Nền tảng của Lễ Tạ ơn có thể được tìm thấy trong Kinh thánh không?

Oneway.vn – “Hãy vui mừng nơi Đức Giê-hô-va! Và cảm tạ danh thánh của Ngài” (Thi thiên 97:12).

Không phải không thích các mùa khác, nhưng với tôi mùa thu là thời điểm tôi yêu thích nhất trong năm (liền kề ở vị trí thứ hai là mùa xuân). Nó không chỉ là về việc thay lá, trò chơi bóng đá, không khí se lạnh, và bí ngô; mà còn là vì tôi yêu ngày Lễ tạ ơn.

Lễ tạ ơn là một lý do tuyệt vời để gặp gỡ những người mà chúng ta quan tâm, ăn những món ăn ngon, và nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có rất nhiều điều để biết ơn. Như bài hát đồng quê của Kevin Spencer mà mẹ tôi thích hát có viết rằng:

Tôi có rất nhiều điều để tạ ơn Ngài; Rất nhiều điều để ca ngợi Ngài vì bạn thấy đấy, Ngài quá tốt lành với tôi; Khi tôi nghĩ về những gì Ngài đã làm; Và nơi Ngài đã mang tôi ra; Tôi có rất nhiều điều để tạ ơn Ngài.

Và sau những sự kiện trong vài tháng qua, tập trung vào việc tạ ơn là điều mà hầu hết chúng ta thực sự cần phải làm. Không chỉ vậy, chúng ta còn nhận được mạng lệnh trong Kinh Thánh để tạ ơn. Chẳng hạn, tác giả Thi thiên nói với chúng ta là “hãy vui mừng nơi Đức Giê-hô-va! Và cảm tạ danh thánh của Ngài” (Thi thiên 97:12).

Nhưng như tác giả đã nói trước đó trong sách Thi Thiên, tạ ơn là một điều “tốt lành” (Thi thiên 54:6). Ý tưởng này được nhiều tác giả Thi Thiên khác cũng như nhiều tác giả Kinh thánh khác bày tỏ trong suốt Kinh thánh.

Chữ “tạ ơn” có trong Kinh thánh không?

Sau khi tìm kiếm nhanh tại blueletterbible.org (một trong những trang web yêu thích của tôi), tôi phát hiện ra rằng các từ cụ thể “cảm ơn” (thank), “cảm ơn” (thanks) và “tạ ơn” (thanksgiving) xuất hiện gần 150 lần trong Phiên bản English Standard của Cựu ước và Tân ước

Các thầy tế lễ thời xưa dâng lễ vật và của lễ tạ ơn Đức Chúa Trời (I Sử-ký 16:4, II Sử-ký 29:31). Phao-lô cảm ơn sự hỗ trợ của bạn bè và sự cam kết của các môn đồ (Rô-ma 1:8, I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) và Chúa Jêsus đã tạ ơn khá nhiều lần trong suốt những năm thi hành chức vụ của Ngài, chẳng hạn như khi Ngài làm những phép lạ (Ma-thi-ơ 11:25, 15:36; Giăng 11:41).

Nếu bạn tìm hiểu sâu hơn nữa về những từ ngữ này trong Kinh thánh, bạn sẽ thấy rằng tiếng Do Thái “yādâ” và “tôdâ” không chỉ có nghĩa là “cảm tạ” hoặc để dâng lên “lòng biết ơn”, mà chúng còn có thể có nghĩa là ca ngợi, xưng tội, hoặc làm chứng về sự tốt lành của Đức Chúa Trời qua lời nói của chúng ta và thậm chí qua âm nhạc của chúng ta.

Vì thế, ca ngợi và thờ phượng Đức Chúa Trời (cả trong cá nhân và cộng đồng) với tấm lòng biết ơn là một phần thiết yếu của đời sống Cơ đốc nhân, và nó đã là như vậy ngay từ thuở sơ khai của loài người.

Ngay cả Ca-in và A-bên, những người đầu tiên sinh ra trên trái đất, cũng được giao nhiệm vụ dâng lời ca tụng lên Đức Chúa Trời (mặc dù chỉ có một người trong số họ làm điều đó với tấm lòng chân thành).

Tạ ơn Chúa không chỉ là một điều gì đó tốt để làm, nhưng nó thực sự tốt cho chúng ta. Điều gì đó tích cực và hữu ích đến với tâm trí và tấm lòng của chúng ta khi chúng ta chuyển trọng tâm từ việc phàn nàn về những gì chúng ta cho là tiêu cực trong cuộc sống của mình để nhận ra tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta.

Đó là lý do tại sao Sứ đồ Phao-lô buộc chúng ta phải suy nghĩ về “điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương…” (Phi-líp 4:8). Bạn thậm chí có thể nói rằng biết ơn là một trong những yếu tố quan trọng để sống một cuộc sống đầy bình an. Trước đó trong cùng một phân đoạn, Phao-lô đã giải thích điều đó như thế này:

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi! Hãy cho mọi người biết tính nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi! Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn, mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt quá sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus”. (Phi-líp 4:4-7)

Bạn có biết “công thức” của Phao-lô để có được sự bình an không? Thay vì lo lắng hoặc căng thẳng về tất cả những gì không ổn hoặc có thể trở nên tồi tệ, nếu chúng ta giao tiếp với Đức Chúa Trời bằng cách bày tỏ nỗi quan tâm của ta cho Ngài (cái được gọi là nài xin) cũng như ca ngợi Ngài về những phước lành ta có (cái được gọi là tạ ơn), kết quả sẽ là sự bình an trong cuộc sống của chúng ta mà thậm chí có thể không hợp lý nếu xét đến hoàn cảnh của chính ta.

Có nhiều Cơ đốc nhân đang trải qua thời kỳ khó khăn đã bám sát vào phân đoạn này – và vì lý do chính đáng.

Chúng ta có được kêu gọi để ngợi khen Đức Chúa Trời không?

Tôi không thể không nghĩ rằng “công thức” cho sự bình an là điều mà Chúa Jêsus đã sử dụng khi Ngài nhóm lại với các môn đồ tại “phòng cao” được chép trong sách Ma-thi-ơ 26. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng sau khi Chúa Jêsus bẻ chiếc bánh không men và rót đầy cốc rượu, Ngài đã “tạ ơn” vì tất cả rồi trao cho Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Giu-đa và những người còn lại.

Điều này có nghĩa là Chúa Jêsus ca ngợi và thờ phượng Đức Chúa Trời vì sự đóng đinh khủng khiếp, tàn bạo và không đáng mà Ngài biết rằng mình sắp phải trải qua. Và ngay sau bữa Tiệc thánh đó, Chúa Jêsus đi sâu vào Núi Ô-liu để cầu nguyện: “Abba, Cha ơi” (cách xưng hô riêng tư, thân mật với Đức Chúa Trời) “Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Dù vậy, không theo ý con, mà theo ý Cha”. (Ma-thi-ơ 26:39).

Thay vì phàn nàn với những môn đồ thân cận hoặc chìm đắm trong sự lo lắng và đau đớn đang đè nặng trên mình, Chúa Jêsus đã tạ ơn và bày tỏ nỗi lòng của mình với Đức Chúa Trời. Cảnh phản bội, thử thách, đánh đập và đóng đinh sau đó cho chúng ta thấy rằng Chúa Jêsus vẫn bình an và tự tin khác hẳn thái độ của bất kỳ ai khi ở trong hoàn cảnh này.

Điều đó khiến tôi nhớ đến lời tiên tri trong Ê-sai 53: 7 rằng: “Người bị ngược đãi và khốn khổ, nhưng không hề mở miệng. Như chiên non bị đem đi làm thịt, như chiên câm lặng trước mặt kẻ hớt lông. Người không hề mở miệng”. Hãy nhớ rằng, mặc dù Chúa Jêsus hoàn toàn là Đức Chúa Trời, nhưng Ngài cũng hoàn toàn là con người và sẽ cảm thấy nỗi đau tột cùng giống như chúng ta.

Như tác giả Hê-bơ-rơ giải thích, Chúa Jêsus có thể thông cảm với những yếu đuối của chúng ta và cũng bị cám dỗ như chúng ta, song “chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15). Nhưng ngay cả giữa nỗi đau đớn và cám dỗ để phàn nàn đó, Ngài vẫn tập trung vào “niềm vui” của thập tự giá ngay cả khi Ngài coi khinh “điều sỉ nhục” của nó (Hê-bơ-rơ 12:1–2).

Tương tự như vậy, bất kể những khó khăn và hoạn nạn mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống, khi chúng ta trông cậy vào quyền năng của Chúa Thánh Linh để giúp chúng ta “vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh…” ( I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16–18), chúng ta cũng có thể sống một đời sống Cơ đốc bình an mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống.

Nhưng ngược lại, Phao-lô nói với chúng ta trong Rô-ma 1 rằng khi người ta không tôn vinh Đức Chúa Trời như Ngài là Đức Chúa Trời hoặc “tạ ơn Ngài”, thì suy nghĩ của họ là “viển vông” và “lòng ngu muội” của họ trở nên tăm tối (Rô-ma 1:21).

Cảm tạ Chúa

Cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều trong quyết định có tạ ơn Chúa hay không. Không chỉ là về một con gà tây trong bữa tối tháng 11, nhưng là mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta.

Chúng ta hãy tìm kiếm sự bình an trong mùa lễ này và đặt tấm lòng biết ơn của chúng ta hướng về Ngài.

Bài: Robert Hampshire; dịch: Abby
(Nguồn: christianity.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *