Oneway.vn – Chúa viết nên điều này trong câu chuyện cuộc đời bạn
Sợ hãi là một phần của cuộc sống thể xác đầy hữu hạn và mong manh, trong một thế giới đầy đổ vỡ và nhiều điều đáng sợ. Con người luôn phải sống trong sự rình rập. Ai trong chúng ta cũng có những nỗi sợ, và chúng không chỉ tồn tại trong tuổi thơ với những con quái vật đáng sợ dưới gầm giường, nhưng càng lớn, càng có nhiều thứ đáng lo ngại hơn ẩn nấp trong bóng tối.
“Đức Chúa Trời vận hành trên hàng triệu tình huống, hoàn cảnh và mối quan hệ để đưa chúng ta đến chỗ của ngày hôm nay.”
Chúng ta sợ thất bại trong học hành và thi đấu. Chúng ta sợ tình yêu sét đánh, hay tệ hơn, chẳng có ai để yêu. Chúng ta sợ cô đơn, sợ không có việc làm tốt hoặc bị mất việc, sợ con cái đau ốm hoặc xa cách tình cảm với con, sợ thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Chúng ta sợ bị thất nghiệp, sụp đổ kinh tế, căng thẳng tài chính, thậm chí nghèo đói. Ở tuổi xế chiều, chúng ta sợ mất tiền hưu trí, mất nhà, hay thậm chí mất năng lực trí tuệ. Một số nỗi sợ hãi lớn nhất có thể được giải quyết bằng bảo hiểm, nhưng không có bảo hiểm nào có thể xóa đi tất cả những nỗi sợ trong chúng ta. Con người chúng ta lo lắng và bất an hơn bản thân có thể ý thức và sẵn sàng thừa nhận.
Tất cả những nỗi sợ trong cuộc sống càng làm nổi bật sự yên ninh trái ngược của những người thuộc về Đức Chúa Trời. Khi chúng ta để cho sự tể trị tuyệt đối của Chúa bao phủ cuộc đời mình, mọi nỗi sợ – rằng sẽ có chuyện gì đó ập đến trên cuộc sống, cất đi niềm hy vọng, sự vui mừng và an toàn của chúng ta – sẽ được giải tỏa. Sự tể trị đầy yên ninh ấy đảm bảo với chúng ta về mọi niềm vui, bây giờ chỉ là một phần, nhưng sẽ càng lớn dần cùng với sự vươn rộng vô tận của Đức Chúa Trời.
Niềm vui được trả bằng máu
Khi nói đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh đưa ra một lời hứa tuyệt vời:
“Vậy, chúng ta sẽ nói gì về những việc nầy? Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao? Ai sẽ kiện những người được Đức Chúa Trời tuyển chọn khi mà Đức Chúa Trời là Đấng xưng công chính những người ấy?” (Rô-ma 8:31–33)
Trong đoạn Kinh Thánh tuyệt vời này, chúng ta có được bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ để con dân Ngài bị kết án hay đoán phạt trong Đấng Christ. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra vì Ngài đã đặt Đấng Christ thế chỗ cho chúng ta. Và nếu Đức Chúa Trời sẵn sàng từ bỏ Con yêu dấu, quý giá nhất của Ngài thì làm sao Ngài không ban cho chúng ta là con cái Ngài mọi điều cần thiết để phát triển đời đời? Ngài sẽ không giữ lại bất cứ điều gì. Đó là cốt lõi. “Mọi sự” có nghĩa là “mọi sự”. Ngài không có sự phân vân hay do dự.
Mọi điều chúng ta cần để phát triển vĩnh cửu đã được hứa bởi một Đức Chúa Cha đầy ân điển, luôn muốn tuôn đổ ơn phước trên con cái Ngài để họ được vui sướng và Ngài được vinh hiển. Đối với con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, sự đổ huyết của Chúa Jêsus là bằng chứng vững chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ ngừng hành động để đảm bảo sự vui mừng vĩnh cửu cho chúng ta (Tác phẩm của Jonathan Edwards, 19:777–78).
Đức Chúa Trời đã ban Con duy nhất của Ngài cho chúng ta, bởi đó mà Ngài cũng ban sự đảm bảo rằng mọi chi tiết trong cuộc đời chúng ta sẽ được đan kết để dẫn ta đến cõi đời đời cùng với Ngài, vui hưởng trọn niềm khoái lạc vĩnh cửu. Được chọn ở trong Đấng Christ có nghĩa là chính Ngài sẽ viết ra câu chuyện của cuộc đời chúng ta, và kết thúc của câu chuyện là sự hưng thịnh đến đời đời.
Hoạn nạn, đau buồn và vui mừng
Tất nhiên, câu chuyện ấy cũng bao gồm những xung đột và khó khăn. Chúng ta không tìm thấy niềm vui bằng cách thoát khỏi cuộc sống này, nhưng bằng cách vượt qua nó. Tôi không biết bạn sẽ phải đối mặt với bao nhiêu đau đớn và thất vọng, nhưng chắc chắn bạn sẽ đối mặt với chúng. Bạn có thể phải trải qua một thời gian dài đen tối sống trong sự trầm cảm. Có thể bạn phải sống với những hối tiếc dưới mọi hình thức và cấp độ. Có lẽ bạn không bao giờ có ý định sống đến bốn mươi tuổi mà vẫn độc thân, hay bạn hối hận khi thấy mình bốn mươi tuổi và đã kết hôn. Có thể bạn hối hận về việc có con, hay vì đã không có con. Có lẽ bạn ân hận vì con mình đã từ bỏ đức tin.
Bất kể phải trải qua những nỗi đau hay tiếc nuối nào trong cuộc sống, một người có niềm tin thần học vững chắc vẫn có thể nói: “Cho dù tôi không thể hiểu tại sao cuộc đời mình lại diễn ra thế này, Chúa vẫn đang tể trị và tôi đang được nâng đỡ trong bàn tay ân điển của Ngài.” Sự tự tin này giải phóng tấm lòng chúng ta để có thể vui hưởng cuộc sống. Chúng ta không sống trong sự dày vò bản thân về mọi thất bại của mình, nhưng mỗi khi nhìn lại cuộc đời, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã vận hành trên hàng triệu tình huống, hoàn cảnh và mối quan hệ để đưa chúng ta đến chỗ của ngày hôm nay.
“Chúng ta không tìm thấy niềm vui bằng cách thoát khỏi cuộc sống này, nhưng bằng cách vượt qua nó.”
Sứ đồ Phao-lô, người phải chịu đựng mọi thể loại hoạn nạn, đau buồn và thất vọng, đã thừa nhận rằng nỗi đau của ông là một phần trong kế hoạch tối thượng của Đức Chúa Trời (2 Cô-rinh-tô 6:3–10). Nỗi buồn ở trong ông là rất thật, nó làm ông đau đớn, nhưng cũng chứng mình rằng niềm vui của Đức Chúa Trời không bao giờ có thể bị dập tắt. Mục sư Spurgeon từng phát biểu: “Không con người nào có thể cất đi niềm vui của chúng ta”. “Chúng ta là những lữ khách có thể cất tiếng hát dù đường đời lắm chông gai. Giữa đống tro tàn của mọi đau đớn, vẫn tồn tại những đốm lửa vui mừng le lói, chờ được thổi bùng lên bởi cơn gió Thánh Linh ngọt ngào. Niềm hạnh phúc ẩn chứa trong chúng ta là di sản quý giá hơn nhiều so với sự hoan hỉ ồn ào của tội nhân” (trích tác phẩm Metropolitan Tabernacle Pulpit Sermons, 28:187).
Niềm vui của Đức Chúa Trời trong đời sống con cái Ngài một món quà quý giá; đôi khi nó được ẩn giấu, nhưng không bao giờ bị dập tắt bởi nỗi buồn, xung đột hoặc hoàn cảnh của con người.
Niềm vui khôn tả
Việc biết trước về niềm vui bất tận trong sự hiện diện của Đấng Christ làm thay đổi mọi thứ. Nó có nghĩa là chúng ta có thể từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đời mình, chúng ta không còn phải lo sợ về tương lai, mọi nỗ lực hướng đến sự thánh khiết của chúng ta không hề vô ích, và Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta để trở nên giống như hình ảnh của Đấng Christ, trong sự thánh khiết và niềm hạnh phúc của Ngài. Tất cả những điều ấy sẽ được thực hiện, còn chúng ta chỉ cần cố gắng và vâng phục Chúa với niềm hy vọng bất diệt này.
I Phi-e-rơ 1:3–9 dạy chúng ta một bài học căn bản về sự trông đợi và sự góp phần. Chúng ta không giống như người bị để lại ở một khu tàu điện ngầm, chỉ biết lướt điện thoại cách nhàm chán trong khi chờ đợi một chuyến tàu chậm chạp đến rước chúng ta lên thiên đàng. Dự án Vui Mừng của Đức Chúa Trời đang đưa chúng ta đi đến sự hiện diện của Ngài, nhưng ngay lúc này, Đấng Christ đã cho phép chúng ta được nếm biết niềm vui vĩnh cửu khôn tả ấy.
Theo mục sư Thanh giáo John Owen, bởi đức tin, mọi niềm vui thuộc về thể xác trong cuộc đời này cũng không thể so sánh với những lần được nhìn thoáng qua về viễn cảnh tuyệt đẹp của sự vui mừng vĩnh cửu. “Không một vinh quang, sự bình yên, niềm vui hay sự thỏa mãn nào trong thế giới này có thể sánh với vinh quang của Đấng Christ, dù chúng ta chỉ mới nhìn thấy được một ít bằng cái nhìn yếu ớt và bất toàn bởi đức tin của mình” (Tác phẩm của John Owen, 1:415).
Những điều nhìn thấy được chỉ là gợi ý về một viễn cảnh tuyệt diệu sắp tới. Nhưng mục sư Owen cũng cẩn thận nhắc lại rằng những khoảnh khắc này không diễn ra mỗi ngày trong đời sống trên đất của Cơ Đốc nhân. “Thỉnh thoảng, thông qua Lời Chúa và Đức Thánh Linh, tấm lòng chúng ta có thể cảm nhận một phần nào đó vinh quang của Đức Chúa Trời mà không ai có thể tạo ra được. Vinh quang ấy chiếu sáng trong Đấng Christ, tác động và tràn ngập tâm hồn chúng ta bằng niềm vui khôn cưỡng” (Trích tác phẩm của John Owen, 1:293). Đó là những khoảnh khắc vi diệu, nhưng chúng không thường xảy ra.
Việc biết trước về một bữa tiệc vui mừng vĩnh cửu trở thành niềm vui trong hiện tại của chúng ta (Rô-ma 5:2). Trong Đấng Christ, lúc này chúng ta đã có thể nếm được trái đầu mùa của niềm vui đời đời. “Như một vài tia nắng và vệt sáng le lói trước khi mặt trời mọc, niềm vui của Đức Thánh Linh cũng chỉ là tia nắng mai của ánh sáng vinh quang ngập tràn và của mặt trời niềm vui sướng sẽ mọc lên trên chúng ta trong một thế giới khác” (Trích tác phẩm của Manton, 13:331).
Niềm khoái lạc vĩnh cửu
Trong lúc này, chúng ta biết ơn về những nếm trải hạnh phúc trong hiện tại (bởi đức tin, có định kỳ) trong khi háo hức chờ đợi niềm hạnh phúc trong tương lai (bởi mắt thấy, vô tận). Một ngày nào đó, “món khai vị” của niềm vui tâm linh này sẽ nhường chỗ cho bữa tiệc của niềm hạnh phúc ngập tràn mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho chúng ta. Đây chính là chung kết đỉnh cao của Dự án Vui mừng của Đức Chúa Trời, là đích đến của mọi sự vật.
Đức Chúa Trời đang đưa muôn vật hướng đến tương lai huy hoàng ấy. Con cái Ngài sẽ không còn phải sống như khách lạ trong quá khứ, dù hiện vẫn đang hành hương nhưng rồi họ sẽ về đến quê nhà, được ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, được sống cùng những người được chuộc trước Chiên Con, được mặc áo tinh khiết toàn hảo hệt như Đấng Christ – không tì, không vết, không nhăn. Đấng Cứu Rỗi sẽ vui mừng tiếp đón chúng ta, những người Ngài đã yêu từ trước khi sáng thế, những người mà vì họ, Ngài đã chịu khổ, gánh lấy thập tự giá vì niềm vui mừng đặt trước mặt mình. Chúng ta sẽ được đón tiếp để vui hưởng trọn vẹn tình yêu Ngài, và tình yêu ấy sẽ mang đến một niềm vui không bao giờ phai tàn hoặc kết thúc. Đây là điều chúng ta được biết trước.
“Đức Chúa Trời đang đưa muôn vật hướng đến một tương lai huy hoàng”.
Nếu có bất cứ nghi ngờ nào, hãy nhìn lại huyết của Chúa Jêsus như một bằng chứng. Trong tương lai, Đấng Christ sẽ bao phủ chúng ta với mọi niềm vui sướng của Ngài, và Ngài sẽ dẫn chúng ta đến trình diện Đức Chúa Cha, Đấng đã chọn lựa chúng ta. Chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Chúa Trời và nếm biết vị ngọt của niềm khoái lạc vĩnh cửu mà mình hằng ao ước. Mọi ham muốn tội lỗi không còn nữa. Mọi thần tượng, sự kiêu ngạo, tuyệt vọng, những hy vọng và sự yên ninh giả tạo, mọi tỗi lỗi hư hoại… tất cả những gánh nặng ấy sẽ bị thiêu trong lửa như rơm rạ. Nước mắt, sự hối tiếc và sự chết sẽ không còn; mọi đau khổ sẽ bị đốt thành tro. Cuối cùng, chúng ta sẽ hoàn toàn được tự do để cùng nhau vui hưởng trọn niềm khoái lạc của Đức Chúa Trời.
Nếu bạn yêu Đấng Christ, hãy nắm chặt lấy lời hứa này. Bạn là người được Đức Chúa Trời yêu. Ngài đã chọn bạn cho một kế hoạch vui mừng được đảm bảo, được viết bằng huyết của Đấng Christ, và kế hoạch ấy không hề bị lay chuyển bởi những thử thách và đau đớn trong cuộc sống, nó bảo đảm với bạn về niềm vui đời đời mãi mãi (Rô-ma 8:28).
Đừng sợ hãi, chỉ hãy tin rằng không điều gì có thể ngăn trở sự kiên định của bạn trong Đấng Christ.
Tác giả: Tony Reinke (@tonyreinke) là nhà văn kỳ cựu của tổ chức Desiring God và là tác giả của Competing Spectacles (tạm dịch: Cạnh Tranh Với Thế Giới Hình Ảnh; 2019), 12 Ways Your Phone Is Changing You (tạm dịch: 12 Cách Điện Thoại Đang Thay Đổi Bạn; 2017), John Newton on the Christian Life (tạm dịch: Tầm Nhìn Của John Newton Về Đời Sống Cơ Đốc Nhân; 2015) và Lit! A Christian Guide to Reading Books (tạm dịch: Được Sáng Tỏ! Hướng Dẫn Đọc Sách Dành Cho Cơ Đốc Nhân; 2011). Ông chủ trì chương trình phát sóng Ask Pastor John. Ông sống ở Phoenix cùng vợ và ba người con.
Bài: Tony Reinke; Dịch: Blessie
(Nguồn: www.desiringgod.org)
Leave a Reply