Oneway.vn – Mỗi nhân vật trong Kinh Thánh đều mang một đặc thù, một sắc thái khác nhau. Áp-ra-ham là một tôi tớ của Đức Chúa Trời với tấm lòng vâng phục, Nô-ê được coi là người công bình, thì Giô-sép lại là một biểu tượng của tình yêu thương, lòng tha thứ và sự kính sợ Đức Chúa Trời.
Giô-sép bị các anh của mình ganh ghét đem bán qua xứ Ê-díp-tô, được sống trong nhà của quan thị vệ Phô-ti-pha, bị vu khống và phải vào tù. Nhưng ông được Đức Chúa Trời ban phước và giải cứu ra khỏi tù. Giô-sép được vua Pha-ra-ôn cất nhắc lên cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô (Sáng-thế-ký 39:1,7; 41:37- 43).
Cho dù được làm quan lớn, nhưng Giô-sép luôn bày tỏ một cuộc sống có Chúa ngự trị, ông luôn thể hiện tình yêu thương của mình qua việc cấp phát lương thực cho cả xứ và các nước lân bang khi có nạn đói hoành hành (Sáng-thế-ký 41:56).
Giô-sép gặp lại các anh mình trong một nghịch cảnh éo le đầy kịch tính. Theo thường tình, lẽ ra ông phải ngoảnh mặt làm ngơ bởi vì chính họ đã bán ông đến một xứ khác để làm kiếp tôi mọi, nhưng hoàn toàn khác hẳn, chẳng những không có hành động trả thù mà ngược lại Giô-sép đã bày tỏ một tấm lòng nhân ái, sẵn sàng tha thứ và vẫn quý trọng tình cốt nhục.
Vì sao Giô-sép có thể sống cuộc đời đắc thắng sự cay đắng và hận thù?
Giô-sép nhận biết giới hạn của mình
Khi các anh đến với mình trong sự sợ hãi, Giô-sép trấn an: “Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao?” (Sáng-thế-ký 50:19). Ông như muốn nói với họ rằng: “Mặc dù tôi có khả năng và cơ hội để trả thù, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm điều đó bởi Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy mọi sự và phán xét công minh, sự trả thù thuộc về i, đó không phải là việc của tôi. Việc của tôi là trao phó mọi nỗi niềm của mình cho chính Ngài”.
Giô-sép tin vào sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trên mọi vấn đề.
Giô-sép nói: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo” (Sáng 50:20).
Chúng ta cũng có thể nói như Giô-sép: “Anh/chị bôi nhọ tôi, nói xấu tôi, làm hại tôi… nhưng Đức Chúa Trời đã dùng mọi điều đó trui rèn, để làm ích lợi cho tôi và cho nhiều người khác nữa.”
Chương trình của Chúa cao cả và tốt đẹp hơn nhiều, con người và những toan tính xấu xa của họ không thể ngăn chặn sự tốt lành của Chúa dành cho con cái của Ngài (Rô-ma 8:28).
Giô-sép đã vượt lên những nỗi đau cá nhân để nhìn thấy bức tranh rộng lớn, đẹp đẽ mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho ông. Thay vì tập trung vào chính mình và những điều người khác hại mình, ông hướng lòng về chính Chúa và những ơn phước lớn lao Ngài đã sẵn ban.
Giô-sép trả điều ác bằng điều thiện
Giô-sép hứa chu cấp cho các anh và cho con cháu của họ. Bằng cách này, ông cho thấy sự tha thứ, đối lập với sự hận thù, phải được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thay vì là “kẻ thù truyền kiếp” ông đã trở nên “người làm ơn truyền kiếp”.
Lòng tự ái, kiêu căng, không nhìn nhận Chúa là trên hết trong đời sống của mình đã khiến nhiều người cứ sống trong sự hận thù và nếu có cơ hội, sẽ không ngần ngại làm hại nhau.
Giô-sép cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác, ông chấp nhận mọi nghịch cảnh và vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Bị ghét bỏ, nhưng Giô sép tha thứ, bị oan ức vu khống, nhưng Giô-sép không hề than vãn chỉ mong chờ vào sự giải cứu của Chúa. Được làm quan cai trị, Giô-sép không hà hiếp dân lành, nhưng lo lắng, chăm sóc cho dân.
Giô-sép đã sống một cuộc đời tốt đẹp khi hoàn toàn thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời, được Ngài biến đổi và ban phước. Ông chính là tấm gương của một đời sống đắc thắng sự cay đắng và hận thù.
Nguyện Chúa giúp chúng ta cũng nhìn biết giới hạn của mình, tin cậy vào sự tể trị tuyệt đối của Chúa và chủ động làm điều lành cho người làm hại mình, nhờ đó chúng ta hưởng được mối thông công đầy yêu thương trong gia đình thuộc thể và trong gia đình đức tin là Hội Thánh của Ngài.
Tabitha Phạm