Oneway.vn – Những độc giả của sách Phúc Âm Mác có lẽ thắc mắc: “Tại sao trong Mác 8:22–26, Chúa Jêsus chữa lành người mù qua hai giai đoạn?”
Câu hỏi có vẻ hợp lý, bởi vì trước đó, chúng ta đã đọc thấy Chúa có thể chữa lành từ xa chỉ bằng một lời phán (Mác 7:29). Vậy tại sao sự chữa lành ở đây lại bị kéo dài như vậy?
Hãy lưu ý rằng, đoạn Kinh Thánh ở đây không phải là một bài giảng. Sự chữa lành qua hai bước không có nghĩa là Chúa Jêsus “thất bại” ở lần đầu tiên hay Ngài không đủ năng lực. Ngay cả khi một người chỉ đọc lướt qua Phúc Âm Mác cũng thấy rõ rằng Chúa Jêsus liên tục thể hiện Ngài là Con của Đức Chúa Trời với sự toàn năng và uy quyền (Mác 1:1; 14:18, 27–28, 62, 72).
Sự chữa lành qua hai bước không có nghĩa là Chúa Jêsus “thất bại” ở lần đầu tiên hay Ngài không đủ năng lực
Ở cấp độ khác, câu trả lời rất rõ ràng. Chúng ta đọc thấy sự chữa lành này có hai bước bởi vì nó thật đã xảy ra như vậy! Giáo phụ của Hội thánh đầu tiên Papias xác nhận rằng Mác đã cẩn thận viết xuống những lời dạy của sứ đồ Phi-e-rơ. Chúng ta đọc thấy sự chữa lành hai bước bởi vì đúng như lịch sử không gian và thời gian, Chúa Jêsus đã chữa lành cho người đàn ông ấy qua hai giai đoạn.
Dù vậy, hãy nhìn lại sự kiện lịch sử có thật này và hỏi: Tại sao Chúa lại chữa lành theo cách này? Đồng thời, trước giả Mác, được thần cảm bởi Đức Thánh Linh để ký thuật các sự kiện, có cung cấp cho chúng ta manh mối gì để trả lời câu hỏi này hay không?
Đức tin con người và quyền năng Thiên thượng
Trong Mác 6:5–6, chúng ta thấy Chúa Jêsus chỉ thực hiện một vài phép lạ ở quê nhà của Ngài bởi vì sự thiếu đức tin của dân chúng. Ở những nơi khác, Chúa đưa ra điều kiện rõ ràng để Ngài đáp ứng một lời khẩn cầu: “Các con tin thể nào thì sẽ được thế ấy” (Ma-thi-ơ. 9:29, so sánh với Mác 10:52; 11:22–24). Mặc dù Chúa có thể thực hiện phép lạ ngay cả khi người ta không có đức tin hoặc đức tin không xứng đáng (Mác 5:41–42; 9:23–24), hầu hết các phép lạ trong chức vụ trên đất của Ngài đều tương ứng với đức tin của người cầu xin.
Trước giả sách Hê-bơ-rơ cũng thách thức chúng ta tương tự: “Không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời; vì người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài thực hữu, và Ngài là Đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Liệu có sự bất xứng nào trong đức tin của người mù này khiến sự chữa lành cho anh ta bị trì hoãn không? Nếu thế thì Mác không hề cho thấy điều đó.
Trước đó, trong Mác 5, chúng ta đã đọc thấy một sự đáp ứng bị trì hoãn trước sự hiện diện uy quyền của Chúa Jêsus. Mác thuật lại rằng khi Chúa gặp người bị “quân đoàn” quỷ ám, Ngài đã phán: “Hỡi uế linh, hãy ra khỏi người nầy” (Mác 5:8). Lời của Chúa phán không được thực hiện ngay tức khắc (quỷ buộc phải ra khỏi người đàn ông) mà đã diễn ra một cuộc đối thoại. Sau đó, bọn quỷ mới rời đi (Mác 5:13).
Tại sao Mác lại ký thuật câu chuyện theo cách này? Lẽ ra ông đã có thể rút ngắn câu chuyện. Dù vậy, bằng cách thuật lại diễn biến câu chuyện chậm rãi hơn, những sự kiện dần được hé mở tạo nên ấn tượng về sức mạnh của kẻ thù mà Chúa Jêsus đang đối diện (một quân đoàn quỷ có thể làm 2000 con heo chết chìm). Việc nhấn mạnh đến sức mạnh của kẻ thù càng tôn lên quyền năng đắc thắng của Chúa Jêsus.
Tương tự, qua việc từ từ hé mở cho độc giả diễn biến câu chuyện chữa lành người đàn ông mù, Mác vẽ nên một bức tranh về sự biến đổi đầy kịch tính và khó quên của người đàn ông tật nguyền. Chúa Jêsus không để người mù ấy ở trong tình trạng vẫn còn “gà mờ” (như một số lang băm “chữa bệnh bằng niềm tin” thời bấy giờ có thể đã làm), nhưng khôi phục thị lực của ông ta một cách tuyệt đối. Không một sự chữa bệnh bằng niềm tin thời xưa, hay phẫu thuật mắt thời nay nào có thể so sánh với sự khôi phục thể chất rõ ràng và trọn vẹn mà Chúa Jêsus mang lại.
Không một sự chữa bệnh bằng niềm tin thời xưa hay phẫu thuật mắt thời nay nào có thể so sánh với sự khôi phục thể chất rõ ràng và trọn vẹn mà Chúa Jêsus mang lại.
Mở ra ẩn dụ về sự mù loà tâm linh
Phải chăng có ẩn ý nào đó trong câu chuyện? Mác nhìn thấy trong sự chữa lành hai bước của Chúa Jêsus có một ẩn dụ về sự mù lòa thuộc linh của các môn đồ? Nên nhớ rằng sách Mác không phải là một tập hợp các câu chuyện ngẫu nhiên về Chúa Jêsus.
Trước giả của sách Phúc Âm này được thần cảm để xây dựng sách theo một bố cục có thể giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của từng ký thuật đơn lẻ.
Thí dụ, câu chuyện Chúa Jêsus rủa sả cây vả được ký thuật thành hai phần (Mác 11:12–14, 20-25), ở giữa là tuyên bố của Chúa về sự đoán phạt sắp xảy đến trên đền thờ (Mác 11:15-19). Rõ ràng Mác xem các câu chuyện xảy ra như một sự bổ trợ thông tin cho nhau, với hình ảnh cây vả được hiểu như một ngụ ngôn minh họa cho sự đoán phạt của Chúa trên dân Y-sơ-ra-ên vô tín.
Trước câu chuyện chữa lành cho người mù là ký thuật về việc Chúa Jêsus hỏi các môn đồ Ngài một cách sắc bén: “Sao các con có mắt mà không thấy? Có tai mà không nghe?” (Mác 8:18). Ngay sau những lời này là câu chuyện về một người có mắt mà không nhìn thấy, có vẻ như Mác không thuật lại nó một cách tình cờ.
Hơn nữa, phân đoạn về sự chữa lành hai giai đoạn này (Mác 8:21–26) được đặt ngay trước phần bản văn được xem là đặc trưng của Mác, từ đoạn 8:27–10:52. Chúng ta có thể đặt tiêu đề cho các chương này là “Con đường lầm lạc của vinh hoa thế gian và Con đường thập tự”. Phần này của sách Mác đi theo một thể thức được lặp lại ba lần: (1) Chúa Jêsus báo trước về sự chết của Ngài, (2) các môn đồ hiểu sai về bản chất của một môn đồ thật, (3) Chúa Jêsus dạy rằng việc làm môn đồ thật đòi hỏi sự trả giá và chịu khổ.
Thông qua cấu trúc được lặp lại này, chúng ta được nhắc nhở rằng các môn đồ lúc ấy đang có một sự hiểu biết chưa đầy đủ và không đúng về chức vụ của Chúa Jêsus và về ý nghĩa của việc đi theo Ngài. Theo một nghĩa nào đó, họ nhìn thấy chức vụ của Ngài bằng đôi mắt mù lòa. Thay vì nhìn thấy Chúa như Người đầy tớ chịu khổ mà tiên tri Ê-sai nói đến (Ê-sai 53), họ lại có những nhận thức sai lầm. Nhiều nhà giải kinh so sánh điều này với câu chuyện chữa lành của người mù. Nếu họ đúng, Mác có thể đang ngụ ý rằng các môn đồ cần đến “sự đụng chạm thứ hai” của Chúa Jêsus (thông qua chức vụ và sự dạy dỗ sau đó của Ngài) để họ có thể nhìn thấy rõ ràng Ngài là ai và lý do Ngài đến trên đất.
Học cách nhìn thấy Chúa Jesus rõ ràng hơn
Là những độc giả thời hiện đại, chúng ta có thể rút ra một số bài học cho mình từ sách Phúc Âm Mác.
Trước hết là mạng lệnh của Chúa Jêsus rằng chúng ta phải có đức tin khi đến với Ngài—tin vào quyền năng, sự tốt lành và tình yêu của Ngài. Chúng ta phải tin và thờ phượng Ngài, cho dù kết quả là một phép lạ chữa lành hay chỉ đơn giản là ân điển để chịu đựng nỗi đau.
Ngoài ra, khi đọc và suy ngẫm những câu chuyện về Chúa Jêsus trong các sách Phúc Âm, đức tin của chúng ta được lớn lên khi nhìn thấy quyền năng, sự tốt lành và tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện trong Đấng Christ.
Cuối cùng, chúng ta phải nhớ rằng sự chữa lành thể xác và sự tăng trưởng thuộc linh thường không xảy ra ngay tức thời. Phải bám chặt lấy Chúa Jêsus, tiếp tục trông cậy Ngài để đáp ứng những nhu cầu thể xác và thuộc linh.
Sự đáp lời cầu nguyện có thể đến mau chóng, hoặc có thể đến qua từng giai đoạn và đòi hỏi sự chờ đợi, hoặc chỉ khi ở trong “trời mới đất mới”. Và dù thế nào thì ân điển của Đức Chúa Trời vẫn luôn đủ cho chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 12:9).
Bài: Robert L. Plummer; dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Tác giả: Tiến sĩ Robert L. Plummer là chủ tịch của khoa Tân Ước và là giáo sư của bộ môn giải kinh Tân Ước tại Thần học viện Báp-tít Nam phương (The Southern Baptist Theological Seminary) ở Louisville, Kentucky.