Ngồi yên lặng bên nhau lúc khó khăn

Oneway.vn – Tất cả chúng ta đều phải trải qua những thời điểm thử thách trong cuộc sống.

Chính Chúa Jêsus đã nói rằng “các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16:33). 

Có những người luôn sẵn sàng giúp đỡ và an ủi khi chúng ta trải qua kỳ thử thách, và cũng có những người cố tình hay vô ý khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Cầu nguyện luôn luôn hữu ích. Khích lệ bằng một bữa ăn hay đáp ứng các nhu cầu cấp bách, đó là những cách thiết thực để giúp đỡ người khác. 

Nhưng còn việc chỉ ngồi bên cạnh ai đó trong lúc họ cần thì sao? Làm sao chúng ta có thể chắc rằng mình đang giúp ích cho họ? Làm sao để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không khiến mọi thứ khó khăn hơn? Liệu chúng ta có đem đến sự an ủi và đồng cảm thực sự, thay vì những lời nói suông? 

Cách chúng ta đối xử với nhau trong lúc khó khăn có thể được tóm tắt trong một câu Kinh Thánh: “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15).

Mọi việc đều có thời điểm

Lẽ thường, chúng ta chỉ muốn làm cho mọi thứ tốt hơn, dễ dàng hơn và dễ hiểu hơn. Chúng ta cố gắng chữa lành những vết thương còn quá mới để lý giải cho những sự kiện có thể không bao giờ lý giải được khi còn trên đất này. 

Chúng ta muốn tránh né nỗi đau và lúc nào cũng mong một lời giải thích. “Mọi chuyện xảy ra đều có lý do” – người ta thường nói vậy để huyễn hoặc nỗi đau của con người. 

Đau đớn, tiếc nuối và buồn bã là những cảm xúc rất bình thường. Thay vì cố “đánh bóng” mọi chuyện, chúng ta chỉ cần nói đơn giản rằng: “Tôi rất tiếc vì bạn đang gặp phải điều này” hoặc “Điều này thật kinh khủng”. Truyền đạo 3 cho biết rằng “Mọi việc đều có thời điểm, mọi sự dưới bầu trời đều có định kỳ của nó:… Có kỳ khóc lóc, có kỳ vui cười; Có kỳ tang chế, có kỳ nhảy múa;… Có kỳ giữ lại, có kỳ ném đi;… Có kỳ nín lặng, có kỳ lên tiếng;…” Giống như Rô-ma 12:15 chép, khi một người bạn khóc, chúng ta chỉ cần khóc với họ. 

Bạn bè của Gióp

Khi cần nói về nỗi đau, chúng ta thường tìm đến sách Gióp đầu tiên. Ban đầu, bạn bè của Gióp đã đi đúng hướng để giúp ông vượt qua nỗi đau. “Khi ba người bạn của Gióp là Ê-li-pha người Thê-man, Binh-đát người Su-a và Sô-pha người Na-a-ma được tin về các tai họa đã xảy đến cho ông, thì họ từ xứ mình hẹn nhau đến để chia buồn và an ủi ông. Từ xa, họ ngước mắt nhìn nhưng không thể nhận ra Gióp. Đến gần, họ bật khóc lớn tiếng, mỗi người xé áo mình, hất bụi lên trời và lên đầu mình. Ba người bạn ngồi xuống đất với Gióp suốt bảy ngày đêm, không ai nói với ông một lời, vì họ thấy nỗi đau của ông quá lớn” (Gióp 2:11-13). Tình bạn ấy thật đẹp biết bao! Họ đến với nhau và khóc cùng nhau. Họ đau buồn cho hoàn cảnh của bạn, và bày tỏ tình yêu thương chỉ đơn giản bằng cách ngồi bên cạnh bạn mình. 

Nhưng sau đó, họ bắt đầu “bài giảng”. Họ nói với Gióp rằng ông hẳn đã làm điều gì đó sai trái, và cố gắng lý giải công việc của Đức Chúa Trời. Điều này không an ủi Gióp được chút nào, mà còn làm ông đau khổ hơn nữa. Trong Gióp 16:2-5, ông trả lời bạn bè của mình: ““Những điều như thế tôi đã nghe nhiều rồi; Tất cả các anh đều là những kẻ an ủi gây bực bội. Các lời viển vông nầy không bao giờ dứt sao? Điều gì thúc giục anh nói mãi không ngưng? Nếu các anh ở vào hoàn cảnh của tôi, tôi cũng có thể nói như các anh; Tôi cũng sửa soạn lời lẽ chống lại các anh, và lắc đầu nhìn các anh. Nhưng miệng tôi sẽ khích lệ các anh, lời an ủi từ môi tôi sẽ xoa dịu nỗi đau của các anh”.

Lời nói của họ không chỉ gây thêm tổn thương cho Gióp, mà họ còn phạm sai lầm khi cố gắng đưa ra câu trả lời thay cho Đức Chúa Trời. 

Trong Gióp 42:7 “Ngài cũng phán với Ê-li-pha, người Thê-man, rằng: “Ta nổi giận với con và hai bạn con vì các con không nói đúng đắn về Ta như Gióp, đầy tớ Ta, đã nói”. Chúng ta không biết cõi tâm linh vận hành như thế nào. Chúng ta không biết tại sao những điều khủng khiếp lại xảy ra, trừ việc chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã. Chúng ta không cần phải biết tất cả vì Chúa biết! “Ôi! Sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời thật sâu nhiệm biết bao! Sự phán xét của Ngài làm sao biết được, đường lối Ngài làm sao hiểu được! “Vì ai biết được ý tưởng Chúa, ai làm cố vấn cho Ngài?” (Rô-ma 11:33-34). Chúng ta không nên thay mặt Đức Chúa Trời để đưa ra những lời giải thích, vì chúng ta không tài nào có khả năng hiểu biết như Ngài. “Ai giữ miệng lưỡi mình là giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn” (Châm ngôn 21:23).

Vậy chúng ta nên làm gì?

Khi không biết phải nói gì với bạn bè, hoặc cầu nguyện điều gì cho tình huống của họ, nguyện  chúng ta được yên ủi khi nhận biết rằng: Đức Chúa Trời không hề bất ngờ trước những hoàn cảnh này, và không gì nằm ngoài quyền năng kiểm soát của Đấng toàn năn. 

Rô-ma 8:26 hướng dẫn chúng ta cách cầu nguyện, và khích lệ rằng “Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì cho đúng, nhưng chính Thánh Linh dùng những sự thở than không thể diễn tả bằng lời mà cầu thay cho chúng ta”. Ngồi yên lặng bên cạnh người khác mang lại cảm giác bình yên hơn là nói những lời vô nghĩa. 

Sức mạnh của sự yên lặng được nhắc đến khắp nơi trong Kinh Thánh. “Đức Giê-hô-va sẽ chiến đấu cho anh em, còn anh em cứ yên lặng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:14). “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 46:10). “Ai nói năng dè dặt là người có tri thức, ai có tính điềm tĩnh là người thông sáng. Khi giữ im lặng, dù người ngu dại cũng được kể là khôn ngoan, người biết kiềm chế môi miệng được xem là thông sáng” (Châm Ngôn 17:27-28). Chúa hiện ra với Ê-li qua tiếng thì thầm dịu dàng (1 Các Vua 19:11-13).

Mặc dù không cần lấp đầy khoảng trống bằng những bài phát biểu dài dòng, hoặc cố gắng giải thích bằng những lời sáo rỗng, nhưng hãy yên tâm rằng chúng ta được Chúa trang bị để an ủi  người khác. 

“Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, là Cha nhân từ và Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi. Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp!” (2 Cô-rinh-tô 1:3-6).

Người Sa-ma-ri nhân lành

Lu-ca 10:25-37 kể câu chuyện về người Sa-ma-ri nhân lành. Chúa Jêsus kể rằng một người đàn ông đang đi trên đường thì bị cướp, bị đánh đập và bỏ mặc cho đến chết. Một vài người nhìn thấy ông ta nằm bên vệ đường, nhưng họ không quan tâm và vẫn tiếp tục công việc của mình. Sau đó, một người Sa-ma-ri thấy ông và động lòng thương xót. Người ấy “liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc” (Lu-ca 10:34).

Dụ ngôn đầy ấn tượng về việc quan tâm đến người khác đã củng cố lẽ thật trong 1 Giăng 3:18: “Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật”

Khi người khác gặp hoạn nạn và chúng ta cần phải bày tỏ tình yêu thương dành cho họ, mong sao chúng ta sẽ “mang gánh nặng cho nhau; như vậy, anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:2). Mong rằng chúng ta sẽ trở thành những người bày tỏ tình yêu thương qua hành động nhiều hơn là lời nói. 

 

Bài: Megan Moore; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: ibelieve.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *