Nigeria: Hơn 3.400 Cơ Đốc nhân bị giết trong năm 2021

Oneway.vn -Trung bình mỗi ngày có 17 Cơ Đốc nhân bị giết ở Nigeria trong năm nay.

Chuyện gì vừa xảy ra vậy?

Theo báo cáo của một nhóm nhân quyền Nigeria, hơn 3.400 Cơ Đốc nhân đã bị các chiến binh thánh chiến Nigeria sát hại trong 200 ngày qua. Nghĩa là có trung bình mỗi ngày có 17 Cơ Đốc nhân bị giết ở Nigeria trong năm nay.

Hiệp hội Quốc tế về Tự do Dân sự và Pháp quyền tuyên bố rằng trong 200 ngày đầu tiên của năm 2021 (từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 18 tháng 7), ước tính có khoảng 3.462 Cơ Đốc nhân đã bị giết bởi các nhóm thánh chiến, bao gồm Boko Haram và người Fulani. Ước tính có thêm 3.000 Cơ Đốc nhân bị các nhóm này bắt cóc trong 7 tháng qua. Hiệp hội cho biết các chiến binh thánh chiến đã đe dọa, tấn công hoặc đóng cửa khoảng 300 nhà thờ trong cùng thời gian này.

Đầu tháng này, các chiến binh thánh chiến đã tấn công trường trung học Bethel Baptist và bắt cóc hơn 100 trẻ em. Những kẻ bắt cóc đã thả 28 học sinh, nhưng vẫn còn 81 học sinh bị giam giữ. Đây là vụ bắt cóc học sinh hàng loạt thứ 10 ở Tây Bắc Nigeria kể từ tháng 12. Đáp lại, chính quyền Nigeria ở bang Kaduna – Tây Bắc nước này đã đóng cửa hơn mười trường học vì các mối đe dọa an ninh. Các nhà chức trách Nigeria nói rằng những vụ bắt cóc như vậy trước đây là do Boko Haram và chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi, nhưng hiện tại các băng nhóm tội phạm khác cũng bắt đầu thực hiện bắt cóc. 

Có bao nhiêu Cơ Đốc nhân ở Nigeria?

Nigeria là quốc gia đông dân thứ bảy trên thế giới, với 206 triệu người, gần một nửa trong số đó (48,1%) là Cơ Đốc nhân. Với khoảng 86 triệu tín đồ, Nigeria có dân số theo đạo Cơ Đốc nhiều nhất ở châu Phi và dân số theo đạo Thiên Chúa nhiều thứ sáu trên thế giới. Khoảng 4% số Cơ Đốc nhân trên thế giới đang sống ở Nigeria.

Boko Haram là gì?

Trong tiếng Hausa, Boko Haram là biệt hiệu của Jama’atu Ahlis Sunna Lidda’awati wal-Jihad (hội những người có truyền thống ủng hộ chủ nghĩa thịnh vượng và thánh thiện). Biệt hiệu này có nghĩa là “Giáo dục phương Tây là tội lỗi”, xuất phát từ trọng tâm ban đầu của hội này: phản đối giáo dục phương Tây ở các nước châu Phi.

Được thành lập vào năm 2002, nhóm khủng bố này bao gồm những phần tử Hồi giáo cực đoan, những người chống lại người phương Tây và người Hồi giáo “bội đạo”. Có trụ sở tại Nigeria, Cameroon và Niger, tổ chức này thiết lập một nhà nước Hồi giáo “thuần túy” do luật Shariah cai trị, ngăn chặn những gì họ cho là “Tây Phương hóa”. Các tín đồ hội này bị ảnh hưởng bởi một châm ngôn Quranic, rằng, “Bất kỳ ai không tuân theo những gì thánh Allah dạy dỗ đều là kẻ phạm tội.”

Bất chấp danh xưng của nhóm này, hoạt động của hội Boko Haram rộng hơn nhiều so với vấn đề giáo dục. Nhóm này tuyên truyền Hồi giáo cực đoan, cấm các tín đồ đạo Hồi tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị hoặc xã hội nào liên quan đến phương Tây. Các hoạt động đó bao gồm bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, mặc áo sơ mi và quần tây, hoặc được giáo dục không theo đạo Hồi.

Những người chăn gia súc Fulani theo chủ nghĩa thánh chiến là ai?

Fulani là nhóm du mục lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng 25 triệu người trên 21 quốc gia châu Phi. Ngoài chăn gia súc, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng là thấp kém đối với người Fulani, vậy nên chăn gia súc là một trong những nghề chính của nhóm này. Trong hơn 100 năm, họ đã tham gia vào các hoạt động thánh chiến trên khắp Châu Phi.

Mặc dù cùng mang lòng thù hận với Cơ Đốc nhân, những người chăn gia súc Fulani này có thể không hợp tác với Boko Haram.

Điều gì đang được thực hiện?

Tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố Nigeria là quốc gia cần quan tâm đặc biệt theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế. Nhưng cộng đồng quốc tế đã không có hành động thích đáng để ngăn chặn các cuộc đàn áp các Cơ Đốc nhân tại đây.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo Viện Hudson cho biết: “Những kẻ cực đoan đã tàn sát nhiều Cơ Đốc nhân ở Nigeria hơn cả toàn bộ vùng Trung Đông cộng lại trong những năm gần đây. Cộng đồng Cơ Đốc đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố Hồi giáo và các chiến binh thánh chiến rất cần được giúp đỡ ngay bây giờ”.

Eric Patterson, phó chủ tịch Viện Tự do Tôn giáo, lo ngại rằng Nigeria có thể tiến tới một cuộc nội chiến diệt chủng. Ông Patterson nói: “Hãy tưởng tượng cuộc khủng hoảng của người Bosnia hoặc Rwandan ở một đất nước có dân số gấp 10 lần họ. Nói cách khác, có thể xảy ra một cuộc nội chiến diệt chủng, diễn ra giữa một đất nước chiếm khoảng 2/3 dân số Hoa Kỳ, nằm trong biên giới Texas, Oklahoma và Louisiana.”

Cựu Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Frank Wolf đồng ý với mối quan ngại đó. “Tôi cho rằng Nigeria sẽ bùng nổ,” ông Wolf nói trong một phiên điều trần gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ. “Nếu điều này xảy ra ở Scandinavia, hoặc ở Đông Âu, bạn có nghĩ thế giới sẽ im lặng không? Thế giới sẽ phải tham gia, nhưng ngay bây giờ thì không.”

Bài: JOE CARTER; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *