Oneway.vn – Năm 2009, một khảo sát được thực hiện với hàng ngàn Cơ Đốc nhân khắp nước Mỹ. Những người được khảo sát là tín hữu được tái sinh, tin Kinh Thánh và đến từ nhiều Hội Thánh khác nhau. Đây là câu được hỏi trong cuộc khảo sát: “Hãy đưa ra 4 định nghĩa về ân điển của Chúa?”. Đa số trả lời đó là sự cứu rỗi, là món quà mà con người không có công trạng nào, là sự tha tội.
Thật tốt khi biết rằng Cơ Đốc nhân Mỹ hiểu chúng ta được cứu hoàn toàn bởi ân sủng. Sự cứu rỗi không do phép rảy nước, gia nhập Hội Thánh, giữ các luật lệ tôn giáo, làm việc lành nhiều hơn việc xấu… Hầu hết tín hữu Tin Lành Mỹ được xây dựng vững vàng trên các lẽ thật nền tảng này về ân điển (grace) của Chúa, bởi họ đã được giảng dạy nhiều từ các tòa giảng, và tôi tin Chúa đẹp lòng về điều này.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là chỉ có 2% trong số hàng ngàn người được khảo sát nói rằng ân điển là sức mạnh của Đức Chúa Trời. Trong khi đó đây chính xác là cách Ngài định nghĩa và mô tả, Ngài phán: “Ân điển Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Corinthians/II Cô-rinh-tô 12:9). Đức Chúa Trời nói ân điển Ngài như quyền năng. Chữ sự yếu đuối có nghĩa “không có khả năng.” Chúa muốn nói “ân điển Ta là quyền năng Ta, nó sẽ được tối ưu hóa trong những hoàn cảnh vượt quá khả năng con”.
Sứ đồ Peter/Phi-e-rơ định nghĩa ân điển Chúa tương tự: “Nguyện xin ân điển và bình an tràn ngập trong anh chị em nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su, Chúa chúng ta. Bởi thần năng, Ngài ban cho chúng ta mọi điều cần để sống và sống tin kính…” (2 Peter/II Phi-e-rơ 1:2-3). Lần nữa, ân điển được nói đến như “quyền năng thiên thượng của Ngài”. Phi-e-rơ nói mọi tài nguyên hay khả năng cần để sống tin kính và thánh khiết có sẵn cho chúng ta qua ân điển.
Nhưng thực tế cuộc khảo sát cho thấy chỉ 2% Cơ Đốc nhân Mỹ biết lẽ thật này nan giải. Cho phép tôi giải thích. Để nhận lãnh nơi Chúa, chúng ta phải tin. Đây là lý do Kinh Thánh Tân Ước được gọi là “lời đức tin” (Romans/Rô-ma 10:8), hay đơn giản: không tin thì không thể nhận lãnh.
Đây là ví dụ cơ bản về điểm này. Đức Chúa Jesus đã chịu chết vì tội lỗi của cả thế giới. Tuy nhiên chỉ có người tin mới được cứu mà thôi. Cho nên đây là nan đề lớn: ta không thể tin điều ta không biết. Nếu 98% Cơ Đốc nhân không biết ân điển của Chúa là quyền năng Ngài, thì 98% số người đó đang cố sống cuộc đời thánh khiết bởi khả năng riêng mình. Điều này dẫn tới thất vọng, thất bại. Bản chất mới của họ không được tăng cường; nói cách khác, không có nhiên liệu trong “bình xăng” của họ.
Nào, hãy đào sâu hơn bằng cách xem xét trong tiếng Hy Lạp. Từ được dùng thường xuyên nhất trong Tân Ước để nói về ân sủng là “charis”. Từ điển Strong’s Exhaustive Concordance định nghĩa từ này là “món quà, lợi ích, ân huệ, tử tế và rộng rãi”. Nếu bạn lấy định nghĩa này kết hợp với các câu Kinh Thánh được chọn từ sách Rô-ma, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, bạn sẽ xác định rõ định nghĩa ân điển mà đa số người Mỹ quen thuộc. Tuy nhiên, từ điển Strong’s tiếp tục định nghĩa: “Ảnh hưởng thiên thượng tác động lên tấm lòng và được phản ánh trong cuộc sống”. Chúng ta thấy có sự phản ánh bên ngoài của những điều được thực hiện trong lòng về quyền năng của ân điển.
Trong sách Công vụ, Ba-na-ba đến Hội Thánh An-ti-ốt, khi đến nơi ông, “chứng kiến ân điển của Đức Chúa Trời” (Acts/Công vụ 11:23). Ông không nghe về ân điển mà chứng kiến nó – hành vi bên ngoài xác minh quyền năng của ân điển trong lòng họ. Đây là lý do sứ đồ Gia-cơ viết: “Anh hãy chỉ cho tôi đức tin (ân điển) không có hành động của anh, rồi tôi sẽ cho anh thấy đức tin (ân điển) bằng hành động của tôi” (James/Gia-cơ 2:18). Tôi đã chèn chữ ân điển thay cho đức tin, bởi đức tin (tin Lời Đức Chúa Trời) mà chúng ta có thể vào ân điển của Chúa. “Nhờ Ngài chúng ta có thể cậy đức tin bước vào trong ân điển nầy” (Rô-ma 5:2). Không có đức tin – không tin – thì không có quyền năng (ân điển). Gia-cơ nhấn mạnh: “Hãy cho tôi thấy bằng chứng của quyền năng”. Bằng chứng chính là dấu chỉ đích thực rằng chúng ta đã nhận lãnh ân điển bởi việc tin.
Ân điển là một món quà. Từ những gì được học ở trên, hãy mở rộng cái nhìn: Sự cứu rỗi, sự tha thứ, sự chữa lành và cung ứng là tặng phẩm ân điển. Nhận lãnh bản chất của Chúa là tặng phẩm ân điển; mặc lấy quyền năng là tặng phẩm ân điển. Tất cả những điều này bày tỏ về ân huệ của Chúa trên cuộc đời chúng ta, mỗi tặng phẩm chúng ta đều không xứng đáng nhận, và không bởi công đức của chúng ta.
Liên quan đến quyền năng, ân điển ban cho chúng ta khả năng để sống vượt trên khả năng tự nhiên. Trước đây chúng ta không có khả năng giải cứu bản thân khỏi hỏa ngục nhưng ân điển thì có. Chúng ta không thể sống trong tự do, nhưng ân điển ban cho chúng ta khả năng đó. Chúng ta không thể thay đổi bản chất của mình nhưng ân điển làm được. Chúng ta không có khả năng sống thánh khiết nhưng ân điển thêm sức cho ta. Nên không lạ lùng khi chúng ta gọi đó là ân điển lạ lùng – Amazing Grace!
John Bevere
(Đời hay Đạo)
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!
Leave a Reply