạch và chẳng ai có quyền cầm bằng dơ dáy (Công vụ 10:15). Và con là con yêu dấu của Ta (Rô-ma 9:25). Ta đã tẩy sạch tội lỗi con (Thi thiên 51:7)

Chúa có nhiều lý do cho những điều Ngài làm, trong đó lý do tuyệt diệu mà Ngài đã khiến cho những người nữ này tràn đầy ân điển là để nhắc chúng ta về ân điển vô biên của Ngài, với những người bị xã hội khinh miệt, yếu đuối và không có khả năng kháng cự. Đó cũng là một cách Đức Chúa Trời bày tỏ rằng Ngài yêu và cứu chuộc những tội nhân, Ngài cũng yêu những kẻ ngoại bang và khiến họ trở nên con Ngài, Ngài yêu thích việc khiến “mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ yêu mến Ngài, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định (Rô-ma 8:28)”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *