Quyết tâm năm mới: Yêu người ‘không đáng yêu’!

Oneway.vn – Không ít thì nhiều, tất cả chúng ta đều có chút “không đáng yêu”.Tội lỗi làm vướng víu ngay cả những người trưởng thành nhất, và chắc chắn khiến tình yêu trong chúng ta hao gầy. 

Một năm kết thúc, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về những gì đã thay đổi trong lòng mình, hoặc trong những mối quan hệ quan trọng. Tội lỗi có thể vẫn lì lợm ở lại. Xung đột vẫn chưa kết thúc. Cảm thấy yếu đuối hơn bao giờ hết. Vết thương không lành. 

Năm mới đến thường mang theo sự lạc quan và quyết tâm giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác chán nản tuyệt vọng, nhưng thường rất chóng vánh khi chúng ta lại đổ vỡ và tổn thương một lần nữa.

Hết năm này qua năm khác, tất cả chúng ta đều “không đáng yêu”, và đều được kêu gọi hãy yêu những người “không đáng yêu”. Mặc dù những cuộc đấu tranh dai dẳng ấy khiến chúng ta bấn loạn, nhưng điều đó không làm Chúa ngạc nhiên, và cũng không thể dập tắt quyền năng Thánh Linh. Ngài vẫn luôn làm công việc Ngài trong mỗi chúng ta qua những mối quan hệ “khó nhằn” nhất.


Bí mật của những mối quan hệ “khó khăn”

Sứ đồ Phao-lô biết sự khó khăn và phức tạp của những mối quan hệ đầy thách thức, ngay cả giữa các tín đồ. Chẳng hạn, trong Rô-ma 14-15, ông khuyến khích kẻ mạnh hãy yêu kẻ yếu, kẻ yếu hãy yêu kẻ mạnh, mặc dù biết rằng điều đó rất khó khăn. 

Căng thẳng nảy sinh trong Hội Thánh Rô-ma vì những vấn đề nhạy cảm, trong đó có cả việc Cơ Đốc nhân nên ăn hoặc không ăn gì. Có người kiêng một số thực phẩm vì kính sợ Đấng Christ. Lại có người ăn uống tự do cũng vì kính sợ Đấng Christ (Rô-ma 14:6). Cả hai đều thấy khó mà yêu thương được người kia. Họ bị cám dỗ để khinh dễ nhau (Rô-ma 14:3) và đoán xét nhau (Rô-ma 14:13). Phao-lô nói rằng cả hai bên đều có tội: “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau” (Rô-ma 14:19). Ông khuyên hãy bỏ qua việc tranh luận về các vấn đề không quan trọng, để nhiệt tình giúp nhau hướng tới sự bình an lớn lao và sâu sắc khi cùng nhau thực hiện những điều quan trọng nhất.

Sau một năm dài, làm sao để Cơ Đốc nhân có thể kiên trì trong các mối quan hệ khó khăn và nhạy cảm trong gia đình? Phao-lô nói nhiều lần: bí mật là sự trông cậy (Rô-ma 15:4,12,13).

Những người theo Chúa có sức mạnh đối phó với các mối quan hệ khó khăn hơn là người không tin, bởi vì chúng ta có sự trông cậy. Phao-lô cho biết tất cả những gì chúng ta cần: “Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!” (Rô-ma 15:13).

Trông cậy vào Chúa chính là chìa khóa để chúng ta có thể yêu những người “không đáng yêu”.


Trông cậy có tạo nên sự khác biệt?
Liệu trông cậy có tạo ra sự khác biệt trong các mối quan hệ khó khăn? Phao-lô một lần nữa kết nối sự bình an, vui mừng và đức tin cùng với trông cậy.

“Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 5:1-2)

Tin cậy Chúa Jesus, chúng ta sẽ có được sự bình an trong Đức Chúa Trời công bình và toàn năng, bình an sinh ra trông cậy, và trông cậy giúp chúng ta trở thành những người vui vẻ, kiên nhẫn và bền bỉ nhất trong tình yêu thương.

Viễn cảnh chúng ta tin rằng mình sẽ đối diện sau khi qua đời có thể tạo nên sự khác biệt hoàn toàn cho hiện tại, đặc biệt là cách chúng ta phản ứng với những người “khó ưa”.

Nếu chúng ta thực sự tin rằng cuộc đời mình chỉ là hạt bụi trước sự hiện diện vinh quang đời đời của Chúa, thì làm sao chúng ta có thể nuôi dưỡng sự cay đắng thêm một giây phút nào nữa?

Nếu chúng ta thực sự tin rằng Chúa đã ban Con Ngài xuống thế gian để mang những người “đáng ghét” như chúng ta đến với Ngài, thì làm sao chúng ta có thể từ bỏ trước những người “khó mà yêu”?

Nếu chúng ta thực sự tin rằng Chúa đã tha thứ cho vô vàn tội lỗi mình, thì làm sao chúng ta có thể giam mình trong sự oán trách và giận dữ với nhau?

Vì thiếu kiên trì, chúng ta khó yêu thương hơn và dễ từ bỏ hơn. Vậy mà Chúa đã kiên trì yêu chúng ta biết bao. Vì thế, chúng ta có sự trông cậy – cả đại dương hy vọng. “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

Một người không có hy vọng sẽ sống cuộc đời không có cánh buồm lèo lái, không có bánh lái dẫn đưa, không có mỏ neo giữ vững. Trong mọi mối quan hệ, người ấy sẽ lạc trôi trong những cơn bão của sự thất vọng, xung đột và tự ái. Nhưng chúng ta có niềm hy vọng vào Chúa. Hy vọng ấy sẽ từ từ ăn mòn, và sau đó cuốn trôi những tội lỗi ngăn cản chúng ta yêu thương nhau.


Xây dựng sự trông cậy thật

Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa” (Rô-ma 5:3). Hoạn nạn ấy bao gồm những mối quan hệ khó khăn, tan vỡ và gây tranh cãi. Chúng ta không chỉ đơn thuần chịu đựng và sống với hoạn nạn, mà là còn phải vui mừng trong đau khổ. Tại sao?

“Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta.” (Rô-ma 5:3-5)

Đau khổ trong Đấng Christ tạo ra sức chịu đựng, sức mạnh bởi ân điển để chúng ta kiên trì trong sự tin kính. “Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa” (1 Ti-mô-thê 4: 8). Và sự tập tành ấy, Chúa khiến chúng ta dần trở nên giống hình ảnh Con Ngài. Và khi tấm lòng chúng ta càng trở nên giống Chúa, thì sự trông cậy càng tăng lên: “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.” (Rô-ma 8:18)

Các mối quan hệ khó khăn không chỉ làm chúng ta giống Đấng Christ hơn, mà còn phát triển đức tin: chúng ta là con Đức Chúa Trời, và sẽ được sự sống đời đời với Chúa. Khi cảm thấy muốn “cằn nhằn” về những người “khó yêu”, hãy nhớ rằng Chúa đã đặt họ ở đó như một cơ hội để chúng ta nhận biết sâu sắc rằng: đức tin của chúng ta là chân thật. Căng thẳng và xích mích là điều không thể tránh khỏi, và qua đó chúng ta sẽ càng kinh nghiệm tình yêu Chúa và yêu Ngài nhiều hơn nữa.


Đổ đầy tâm linh bằng hy vọng

Chúng ta cảm thấy kiệt sức trong các mối quan hệ vì nguồn hy vọng đang cạn kiệt. Hãy để lời cầu nguyện của Phao-lô đổ đầy tâm linh chúng ta:

“Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!” (Rô-ma 15:13)

Sự trông cậy nơi Chúa là niềm hy vọng của chúng ta. Tương lai chúng ta có Ngài. Chúng ta có hy vọng nơi Ngài, vì Ngài luôn ở bên chúng ta. Và sự trông cậy Chúa cho chúng ta thỏa lòng  và bình an trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúng ta chỉ cần kiên trì cầu xin Đức Chúa Trời một lần nữa đổ đầy lại niềm hy vọng trong chúng ta, cho đến khi tâm linh ta tràn đầy hy vọng, nuôi dưỡng thêm niềm vui, bình an và tình yêu thương.

Chắc chắn, chúng ta sẽ mệt mỏi trong tình yêu, sẽ xung đột trong các mối quan hệ. Chúng ta sẽ vấp ngã và tổn thương bởi những người “khó yêu”. Ngày nào còn trên đất, chúng ta sẽ còn phải chiến đấu hết mình vì tình yêu, nhưng không lâu đâu. Hãy giữ lửa hy vọng và luôn gần gũi Chúa, để có thể yêu thương cả những người “không đáng yêu”.

 

 Bài: Marshall Segal; dịch: Hồng Nhạn

(Nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *