Phải nói thế nào về tội lỗi cho những người vô tín?

Oneway.vn – Một người bạn là chuyên gia tâm lý kể cho tôi nghe những vấn đề điển hình khiến mọi người phải nhờ cô ấy giúp đỡ. 

Rồi cô hoài nghi nói: “À, nhưng cậu là Cơ Đốc nhân, vì vậy cậu nghĩ tất cả chúng ta đều là tội nhân”. Tôi hỏi cô ấy nghĩ Kinh thánh định nghĩa tội lỗi như thế nào. Cô trả lời với nụ cười gượng gạo: “Ồ, có phải là ma túy, tình dục, và nhạc rock?”

Tôi trả lời: “Từ góc nhìn Kinh Thánh, tội lỗi không đơn giản là hành vi sai trái. Hành vi không tốt là kết quả của tội lỗi, không phải nguyên nhân”.

“Ok, Thế điều gì là nguyên nhân sâu xa của tội lỗi?” Cô hỏi.

Thật vậy, đây là thách thức cho chúng ta: làm sao để nói về tội lỗi trong một nền văn hóa không hề tin vào nó?

“Tin xấu” về tội lỗi là “Tin tốt” cho mọi người

Kinh thánh mô tả tội lỗi là sự vô tín và cũng là sự thờ hình tượng. Trong văn hóa ngày nay, khái niệm thờ hình tượng (sử dụng các vật thay thế Chúa để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống) thường dễ hiểu hơn. Chúng ta cần phải giải thích cả hai khía cạnh tội lỗi, nhưng trước tiên hãy xem xét vấn đề thờ hình tượng liên quan sâu sắc đến những người không tin như thế nào.

Trước đây, tôi thường đến tiệm làm tóc và thợ làm tóc của tôi là Theo. Khi chúng tôi ngày càng thân thiết, Theo nói với tôi rằng anh ấy là người đồng tính. Anh chia sẻ cuộc sống với tôi, và tôi chia sẻ niềm tin của mình với anh. Anh ấy tôn trọng đức tin của tôi, nhưng lại không chắc liệu Chúa có tồn tại hay không.

Một ngày nọ khi đến tiệm, tôi nhận ra Theo đang rất buồn. Tôi đặt tay lên cánh tay anh ấy: “Theo, có chuyện gì không ổn sao?” Anh ấy nhìn tôi và nói: “Becky, cả ngày nay cô là khách hàng duy nhất nhận thấy rằng tôi đang chán nản”.

Anh nói tiếp: “Tôi với người yêu đã ở bên nhau nhiều năm nay. Tôi trân trọng và tôn thờ anh ấy. Nhưng tuần trước anh ấy đã bỏ đi, và tôi hoàn toàn sụp đổ. Cô là Cơ đốc nhân, nên có lẽ cô sẽ nói rằng mối quan hệ của chúng tôi sụp đổ bởi vì tôi là người đồng tính luyến ái?”

Tôi hít một hơi thật sâu:

“Ôi, tôi rất buồn khi thấy anh đau khổ như vậy. Thật ra, tôi nghĩ vấn đề anh đang phải đấu tranh còn sâu xa hơn xu hướng tình dục. Bạn tôi là Anna vừa kể với tôi điều tương tự như anh: cô ấy đã gặp định mệnh của đời mình và chắc chắn tình yêu giữa họ sẽ chữa lành trái tim cả hai. Nhưng anh ấy đã bỏ bạn tôi để theo một phụ nữ khác, và cô ấy hiện đang bị trầm cảm. Nhưng điều tôi cảm thấy thú vị là cả hai bạn đều nói rằng các bạn tôn thờ người yêu mình. Đó mới là mấu chốt vấn đề”.

“Tại sao đó lại là mấu chốt?” anh ấy hỏi.

Tôi nói:

“Bởi vì chúng ta được tạo ra để yêu mến và tôn thờ Chúa. Chúng ta có bản chất tôn thờ. Nhưng chúng ta đâm đầu vào rắc rối khi cố gắng tôn thờ một điều gì đó không phải Chúa; cố gắng đặt một thứ gì đó khác vào vị trí của Chúa. Đó có thể là điều tốt hoặc xấu, nhưng những thứ thay thế Chúa sẽ luôn làm chúng ta thất bại, bởi vì chúng không đủ vững chắc để chúng ta xây dựng cuộc sống mình trên đó”.

Theo nói: “Đó là chính xác những gì người yêu tôi nói với tôi! Anh ấy cho rằng tôi đang cố gắng biến anh ấy thành tất cả. Anh ấy thậm chí còn nói, ‘Anh không phải là Chúa! Anh không thể đáp ứng mọi nhu cầu của em, và thật lòng mà nói, điều đó rất mệt mỏi’”.

Tôi nói:

“Đó là lý do Kinh thánh xem việc đặt một ai đó vào vị trí của Chúa chính là tội lỗi, vì chúng ta đang yêu cầu họ cho mình những gì chỉ duy Chúa mới có thể ban cho: danh tính, mục đích, sự thấu hiểu và tình yêu thương trọn vẹn. Kinh thánh gọi đó là thờ thần tượng”.

Theo kinh ngạc nhìn tôi và nói: “Cô đang nói với tôi rằng, theo Kinh thánh, nguyên nhân thật sự của nỗi đau này là do tôi đã tôn thờ một điều sai trái?”

“Chính xác! Và Theo ơi, anh không cô đơn! Tất cả chúng ta, bao gồm cả tôi, đều cố gắng thay thế vị trí của Chúa bằng nhiều điều. Tất cả chúng ta đã quay lưng lại với Chúa và cố gắng vận hành cuộc sống mình như thể chúng ta là chủ chính bản thân mình. Đó là lý do chính cho tất cả những đổ vỡ xung quanh và trong lòng chúng ta.

Tôi nói tiếp: “Chúng ta đã được tạo ra để tương giao với Chúa; sống cuộc đời đặt Ngài làm trung tâm. Đó là lý do mà thông điệp Cơ Đốc giáo mang đến được gọi là Tin Lành, vì Chúa đã yêu thương và tìm kiếm chúng ta từ lâu mà ta không nhận ra. Vì chúng ta còn đang bận giữ khư khư “tin xấu” mà mình đã tự chọn nơi một ai đó hoặc một điều gì đó khác”.

“Những gì cô nói thật đúng”, Theo trả lời. “Để tìm thấy tình yêu mà tôi đã tìm kiếm cả đời, tôi phải đặt mối quan hệ của mình với Chúa lên trước tiên. Nhưng… tôi không thể đến với Chúa, sau tất cả những điều tôi đã làm”.

Tôi trả lời:

“Lý do duy nhất chúng ta đến với Chúa là vì Ngài yêu chúng ta. Chúa Jêsus từ thiên đàng xuống thế gian để chết trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta, vì chúng ta cần được Chúa tha thứ. Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để xứng đáng với món quà tuyệt vời ấy ngoại trừ cảm tạ Chúa Jêsus vì tất cả những gì Ngài đã làm, nói với Ngài rằng con ăn năn tội lỗi con, và mời Ngài làm Chúa cuộc đời chúng ta”. 

Trước sự ngạc nhiên của tôi, Theo trả lời:

“Becky, từ tận đáy lòng, cảm ơn cô vì đã không phán xét tôi. Cảm ơn vì đã nói rằng cô cũng từng cố gắng thay thế Chúa bằng thứ gì đó khác. Cảm ơn vì đã nói rằng Chúa yêu tôi và muốn được ở bên tôi khi tôi đang cảm thấy bản thân không có giá trị. Cô đã từng đưa cho tôi một vài quyển sách và một quyển Kinh thánh; tôi nghĩ rằng đây chính là lúc để bắt đầu đọc rồi!”

Sự thỏa lòng của con người

Tại sao tôi lại kể về cuộc trò chuyện của mình với Theo? Bởi vì vấn đề lớn nhất của Theo là anh ấy không biết sự thỏa lòng thật của con người đến từ đâu. Gốc rễ vấn đề là anh ấy đã tạo ra một thần tượng: tình yêu con người. Anna và Theo đau khổ và bối rối vì không biết rằng: điều duy nhất có thể khiến chúng ta trở nên một con người thực sự và trọn vẹn – chính là Chúa.

Chỉ duy Chúa mới có thể định nghĩa chúng ta. Thông qua mối quan hệ với Ngài, chúng ta tìm thấy danh tính thực sự của mình và nhận được những gì mình cần nhất: sự tha thứ, hòa giải với Ngài, danh tính, mục đích và tình yêu Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta.

Khi mọi người cảm nhận được tình yêu chúng ta dành cho họ, khi họ thấy rằng chính chúng ta cũng xưng nhận mình là kẻ tội lỗi và không xem thường họ, thì lúc ấy họ mới có thể lắng nghe chúng ta, vì họ không cảm thấy chúng ta đang đứng trên cao để phán xét họ. Chúng ta cần noi gương Đấng Christ và đi thẳng vào cốt lõi vấn đề đang ngăn cách họ với Chúa, để họ thấy rằng mọi điều mình khao khát nhất đều trong bàn tay chu cấp của Chúa.

Tin tức tuyệt vời của Phúc âm là tội lỗi chúng ta và phán xét công bình của Chúa về tội lỗi chưa phải là dấu chấm hết. Những điều mà chúng ta hằng mong đợi đã được thực hiện khi Đức Chúa Trời sai Chúa Jêsus đến giải cứu chúng ta ngay cả khi chúng ta đang còn chìm đắm trong tội lỗi (Rô-ma 5:8).

 

Bài: BECKY PIPPERT; dịch: Jennie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *