Mục sư không thể làm mọi thứ cho tất cả mọi người

Oneway.vn – Mục sư không chỉ có nhiệm vụ không ngừng trau dồi kiến thức của chính mình về những điều đẹp lòng Chúa, mà còn phải đối phó với nhiều vấn đề khác như tội lỗi cá nhân, kỳ vọng của các mục sư khác, nhận thức của Hội Thánh, lựa chọn sắp xếp lịch trình và một loạt công việc khác mà chúng tôi khó lòng kiểm soát hết.

Đánh giá tấm lòng bạn

Để cân bằng trong suy nghĩ và hành động, đầu tiên chúng ta phải đánh giá trung thực về tấm lòng của chính chúng ta. Các mục sư trong thân thể Đấng Christ trước hết được kêu gọi làm những người lãnh đạo với tinh thần phục vụ. Những ai không học cách trở thành người đầy tớ phục vụ sẽ không thể trở thành người lãnh đạo thuộc linh cho bất kỳ nhóm tín đồ nào.

Thái độ của chúng ta về nhiệm vụ của Hội Thánh tùy thuộc vào hiểu biết trong vai trò của một người đầy tớ. Mục sư có tinh thần phục vụ sẽ sẵn sàng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ, chức năng nào với tinh thần hợp tác và khiêm tốn. Những người đầy tớ thực sự sẽ không từ chối bất kỳ công việc nào. Tình trạng và phẩm giá cá nhân không liên quan gì đến sự sẵn lòng hầu việc của chúng ta, bất kể chúng ta còn thiếu sót hay xuất sắc và đặc biệt như thế nào. Là người đầy tớ, lãnh đạo phải có tấm lòng sẵn sàng.

Quản lý ân tứ của bạn

Chỉ vì chúng ta dâng mình hầu việc không có nghĩa là chúng ta nên làm mọi thứ. Cân bằng vai trò mình với tư cách là đầy tớ và trách nhiệm quản lý tốt các ân tứ, đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ ưu tiên của mình là gì và ý thức sâu sắc rằng điều gì là quan trọng trong việc hoàn thành mục đích chức vụ.

Tập trung vào thái độ

Trọng tâm của tinh thần phục vụ chính là thái độ của chúng ta. Khi chúng ta đối mặt với những thách thức từ người khác, thay vì tranh luận, một câu trả lời nhẹ nhàng sẽ gây dựng hơn là một “bài giảng”:

“Xin hãy cầu nguyện cho tôi và bậc trưởng lão khi chúng tôi cố gắng tìm ra cách để đưa ra những lựa chọn tốt nhất và quyết định sáng suốt nhất cho những điều như thế. Nhân tiện, mọi người đã làm một công việc tuyệt vời”.

Vâng, có lẽ tất cả những gì người đó cần là biết rằng mục sư của họ đánh giá cao việc làm của họ, và bạn có thể khẳng định công khó của họ theo nhiều cách.

Sẽ luôn có những kẻ gièm pha, chỉ trích, sẵn sàng phê bình mọi lựa chọn của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể can thiệp vào suy nghĩ của người khác. Chúng ta không thể trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người. Vậy thì, làm sao để giữ cân bằng trong mọi thứ? Vấn đề ở đây chính là thái độ.

“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người” (Philip 2:5-7)

Khi cố gắng quan sát và điều chỉnh thái độ tấm lòng mình, chúng ta sẽ đạt được sự cân bằng hợp lý giữa tư duy phục vụ và lãnh đạo khôn ngoan. 

Khi phạm vi ảnh hưởng trong chức vụ càng lớn và trách nhiệm càng nặng nề, nhiệm vụ duy trì sự cân bằng với tư cách là một người lãnh đạo phục vụ càng trở nên khó khăn. Hãy lắng nghe những người có thể làm thay đổi suy nghĩ của bạn trong Kinh thánh; mở tai bạn để lắng nghe tiếng phán của Thánh Linh. Nếu bạn bước theo Chúa, bắt chước ngài trong thái độ của mình, bạn sẽ song hành với Đức Thánh Linh, và Ngài sẽ giữ cho cuộc sống và chức vụ của bạn được cân bằng.

 

Bài: David Hcorner; dịch: Daisy

(nguồn: thegospelcoalition.org)

 

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *