Những điều không dám nói

Oneway.vn – Đôi khi sự “mau mồm” của tôi đánh vào các đối tượng nhạy cảm hơn. Một lần khi luyên thuyên nói về khó khăn khi phải dạy 4 đứa con học ở nhà, tôi phát hiện ra người tôi đang nói chuyện chỉ có thể có một đứa con duy nhất. Điều khiến tôi mệt mỏi lại chính là điều cô ấy ao ước.

Sau đó, có lần tôi tâm sự về tài chính với một người bạn thân có chồng thất nghiệp hai năm rồi. Tôi cố gắng lựa chọn từ ngữ cẩn thận, nhưng nhìn lại, thật ngu ngốc khi nói về chủ đề tài chính. Tôi cũng đã từng bị phản ánh lại, như lần một người bạn cho biết cô cảm thấy bị sỉ nhục khi tôi vô tư nói tôi chưa bao giờ trông thấy phòng tắm nào nhỏ như phòng tắm của cô ấy từ thời đại học.

Cơ hội Phúc âm

 

Các đề tài về bề ngoài, tiền bạc, thất nghiệp, độc thân hoặc vô sinh đều là vấn đề nóng hổi trong các mối quan hệ. Biết các chủ đề này có thể gây tổn thương, chúng ta cố gắng tránh chúng như “bệnh dịch”. Thay vì chọn lọc từ ngữ một cách khôn ngoan, chúng ta tránh hoàn toàn những vấn đề nhạy cảm. Tôi gọi đó là những điều không dám nói.

 

Tuy nhiên, việc dựng nên bức tường ngăn cách không giúp chúng ta thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc trong cộng đồng tâm linh. Thực tế, việc này sẽ ngăn chúng ta cầu nguyện để tìm kiếm những lời khuyên khôn ngoan, hay ăn năn và xưng tội. Khi một người bạn dám mạo hiểm nói về những chủ đề này, thay vì mau nghe chậm nói, chúng ta lại nghĩ: “Tại sao cô ấy lại khơi chủ đề này lên với tôi? Cô ấy có biết mình bất cẩn như thế nào không?”

 

Nhưng thay vì gióng lên hồi chuông cảnh báo, tại sao không để những chủ đề nóng trở thành cơ hội thể hiện lòng thương xót? Thay vì tạo ra khoảng cách, tại sao không để những cuộc trò chuyện tế nhị trở thành nơi thực hành Phúc âm ân điển? Khi người nói và người nghe được Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng, chúng ta sẽ có cách diễn đạt tốt nhất. Vì sự hiện diện toàn năng Ngài, chúng ta có khả năng điều chỉnh cường độ cảm xúc khi nói về các chủ đề bị dán nhãn “không xâm phạm”.

 

Dưới đây là vài gợi ý dựa trên những gì tôi học được.

 

Là người nói

1. Hãy xem kĩ bạn đang “đưa ra yêu cầu chính đáng” hay “càu nhàu và phàn nàn”

 

Kinh Thánh nói rõ chúng ta phải trình bày yêu cầu của mình với Chúa và tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan từ người khác khi gặp rắc rối.

 

Thật tốt khi khóc với Chúa, và khi có những người cầu thay cho bạn. Nhưng chúng ta thường càu nhàu và phàn nàn.

 

Cũng hãy cầu xin Chúa giúp bạn nhạy cảm với gánh nặng của người xung quanh. Khi đó bạn sẽ thấy sự phàn nàn của bạn không là gì so với gánh nặng của người khác.

 

2. Hiểu đối tượng đang nghe bạn.

 

Hãy nghĩ về những người bị tổn thương quanh bạn để chọn lọc từ ngữ cho phù hợp. Nghĩa là nói thật nhẹ nhàng với những người quá nhạy cảm, hoặc tìm một người khác để chia sẻ. Nếu không chắc chắn, thì đừng cho rằng bạn hiểu quá nhiều về những điều họ đã trải qua. Nhận biết nỗi đau tiềm ẩn của người khác giúp họ cảm thấy được được tôn trọng khi lắng nghe bạn nói.

 

3. Sẵn sàng bị hiểu lầm.

 

Cho dù bạn có khiêm tốn hay cẩn thận thế nào đi chăng nữa, đôi lúc bạn vẫn sẽ nói điều gì đó làm tổn thương người nghe. Là Cơ Đốc nhân, hãy sẵn sàng xin lỗi và quan tâm đến người khác khi điều này xảy ra. Nhanh chóng hiểu được tổn thương bạn đã gây ra và xin họ tha thứ, hãy ưu tiên sự nhân từ và tình yêu thương hơn là việc được thấu hiểu.

Là người nghe

 

1. Hãy là một người lắng nghe nhân từ.

 

Bạn có hiểu người nói theo hướng tích cực nhất? Thường họ chỉ muốn nói về vấn đề của mình và không hề cố ý gây đau đớn. Nếu có điều gì đó làm tổn thương cảm xúc của bạn, hãy cố gắng che đậy trong tình yêu thương và tiếp tục tiến về phía trước. Và khi có thể, hãy tâm tình về điều đó trong tình yêu.

 

2. Lắng nghe như Chúa đã lắng nghe bạn.

 

Chúa cho chúng ta trải nghiệm nỗi đau để chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn với nhau. Ngay cả khi bạn bè nói về nỗi đau của họ theo cách bạn không thể chấp nhận được, hãy nhớ lại lòng nhân từ mà Chúa đã cho bạn thấy hết lần này đến lần khác, nhờ đó bạn có thể trao tình yêu và ân điển giống như Chúa cho những người đau lòng. Hãy cố gắng thông cảm cho họ.

 

3. Biết nhu cầu của họ.

 

Giống như Đức Chúa Jesus, hãy nhìn xem nhu cầu của người khác trước bản thân. Thay vì nghĩ cho cảm xúc bản thân đầu tiên, hãy cầu xin Thánh Linh giúp chúng ta nhận ra mình có thể làm gì cho bạn mình trong lúc này. Dù chỉ là một chút lắng nghe, một lời khích lệ chân thành, lời cầu nguyện tràn đầy niềm tin hay khuyên nhủ nhẹ nhàng, bạn đã thể hiện lòng yêu thương và phục vụ người khác.

 

4. Giống như “người mẹ cho con bú”

 

Chúng ta có thể lắng nghe và nói theo cách vinh hiển danh Chúa bằng cách học hỏi từ cuộc đời của sứ đồ Phao-lô. Trong lá thư đầu tiên gửi cho nhà thờ Tê-sa-lô-ni-ca, ông viết: “Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2: 7). Ông nhẹ nhàng quan tâm đến nhu cầu của người khác, sẵn sàng chia sẻ với họ không những “không những Tin lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao” (câu 8).

 

Cho dù là người nói hay nghe, mục tiêu của chúng ta là “không những Tin lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa”. Ngay cả khi có nỗi đau cá nhân và gánh nặng của riêng mình? Chúng ta có xem những người khác là rất thân yêu và chăm sóc họ bằng lời khích lệ như bà mẹ cho con bú không?

 

Nếu có, chúng ta phải cố gắng kiểm soát cảm xúc mình trước “những điều không dám nói” – trong vai trò người nói và người nghe. Khi đó, chúng ta được trang bị tốt hơn để mang Tin lành về ân điển, để nó bén rễ và sinh hoa trái trong cuộc đời và những người chúng ta yêu thương.

 

Tác giả: Lindsey Carlso, dịch: Jennie Võ

 

(Nguồn: Thegospelcoalition)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *