Làm sao để vượt qua đau buồn bằng hy vọng?

Oneway.vn – Tôi thường được hỏi làm cách nào để vượt qua nỗi đau với hy vọng. Khi trở thành một góa phụ trẻ, tôi hoàn toàn không biết gì về cách vượt qua nỗi đau. Khi những người bạn muốn giúp đỡ tôi, tôi chỉ nói rằng tôi cần những cuốn sách viết về chủ đề đó. 

Tôi chưa từng trải qua nỗi buồn sâu sắc đến dường này và cũng bởi vì Dan ra đi quá đột ngột, tôi không có thời gian để chuẩn bị tâm lý vượt qua cú sốc mất mát. Vào những tuần đầu tiên, tôi tìm kiếm cách vượt qua nỗi đau và bám víu vào hy vọng trong suốt quá trình đó. 

Tôi quen thuộc với câu Kinh Thánh 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13 khích lệ Cơ Đốc nhân trải qua đau buồn với hy vọng “Thưa anh em, chúng tôi không muốn anh em không biết về những người đã ngủ, để anh em không đau buồn như người khác không có hy vọng.” (1 Tê 4:13 TTHD) 

Sứ đồ Phao-lô không dạy Cơ Đốc nhân không được đau khổ, nhưng là đau buồn trong hy vọng. Vậy thì, làm cách nào để chúng ta đau buồn trong hy vọng? Thực tế sẽ ra sao? 

Tôi do dự khi biến việc làm giảm bớt nỗi đau phức tạp thành những gạch đầu dòng. Nỗi đau không phải là một danh sách, hoặc bị giới hạn theo những giai đoạn sẵn có như như di chuyển con tốt về phía trước cho đến điểm cuối trên bàn cờ. 

Nỗi đau buồn khiến chúng ta trải qua những thăng trầm mỗi ngày. Mỗi người có những nỗi đau khác nhau. Chúng ta cần cho phép bản thân và người khác có quyền được đau buồn tùy mỗi hoàn cảnh theo như cách Chúa tạo dựng nên chúng ta và cảm xúc của chúng ta. 

Tuy nhiên, quá trình đau buồn cũng là quá trình chung. Tôi cảm thấy thoải mái khi biết rằng những gì tôi đang cảm thấy và trải qua là bình thường, sự khó khăn về mặt tình cảm, tinh thần và tâm hồn tôi đang chịu đựng sẽ giúp tôi bớt đau buồn hơn. Học cách bước qua nỗi đau với hy vọng sẽ không giúp chúng ta bớt đau đớn, nhưng giúp chúng ta có một điểm tựa để bắt đầu và tiếp tục bước đi trong sự mất mát.

Làm cách nào để vượt qua nỗi đau bằng hy vọng 

Cho phép có cảm xúc mất mát 

Đau buồn gây ra một loạt các cảm xúc khó khăn như buồn bã, tuyệt vọng, sốc, tê tái, cô đơn, sợ hãi, tức giận và hối tiếc. Đây thường được gọi là những cảm xúc tiêu cực mà xã hội của chúng ta không thoải mái với những cảm xúc này.

Trong khi nền văn hóa của chúng ta có thể gặp khó khăn trước những cảm xúc tiêu cực đó, nhưng Chúa thì không. Khi Chúa tạo ra bạn, Ngài cũng tạo ra cảm xúc của bạn. Chúa không bao giờ có ý định để bạn chịu đựng một mình. Thay vào đó, Đức Chúa Trời cho phép những cảm xúc khó khăn của sự đau buồn. Thuật ngữ Kinh thánh được gọi là than thở.

“Lời than thở của Esther Fleece trong cuốn sách No More Faking Fine của cô ấy đã nói rằng:“ Chúa ơi, con đang đau thương, Ngài có nghe con kêu cầu? Đó là một lời cầu nguyện Chúa luôn đáp lời”. Các bài Thi-thiên chứa đựng sự than thở và là ví dụ để chúng ta không che giấu, né tránh hoặc tự xoa dịu cảm xúc của mình, nhưng hãy bày tỏ với Đức Chúa Trời qua nhật ký hoặc trong lời cầu nguyện.

Thừa nhận mức độ mất mát

Mất mát không bao giờ là ít. Cho dù bạn đang đau buồn vì sự chết, việc ly hôn, bệnh tật hay điều gì khác, thì luôn có những mất mát kèm theo. Mất mát có thể ảnh hưởng đến gần như mọi phần của cuộc sống và quá trình đau buồn bao gồm nhận biết toàn bộ mất mát. 

Một số mất mát phụ kèm theo như mất đi thói quen, tình bạn, tương lai mong đợi của bạn, việc nuôi dạy con cái, truyền thống, danh tính, vai trò, kế hoạch, sự đảm bảo, ước mơ,… Ngay cả khi chúng ta cảm thấy ổn hơn, chúng ta vẫn nhận ra rằng sự vắng mặt của người thân yêu vào những ngày lễ hội, lễ kỷ niệm và các mốc thời điểm quan trọng hoặc cuộc sống trông khác so với chúng ta mong đợi. Sự đau buồn được giải quyết khi chúng ta đối mặt với toàn bộ sự mất mát.

Chấp nhận mất mát

Trong những ngày đầu, chúng ta có thể cảm thấy như tâm trí đang lừa dối mình. Tôi có cảm giác như chồng tôi đang có một chuyến công tác xa và sẽ trở về bất cứ lúc nào. Tôi không thể đếm xuể bao nhiêu lần tôi lấy điện thoại gọi cho anh ấy hay thức dậy trong mơ màng hạnh phúc cho đến khi thực tế nghiệt ngã ập đến. Tôi coi đây là bến đỗ êm ái của Chúa khi cho phép tâm trí và trái tim tôi dần quen với sự mất mát vĩnh viễn.

Vượt qua sự mất mát có nghĩa là từ bỏ cuộc sống mà chúng ta mong đợi, cuộc sống chúng ta muốn và đã từng có. Điều này không bao giờ là dễ dàng. Chúng ta phải liên tục vượt qua trong nước mắt, sự than thở, lời cầu nguyện, viết nhật ký, nói chuyện với người khác và cố ý hướng suy nghĩ đến cuộc sống hiện tại. 

Làm quen với mất mát

Đau buồn mở ra một sự thay đổi to lớn. Nó có thể thay đổi vai trò, trách nhiệm, động lực gia đình, các mối quan hệ, tình bạn, công việc, tài chính và hơn thế nữa. 

Một số người gọi đó là “bình thường mới” nhưng thậm chí sau chín năm, việc sống như một góa phụ và mẹ đơn thân vẫn không phải là việc bình thường. Mặc dù nỗi đau của tôi không còn như xưa, nhưng tôi vẫn cảm thấy ảnh hưởng từ sự ra đi của chồng tôi khi tôi làm mẹ, coi sóc gia đình và nhìn các con tôi lớn lên mà không có bố bên cạnh.

Thay vì một bình thường mới, chúng ta hãy coi đó là một thói quen mới. Tôi đã điều chỉnh kỳ vọng của mình với tư cách là một bà mẹ đơn thân. Tôi đã bắt đầu mơ những giấc mơ mới như viết sách và đi du lịch. Tôi đã bắt đầu hình dung về một tương lai mới và khám phá lại bản thân mình ngoài hôn nhân. Làm quen sự mất mát bao gồm việc từ bỏ cuộc sống đã có trong khi đón nhận cuộc sống hiện tại.

Khẳng định sự tin cậy của bạn đối với Chúa trong sự mất mát

Chúng ta có thể không nhận được câu trả lời cho câu hỏi của mình. Chúng ta có thể không thể khép lại câu chuyện hoặc không hiểu tại sao Chúa lại cho phép nỗi đau xảy đến. Nhưng để hoàn toàn buông bỏ cuộc sống cũ và đón nhận cuộc sống mới chúng ta phải tin cậy Chúa.

Hãy tưởng tượng việc giơ cả hai bàn tay ra với Chúa với lòng bàn tay ngửa. Một mặt, chúng ta dâng cho Chúa sự mất mát của chúng ta, cuộc sống chúng ta đã có và cuộc sống chúng ta mong muốn, mặt khác, chúng ta tin tưởng tất cả những gì Chúa dành cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Dần dần khi chúng ta tiếp tục than thở, chấp nhận, làm quen và bám vào Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ buông bỏ cuộc sống vốn có và đón nhận cuộc sống hiện tại.

  • Chúng ta có thể vượt qua nỗi đau với hy vọng vì lời hứa về sự đời đời. Cuộc sống này không tồn tại mãi, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi nỗi đau và đứng trước sự hiện diện của Chúa.
  • Chúng ta có thể vượt qua nỗi đau với hy vọng vì những lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta nơi thiên đàng. Chúa hứa ban cho chúng ta niềm vui, cuộc sống sung mãn mặc dù chúng ta trải qua nỗi đau khác nhau nhưng rồi sẽ không còn như vậy nữa. 
  • Chúng ta có thể vượt qua nỗi đau với hy vọng bởi vì Chúa là tốt lành. Mặc dù cuộc sống hiện tại có thể khó khăn để thay đổi, nhưng hãy tin cậy Chúa có chương trình tốt lành cho bạn. 

 

Bài: Lisa Appelo; dịch: Quỳnh Hương
(Nguồn: lisaappelo.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *