Nuôi dạy con: Trải nghiệm ngay giữa “trũng xương khô”

Oneway.vn – Một khi đã làm cha mẹ, có những lúc chúng ta sẽ nhận ra rằng mình khen con ít hơn nhiều so với kỷ luật chúng. 

Cảm giác như tất cả những gì chúng ta làm là chiến đấu với các cháu trong những chuyện vặt vãnh, suốt ngày đưa đón và đủ thứ chuyện khác. Phần lớn sự đấu tranh nằm ở nơi chúng ta không thể rờ chạm và cảm tưởng như không thể thay đổi được, đó là tấm lòng của các cháu.

Làm thế nào để tận tưởng con cái khi có những lúc, cứ nghĩ đến chúng là chúng ta cảm thấy lo sợ không biết sẽ lại có chuyện gì xảy ra đây?

Một thung lũng xương khô

Tôi cảm thấy được khích lệ khi nhớ đến hình ảnh về một nơi mà có một người cũng cảm thấy bất lực để thay đổi: một thung lũng khô cằn và chết chóc. Trong Ê-xê-chi-ên 37, chúng ta đọc thấy rằng Đức Chúa Trời đã đặt tiên tri Ê-xê-chi-ên đứng giữa một thung lũng đầy những bộ xương khô. Không hề có dấu hiệu của sự sống.

Điều đó tương tự như khi chúng ta đối mặt với sai phạm của con cái, có nhiều chuyện đến nỗi không biết phải nói từ chỗ nào – từ việc chúng cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì món đồ chơi mà một ngày trước đó chẳng đứa nào thèm đụng tới, hay không chịu nói “cảm ơn”, hay mè nheo đến nhức óc khi không có được điều chúng muốn – nhìn đâu cũng cảm thấy vô vọng.

Khi con lớn, các vấn đề chỉ càng trở nên phức tạp hơn và hậu quả càng tác động đến đời sống hơn. Một thái độ trịch thượng và vô tâm trước đau khổ của người khác khiến bạn tự hỏi đứa con trai có tấm lòng mềm mại của mình đi đâu rồi. Bạn bè của con cũng là chuyện đau đầu, những tin nhắn giữa chúng làm mình thót tim, những bí mật làm mình sốt ruột. Tất cả gom lại thành một thung lũng lớn đầy cát bụi và không có sự sống. Hãy thử hình dung bạn đang đứng trước một nơi như thế và nghe tiếng Chúa phán, như Ngài đã phán với Ê-xê-chi-ên: “Những bộ xương đó có sống được không?”

Tiên tri Ê-xê-chi-ên đang đối mặt với thung lũng xương khô, còn chúng ta đối mặt với việc nuôi dạy con. Ông không biết làm thế nào để những bộ hài cốt đó có thể sống, nhưng Chúa biết. “Lạy Chúa Giê-hô-va, chính Chúa biết điều đó!” (Ê-xê-chi-ên 37:3). Chúa cho Ê-xê-chi-ên trải nghiệm phép lạ về sự hồi sinh bằng cách bảo ông làm một điều ông không tự mình làm được: nói ra sự sống.  

 “Hãy nói tiên tri về hài cốt ấy và bảo chúng: ‘Hỡi hài cốt khô, hãy nghe lời Đức Giê-hô-va.’ Chúa Giê-hô-va phán với những hài cốt ấy rằng: ‘Nầy, Ta sẽ phú hơi thở vào trong các ngươi và các ngươi sẽ sống. Ta sẽ đặt gân vào trong các ngươi, sẽ khiến thịt mọc lên trên các ngươi và che các ngươi bằng da. Ta sẽ phú hơi thở trong các ngươi và các ngươi sẽ sống; rồi các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va.’” (Ê-xê-chi-ên 37:4–6) 

Hơi thở của Đức Chúa Trời

Khi Ê-xê-chi-ên vâng lời và nói như vậy, ông nghe thấy âm thanh của sự tái tạo. Từ trong bụi đất, các mảnh xương ráp lại với nhau, rồi trở thành những thân thể. Nhưng chúng không có sự sống – chưa có. Không có hơi thở, không có sự sống làm cho cơ thể cử động. Đó là cái vỏ của những gì được hứa sẽ xảy ra.

Có thể liên tưởng đến đời sống chúng ta và con cái. Chúng ta nhìn thấy con mình có những biểu hiện của một đời sống biết Chúa, làm điều các cháu “biết” là đúng đắn, nhưng không bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Các cháu có vẻ bề ngoài là có sự sống, mọi cấu trúc, cơ chế đều đúng, nhưng trái tim thì không có nhịp đập. Các cháu có thể nói xin lỗi, có hành động sửa sai hoặc nghe lời (với thái độ dùng dằn), miệng nói “dạ, thưa”. Dù đã dạy con mọi hình thức cư xử lễ độ, phải như thế nào trong thái độ, lời nói và việc làm… nhưng có những lúc, chúng ta cảm thấy bất lực khi không thể thay đổi được tấm lòng của các cháu. Đây là lúc chúng ta cần điều xảy ra như trong kinh nghiệm của Ê-xê-chi-ên ở thung lũng xương khô ấy.

“Hỡi con người, hãy nói tiên tri cùng gió; hãy nói tiên tri và bảo gió rằng Chúa Giê-hô-va phán: Hỡi hơi thở,hãy đến từ gió bốn phương và thở trên những người bị giết chết để chúng được sống.” (Ê-xê-chi-ên 37:9)

Chính Đức Chúa Trời làm cho những bộ xương có sự sống.

Bởi lòng thương xót vô hạn, Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ khôi phục Y-sơ-ra-ên. Ngài sẽ ban sự sống, đổ đầy Thánh Linh Ngài trên họ, khiến họ là dân của Ngài. Chẳng phải đó là tất cả những gì chúng ta ao ước cho con cái mình sao? Chúng ta muốn tấm lòng của con thuộc về Chúa chứ không chỉ vẻ bề ngoài. Chúng ta muốn vương quốc Đức Chúa Trời đến trên con và thông qua con, muốn con sẽ yêu Chúa Jêsus hơn bất cứ điều gì khác. Điều đã xảy ra trong thời của tiên tri Ê-xê-chi-ên cũng xảy ra trong thời của chúng ta. Sự sống mà chúng ta ao ước có thể đến bởi việc nói ra lời của Đức Chúa Trời: bằng cách chia sẻ lời của Đấng Christ, hết lần này đến lần khác.

Chúa biết Ngài cần làm gì

Chúa Jêsus đã đi vào nơi khô cằn, đến chỗ mà sự chết từng cai trị, và Ngài đã đắc thắng nó. Ngài chính là Sự Sống Lại và Sự Sống. Ngài là Đấng làm cho sống. Đức Chúa Trời không bảo Ê-xê-chi-ên hãy làm cho sống đi rồi nói sau, nhưng chính việc nói ra lời của Đức Chúa Trời đã mang đến sự sống. Đó cũng là cách duy nhất chúng ta có thể tiến đến tấm lòng của con cái, với những bước đi đầy hy vọng.

Chúng ta có thể đối mặt với những sai phạm, những lĩnh vực gây rối của con mà chúng ta từng sợ hãi, với niềm tin rằng Đấng nói lời sự sống cũng có thể thổi sự sống vào trong các cháu. Ngài có thể làm cho các cháu nhận biết Ngài và sống cho Ngài mãi mãi. Ngài là Đấng phán rằng mùa gặt thật trúng và con dân Ngài nhiều hơn sao trên trời. Ngài là Đấng đã sai Con duy nhất của Ngài đến thế gian để con cái chúng ta có thể rao truyền ân điển diệu kỳ của Ngài.

Hãy dạy mọi chân lý về Phúc âm cho con cái chúng ta, “bảy mươi lần bảy” lần (Mat 18:21–22). Hãy bước vào thung lũng chết chóc, hỗn loạn của những tội lỗi và sai phạm của các cháu, bước đi giữa chúng, bởi vì chúng ta biết rằng từng giọt mưa rơi trên đất ngày hôm nay đều là ơn thương xót của Chúa cho những người khước từ Ngài (Mat 5:45). Hãy chăm sóc con cái với sự bình an và khiêm nhường, bởi vì chúng ta biết rằng bữa sáng vẫn được chuẩn bị sẵn bên bãi biển cho một người đã từng chối Chúa ba lần (Giăng 21:9–19).

Hãy tự tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời trước mọi rào cản, kể cả tấm lòng của con cái chúng ta. Đừng sợ khi nhìn thấy sự chết chóc, khô cứng trong đời sống của các cháu. Đức Chúa Trời biết phải làm gì với chúng.

Rốt cuộc, chẳng phải tất cả những gì Ngài tìm thấy để hành động trên dân Ngài chỉ là những bộ xương khô thôi sao?

 

Bài: Kim Ransleben; Dịch: Blessie

(Nguồn: desiringgod.org)

Tác giả: Kim Ransleben là một nhà biên soạn giáo dục và là giáo viên nghiên cứu Kinh Thánh ở miền Trung Texas. Cô và chồng có ba người con gái đã trưởng thành, trong đó người con lớn nhất đang chuẩn bị đến công tác lâu dài ở Ukraine, đất nước mà gia đình họ đã thường xuyên đến phục vụ vào mùa hè trong tám năm qua và họ cũng đang làm thủ tục nhận nuôi con gái thứ tư từ nơi này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *