Ở tuổi 16, sự trầm cảm bóp nghẹt cuộc sống tôi

Oneway.vn – “Đây là cách mà tôi biết Chúa cứu tôi: Muốn chết không dễ chút nào!”

“Hay là mình làm như bị ngã trên đường…”

“Hay là mình thử nhảy xuống…”

“Hay là mình uống thuốc…”

Tôi đã sẵn sàng để chết. Cho dù đang ở đâu, suy nghĩ ám ảnh tôi không phải là có nên chết hay không, mà là khi nào và bằng cách nào. Sách vở tôi vừa chứa những ghi chép bài học, vừa chứa những câu liên quan đến việc tự sát. Vài tuần nữa sẽ có một buổi liên hoan nhạc rock, tôi định tham dự nó trước rồi từ biệt cõi đời vĩnh viễn.

Dù chỉ mới ở tuổi 16, sự trầm cảm đã bóp nghẹt cuộc sống tôi. Tôi cảm thấy như đang chìm dần, chìm dần. Tôi vẫn nhìn thấy mọi người ở trên mặt nước, nhưng không ai thấy tôi.

Những con nước đã bắt đầu dâng lên từ cách đây hơn 10 năm. Bố tôi làm nghề lái taxi, mẹ bắt đầu việc kinh doanh riêng. Do đó, phần lớn tuổi thơ của tôi do tay người giúp việc chăm sóc.

Thời gian trôi qua, bố tôi bắt đầu trở về nhà càng ngày càng muộn, nồng nặc mùi rượu và làm náo loạn lúc 1,2 giờ sáng. Ông phàn nàn về việc mẹ tôi không đóng góp đủ cho gia đình, về việc ông phải làm việc vất vả thế nào trong khi bà ngoại tôi chỉ chất thêm gánh nặng về tài chính.

Bố mẹ tôi ngày càng xa cách và bắt đầu ngủ riêng.

Một ngày nọ, bố tôi trở về nhà trong cơn tức giận và một cuộc cãi vã dữ dội đã xảy ra sau đó. Ly bia trên tay ông bị đập nát trên sàn nhà thế nào thì cuộc hôn nhân của họ cũng vậy. Cuộc ly hôn kết thúc sau hai năm và ông chuyển đến sống ở Bangkok, để tôi và em trai tôi ở lại với mẹ.

Lần đầu tiên tự sát, tôi chỉ mới 8 tuổi. Tôi và em trai có mối quan hệ rất tệ. Em trai tôi bị hội chứng tăng động giảm trí nhớ (ADHD) và có vấn đề về kiểm soát nóng giận. Chúng tôi liên tục đánh nhau, em luôn tìm cách cào cấu tôi đến chảy máu và giật tóc tôi.

Tôi còn nhớ một lần nọ, trong một lần em trai tôi nổi khùng lên, tôi đã phải chụp lấy một con dao để tự vệ và tìm cách trốn thoát trong tuyệt vọng bằng cách nhảy ra khỏi cửa sổ nhà bếp. Nếu dì của tôi không vào kịp lúc ấy để ngăn cản thì tôi đã nhảy xuống rồi. Từ chuyện đó, dì bắt đầu dẫn chúng tôi đến nhà thờ.

Ở trường tiểu học, tôi là một đứa trẻ rụt rè. Tôi học giỏi và đạt điểm xuất sắc trong thể thao và mỹ thuật, nhưng các bạn cùng lớp hay trêu chọc về cân nặng của tôi. Tôi luôn cảm giác sợ bị khước từ. Càng ngày, tôi càng lo lắng trước cái nhìn của người khác về mình, nó khiến tôi thu mình và tách biệt.

Nỗi lo lắng hòa nhập xã hội đè nặng trên tôi, đến nỗi mặc dù đạt điểm ​​xuất sắc trong kỳ thi thử, tôi bị mất gần 20 điểm trong kỳ thi chính thức toàn quốc. Đó là một cú đánh như trời giáng khác vào nhận thức về bản thân của tôi. Tôi không thể đậu vào các trường “tốt hơn” như dự định.

Tôi bị đưa vào một trường cấp hai khác, nơi tôi phải vật lộn để hòa nhập. Văn hóa ở đó rất khác biệt, hầu hết các bạn cùng lớp đều nói tiếng Quan thoại hoặc phương ngữ, điều này khiến tôi càng khó kết nối với họ.

Trong một thời gian, mọi thứ có vẻ tốt lên khi tôi có một người bạn mới, người sau đó trở thành bạn trai của tôi. Anh ấy cũng chán nản và muốn tự tử, nhưng vì quá tin rằng chúng tôi có gì đó “chung” với nhau nên tôi dần dần nhận thấy mình bắt chước theo các thái độ và hành vi của anh ta.

Cha mẹ ly hôn, thi cử không thành, nỗi cô đơn dày vò – những suy nghĩ đó luôn ám ảnh trong tôi, khiến tôi tự thuyết phục mình rằng chúng tôi là cặp đôi cùng sinh tử trong đau thương. Tôi học thói quen tự làm đau bản thân của bạn trai. Tôi khóc cho sự bất công trong cuộc đời mình, mặc dù trước đó tôi chưa từng có suy nghĩ ấy.

Cuối cùng, bạn trai tôi chia tay tôi vì một vụ cá cược ngớ ngẩn với một người bạn, để lại tôi với trái tim tan nát và hai cánh tay đầy sẹo. Anh ta thắng cược 50 đô-la, da thịt và lòng kiêu hãnh vẫn còn nguyên vẹn. Anh ta luôn biết khi nào nên dừng cắt trước khi quá muộn.

Còn tôi, tôi không được như thế.

“Nói thật, tao sẽ nhẹ gánh về tài chính hơn nếu mày không vào đại học!”

Cha tôi chỉ liên lạc từ Bangkok những khi có tin báo kết quả học tập của tôi. Lần này, ông rất bực tức khi biết tôi muốn học trường dạy nghề thay vì Trường Cao đẳng. Cha tôi gọi điện để nói rằng với điểm số mà tôi đang có, tôi sẽ không có tương lai và sẽ trở nên vô dụng cho đất nước.

Sau khi chia tay và tiếp tục bị cô lập với bạn bè, tôi hầu như không học hành gì nổi. Tôi luôn bị điểm kém và không thể theo kịp chương trình học. Mặc dù có học thêm mỗi ngày sau khi học ở trường, kết quả học tập giữa năm của tôi cho thấy tôi còn không đủ điểm để vào trường nghề, nói chi là trường Cao đẳng.

Cuộc đời tôi đã bế tắc lắm rồi. Tôi chẳng còn lại gì: không hạnh phúc gia đình, không bạn bè, không người yêu, không thành tích. Chỉ còn lại những cơn sóng dữ của nỗi thất vọng và thất bại nhấn chìm tôi ngày này qua ngày khác, hết thử thách này đến thử thách khác. Những suy nghĩ về việc kết liễu tất cả bắt đầu xâm chiếm tâm trí, choáng ngợp đến nỗi tôi không thể ngủ.

Tôi nói với Chúa: “Chúa, con sẽ cho cuộc đời con một cơ hội cuối”.

Hằng đêm, tôi chìm ngập trong nước mắt. Việc chống chọi với cơn trầm cảm và nỗi lo lắng khiến tôi kiệt sức nhưng vẫn không thể ngủ. Tôi ngủ nhiều nhất là một hoặc hai tiếng. Nỗi đau mà tôi gồng mình chịu đựng dường như quá sức. Đó là khi tôi bắt đầu viết thư tuyệt mệnh và lên kế hoạch tự kết liễu đời mình.

Nhưng bằng cách nào đó, Chúa luôn vươn tay ra bắt lấy tôi ngay trong những ngày mà tôi nghĩ sẽ là ngày cuối cùng của mình trên đất. Chúa và tôi đã có mối liên hệ gần rồi xa, xa rồi gần suốt trong nhiều năm. Vào dịp cuối tuần trước khi tham dự buổi liên hoan nhạc rock – điều duy nhất tôi muốn làm trước khi chết – một điều gì đó đã lóe lên trong tôi.

Tôi không biết tại sao mình thay đổi ý định, nhưng tôi đã nói với Chúa: “Chúa, con sẽ cho cuộc đời con một cơ hội cuối!”

Ngày hôm đó, tôi bước vào phòng cấp cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần (Institute of Mental Health; IMH) và sau đó được chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm nặng, chứng loạn dưỡng, rối loạn thích nghi và rối loạn lo lắng xã hội.

Khu bệnh dành cho thiếu niên tại Viện tâm thần giống như một nhà tù dành cho trẻ em. Vì là bệnh nhân có xu hướng tự tử, tôi bị đưa vào phòng ngăn chặn tự tử và bị đặt dưới sự giám sát 24/7.

Chúng tôi không thể mang bất cứ thứ gì vào phòng bệnh. Trước khi nhập viện, tôi phải trải qua một cuộc kiểm tra cơ thể để đảm bảo không có thương tích gì trước đó, không đồ vật nhọn, bén hay có nguy cơ nào được giấu trong người. Tất cả đồ đạc, bao gồm cả điện thoại, đều bị tịch thu.

Nếu muốn đi vệ sinh, chúng tôi phải nhờ y tá mở cửa cho chúng tôi. Thời gian tắm có giới hạn và chỉ được cấp vừa đủ xà phòng để tắm. Mỗi bữa ăn, chúng tôi chỉ được phép ăn bằng muỗng, ngay cả khi ăn món bún hay mì. Không nĩa, không dao, không đũa. Các cửa sổ có ba lớp song sắt.

Đèn tắt lúc 9 giờ tối. Đèn bật lúc 7 giờ sáng. Trong đêm, các y tá sẽ đến và kiểm tra huyết áp của chúng tôi.

Có những em chỉ mới 11 tuổi cũng ở đó. Tôi khám phá ra rằng hầu hết chúng tôi – trong đó có nhiều bạn nữ ở tuổi tôi – đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự: xu hướng tự sát, nhận thức về giá trị bản thân kém, trầm cảm. Tôi không đơn độc như mình nghĩ, nhưng điều đó chỉ làm tôi ý thức hơn chứ không an ủi hơn.

Điều trớ trêu là một phần trong tôi vẫn muốn chết, nhưng tôi không muốn chết trong cái nhà tù vô hồn này. Tuần tiếp theo đó, tôi đã thuyết phục được các y bác sĩ rằng tôi đã khỏe hơn và được xuất viện – vừa kịp để đi dự buổi hòa nhạc!

Đây là cách mà tôi biết Chúa cứu tôi: Muốn chết không dễ chút nào!

Bất cứ khi nào ý nghĩ tự sát xâm chiếm, mọi thứ chẳng bao giờ lý tưởng để thực hiện. Đường phố tự nhiên vắng tanh, hiệu thuốc không bán thứ mà tôi đang tìm.

Cuối cùng, tôi cũng đã tham dự buổi liên hoan nhạc rock như dự định, đã đến lúc “đi” được rồi! Ngay lúc ấy, một người trong hội thánh khuyến khích tôi tham gia một hội nghị huấn luyện lãnh đạo trẻ sẽ diễn ra vào tuần tiếp theo. Một lần nữa, tôi không biết lý do gì tôi lại cảm thấy được thôi thúc và đã đăng ký. Thêm một tuần nữa thôi mà, phải không?

Tôi nghe tiếng nói rất rõ ràng: “Con không còn trầm cảm nữa!”

Nhưng rồi đến ngày thứ hai của hội nghị, sau khi nghe giảng một thông điệp về lòng can đảm, tôi cảm thấy được thôi thúc muốn bước lên để đáp ứng lời kêu gọi. Đứng giữa biển người gồm hơn hai trăm bạn trẻ, chúng tôi được hướng dẫn để buông bỏ tất cả những tổn thương trong quá khứ, những mặc cảm tội lỗi và xấu hổ, để bước đến định mệnh mà Chúa dành sẵn cho chúng tôi.

Khi mục sư diễn giả, các mục sư và lãnh đạo hội thánh khác cầu nguyện cho chúng tôi, tôi cảm thấy một chiếc hộp trong suốt xung quanh mình vỡ tan thành từng mảnh. Cảm giác như cái bể chứa đầy sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ và mọi cảm xúc tiêu cực đã nhấn chìm tôi suốt bấy lâu nay vỡ tung ra.

Một tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng chắc nịch vang lên trong tôi, tôi nghe tiếng nói ấy rất to và rõ: “Con không còn trầm cảm nữa!”

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi có thể hít thở trở lại.

Ngày hôm nay, tôi bước đi trong cuộc sống với một tâm hồn nhẹ nhàng tươi mới và lòng can đảm. Mọi thứ trông rất khác bên ngoài chiếc hộp trầm cảm ấy. Ngay cả những bạn bè không biết chuyện xảy ra với tôi ngày hôm đó, ngày của sự giải phóng, cũng có thể chỉ ra những thay đổi mà họ thấy nơi tôi. Tôi thích gọi những sự thay đổi đó là niềm vui và bình an.

Nhưng có một nỗi ưu tư vẫn ở trong tôi mỗi khi nghĩ về những bạn nữ tôi gặp trong thời gian ở Viện tâm thần. Tôi biết Chúa đang kêu gọi tôi trở lại đó. Giống như trong Ê-sai 6:8, Ngài đang hỏi tôi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”

Tôi không biết chặng đường phía trước sẽ như thế nào, sau khi vừa bước ra khỏi quãng đường đời 8 năm đau khổ, nhưng… “Chúa ơi, con đây, một người tài hèn sức yếu. Có con đây, xin hãy sai con!”

 

Tác giả: Tiffany Ethel Tan; Dịch: Blessie

(Nguồn: thir.st)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *