Oneway.vn – Tôi ước có ai đó nói với tôi như vậy từ trước. Bây giờ nhìn lại, tôi ước đã có người ngồi xuống bên cạnh và nói với tôi rằng “Phần lớn cuộc đời chúng ta là chờ đợi, Jani à. Hãy học cách chờ đợi trong hy vọng, chứ không phải trong sợ hãi”.
Tôi lớn lên với niềm tin vào một lời dối trá. Nó đeo đuổi tôi đến tận khi trưởng thành. Tôi tin mình sẽ hạnh phúc khi giấc mơ của tôi trở thành sự thật. Vì vậy tôi lao vào làm việc hết sức cật lực để gom góp, sắm sửa tất cả những gì lòng mình ao ước.
Sự thống trị của nỗi sợNhưng sau đó, khi bắt đầu đạt được một số điều tôi hằng mong muốn, tôi bắt đầu lo sợ mình sẽ đánh mất chúng. Nỗi sợ thật là một gã đốc công khó chịu! Nó khiến tôi tê liệt trong một ‘mạng nhện’ của nỗi hoài nghi, ích kỷ; và cướp lấy niềm vui của tôi.
Tôi sợ mình sẽ dễ tổn thương khi bước vào hôn nhân, và cũng sợ nỗi cô đơn khi sống độc thân. Tôi sợ áp lực khi thành công, và cũng sợ xấu hổ khi thất bại. Tôi sợ bị vô sinh, và cũng sợ phải mang thai. Tôi sợ trách nhiệm nuôi dạy con cái, và cũng sợ nỗi trống vắng của ngôi nhà thiếu vắng trẻ thơ. Tôi sợ nỗi căng thẳng khi phải bước ra đi làm ngoài xã hội, và cũng sợ sự cô đơn khi phải ở nhà suốt ngày. Tôi sợ mình chưa trưởng thành, và cũng sợ mình già nua. Tôi không sợ điều gì? Rất ít.
Tôi ghét bản thân vì cứ mãi sợ hãi như thế. Tôi ghét hậu quả nỗi sợ hãi đã gây ra cho tôi và cho những người tôi yêu thương. Tôi đã cố gắng hết sức để vượt lên và chiến thắng chúng, chỉ để cuối cùng nhận ra một sự thật đáng sợ: “Jani, mày không phải là người nắm quyền kiểm soát đâu. Và chẳng bao giờ được thế cả”.
Tôi thấy mình sợ hãi hoàn cảnh hơn là kính sợ Chúa. Tôi quên mất thực tế rằng cả thử thách và vinh quang đều là một phần trong câu chuyện tốt lành Đức Chúa Trời đang viết qua tôi. Tôi không trân trọng sự thật rằng Ngài cũng đồng hành với chúng ta trong tiếng cười và giọt nước mắt, lúc vui mừng hay lúc khổ đau.
Đôi khi cuộc sống có vẻ như thật ảm đạm và không hề công bằng chút nào. Có vẻ đúng là như vậy. Chúng ta chờ đợi chàng trai đặc biệt gọi điện và hẹn hò, hoặc chờ đợi để cuối cùng cũng nhận được công việc trong mơ, hoặc chờ đợi các xét nghiệm bệnh viện xác minh “Tất cả đều ổn”. Thật khó để chờ đợi trong hy vọng, bởi vì, “Chuyện gì xảy ra nếu… ?”.
Làm gì trong khi chờ đợi Chúa?
Trung Quốc: Chính phủ muốn viết lại Kinh Thánh
Làm việc ít hơn nhưng hiệu quả hơn
Giải pháp cho nỗi sợ hãiĐiều gì có thể xoa dịu nỗi sợ của chúng ta? Biện pháp khắc phục nỗi sợ hãi không phải là rút lui, hay nỗ lực tự kiểm soát bản thân mạnh mẽ hơn, hoặc thậm chí cũng không phải là gia tăng thêm lòng can đảm. Biện pháp khắc phục cho nỗi sợ hãi của chúng ta là hy vọng – hy vọng vào một Đức Chúa Trời lớn lao hơn mọi sự chúng ta sợ hãi trên đất này, một Đức Chúa Trời đã phán hứa rằng sự hiện diện của Ngài ở rất gần và rất thực: “Dù khi con đi trong trũng bóng chết Con sẽ chẳng sợ tai họa nào, Vì Chúa ở cùng con” (Psalms/Thi thiên 23: 4a); “Đừng sợ vì Ta ở với con, Chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, Dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con” (Isaiah/Ê-sai 41:10).
Chỉ Đức Chúa Trời là niềm hy vọng
Hãy dâng nỗi sợ của mình cho Đức Chúa Trời với đôi tay rộng mở, cầu xin Ngài thay thế nỗi sợ hãi của bạn bằng niềm hy vọng. Hãy buông bỏ nỗi sợ và bám chặt lấy Chúa. Khi chúng ta trao nỗi sợ cho Chúa, Ngài sẽ yên ủi chúng ta bởi tình yêu Ngài (Zephaniah/Sô-phô-ni 3:17), và giúp chúng ta tự hỏi: “Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời; Ta sẽ còn ca ngợi Ngài nữa: Vì Ngài là Đức Chúa Trời của ta và nhờ gặp mặt Ngài mà ta được giải cứu.”(Psalms 43:5).
Vậy niềm hy vọng trông như thế nào? Đó là sự thỏa lòng và an ninh như chính Chúa, bởi vì niềm hy vọng thực sự là nằm ở Đức Chúa Trời. Sứ đồ Paul/Phao-lô nói với chúng ta trong Romans/Rô-ma 15:13: “Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hy vọng làm cho anh em ngập tràn niềm vui và bình an trong đức tin, để nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh, anh em được chứa chan hy vọng!”.
Khi chúng ta bám chặt lấy Đức Chúa Trời của niềm hy vọng, những gì chúng ta có khi đó không phải là sự khích lệ về tâm lý, nhưng chính Đức Chúa Trời là đồng minh của chúng ta giữa mọi nghi ngờ và nguy hiểm.
Làm thế nào để bám chặt lấy Chúa? Bạn cần phải đến gần với Ngài. Bạn cần phải nhận biết Ngài rõ hơn. Nhưng làm thế nào để bạn biết rõ Chúa hơn? Cũng giống như cách bạn quen biết ai đó: bằng cách dành thời gian bên người ấy. Điều giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa của niềm hy vọng là dành thời gian với Ngài – chủ động và nhất quán đến gặp Ngài trên các trang Kinh Thánh. Quá nhiều biến đổi đã diễn ra trên thế giới từ lúc có Kinh Thánh, nhưng Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Đức Chúa Trời của niềm hy vọng mà chúng ta đọc được trên các trang Kinh Thánh cũng là Đức Chúa Trời chúng ta đang gặp gỡ.
Hy vọng là một lựa chọnHy vọng là một lựa chọn. Điều gì hướng dẫn sự lựa chọn của chúng ta, nuôi dưỡng hy vọng của chúng ta? Hàng ngày hãy mở Kinh Thánh và suy ngẫm về Chúa của hy vọng. Mẹ chồng tôi, Anne Ortlund, đã dạy tôi đọc một đoạn Kinh Thánh, và khi đọc, đặt 2 câu hỏi tương tự sứ đồ Paul đã làm trong lần đầu tiên gặp gỡ Đấng Christ: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” và “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Acts/Công vụ 22:8,10). Bất kỳ ai với quyển Kinh Thánh mở ra trước mặt, đều có thể tìm thấy Đức Chúa Trời ở đó và tăng trưởng mạnh mẽ trong niềm hy vọng bằng cách hỏi hai câu hỏi này.
Hãy trở thành những người nam người nữ an nghỉ trong sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Hãy tận hưởng sự chăm sóc khôn ngoan của Chúa qua từng chi tiết trong vũ trụ của Ngài. Hãy giữ những ước ao hạnh phúc, những giấc mơ chúng ta không thể sống nếu thiếu vắng chúng, với đôi tay rộng mở trước mặt Vua của chúng ta. Hãy chọn hy vọng. Khi đó, chúng ta sẽ có thể nói như vua David/Đa-vít: “Lạy Chúa, bây giờ con trông mong gì? Niềm hy vọng của con ở nơi Chúa” (Psalms 39:7).
Bài: Jani Ortlund; Thảo Nguyên dịch
Nguồn: desiringgod.org
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!