Oneway.vn – Đừng làm theo trái tim u ám, dễ lung lay, có nhiều ngăn, sa đọa và ảo tưởng, mà hãy bước theo Chúa – Đấng không bao giờ thay đổi.(Ảnh: thegospelcoalition)
Nhà đồng sáng lập Apple, người đam mê áo cổ lọ đen và cũng là cựu chủ tịch Pixar, Steve Jobs từng nhận xét: “không có lý do nào để bạn không làm theo trái tim mình”.
“Trong hầu hết lịch sử nhân loại, cảm xúc có thể được chấp nhận, khước từ, phớt lờ, tôn vinh, sửa phạt, nín lặng, huấn luyện hoặc thử thách. “Tự do” của chúng ta ngày nay bị hạn chế hơn nhiều, vậy nên bạn có một lựa chọn liên quan đến con tim mình – làm theo nó.
Theo quan điểm chính thống thức thời về chủ nghĩa thể hiện cái tôi cá nhân, cuộc sống của chúng ta không còn là việc đưa nội tâm hòa nhịp với giai điệu của vẻ đẹp, lòng tốt và lẽ thật nữa. Mà là việc tìm ra giai điệu riêng bên trong, diễu hành theo nhịp điệu riêng và hướng dẫn mọi người xung quanh chơi bài ca tôn ngợi ý chí tự do của mình”.
Sự thật là, để đáp lời Steve Jobs, có rất nhiều lý do chính đáng để bạn không làm theo trái tim mình. Sau đây là năm lý do.
Việc xác nhận mọi cảm xúc của chúng ta lúc đầu đều có vẻ rất phấn khởi. Nhưng cuối cùng chúng ta lại bị kẹt trong cấu trúc tâm trí vận hành của chính mình. Chúng ta trở thành điều mà David Foster Wallace gọi là “chúa tể của cái vương quốc nhỏ bé với kích cỡ hộp sọ của chính chúng ta, cô độc nằm ở trung tâm của mọi sự sáng tạo”. Nhìn vào bên trong trái tim, nó không mang lại cho chúng ta sự tự do vô hạn mà chỉ khiến chúng ta mắc hội chứng sợ không gian hẹp nặng.
Đừng hiểu sai ý tôi: Tôi tin rằng trái tim bạn đầy lý thú. Nhưng so với việc làm theo tấm lòng Chúa – Đức Chúa Trời mà Augustine mô tả như một “đại dương sự sống bao la không bến bờ” – thì trái tim của chúng ta lại chứa đựng đủ mọi cảm xúc ly kỳ của một bể cá đầy rêu phong.
Nhà triết học Hy Lạp Heraclitus có câu nói nổi tiếng rằng không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông vì nó luôn chảy. Con tim của chúng ta cũng vậy, không ngừng thay đổi. Một số người có thể cuộn trào như sông Hằng trong mùa mưa, trong khi những người khác lại như mật chảy trong ngày giá rét, nhưng trái tim con người đều đang đập thổn thức.
“Nhìn vào bên trong trái tim, nó không mang lại cho chúng ta sự tự do vô hạn mà chỉ khiến chúng ta mắc hội chứng sợ không gian hẹp nặng”.
Những điều chân thật mà Chúa nói về bạn đáng tin hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà cảm xúc nhất thời nói. Nếu bạn không muốn rơi vào một cuộc khủng hoảng mãn tính, thì đừng tin lời những cảm xúc đang tuôn trào trong bạn – mà hãy tin Lời Chúa. Lời tuyên phán hân hoan của Ngài về bạn là đáng tin cậy và vững bền như đá tảng.
Tín điều ‘hãy làm theo con tim mình’ một cách ngây thơ cho rằng con tim của chúng ta giống như một dàn hợp xướng – mỗi cảm xúc đều hòa hợp với mọi cảm xúc khác. Trên thực tế, nó không giống một dàn hợp xướng mà giống một buổi triển lãm của Guitar Center hơn, nơi có 50 nghệ sĩ cầm 50 cây đàn guitar cùng với ampli đang cố gắng vượt qua nhau. Trong quyển sách Bãi Bỏ Quyền Làm Người (The Abolition of Man), C. S. Lewis đã nắm bắt được điều này khi sử dụng lối diễn đạt về bản năng:
Bảo chúng ta làm theo bản năng cũng giống như bảo chúng ta nghe theo “mọi người”. Mỗi người nói mỗi kiểu khác nhau: bản năng cũng vậy… Mỗi bản năng, nếu bạn lắng nghe nó, bạn sẽ tuyên bố mình hài lòng với tất cả các bản năng còn lại.
Ngay cả Buddy Pine, kẻ siêu phản diện Syndrome trong bộ phim hoạt hình Gia Đình Siêu Nhân, cũng hiểu điều đó. Pine trách thần tượng cũ của mình là Mr. Incredible rằng: “Anh luôn nói: ‘Hãy sống thật với chính mình’, nhưng anh chưa bao giờ nói phải sống thật với phần nào của chính mình cả!”.
Lời kêu gọi “hãy làm theo trái tim mình” chỉ có lý khi chúng ta nghe theo lời nhà cách mạng người Pháp, Jean Jacques Rousseau trong tín điều của ông rằng: “Không có sự lầm lạc nguyên thủy nào trong trái tim con người”; hay Celine Dion nói: “Nếu bạn làm theo trái tim mình thì tôi nghĩ bạn sẽ không đi sai đường”; hoặc Joel Osteen dạy rằng: “Con tim luôn đúng”.
“Những điều chân thật mà Chúa nói về bạn đáng tin hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà cảm xúc sa ngã của bạn nhất thời nói”.
Trong khi đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết đôi chút về chủ nghĩa hiện thực. Vị tiên tri Do Thái đã nói: “Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?” (Giê. 17:9). Nhà triết gia Do Thái đã nói: “Lòng dạ con người đầy dẫy điều hung ác, và sự điên rồ chiếm hữu tâm trí họ suốt đời” (Truyền. 9:3). Đấng Mết-si-a người Do Thái đã phán: “Vì từ trong lòng nẩy sinh những ý tưởng xấu, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và vu khống” (Ma-thi. 15:19–20).
Châm Ngôn 28:26 kết luận thẳng: “Kẻ nào tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu muội”.
Một trong những phát hiện được ghi lại nhiều nhất trong khoa học xã hội là một hiện tượng tâm lý được gọi là “thiên kiến vị kỷ”. Theo tài liệu của nhà tâm lý học David Meyers, hầu hết người Mỹ đều thấy mình thông minh hơn, đạo đức hơn và ít thành kiến hơn so với hàng xóm và đồng nghiệp. Có tới 94% giáo sư đại học tin rằng họ vượt trội hơn so với các đồng nghiệp bình thường khác. Một cuộc khảo sát của College Board đã yêu cầu 829.000 học sinh cuối cấp 3 đánh giá khả năng hòa nhập với người khác. Chắc chắn rồi, 100% học sinh tự xếp mình “trên mức trung bình”. Đó là lúc khoa học bắt kịp với câu Kinh Thánh: “Mọi đường lối của con người đều chính đáng theo mắt mình” (Châm. 21:2).
Thiên kiến vị kỷ này giải thích lý do tại sao lời kêu gọi ‘hãy làm theo trái tim mình’ không khiến chúng ta cảm thấy vô lý như thực tế. Song có nhiều bằng chứng chống lại nó.
(Ảnh: self)
Trong tầng hầm của Đại học Yale vào năm 1961, Stanley Milgram phát hiện ra rằng phần lớn mọi người thường sẵn sàng giật điện người lạ với mức điện áp có thể gây chết người (Đáng mừng thay, nạn nhân bị giật là diễn viên chứ không thật sự bị cháy đen). Một thập kỷ sau đó lại xảy ra thí nghiệm gây tranh cãi tại nhà tù Stanford. Philip Zimbardo đã chọn 24 nam thanh niên có tâm lý khỏe mạnh để tiến hành một cuộc thí nghiệm kéo dài hai tuần trong một môi trường nhà tù mô phỏng. Chỉ trong vòng 24 giờ, các “lính canh” đã xịt bình cứu hỏa vào các “tù nhân”, lột trần họ, tịch thu nệm và tống những kẻ ngang bướng vào phòng biệt giam. Những ngày tiếp theo diễn ra quá tàn bạo đến nỗi Zimbardo phải dừng lại thí nghiệm.
Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ khả năng vô nhân đạo của con người, hãy tham dự đợt giảm giá vào Thứ Sáu Đen Tối (Black Friday) sau Lễ Tạ ơn lúc nửa đêm. Lòng dạ con người có thể chuyển từ biết ơn sang tham lam chỉ trong một phần nghìn giây. Vẫn chưa thuyết phục ư? Hãy xem một tập của Dance Moms. Hoặc tham gia chơi săn trứng Phục Sinh được Hội Thánh tài trợ. Hoặc trung thực tra xét lòng mình trong 15 giây.
Bạn tôi ơi, chúng ta hãy trở thành những kẻ dị giáo chống lại giáo phái tôn thờ bản thân và chủ nghĩa thể hiện cái tôi cá nhân đang thịnh hành ngày nay. Đừng làm theo trái tim u ám, dễ lung lay, có nhiều ngăn, sa đọa và ảo tưởng. Mà hãy bước theo Chúa – Đấng không bao giờ thay đổi!
Bài: Thaddeus Williams; dịch: Ruth
(Nguồn: thegospelcoalition.org)