Phía sau nỗi đau của những cuộc đời nghèo khổ

Oneway.vn – Trong Giăng 9:2, các môn đồ hỏi Chúa Jêsus “Thưa Thầy, ai là người đã phạm tội, người nầy hay cha mẹ anh ta, khiến anh ta mới sinh ra đã bị mù?”.

Việc họ hỏi như vậy không có gì là bất thường. Trong thế giới cổ đại đó, hầu hết mọi người đều tin rằng con người sẽ nhận những gì xứng với họ. Giàu có, thành công, và quyền lực là ơn mà Chúa ban cho người công bình. 

Nghèo nàn, bệnh tật, hoặc khuyết tật dành cho người chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vì họ đã phạm tội. 

Ở đây các môn đồ cho rằng người đàn ông đó có thể tránh khỏi hoàn cảnh đó nếu anh hoặc gia đình anh sống khác đi hoặc không phạm tội. 

Trong thế kỷ 21, chúng ta cũng không khác biệt nhiều. Thay vì hiểu câu chuyện đằng sau nỗi đau của người khác, chúng ta thường tự suy diễn nguyên nhân.

Hiểu câu chuyện 

Khi thấy một người đàn ông vô gia cư xin tiền trên đường, chúng ta sẽ để ý xem anh ta có hút thuốc không. Khi đến gần, chúng ta để ý xem hơi thở anh ta có mùi cồn hay bị thương tích gì không. Từ những quan sát này, chúng ta nhanh chóng phỏng đoán lý do anh ta vô gia cư và cách anh ta tiêu tiền.

Kết luận của chúng ta thường ảnh hưởng đến việc chúng ta có chọn giúp đỡ hay không.

Nhiều người kết luận những người trở nên như người đàn ông vô gia cư này là do những quyết định sai lầm của họ. Sự lười biếng. Nghiện ngập. Bỏ học. Nếu người này kiếm được việc làm, vào trại cai nghiện và kiểm soát cuộc sống của mình thì anh ta sẽ tốt hơn rất nhiều. 

Chúng ta cho rằng việc giúp đỡ những người như vậy chỉ để tài trợ cho những cơn nghiện của họ. Nói cách khác, chúng ta cho rằng một người trở thành người vô gia cư là vì tội lỗi và sự thất bại của chính họ.

Liệu chúng ta có thay đổi ý kiến nếu biết được người đàn ông này đã từng bị chuyển đến nhiều nhà nuôi dưỡng khi còn nhỏ và bị ngược đãi tàn bạo? 

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta biết được anh ấy đã theo học tại một ngôi trường tồi tệ, giảng dạy kém chất lượng, bạo lực và ma túy? 

Để thoát khỏi cha mẹ nuôi bạo hành và môi trường giáo dục hỗn loạn này, anh đã bỏ trốn và không học xong trung học. Không có địa chỉ nhà hoặc giấy tờ chứng nhận, anh ta không thể có bằng lái xe hoặc bất cứ thứ gì cần thiết để tìm được việc làm. Nói cách khác, người đàn ông này đã phạm tội do những người chăm sóc và sự thất bại của nhà trường. 

Cuộc sống của mỗi người vô gia cư chứa đầy những điều phức tạp lớn. Câu chuyện của họ liên quan đến nghèo đói, nghiện ngập và nỗi đau vì cả những gì họ đã trải qua và những gì người khác đã gây ra cho họ.

Nhìn thấu vấn đề 

Sự phức tạp tăng lên theo cấp số nhân khi chúng ta hướng sự chú ý của mình đến các cộng đồng đang chịu đựng cảnh nghèo khổ, chết chóc và bi kịch. 

Sự sống và sự phát triển của bất kỳ sinh vật sống nào đều có mối liên hệ phức tạp với sức khỏe tổng thể của hệ sinh thái.

Nhiều người kết luận người nghèo là lười biếng, ít học, quan hệ tình dục bừa bãi, bạo lực và sống phụ thuộc vào chính phủ để có thực phẩm và được chăm sóc sức khỏe. Họ đang chịu những gì họ xứng đáng. 

Có một số người như thế này trong các cộng đồng người nghèo (và bất kỳ cộng đồng nào khác) như một số người khỏe mạnh từ chối nhận việc làm; một số người sinh con ngoài giá thú và bỏ rơi chúng; những người khác lấy tài nguyên của chính phủ và không đóng góp cho xã hội; những người đưa ra những quyết định tồi tệ gây hại cho bản thân và những người xung quanh.

Như đã nói, có lẽ không có cửa hàng tạp hóa nào bán sản phẩm tốt cho sức khỏe trong vòng 5 dặm quanh khu phố này. Không có việc làm nào tốt trong vòng 15 dặm. Hơn nữa, hầu hết người dân không có xe hơi. Gần như tất cả mọi người đều ở nhà thuê. Chủ nhà của họ có thể sống ở tiểu bang khác và không bảo trì tài sản. Giá trị tài sản bị khấu hao đến mức không có nguồn thu thuế cho các trường học địa phương. 

Những trường học này thiếu nguồn lực và không thể duy trì đội ngũ giảng viên ổn định. 

Hệ sinh thái tổng thể bị thiếu các nguồn tài nguyên mang lại sự sống.

Khi chúng ta xem xét lý do tại sao người dân đau khổ còn cộng đồng thất bại, chúng ta phải thừa nhận có nhiều lý do phức tạp. Nếu chỉ đổ lỗi cho họ hoặc chính phủ thì thật là thiếu sót, vô cảm và vô tâm. 

Chúng ta nên tự hỏi chính mình xem liệu việc chúng ta tìm kiếm người tội lỗi có phải là một âm mưu để bào chữa cho bản thân không bày tỏ lòng thương xót và sự công bằng hay không. 

Có lẽ các môn đồ đã cư xử như vậy khi họ đặt câu hỏi trong Giăng 9. 

Nhưng hãy xem cách Chúa Jêsus trả lời: Không phải người này hay cha mẹ người đã phạm tội, nhưng để công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra nơi người. Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Ta khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Đang lúc Ta còn ở thế gian, Ta là ánh sáng của thế gian. (Giăng 9:3–5) 

Câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi không bác bỏ những nguyên nhân tiềm năng đằng sau sự mù lòa của người đàn ông. Nhưng Chúa cho các môn đồ thấy họ đã hỏi sai câu hỏi. 

Nguyên nhân đau khổ quan trọng nhưng phương pháp khắc phục quan trọng hơn.

Kinh thánh ghi chép nhiều lời chỉ dẫn về sự dại dột và ích kỷ đã làm tổn thương họ và những người khác như thế nào (Châm ngôn 6:9–11; 14:23; 22:29). 

Kinh thánh cũng quở trách những người có đặc quyền và quyền lực vì đã tạo ra các chính sách ngược đãi và áp bức những người bị gạt ra ngoài lề xã hội (Châm ngôn 11:1; 14:31; Ê-sai 10:1-4.). 

Chúa Jêsus nói rằng sự tan vỡ và sự bất công dù là của cá nhân hay tập thể, đều là những cơ hội quý giá để “công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra”. 

Chúa dạy môn đồ của Ngài (bao gồm cả chúng ta) là “hãy làm việc”. Điều này bắt đầu bằng việc tìm hiểu những câu chuyện đằng sau sự tan vỡ, lắng nghe lời than thở, cầu nguyện cho họ và hành động để mang lại sự chữa lành và sự công bằng ở bất cứ nơi nào không có, đồng thời tôn trọng sự hợp nhất, trọn vẹn và hòa bình ở bất cứ nơi nào chúng ta tìm thấy.

 

Bài: Ben Sciacca; dịch: Quỳnh Hương
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *