Oneway.vn – Đức Chúa Trời bị vu khống hàng ngày. Satan – kẻ nói dối và cha đẻ của sự dối trá chắc chắn về điều đó.
Những lời nói dối của sa-tan về Chúa lan tỏa khắp nơi. Một trong những lời nói dối yêu thích của hắn về Chúa là Ngài không yêu chúng ta, rằng Chúa không muốn gì hơn là chúng ta phải sống khổ sở rồi chết.
Lời nói dối của sa-tan về Chúa
Sa-tan muốn chúng ta nghĩ rằng Chúa giống như nhân vật anh trai hơn là người cha trong câu chuyện ngụ ngôn về đứa con hoang đàng.
Thomas Merton từng nói: “Đây là mưu kế quỷ quyệt của sa-tan để giảm bớt nhận thức của chúng ta về sự tốt lành của Chúa, hắn tìm cách che giấu lòng tốt của Chúa, và trở thành chủ của chúng ta để quấy phá và hủy hoại chúng ta, thay vì cứu rỗi chúng ta”.
Đáng tiếc, chúng ta dễ dàng bị sa-tan lừa dối, nhất là khi chúng ta nhận thức được tội lỗi của chính mình hoặc đang chìm đắm trong một biển mặc cảm tội lỗi. Chúng ta cảm thấy Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta vì bản thân hoặc vì những gì chúng ta đã làm; hoặc bởi vì chúng ta đã phạm cùng một tội lỗi vô số lần.
Tín đồ thanh giáo John Ball lưu ý rằng: “Sa-tan sẽ không tha cho những linh hồn hối cải và hạ mình. Hắn lừa dối rằng Chúa sẽ không tha thứ cho sự vi phạm đó, đó là tội lỗi tày đình, không thể kể hết và càng sống lâu tội lỗi càng chất chồng”.
Chúng ta càng dễ tin vào lời nói dối của sa-tan khi chúng ta gặp “báo ứng”. Chúng ta cho rằng bị tống giam, ly dị, ốm yếu hoặc thất nghiệp là hậu quả của những gì chúng ta đã làm. Trải nghiệm hình phạt của Chúa không chỉ làm tăng cảm giác tội lỗi và xấu hổ của chúng ta, mà còn có thể tạo ra sự nghi ngờ về lòng thương xót và sự tốt lành của Ngài. Chúng ta có thể tự hỏi: Làm sao Chúa có thể tha thứ cho tôi khi tôi thậm chí không thể tha thứ cho mình?
Vẫn còn nữa, chúng ta có xu hướng tin vào lời nói dối của sa-tan khi chúng ta chứng kiến hoặc trải nghiệm cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với thế giới nổi loạn này. Giáo lý vấn tắt của Westminster dạy một cách chí lý rằng tất cả những đau khổ và cái chết trong cuộc sống là một phần cơn thịnh nộ của Chúa và lời nguyền cho tội lỗi. Thực tế không thể phủ nhận là tất cả chúng ta sẽ phải khốn khổ – ở những mức độ khác nhau – và sau đó phải chết đi, dường như cho thấy Chúa không bênh vực chúng ta, nhưng chống lại chúng ta. Đức Chúa Trời tốt lành, yêu thương và tha thứ cho tội nhân thế nào khi họ đều phải chịu cơn thịnh nộ và hậu quả tội lỗi của mình?
Do đó, chúng ta dễ dàng tin sa-tan lừa dối về Chúa, bởi vì nó có vẻ rất hợp lý trong thế giới sa ngã này. Nó có ý nghĩa với chúng ta. Nó có vẻ phù hợp với thực tế. Đây là lý do tại sao việc biết và tin những gì Chúa đã phán về chính Ngài và lời hứa cứu rỗi của Ngài là vô cùng quan trọng.
Kinh Thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và Ngài sẽ tha thứ cho tất cả những ai kêu cầu Ngài (Xuất 34:6-7; Thi Thiên 86:5; Giô-ên 2:13,32; Giăng 3:16; Rô-ma 10:9-13).
Thi Thiên 130 cho biết Đức Chúa Trời có sự tha thứ, tình yêu kiên định và sự cứu chuộc dồi dào. Câu 8 nói rằng Chúa có quyền năng cứu chuộc khỏi mọi điều gian ác. Chúa không chỉ hứa tha thứ cho một số tội lỗi, hoặc chỉ những tội lỗi nhỏ, hoặc chỉ những tội lỗi bạn phạm phải một, hai lần; nhưng là mọi điều gian ác.
John Ball thành thật chia sẻ: “Đây là lời hứa tha thứ dành cho những kẻ tội lỗi hối cải mà không giới hạn bất kỳ thời gian, con người, phẩm chất hay số vụ phạm tội nào”.
Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa cứu chuộc chúng ta khỏi mọi sự gian ác qua Con Ngài – Chúa Jêsus. Ngài đã sai Con Ngài, không phải để lên án thế giới, nhưng để thế giới có thể được cứu qua Ngài (Giăng 3:17). Trong Chúa Jêsus, có sự cứu chuộc, sự tha thứ tội lỗi (Cô-lô-se 1:14). Do đó, bất cứ ai tin nhận Chúa Jêsus và kêu cầu danh Ngài đều được tha thứ và được ban sự sống đời đời.
Bạn tin Chúa hay sa-tan? Đó là câu hỏi đặc biệt khi chúng ta cảm thấy Chúa không yêu thương chúng ta, và khi bạn thấy thực tế dường như mâu thuẫn với những lời hứa của Chúa. John Calvin quan sát một cách khéo léo rằng:
“Mọi thứ xung quanh chúng ta đều trái ngược với những lời hứa của Chúa: Ngài hứa sự sống đời đời – chúng ta bị bao vây bởi sự chết và thối nát: Chúa phán Ngài xưng chúng ta là công bình – chúng ta đầy tội lỗi: Chúa làm chứng rằng Ngài là Đấng tốt lành và đáng để trông cậy với chúng ta – Chúa phán xét và đe dọa bằng cơn thịnh nộ. Chúng ta phải làm gì?”
Chúng ta phải tin Chúa, bất kể cảm xúc hay thực tế thế nào. ‘Đức Chúa Trời là chân thật, mặc dù mọi người đều giả dối, như có lời chép: Để Chúa được nhìn nhận là công chính trong lời Ngài phán, và đắc thắng khi bị xét đoán’ (Rô-ma 3: 4).
Như Ball đã viết:
“Đức tin không phải dựa trên cảm giác hay tri giác, nhưng dựa trên những lời hứa nhân từ, sự tốt lành bất biến của Chúa và Lẽ thật không thể sai lầm. Kinh nghiệm và cảm giác là cột trụ để chúng ta dễ dàng vượt qua yếu đuối nhưng không phải là nền tảng để đức tin của chúng ta dựa vào. Mặc cho kinh nghiệm và cảm giác bị lung lay, đức tin vẫn tiếp tục vững chắc. Vì vậy, bất cứ lúc nào, tri giác và cảm giác cho chúng ta biết một điều (cụ thể là Chúa đã từ bỏ chúng ta, và sẽ không bao giờ khoan dung với chúng ta) nhưng Lời Chúa bảo đảm cho chúng ta một điều khác, nghĩa là Chúa yêu chúng ta và sẽ không bao giờ từ bỏ chúng ta; chúng ta không công nhận cảm giác của chính mình nhưng phải tin tưởng vào Lời Chúa”.
Điều gì đúng với cảm xúc của chúng ta cũng đúng với thực tế. Một đặc điểm đáng chú ý trong đức tin của Áp-ra-ham là ông luôn tin cậy Chúa mặc dù cuộc đời ông nhiều sự kiện dường như trái ngược sâu sắc với lời hứa của Chúa. Chúa hứa ban Áp-ra-ham nhiều hậu duệ, nhiều như những vì sao trên trời. Tuy nhiên, Áp-ra-ham không thể có con vì vợ đã già và vô sinh. Mọi thứ trong cuộc sống của ông dường như nói rằng lời hứa của Chúa sẽ không thành hiện thực. Tuy nhiên, ông tin cậy Chúa.
Phao-lô nói rằng, Áp-ra-ham đã hy vọng dù không còn lý do để hy vọng rằng ông sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc như Chúa đã hứa. Ông không để lòng vô tín làm cho mình nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin và tôn vinh Đức Chúa Trời. Ông hoàn toàn tin rằng Chúa có thể làm những gì Ngài đã hứa (Rô-ma 4).
Chúng ta, như Calvin nói, cùng hoàn cảnh với Áp-ra-ham. Mặc dù chúng ta được tha thứ trong Chúa nhưng chúng ta vẫn chưa trải nghiệm trọn vẹn sự cứu chuộc. Chúng ta vẫn phải “mong đợi được làm con nuôi, là sự cứu chuộc thân thể chúng ta” (Rô-ma 8:23) và “trông đợi niềm hi vọng về sự công chính” (Ga-la-ti 5:5).
Khi chúng ta chờ đợi Chúa, cảm xúc của chúng ta và thực tế có thể làm chúng ta cho rằng lời nói dối của Satan là đúng. Chúng ta không được lắng nghe chúng. Chúng ta cần chống lại ma quỷ, không phải bằng cách đặt niềm tin vào cảm xúc hay khả năng hiểu tình huống của chúng ta, mà bằng cách đặt niềm tin vào Chúa và vào những lời hứa của Ngài: “Tôi trông đợi Đức Giê-hô-va, linh hồn tôi trông đợi Ngài;
Chúng ta cần tin vào một Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để những ai tin vào Con ấy không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời (Giăng 3:16).
Bài: D. Patrick Ramsey; dịch: Janebie
(Nguồn: churchleaders.com)
Leave a Reply