Lời chứng thầm lặng của muôn ngàn vì sao

Oneway.vn – “Khi ngước lên các vì sao sáng, tôi nhìn thấy một ai đó.” (Trích bài hát Stars của nhóm Switchfoot)

Cách đây 3000 năm, khi vua Đa-vít nhìn lên bầu trời đêm của vùng Cận Đông, quang cảnh lúc ấy khiến vua choáng ngợp không nói nên lời. Nhận thức được sự nhỏ bé của bản thân trước một điều quá đỗi vĩ đại, việc cố gắng diễn tả sự kỳ vĩ của vũ trụ do Chúa dựng nên đã khiến vua chọn làm điều mà chỉ con người mới làm được: Chuyển tải cảm xúc ngưỡng mộ của mình thành nghệ thuật.

“Khi con nhìn xem các tầng trời là công việc của ngón tay Chúa,

Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã tạo dựng;

Loài người là gì mà Chúa nhớ đến?

Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?” (Thi Thiên 8:3–4)

“Các tầng trời” ấy, ánh sáng diệu kỳ toát ra từ cõi huyền nhiệm, đã làm con người kinh ngạc từ những ngày đầu của lịch sử nhân loại. Cho tới nay, cùng với tiến bộ khoa học và công nghệ, khả năng hiểu về những điều chúng ta nhìn thấy vượt xa vua Đa-vít. Vua Đa-vít chỉ nhận ra sự nhỏ bé hữu hạn của con người khi so sánh với sự vĩ đại của các tầng trời, còn chúng ta thì kinh ngạc trước những gì khám phá được nhờ vào thiên văn học. Chúng ta biết nhiều hơn, nhưng chúng ta có ngưỡng mộ nhiều hơn không?

Bài giảng của hàng tỉ tinh tú

Bầu trời của muôn ngàn vì sao đang rao truyền những thông điệp của chúng. Đối với tác giả C.S. Lewis trong tác phẩm Reflections on the Psalms (tạm dịch: Suy ngẫm về các Thi Thiên), Thi Thiên 19 là “một trong những lời ca hay nhất thế giới”. Trong đó, vua Đa-vít viết:

“Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời,

Bầu trời bày tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng về vinh quang của Đức Chúa Trời cho ngày kia,

Đêm nầy truyền tri thức về Đức Chúa Trời cho đêm nọ.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe âm thanh của chúng.

Nhưng tiếng của chúng dội vang khắp đất

Và lời của chúng truyền đến tận cùng thế giới.” (Thi Thiên 19:1–4)

Nếu các tầng trời là tác phẩm bởi “tay” Chúa, nếu chúng đang rao báo khắp vũ trụ về vinh quang Chúa, thì những “nhà truyền giảng” này đang nói cho chúng ta biết điều gì? Để có thể thật sự chú tâm lắng nghe, tôi đã nhờ đến tác phẩm Spectrums: Our Mind-Boggling Universe from Infinitesimal to Infinity (tạm dịch: Các phổ trong sự sống của vũ trụ: Sự vi diệu từ vô cực đến vô cực) của David Blater để giúp mình hình dung về điều diệu kỳ mà chúng ta rất thường cho là hiển nhiên đến mức xem nhẹ.

Tất cả những gì chúng ta (không) biết

Khi vua Đa-vít quan sát bầu trời, một phần những gì vua nhìn thấy thuộc trong hệ mặt trời (mặt trời, mặt trăng và một số “các ngôi sao” thật ra là những hành tinh khác nhau) thuộc dải Ngân Hà (Milky Way) của chúng ta, một phần là những hành tinh khác thuộc những thiên hà xa xôi khác. Vua Đa-vít hầu như không biết được toàn bộ cấu trúc vũ trụ vĩ đại và rộng lớn đến mức nào.

Để giúp chúng ta mường tượng phần nào, tác giả Blatner viết: “Nếu hệ mặt trời của chúng ta . . . có kích cỡ của một hạt muối thì dải Ngân Hà sẽ có kích cỡ khoảng một sân bóng đá”. Dải “màu trắng sữa” mà chúng ta có thể nhìn thấy trên bầu trời vào những đêm quang tạnh là tập hợp các ngôi sao dày đặc của một trong những nhánh xoắn ốc của dải Ngân Hà, có độ dày khoảng 1000 năm ánh sáng! Tất cả những nhánh sao dày đặc này (cộng với chúng ta trong đó) đang xoay quanh một lỗ đen siêu khổng lồ gọi là Sagittarius A, nằm cách chúng ta khoảng 27.000 năm ánh sáng. Các nhà khoa học ước tính rằng thiên hà của chúng ta có bề rộng khoảng 100.000 năm ánh sáng.   

Khi nhìn lên bầu trời bằng mắt trần như vua Đa-vít, chúng ta có thể thấy tối đa vài nghìn ngôi sao. Nhưng, “hãy nhìn bằng kính viễn vọng và làm phép toán, bạn sẽ nhận thấy có khoảng 200-400 tỉ ngôi sao trong dải Ngân Hà của chúng ta”. Rất nhiều ngôi sao, phải không? Nhưng thiên hà Andromeda láng giềng của chúng ta còn có ít nhất khoảng một nghìn tỉ ngôi sao.

Vậy mà, đó chỉ như một cái vảy tuyết trong toàn bộ tảng băng của vũ trụ. Một ước tính gần đây cho biết có khoảng 150-200 tỉ thiên hà trong vũ trụ, nhưng kính viễn vọng Hubble lại tính ra con số thực có thể gấp 10 lần. Thật lòng mà nói, chúng ta không biết chắc có tổng cộng bao nhiêu vì sao trong vũ trụ. Có ước tính cho rằng có khoảng 1 triệu của tỉ của tỉ (tức là có 24 số 0 theo sau số 1). Toàn bộ số ngôi sao (hành tinh) này nằm trong một vũ trụ có bán kính khoảng 46 tỉ năm ánh sáng.

Tất cả những thông tin trên chỉ là lớp vỏ ngoài của những gì mà một loài sống trên đất như chúng ta có thể biết được trong lúc này. Các nhà khoa học nói rằng những gì chúng ta đang biết chỉ là lớp vảy của những gì chúng ta còn chưa biết!

Các tầng trời đang rao truyền thông điệp gì?

Thế thì, nếu các tầng trời rao truyền vinh quang của Chúa, chúng đang công bố thông điệp gì?

Sau khi đã dành hàng giờ trình bày các bằng chứng khoa học về những bài giảng thầm lặng của vũ trụ thiên hà, tôi chỉ muốn đưa tay che miệng mình lại. Tôi muốn nói điều mà ông Gióp đã từng nói, đó là: Rất thường khi “con đã nói những điều con không hiểu, những việc quá diệu kỳ mà con không hề biết” (Gióp 42:3). Tôi sợ mình tầm thường hóa điều vĩ đại quá sức tưởng tượng. 

Những “sứ giả” huy hoàng này không đưa ra bài giảng lý thuyết suông hoặc áp dụng máy móc, mà đang hiệp với muôn vàn tạo vật hô vang trong sự hiện diện của Tạo Hóa, rằng: “Vinh hiển thay!” (Thi Thiên 29:9). Cả vũ trụ được bao phủ trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, cùng đồng thanh rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay, Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng, ĐẤNG ĐÃ CÓ, HIỆN CÓ VÀ ĐANG ĐẾN!” (Khải Huyền 4:8). Đối với tôi, có lẽ đáp ứng thích đáng duy nhất trước điều đó là lời cầu nguyện tôn thờ.

LỜI CẦU NGUYỆN VANG THẤU CÁC TẦNG TRỜI

Kính lạy Đức Chúa Trời toàn năng, khi nhìn lên bầu trời, con chỉ biết dâng lên Ngài lời tôn ngợi từ tận đáy lòng trước vinh quang tuyệt đối của Ngài. Như lời của vua Đa-vít, con chỉ có thể thốt lên rằng: Con người là gì, những kẻ sống trên một đốm xanh bé tí, một hạt bụi trong vũ trụ bao la, mà Chúa quan tâm đến? Con là ai, một kẻ chỉ luôn nhìn vào những nan đề tí ti của mình, mà dám nói chuyện với Đấng dùng lời nói để tạo nên cả cõi vũ trụ? Quả thật, “Chúa ôi! Trong vòng các thần không có ai giống như Chúa, cũng chẳng có công việc gì giống như công việc Ngài” (Thi Thiên 86:8).

Khi nhìn lên bầu trời, con nghe các tầng trời tuyên bố rằng chẳng ai khôn ngoan như thế. Bởi “Đức Giê-hô-va dùng sự khôn ngoan đặt nền quả đất; Nhờ sự thông sáng mà thiết lập các tầng trời” (Châm Ngôn 3:19), “Ngài định số lượng các vì sao, và đặt tên cho tất cả ngôi sao” (Thi Thiên 147:4), đồng thời ban cho mỗi vì sao một vinh quang khác nhau từ vinh quang tuyệt đối của Ngài (I Cô-rinh-tô 15:41). Mọi tinh tú trong vũ trụ đều cho biết rằng sự khôn ngoan của Chúa vượt hơn vô tận sự khôn ngoan của chúng con, đúng như Lời Ngài rằng: “Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:9). Trước sự khôn ngoan ấy, con xin ăn năn sự ngu dại mỗi lần con cậy vào hiểu biết riêng (Châm Ngôn 3:5). 

Khi nhìn lên bầu trời, cả bốn phương như hô vang rằng chẳng ai có quyền năng đến như thế. Bởi, “Các tầng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, tất cả đạo binh tinh tú do hơi thở của miệng Ngài mà có” (Thi Thiên 33:6). Phải, Ngài là “Đấng khiến các thiên thể ra theo số lượng và đội ngũ, Ngài gọi đích danh tất cả chúng, không bỏ sót một thiên thể nào, vì sức mạnh vĩ đại và quyền năng vô biên của Ngài” (Ê-sai 40:26). “Lạy Đức Giê-hô-va! Sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng quy về Ngài; vì muôn vật trên các tầng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài . . . Ngài được tôn làm Chúa Tể của muôn vật” (I Sử 29:11). Trước sự toàn năng của Ngài, con xin ăn năn mọi sự nương cậy nơi sức con người ngu dại của con (Thi Thiên 118:8).

Khi nhìn lên bầu trời, con nghe thấy thông điệp về sự vĩ đại vô hạn của Chúa, bởi vì “các tầng trời, ngay cả trời của các tầng trời cũng không thể chứa Ngài được” (I Các Vua 8:27). Cõi vũ trụ rao truyền sự sáng tạo tuyệt đỉnh của Ngài, bởi vì “vũ trụ đã được dựng nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật thấy được hình thành từ những vật không thấy được” (Hê-bơ-rơ 11:3). Vạn vật công bố thẩm quyền tối thượng của Ngài, bởi vì “Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3). Cõi tạo vật rao truyền sự toàn trị (Thi Thiên 115:3), sự công chính (Thi Thiên 50:6), sự thành tín (Sáng Thế Ký 15:5–6), tình yêu vĩnh cửu của Ngài (Thi Thiên 136:9).

Trước vinh quang vô lượng vô biên ấy, con xin ăn năn thói kiêu ngạo, ích kỷ ngu dại của con. Cùng với mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, con quỳ xuống trước Ngài và thưa rằng: “Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa” (Phi-líp 2:10–11), là Đấng đã dựng nên vũ trụ bởi lời của Ngài (Giăng 1:3), là “Ngôi Lời đã trở nên xác thể” (Giăng 1:14), và qua Ngài, “Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan duy nhất được vinh quang đời đời vô cùng!” (Rô-ma 16:27).

Cao trọng hơn mọi thiên hà

Khi vua Đa-vít nhìn lên bầu trời, vua không biết điều mà chúng ta được biết ngày nay: sự mênh mông rộng lớn không tưởng của cõi vũ trụ. Khi tự hỏi: “Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?” (Thi Thiên 8:4), vua không biết được như chúng ta ngày nay rằng: sự vĩ đại không tưởng của Đức Chúa Trời còn nằm trong tình yêu được thể hiện qua sự nhập thể của Chúa Jêsus để “làm tế lễ chuộc tội” con người (I Giăng 4:10).

Các tầng trời sẽ không nói về việc Chúa Jêsus đến thế gian hay lý do Ngài đến, chỉ sự mặc khải đặc biệt của Kinh Thánh mới cho chúng ta biết điều đó. Nhưng các tầng trời quả thật đang rao truyền một thông điệp thầm lặng nhưng hào hùng trên khắp thế giới về “quyền năng đời đời và thần tính” vinh quang của Đấng Tạo Hóa và Chúa Cứu Thế (Rô-ma 1:20).

Tất cả những gì thuộc về sự sáng tạo từ ban đầu và sự cứu chuộc cõi tạo vật của Đức Chúa Trời đều tuyệt diệu và đáng kính sợ. Càng nhìn sâu vào những điều này, chúng ta càng cảm nhận được sự tuyệt diệu và đáng kính sợ ấy. Một đứa trẻ có thể vô tư vui thích mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và ngôi mộ trống. Một học giả sẽ không bao giờ xem nhẹ chiều sâu của mọi điều vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời. Nhưng cả trẻ em và học giả đều có thể vui hưởng chung điều này: Đức Chúa Trời – Đấng nhớ tên từng ngôi sao trong hàng tỉ tỉ tỉ ngôi sao, Đấng biết rõ hàng tỉ tỉ nguyên tử trong một giọt nước – biết và nhớ đến từng người trong chúng ta. 

Đức Chúa Trời không đo lường giá trị hay tầm quan trọng dựa vào kích cỡ, nhưng dựa vào thiết kế sáng tạo của Ngài. Thập tự giá nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa quan tâm đến chúng ta theo những cách mà toàn bộ cõi thiên hà sẽ không bao giờ biết. Chúng ta giá trị hơn mọi thiên thể trong vũ trụ là dường nào!

 

Tác giả:

Jon Bloom (@Bloom_Jon) là tác giả, chủ tịch hội đồng quản trị và đồng sáng lập của tổ chức Desiring God. Ông là tác giả của ba cuốn sách Not by Sight (tạm dịch: Không phải bởi mắt thấy), Things Not Seen (tạm dịch: Những điều chưa từng thấy), và Don’t Follow Your Heart (tạm dịch: Đừng làm theo trái tim của bạn). Ông và vợ có năm người con và hiện đang sống ở Twin Cities.

 

Bài: Jon Bloom; Dịch: Blessie

(Nguồn: desiringgod.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *