Mỗi chủng tộc đều được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời

Oneway.vn – Thế giới đang trong thời kỳ hỗn loạn.

Sau cái chết đau lòng của George Floyd, thế giới đang nghiệm lại quan điểm và niềm tin của mỗi người về chủng tộc. 

Chúng ta thường được dạy theo quan điểm của gia đình dù đó là quan điểm không tích cực. Khi lớn lên, chúng ta cần giáo dục lại chính mình và suy ngẫm Lời Chúa dạy. Bởi vì bất kể điều gì chúng ta được dạy hay nhận được trong suốt hành trình cuộc sống đều có thể sai.

Không quan trọng chúng ta đến từ đâu, mỗi người đều có giá trị riêng. Tại sao? Bởi vì Chúa tạo dựng nên loài người và Ngài thấy chúng ta là quý giá.

Bạn có nhớ bài hát, “Chúa Jesus yêu các em nhỏ” của Clarence Herbert Woolston? 

“Chúa Jesus yêu thương những trẻ thơ,

Tất cả những đứa trẻ trên thế giới.

Đỏ, đen, vàng, trắng không quan trọng.

Tất cả đều quý giá trong tầm nhìn của Ngài.

Chúa Jesus yêu mến những đứa trẻ trên thế giới”.

Clarence đã viết bài hát này lấy cảm hứng từ câu chuyện khi các môn đồ muốn đuổi những đứa trẻ khỏi Chúa Jêsus. Chúa Jêsus quở trách họ và chào đón các em với vòng tay rộng mở (Ma-thi-ơ 19:14 ). Ngài yêu thương như Đức Chúa Cha.

Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài

Khi đã dựng nên thế giới (Sáng thế ký 1:1), Chúa dựng nên loài người theo ảnh tượng của Ngài (Sáng thế ký 1:27). 

Tôi nghĩ khi chúng ta nghĩ về Chúa, chúng ta tưởng tượng rằng Ngài trông giống chúng ta. Có lẽ hình ảnh Chúa Jêsus gợi lên trong đầu chúng ta phù hợp với hình ảnh thường dùng trong các lớp học trường Chúa nhật. Mặc dù không thể thấy Chúa Jêsus, nhưng chúng ta vẫn có thể tưởng tượng Ngài với khuôn mặt hiền từ và đôi mắt yêu thương.

Nếu nhớ rằng con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, chúng ta sẽ ít chỉ trích những người có vẻ ngoài khác với chúng ta. Tất cả mọi người được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời.

Chúa là Đấng quyết định tạo nên tất cả các chủng tộc. Ngài tạo nên con người cho mỗi quốc gia (Công vụ 10: 34-35). Dù tất cả chúng ta đều được tạo ra bởi cùng một Đấng sáng tạo, nhưng chúng ta lại không cùng một hành động yêu thương? (Malachi 2:10).

Chúa yêu thế giới này

Chắc rằng ai cũng nằm lòng câu Kinh Thánh: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16)

Điều đó có nghĩa khi về Thiên đàng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều chủng tộc khác nhau. Những người trông giống chúng ta, và nhiều người rất khác. Điểm chung là chúng ta thừa nhận mình là tội nhân và đón nhận món quà Chúa ban. Một món quà chẳng phải chúng ta xứng đáng mà có. (Ê-phê-sô 2:8-9). 

Khi Phao-lô nhắc đến những Cơ Đốc nhân, ông nói rằng không có sự phân biệt giữa những người thuộc chủng tộc khác nhau (Rô-ma 10:12-13). Và Đức Chúa Trời không hề muốn một ai bị diệt vong ( 2 Phi-e-rơ 3:9 ).

Chúa muốn chúng ta chấp nhận người khác

Trong khi Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, chúng ta vẫn là những cá thể độc nhất. Ngài không tạo chúng ta theo một khuôn như bánh quy. Ngài muốn chúng ta có sự khác biệt. Đức Chúa Trời chọn mọi đặc điểm độc nhất khi Ngài tạo nên chúng ta từ trong lòng mẹ (Thi Thiên 139:13-16). Ngay cả tóc trên đầu chúng ta Ngài cũng đếm trọn hết rồi ( Lu-ca 12:7).

Chúa muốn chúng ta sống hòa thuận với người khác (Rô-ma 15:5-7). Khi bắt đầu nhìn người khác với ánh mắt phê phán, Chúa nhắc nhở chúng ta rằng có một thứ đang làm biến dạng tầm nhìn của chính chúng ta – một cây đà (Lu-ca 6:42).

“Lạy Chúa, con nhận ra mình đã hướng đôi mắt theo một cách sai lệch như thế nào, bởi hầu như chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực xung quanh con. Nhưng Chúa ơi, bởi sự bảo vệ và cầu thay của Ngài nơi Đức Chúa Cha, xin giúp con cũng có cái nhìn như Ngài” Anne Peterson.

Chúa muốn chúng ta trở nên nhân hậu

Hầu hết mọi người đều biết câu chuyện về người Samari nhân lành (Lu-ca 10:30-37).

Khi môn đồ nghe câu chuyện, Chúa Jêsus hỏi họ ai là người lân cận của người đàn ông bị thương khi hai trong số ba người đã lơ đi? Ngài tiếp tục: Ấy là người tỏ lòng thương xót.

Chúa tỏ lòng thương xót khi chúng ta đáng bị phán xét, Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Vì vậy, điều này có nghĩa ngay khi chúng ta nghĩ rằng người đó xứng đáng để trả thù, Chúa không đồng ý. Vì chúng ta được dạy nếu kẻ thù của chúng ta đói, hãy cho ăn, và nếu họ khát, chúng ta sẽ cho họ uống (Châm ngôn 25:21). Hãy mở rộng lòng thương xót bởi vì chúng ta đã được Chúa thương xót. Và nếu nghĩ rằng chúng ta không thể làm điều này, Chúa là Đấng thêm sức cho chúng ta. Ngài không bao giờ yêu cầu chúng ta làm bất cứ điều gì khi Ngài chưa chỉ dạy.

Ân điển kêu gọi chúng ta tha thứ

Ngay cả khi ai đó xúc phạm chúng ta, Chúa không cho phép chúng ta trả thù. Thay vào đó, ngài nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải tha thứ như Chúa Jêsus đã tha thứ (Ê-phê-sô 4:32). Chúng ta được kêu gọi phải nhịn nhục lẫn nhau, ngay cả khi có mâu thuẫn, chúng ta vẫn phải tha thứ (Cô-lô-se 3:13).

Giô-sép bày tỏ thái độ tốt lành mặc dù bị chính anh em của mình đối xử bất công (Sáng thế ký 37). Nhiều năm sau, khi họ được đoàn tụ, Giô-sép có thể trả thù ông  đã không làm điều đó. Thay vào đó, ông chọn cách tha thứ hoàn toàn. Thậm chí còn nhìn xa hơn và nói dù họ đã làm điều ác, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành. (Sáng thế ký 50:15-21). Chúng ta luôn có quyền lựa chọn liệu sẽ tha thứ hay không. Đó là vì Chúa cho chúng ta tự do. Ngài sẽ không buộc chúng ta phải chọn điều gì là đúng, nhưng nếu chúng ta tha thứ, Chúa hài lòng.

Chúa có thể thay đổi tấm lòng 

Nhiều người quen sống với định kiến về người khác trong thời gian dài. Nó gần như đã trở thành một phần cuộc sống. Làm thế nào để có thể thay đổi cái gì đó đã ở với chúng ta quá lâu? Chúa bắt đầu hành động trong chúng ta ngay khi chúng ta tin nhận Chúa Jêsus là Cứu Chúa. Phao-lô nói về điều này và nhắc nhở chúng ta rằng Chúa là người bắt đầu công việc và Ngài sẽ hoàn thành (Phi-líp 1:6).

Tôi đau khổ trong nhiều năm vì người cha của mình. Tám năm sau, chị tôi gọi và nói rằng bố chúng tôi đang trong bệnh viện vì ung thư. Lúc đó thực sự rằng tôi không muốn gặp bố. Peggy vẫn kiên trì, nhắc nhớ tôi và cuối cùng tôi quyết định đi. Đứng bên giường bệnh của ông, tôi không còn thấy hình ảnh một người luôn nổi giận với chúng tôi, đánh chúng tôi bằng thắt lưng. Thay vào đó, Chúa cho tôi thấy một người đàn ông đang đau đớn. Bố tôi cất tiếng nói, “Hãy tha thứ cho bố vì bố không là một người cha tốt”. Và bắt đầu từ hôm đó, Chúa đã thêm sức để tôi hoàn toàn tha thứ cho bố của mình.

Thế giới cần Chúa Jêsus. Là những người biết về Chúa, hãy bày tỏ Ngài cho người khác. Dù có thể khó khăn nhưng Chúa luôn ở đó để giúp chúng ta, đúng như lời Ngài hứa.

 

Bài: Anne Peterson; dịch: Josie

(Nguồn: Crosswalk.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *