Lên kế hoạch để… ‘cho đi’ tài sản!?

Oneway.vn – Những quản gia tốt cho đi cách vui lòng và rời rộng, vì biết rằng mọi tài sản họ có đều đến từ Chúa và thuộc về Ngài.

Vài tháng trước, David Green, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Hobby Lobby, thông báo rằng ông sẽ cho đi công ty của mình thay vì để lại cho con cháu.

Thay vì xem mình là chủ sở hữu mọi tài sản mình đang có, Green cho biết mục đích cuộc đời ông là để tôn vinh Đức Chúa Trời: “[Nó] giúp tôi nhận ra rằng tôi chỉ là quản gia, quản lý những gì Đức Chúa Trời đã giao phó cho tôi”. Lời ông nói như đang lặp lại chính lời của Phi-e-rơ: “Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau” (I Phi. 4:10).

Là công dân Mỹ, Green có quyền hợp pháp gần như tuyệt đối trên tài sản của mình. Ông có thể chuyển giao toàn bộ cho thành viên nào đó trong gia đình hoặc một người bạn, chia đều cổ phần cho các con, chỉ đạo giải thể công ty hoặc lập quỹ tín thác trọn đời cho con cháu, và các cố vấn chuyên nghiệp sẽ thay ông quản lý tài sản cho đến khi ông qua đời. Một chủ sở hữu gần như làm được mọi thứ.

Nhưng một quản gia thì không. Chúng ta biết sự giàu có đến từ Chúa và thuộc về Ngài, chúng ta phải quản lý điều đó với lòng biết ơn. 

Trước khi làm công việc hiện tại là cố vấn thuế, tôi từng là luật sư lập kế hoạch di sản trong vòng 17 năm – vậy nên tôi suy nghĩ rất nhiều về cách làm thế nào để “cho đi” tốt nhất, ngay cả khi chúng ta không còn trên đất.

Bước 1: Bắt đầu lập kế hoạch di sản.

Một quản gia yếu kém sẽ tránh né việc lập kế hoạch di sản. Đúng vậy, có những quy tắc mặc định được áp dụng cho tài sản của bạn nếu chẳng may bạn qua đời. Bạn có biết chúng là gì không?

Nếu bạn có IRA (Quỹ hưu trí cá nhân) hoặc các kế hoạch hưu trí khác, bạn có biết ai sẽ là người thụ hưởng chúng không? Bạn có bảo hiểm nhân thọ ghi tên những người thụ hưởng vào đó không? Nếu bạn để một trong những đứa con sử dụng chung tài khoản séc với bạn, liệu mọi người có biết số tiền đó là quà cho con bạn hay con bạn chỉ đang giúp bạn quản lý? Những tài sản nào bạn phải chịu thuế và những tài sản nào thì không?

“Chúng ta biết sự giàu có của chúng ta đến từ Chúa và thuộc về Chúa, và chúng ta phải quản lý với lòng biết ơn”.

Đây là lúc một luật sư lập kế hoạch di sản sẽ giúp bạn. Ngay cả đối với các di sản tương đối nhỏ, vẫn có nhiều lựa chọn pháp lý và cân nhắc về thuế cho chúng. Giấy tờ phải được soạn theo luật tiểu bang, quyền sở hữu tài sản có thể cần được thay đổi và cần có sự hợp tác từ người thụ hưởng được chỉ định để đảm bảo kế hoạch di sản của bạn diễn ra như mong muốn. Phí thuê luật sư có thể đắt đỏ, nhưng phí để bạn làm đúng ngay bây giờ thấp hơn nhiều so với khi bạn làm sai. Và đúng, nếu bạn mất rồi thì đâu cần phải bận tâm đến những chuyện đó. Nhưng việc để lại hóa đơn và rắc rối cho người khác xử lý sau khi bạn đã qua đời là không đúng.

Tôi thường được hỏi: “Liệu lập di chúc trên mạng thôi có được không?” Có lúc vẫn được. Mỗi tiểu bang có các quy định khác nhau về cách lập di chúc hợp pháp. Bạn có biết mẫu di chúc phù hợp với yêu cầu của tiểu bang bạn không? Nếu có, vậy bạn đã biết cách lập di chúc đúng và đầy đủ theo luật của tiểu bang chưa? Nếu rồi thì bạn cứ làm.

Ngoài ra còn có các công ty luật và dịch vụ lập kế hoạch di sản trên mạng. Các dịch vụ này là những lựa chọn khả thi cho việc lập di chúc đơn giản, song chúng cũng gần như đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Nhưng nếu bạn muốn một điều gì đó đặc biệt, thì đó không phải là lựa chọn tốt nhất.

Một câu hỏi khác tôi thường gặp đó là: “Tôi có nhất thiết phải có một quỹ tín thác không?” Nhiều luật sư hiện nay mặc định việc soạn thảo di chúc và quỹ tín thác cho thân chủ. 

Quỹ tín thác có nhiều lợi thế và linh hoạt trong việc lập kế hoạch di sản mà di chúc không có được, nhưng không phải ai cũng cần phải có một quỹ tín thác. Về vấn đề này bạn nên thảo luận với luật sư cố vấn của bạn.

Lập di chúc hoặc kế hoạch di sản là việc khó làm và dễ bị trì hoãn. Để tăng thêm động lực, trước tiên hãy tìm ra điều bạn muốn làm đối với tài sản của mình.

Bước 2: Lập kế hoạch chăm lo cho gia đình.

Khi xem xét luật thừa kế trong Cựu Ước, Abraham Kuyper nhận định rằng: Quyền lợi “không phải để tích lũy tài sản mà là để thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và duy trì mối quan hệ cơ bản của một quốc gia”.

Vào thời của tuyển dân Y-sơ-ra-ên, cứ đến năm hân hỉ thì hai hoặc ba thế hệ đều sẽ được trả công xứng đáng vì đã làm việc chăm chỉ, và xóa bỏ khoảng cách giàu-nghèo lưu truyền qua các thế hệ. 

Đó là những luật lệ tốt cần vâng giữ. Di sản không nên trở thành phương cách để tích trữ của cải. Mà nên trở thành phương cách để chăm lo cho con cháu, hoặc những anh chị em mà Chúa đã giao phó cho bạn.

Phao-lô viết cho Ti-mô-thê (I Ti. 5:8): “Nếu ai không cấp dưỡng cho bà con mình, nhất là cho chính gia đình mình thì người ấy đã chối bỏ đức tin, còn tệ hơn người không tin nữa”.

Điều này không có nghĩa là bạn để lại cho con cháu một quỹ tín thác lớn đến mức chúng không cần phải làm gì nữa. Không làm gì nhưng tự dưng có quá nhiều của cải sẽ khiến người nhận sinh hư, còn quá nhiều ràng buộc và điều kiện sẽ khiến người nhận đâm ra oán trách. Nhưng bạn cũng có thể để lại cho chúng một khoản vừa đủ để trả hết các khoản nợ sinh viên hoặc nợ thế chấp. 

Nếu ai đó trong gia đình bạn là truyền đạo, bạn có thể để lại cho họ một khoản kha khá để hỗ trợ cho công tác của họ. Nếu bạn muốn cho các cháu mình theo học trường Cơ Đốc, hãy chắc chắn bạn để lại đủ tiền để biến việc đó thành hiện thực.

Bước 3: Lập kế hoạch dâng hiến cho hội thánh và cộng đồng bạn đang sống.

Nếu bạn vẫn dư dả sau khi đã chăm lo cho gia đình, thì bạn có thể nghĩ đến hội thánh và cộng đồng mà Đức Chúa Trời đã đặt để bạn. Đức Chúa Trời yêu cầu bạn dâng những sản phẩm đầu mùa, nhưng không có mạng lệnh nào yêu cầu bạn chỉ dừng lại ở đó.

“Đức Chúa Trời yêu cầu bạn dâng những sản phẩm đầu mùa, nhưng không có mạng lệnh nào yêu cầu bạn chỉ dừng lại ở đó”.

Hãy đầu tư vào các tổ chức mà Chúa đưa bạn đến. Tôi hy vọng bạn đang sinh hoạt tại một hội thánh. Có lẽ bạn là thành viên trong hội đồng quản trị, hoặc dành các buổi chiều thứ Tư tại bếp ăn từ thiện, hoặc sống gần trung tâm thai sản. Có lẽ bạn có lòng tin mạnh mẽ nơi giáo dục Cơ Đốc, hoặc công tác chuyển ngữ Kinh Thánh, hay việc cứu trợ thiên tai ảnh hưởng tốt đến thể chất và tinh thần. Nếu bạn biết và tin rằng các việc đó là cần thiết, hãy cho đi cách rời rộng và không chút do dự.

Đa phần mọi người quyên góp tài sản cho các hội thánh hoặc tổ chức từ thiện hiện hành. Những người khác thì thích thành lập các tổ chức từ thiện mới, thành lập các quỹ tư nhân để hỗ trợ các tổ chức từ thiện hoặc quyên góp vào quỹ tư vấn cho nhà tài trợ để cho đi tài sản của mình dần theo thời gian.

Kinh Thánh không đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc này. Nhưng theo thời gian các hệ giá trị sẽ thay đổi và tôi đã thấy các tổ chức từ thiện chi tiền cho các sáng kiến hoặc dự án mà từng bị các nhà tài trợ ban đầu ghét bỏ. Dù có lý do chính đáng để bạn thành lập quỹ dài hạn, song bạn không thể biết được tương lai những người thụ ủy sẽ làm gì với nó. Tuy nhiên, bạn có thể cố gắng hết sức để tài trợ cho các công việc có ích ngay bây giờ. Cũng hãy nghĩ đến thời hạn—có thể mọi khoản tiền quyên góp của bạn đều sẽ chấm dứt sau 50 năm hoặc bất kỳ thời gian nào mà bạn muốn.

Nhiều quỹ được thành lập để tôn vinh các nhà tài trợ. Nhưng theo lời của Gandalf: “Một người quản gia trung tín tận tụy với công việc được giao sẽ không thiếu tình yêu thương hay sự tôn trọng”.

Trong mọi sự, hãy phản ánh Đấng Christ

Kế hoạch di sản của bạn cần phải phản ánh Đấng Christ trong bạn. Khi bạn đã thực hiện các bước trên, hãy cầu nguyện xin Chúa giúp bạn quản lý tài sản cách tốt nhất. 

Hãy nhớ lại những người mà bạn có trách nhiệm. Nghĩ đến hội thánh địa phương và các cộng đồng mà Chúa đặt để bên bạn. Sau đó, hãy xem Chúa đã giao cho bạn những tài sản gì.

Không nên lập kế hoạch di sản với sự miễn cưỡng hoặc than phiền mà với niềm vui và lòng biết ơn sâu sắc đối với khả năng bạn có để chăm lo cho gia đình, hội thánh, các chức vụ và thậm chí cho các tổ chức từ thiện bên ngoài. Đó nên là lý do để tạ ơn, thậm chí đáng để mong chờ.

Những quản gia tốt cho đi cách vui lòng và rời rộng, vì biết rằng mọi tài sản họ có đều đến từ Chúa và thuộc về Ngài.

 

Bài: Adam Zylstra; dịch: Ruth

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *