Oneway.vn – Bất cứ điều gì khiến bạn lo âu trong quá trình chuyển tiếp sang đại học, hãy nhớ điều này – Chúa biết bạn và yêu bạn sâu sắc. Tôi bước vào năm nhất đại học trong tâm thế sẵn sàng.
Tôi đã tìm hiểu bài học trước. Tôi tham gia vào ban nhạc diễu hành, vậy nên tôi có bạn bè ngay lập tức. Tôi đã tham gia trại hè ở trường mới và tìm hiểu các lối đi trong khuôn viên trường. Thậm chí tôi còn biết một vài bạn từ trường cấp ba của tôi. Nhưng, cảm xúc cao trào mà tôi phải đối diện? Lo âu.
Tôi lo sợ mình học không giỏi, lo rằng các bạn trong lớp không thích tôi. Tôi lo mình sẽ bị ép uống rượu hoặc sử dụng ma túy hoặc sẽ ngồi lủi thủi một mình trong ký túc xá, lo mình sẽ mất kết nối với các bạn thời cấp ba.
Sự lo âu khiến quá trình chuyển tiếp vào đại học của tôi trở nên khó khăn.
Và sau đây là một số lẽ thật mà tôi ước mình có thể nói với bản thân khi còn là sinh viên năm nhất.Hầu như các sinh viên năm nhất khác sẽ có bạn ngay và thoải mái trong các tình huống giao tiếp xã hội. Nhưng sau 10 năm phục vụ trong mục vụ đại học, giờ đây tôi biết lẽ thật này – phần lớn sinh viên năm nhất đại học đều cô đơn và lo âu. Nếu họ không cảm thấy như vậy trong tuần đầu, thì có thể sẽ cảm thấy điều này vào một lúc nào đó trong năm đầu.
Nếu tôi biết mình không đơn độc, có lẽ tôi đã cởi mở hơn về các tranh chiến của mình. Tôi có thể đã sử dụng nhu cầu của mình như một cơ hội để kết nối với các bạn khác và tôi có thể đã được nhẹ nhõm sớm hơn. Lo âu làm chúng ta cô lập. Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng, nếu bạn là một sinh viên năm nhất đang lo âu, thì bạn không phải là người duy nhất đâu.Một trong những khía cạnh thử thách lớn nhất của sinh viên năm nhất đó là điều hướng các mối quan hệ, đặc biệt với các bạn chưa tin Chúa.
Không giống như các bạn trong Hội Thánh, trong môi trường đại học có những người bạn thành thật mà nói họ rất thô thiển và khó đoán.
Tôi đã nghĩ mình thật khác họ. Tôi liên tục cảm thấy như thể mình không thuộc về nhóm này. Tôi đã phân tích mọi cuộc trò chuyện giữa tôi với họ và mọi quyết định mà tôi đưa ra khi ở cạnh họ.
Và giờ đây tôi nhận ra rằng không ai soi xét tôi như cách tôi đang phân tích chính mình cả.
Chắc chắn là mọi người để ý đến tôi. Nhưng họ không nhìn thấy sự khó chịu của tôi hay nhớ những điều xấu hổ mà tôi đã nói. Hầu hết mọi người sống trên đời đều nghĩ về bản thân nhiều hơn về người khác. Và khi gặp chuyện khó xử, họ thường tìm cách che đậy để không khiến người khác phải ngượng ngùng. Biết điều đó sẽ giúp tôi hoà mình hơn, đặc biệt là khi ở cạnh các bạn chưa tin Chúa.
Đôi khi sự lo âu khiến tôi không thể kết thân với những bạn mà tôi thực sự quý mến. Việc sợ bị xấu hổ vì những tranh chiến, hoặc nói điều gì đó ngu ngốc, đã khiến tôi tránh xa một số buổi họp mặt. Nhưng theo thời gian, tôi đã học được rằng sự an toàn khi được biết đến và yêu thương lớn hơn nhiều so với sự an toàn khi ở nhà một mình.
Tất nhiên, lo âu có thể mô tả một cảm giác mà tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng có, hoặc đó có thể là một tình trạng bệnh lý lâm sàng. Đôi khi chúng ta cần sự can thiệp của bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để giúp kiểm soát lo âu. Nhưng tình bạn hàng ngày của chúng ta cũng có thể giúp ích rất nhiều.
“Sự an toàn khi được biết đến và yêu thương lớn hơn nhiều so với sự an toàn khi ở nhà một mình”.
Một trong những quyết định sáng suốt nhất mà tôi đưa ra ở trường đại học đó là tham gia mục vụ trong trường. Bạn có thể tìm thấy những nơi này trên trang hội nhóm sinh viên của trường hoặc bằng cách tìm kiếm các mục vụ uy tín trên mạng xã hội. Hãy chọn một nơi, đến đó và chia sẻ cuộc sống của bạn – bao gồm cả nỗi sợ hãi của bạn. Hãy cho phép bản thân được nhìn thấy và được chăm sóc.
Thậm chí quan trọng hơn cả là hãy dự phần vào một Hội Thánh địa phương. Tôi ước tôi đã làm điều này sớm hơn. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi các bạn mới trong trường rằng họ sẽ đi đâu vào sáng Chúa Nhật, hoặc xem thử mục sư ở quê của bạn có giới thiệu cho bạn nơi nào hay không.
Nhưng đừng chỉ xuất hiện vào sáng Chúa Nhật: hãy tìm cách phục vụ tình nguyện, đến lớp giới thiệu Hội Thánh, dự các nhóm nhỏ và tham gia các buổi họp mặt. Khi bạn chịu đầu tư, bạn sẽ thấy thoải mái và an toàn trong sự hiệp một với các tín đồ tại Hội Thánh địa phương đó.Bất cứ điều gì khiến bạn lo âu trong quá trình chuyển tiếp sang đại học, hãy nhớ điều này – Chúa biết bạn và yêu bạn sâu sắc.
Nếu bạn ở trong Đấng Christ, Ngài sẽ không nhìn bạn và thấy bạn là thiếu sót hoặc đáng xấu hổ. Ngài nhìn bạn với sự hân hoan và vui thích. Ở trong Ngài, bạn được an toàn hơn ở trong bất kỳ mối quan hệ, hội nhóm sinh viên hay thành tích học tập nào.
Hãy cầu xin Đức Thánh Linh giúp bạn hiểu rằng bạn được biết đến và được yêu mến thể nào trong Đấng Christ.
Hãy nghiên cứu Kinh Thánh để xác nhận lẽ thật này. Bạn càng suy ngẫm về tình yêu vĩ đại của Chúa dành cho bạn, thì tình yêu đó sẽ càng thấm sâu vào suy nghĩ và cảm xúc, và làm dịu đi những nỗi sợ hãi của bạn trong môi trường đại học.
>>> Bài liên quan: "Những điều tôi ước được nghe sau ngày tốt nghiệp"
Cậu bé trong trại mồ côi tốt nghiệp Đại học Y: 'Chúa, Đấng chu cấp của con!'
Bài: Jane Story; dịch: Ruth
(Nguồn: thegospelcoalition.org)