Sứ Giả Tình Yêu

 Biển buổi chiều rất đẹp, cứ mỗi khi rảnh rỗi tôi thường ra ngồi trên phiến đá trước nhà nhìn những con sóng lăn tăn trong bóng hoàng hôn dần đổ, xa xa kia là những con thuyền nhấp nhô trong làn nước biếc xanh, lúc ẩn lúc hiện như một giai điệu nhịp nhàng của cuộc sống đang êm đềm trôi đi. Biển vùng này không giống như những nơi khác, không có những bãi cát rộng thênh thang, không có những hàng phi lao vươn mình trong mưa nắng mà chỉ có những rạng đá đủ loại hình thù nhô lên từ mặt đất, vươn ra biển rộng như muốn níu kéo một chút gì của năm tháng đi qua… Ngôi làng sống gần biển cũng không có mấy căn nhà, ít quán xá vì vùng này đi lại chưa thuận tiện, nhưng cũng chính nhờ điều đó mà cuộc sống ở đây khá bình lặng, yên tĩnh.

oneway

Hôm nay, tôi có thêm một người bạn mới cùng ngồi ngắm biển buổi chiều, bé Nhím. Ba mẹ Nhím về quê có chuyện gấp, và cũng có lẽ muốn cho tôi có bạn, bởi Duyên cũng vừa đi công tác xa, nên gởi Nhím qua nhà tôi chơi ít ngày. Thật ra, tôi với Nhím đã rất thân nhau rồi, từ khi chúng tôi về đây ở, Nhím thường qua nhà chơi. Nhím dễ gần, thông minh và cũng rất ngoan, nên không những tôi mà Duyên cũng rất thích con bé, hai cô cháu thường chơi với nhau rất thân thiết, điều này có lẽ cũng đem lại cho Duyên nhiều niềm vui hơn.

Nhím hỏi tôi sao cứ ngồi nhìn ra biển hoài vậy, tôi cười, nhìn ra biển để xem thử bao giờ Nàng Tiên Cá xuất hiện.

–          Chú lớn rồi mà cũng chờ Nàng Tiên Cá sao?

–          Chờ chứ, khi Nàng Tiên Cá xuất hiện sẽ kể cho mình nghe nhiều câu chuyện cổ tích dễ thương lắm đó.

–          Vậy chú cũng giống trẻ con như Nhím.

–          Ờ, mỗi người, cho dù có lớn đến mấy, cũng còn một phần trẻ con trong mình, vì nó quan trọng lắm.

–          Sao vậy chú?

–          Trẻ con là phần quí giá nhất trong con người. Muốn vào thiên đàng, cũng phải giống như trẻ con. Chúa yêu trẻ con lắm, Nhím không biết sao?

–          Có, Nhím có nghe ba mẹ nói.

–          Hồi xưa Chúa đã từng nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy.”. Mấy môn đồ không cho trẻ con đến gần Chúa vì sợ nó làm phiền, nhưng Chúa nói vậy, Chúa rất yêu trẻ con.

–          Trong đó có Nhím, cô bé cười lém lỉnh.

–          Ờ, có chứ, Chúa yêu Nhím nhất…

Tiếng cười vang lên giữa bầu trời đang chuyển dần vào đêm. Tôi và Nhím, một lớn một nhỏ, hai cái bóng sát bên nhau tự hòa mình vào cái không gian từ từ co cụm lại giữa những làn gió chiều mát dịu. Chỉ có những lúc này, con người ta mới tìm được cái cảm giác thoải mái trong tâm hồn để mà mơ tưởng, thả những ước mơ bay cao, bay xa, những hoài bão một thời đóng kín hoặc bị quên lãng bởi bao bộn bề cuộc sống. Cái cảm giác được làm con trẻ thật tuyệt vời, vô tư, hồn nhiên, nhìn cuộc sống trôi qua mỗi ngày bằng sự tò mò thích thú, và mỗi khoảnh khắc qua đi lại có biết bao điều kỳ diệu lại đến bên mình. Mỗi người, dù muốn hay không, cũng phải đi qua cái thời con trẻ. Khoảng thời gian đó tuy ngắn ngủi nhưng lại quí giá vô cùng bởi nó biết khắc ghi trong tim mỗi người biết bao kỷ niệm, theo tôi, có lẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong một đời người, nó giống như những trang giấy trắng thơm tho mùi mực tím của một thời học trò, cắp sách đến trường với những tiếng cười vô tư cùng bạn bè, những kỷ niệm không thể nào quên của những ngày đầu hạ dưới bóng phượng hồng rực rỡ màu hoa trong tiếng ve kêu inh ỏi khắp bốn phương trời. Ôi cái thời làm con trẻ…

–          Nhìn xa kia, Nhím có thấy gì không?

–          Thấy gì hả chú?

–          Ờ, những chiếc thuyền ngoài khơi.

–          Có, Nhím có thấy, nó có to không chú?

–          To chứ, ở ngoài đó vui lắm!

–          Sao lại vui ạ?

–          Mình sẽ thấy biển rộng hơn, thấy trời lớn hơn

–          Ờ hé, vậy hôm nào mình ra ngoài đó được không chú?

–          Đâu dễ, ra ngoài đó dễ say sóng, mệt lắm.

–          Nhưng nếu ra được ngoài đó thì sướng lắm chú nhỉ?

–          Ờ, mình sẽ thấy biển rất đẹp, dưới nước là cả một thế giới đầy tôm cá, khi ở giữa biển mới biết đất đai mình ở rất nhỏ bé, so với biển chẳng là cái gì cả.

oneway1

Chúng tôi lại ngồi nhìn ra biển xa, không biết Nhím có nghĩ gì nhiều không, còn đối với tôi, biển cũng là một trang nhật ký của riêng tôi, nhìn biển, tôi lại nhớ đến những tháng ngày qua, dù có khi đã rất xa mà lại tưởng như là mới hôm qua đây. Biển cũng có những tháng ngày mưa nắng, bão bùng, và cũng có những giây phút bình an, tĩnh lặng. Con người, dù có thế nào đi nữa, khi đứng trước biển cũng trở thành nhỏ bé vô cùng, cũng cần một cảm giác yêu thương, che chở, cũng cần một sự kết nối tình yêu giữa hai tâm hồn, chính sự kết nối bền chặc như vậy sẽ làm cho họ mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn. Có những người đến với biển để nhớ lại những cung bậc tình yêu đã một thời xao xuyến con tim, có những người đến với biển để hoài niệm những bóng hình yêu dấu mãi không thể xóa mờ của thời xa vắng, cũng có những người đến với biển để chiêm nghiệm lại cuộc đời, như một bài ca vĩnh cửu về tình yêu, như là một động lực để con người bước tiếp những chặng đường dù gian nan, thử thách luôn đón chờ…

Nhím bỗng kề tai tôi nói nhỏ:

–          Nhím nói cái này, bí mật lắm, chú không được nói với ai nhe!

Tôi cười, nhìn cái vẻ thích thú của cô bé, tôi cũng tò mò:

–          Ờ, nói đi!

–          Nhà Nhím có một “Xứ giả tình yêu”.

–          Sứ giả tình yêu chứ!

–          Dạ, sứ giả tình yêu.

–          Sao Nhím biết?

–          Nhím nghe ba mẹ nói.

–          Ờ, mà nói khi nào vậy?

–          Nhím kể cho chú nghe nhé, tối đó, khi ba mẹ bồng Nhím lên giường ngủ, Nhím buồn ngủ ghê lắm rồi, nhưng cũng nghe ba mẹ nói: “Cám ơn sứ giả tình yêu nhe!!!”, “Sứ giả tình yêu dễ thương quá!”…

Tôi chợt hiểu được một phần nào câu chuyện.

–          Nè chú, sứ giả tình yêu dễ thương lắm hả chú?

–          Ờ, đã là sứ giả tình yêu thì phải dễ thương chứ.

–          Mà sứ giả tình yêu thì làm cái gì hả chú?

–          Làm gì hả, tôi nghĩ một chút, thì sứ giả là người đem đến tin vui cho người này, người kia…, nói chung là sứ giả tình yêu có nhiệm vụ là nối tình yêu của mọi người lại với nhau.

–          Sứ giả tình yêu ngon vậy sao chú?

–          Chứ sao. Nếu Chúa Giê-xu là sứ giả tình yêu của Đức Chúa Trời với con người, thì sứ giả tình yêu của nhà Nhím cũng vậy, giúp cho mọi người trong nhà yêu thương nhau nhiều hơn.

–          Ồ, vậy nhà Nhím vui quá chú nhỉ!

–          Ờ, vì sứ giả tình yêu là con Chúa mà.

–          Vậy sứ giả tình yêu có giống con người không chú?

–          Giống chứ, sứ giả cũng có khi thế này, thế kia, cũng lớn lên, cũng đi học, mà học rất giỏi…

–          Vậy sứ giả tình yêu có già không chú?

–          Có chứ. Khi lớn lên, những người cần được kết nối tình yêu đã đi rất xa, sứ giả tình yêu lại cần một sứ giả nhỏ khác để kết nối tình yêu của mình với người khác, lúc đó sứ giả tình yêu mới hiểu ra rằng trước đây mình cũng là một sứ giả tình yêu tuyệt vời.

–          Nhím thích sứ giả tình yêu quá. Vậy chú có sứ giả tình yêu không?

–          Có chứ, nhưng sứ giả tình yêu của chú đã bỏ đi từ lâu rồi.

–          Sao vậy chú?

–          Chắc Chúa cho rằng sứ giả tình yêu đã hoàn thành nhiệm vụ ở gia đình chú nên đem sứ giả đi để làm chuyện khác.

–          Vậy chú nhớ sứ giả tình yêu của chú nhiều không?

–          Nhớ chứ, sứ giả tình yêu dù chỉ ở cùng cô chú có 6 năm thôi, nhưng bao giờ chú cũng nhớ đến…

–          Rồi chú có gặp lại không?

–          Bình thường thì không gặp, nhưng những lúc nào nhớ thì chú gặp nhiều lắm, sứ giả tình yêu của chú vẫn như ngày nào, vẫn dễ thương, nhí nhảnh, ngoan hiền…

–          Ồ, vui quá, Nhím gởi lời thăm sứ giả tình yêu của chú nhe.

–          Ờ, tôi gật đầu mà rưng rưng nước mắt.

oneway3

Có lẽ Ta Ni giờ này cũng rất vui vì cho dù xa cách nhưng những gì Ta Ni để lại cho chúng tôi thật tuyệt vời, cuộc sống của chúng tôi đã có những phút giây hạnh phúc, và có lẽ cái khoảnh khắc đó sẽ còn mãi mãi vì cho dù thời gian có trôi qua, Ta Ni cũng vẫn là sứ giả tình yêu của gia đình chúng tôi. Ba nhớ con lắm, Ta Ni bé bỏng của ba!!!

Vũ Hướng Dương.

Bài vở cộng tác xin gởi về: [email protected]


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *