Sự khoan dung độc hại: Lời cảnh báo của Chúa Jêsus đối với Hội thánh của Ngài (Phần 1)

Oneway.vn – Hội Thánh đó đang phát triển trong tình yêu thương, tuyên xưng Đấng Christ giữa thế gian, nhưng lại đối mặt với cám dỗ phục vụ xác thịt và áp lực xã hội từ thế giới không tin Chúa xung quanh họ.

Chúng ta hãy cùng suy ngẫm bức thư gửi cho Hội Thánh nhỏ nhất và “kém quan trọng” nhất trong số bảy Hội Thánh (Khải Huyền 2–3). Người ta không biết nhiều về Thi-a-ti-rơ vì có quá ít thông tin đề cập đến Hội Thánh này. Tuy nhiên, đây lại là thư dài nhất trong bảy bức thư. Vậy nên, đừng cho rằng “nhỏ” có nghĩa là không đáng kể, hoặc không đáng được chú ý cẩn thận.

Đây là bức thư thứ tư, giữ vị trí trung tâm trong số bảy bức thư – điều này chứng tỏ đây là trọng tâm của thông điệp gửi đến bảy Hội Thánh. Đây là cấu trúc bảy vòng tròn đồng tâm: Hội Thánh đầu tiên và Hội Thánh cuối cùng là yếu đuối nhất; Hội Thánh thứ hai và thứ sáu có vẻ mạnh mẽ nhất; ba Hội Thánh ở giữa thì vừa mạnh vừa yếu. Trước tiên, Chúa có lời khen dành cho Thi-a-ti-rơ, sau đó là lời quở trách. 

Theo một học giả, “Cả bảy bức thư đều nói về lòng trung thành với Đấng Christ giữa một nền văn hóa ngoại đạo lăm le đe dọa”. Điều này đặc biệt rõ ràng với Thi-a-ti-rơ. Đây là kiểu Hội Thánh dễ thỏa hiệp với xã hội – dễ dung túng cho tội lỗi mặc dù điều đó là không nên. Đây là một Hội Thánh yêu thương và giữ vị trí đáng ngưỡng mộ giữa thế gian, nhưng lại có nguy cơ hòa lẫn với thế gian. 

Chúa Jêsus nói trong câu 19: “Ta biết công việc của con”. Câu 20: “Nhưng có điều Ta trách con”. Câu 23: “Ta là Đấng dò biết lòng dạ loài người”. Câu 25: “cho tới khi Ta đến”. Hãy xem Chúa Jêsus đã nói gì với Hội Thánh này: khen ngợi, cảnh báo và lời hứa.

1. Khen ngợi: Chúa Jêsus khen ngợi Hội Thánh phát triển trong tình yêu thương.

“Ta biết công việc của con, lòng yêu thương, đức tin, sự phục vụ và sự nhẫn nhục của con; các công việc sau nầy của con nhiều hơn những công việc ban đầu” (Khải Huyền 2:19).

Hội Thánh này có một khởi đầu tốt đẹp. Họ đã tiến bộ theo thời gian. Công việc sau tốt hơn công việc trước. Không chỉ những Cơ Đốc nhân riêng lẻ, cả Hội Thánh đều phát triển và trưởng thành.

Cầu xin Chúa giúp Hội Thánh chúng ta cũng làm được điều này. Giống như Thi-a-ti-rơ, nguyện công việc sau của chúng ta sẽ vượt trội hơn công việc trước. Rằng chúng ta sẽ lớn lên trong tình yêu thương, không thoái lui, với tinh thần phục vụ dành cho người lân cận và thành phố chúng ta, cùng những hành động yêu thương thiết thực nhằm đáp ứng những nhu cầu mọi người, nhân danh Chúa Jêsus.

Đấng Christ tiếp tục khen ngợi họ trong các câu 24–25. Một số người đang mắc lỗi, có thể là các lãnh đạo, nhưng những người khác thì không thỏa hiệp. Có những Cơ Đốc nhân tốt, trung thành, không khoan nhượng trong Hội Thánh này. Chúa Jêsus đã giữ gìn họ khỏi ô uế như Hội Thánh họ. Thánh Linh Chúa bảo vệ họ cách mạnh mẽ, ngay cả khi lãnh đạo của họ đang sai trật. Câu 24–25:

“Nhưng Ta nói với những người còn lại của các con tại Thi-a-ti-rơ, là những người không nhận giáo lý đó, không biết đến điều mà họ gọi là những sự thâm hiểm của Sa-tan, rằng: Ta không đặt trên các con gánh nặng nào khác. Tuy nhiên, các con chỉ cần giữ vững điều mình có cho tới khi Ta đến”.

Trước tiên, Đấng Christ khen ngợi Hội Thánh Thi-a-ti-rơ vì những công việc tốt lành và hành động yêu thương của họ. Thật tuyệt vì đây là một Hội Thánh yêu thương. Có những người tốt, trung thành trong Hội Thánh, ngay cả khi ban lãnh đạo đang đi sai trật. Không nên cho rằng tất cả tín đồ trong Hội Thánh cũng thỏa hiệp với người lãnh đạo của họ. Hội Thánh này quan tâm đến nhu cầu của người khác, cố gắng đáp ứng nhu cầu thiết thực. Trong khi Hội Thánh Ê-phê-sô đã làm tốt khi vượt qua các chủ nghĩa giáo lý, nhưng lại thất bại trong việc bày tỏ tình yêu thực tế (2:1–7), thì Hội Thánh ở Thi-a-ti-rơ lại mạnh mẽ trong mục vụ yêu thương và chăm sóc những người yếu đuối.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, đừng cho rằng tất cả đều ổn chỉ vì Hội Thánh đang hoạt động tốt trong cộng đồng. Chúa Jêsus khen Hội Thánh này phát triển trong tình yêu thương, nhưng ngài sửa chữa sự thỏa hiệp của họ.

2. Cảnh báo: Chúa Jêsus phơi bày hành động dung túng sai lầm.

“Nhưng có điều Ta trách con, ấy là con dung túng cho Giê-sa-bên, người phụ nữ tự xưng mình là nhà tiên tri, dạy dỗ và quyến dụ các đầy tớ Ta phạm tội gian dâm và ăn của cúng thần tượng. Ta đã cho người nữ nầy thì giờ để ăn năn, nhưng nó không muốn ăn năn điều gian dâm của nó. Nầy, Ta sẽ ném nó trên giường bệnh, và ném những kẻ phạm tội gian dâm với nó vào hoạn nạn lớn, nếu nó không ăn năn những việc làm của mình. Ta sẽ đánh chết các con của nó. Lúc ấy, tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò biết lòng dạ loài người; Ta sẽ báo trả cho mỗi người trong các con tùy những công việc của các con” (Khải Huyền 2:20–23)

Vấn đề nằm ở đây: “Con dung túng cho Giê-sa-bên“. Bản thân sự dung túng, hay “khoan dung”, không nhất thiết là một vấn đề. Khoan dung có thể rất tốt nếu như được đặt đúng chỗ. Nhưng khoan dung cũng có thể rất xấu, trở thành kiểu dung túng thỏa hiệp chết người, nếu như được đặt không đúng chỗ.

Trong xã hội, khoan dung là cho phép những người có niềm tin tôn giáo khác nhau sống với nhau trong hòa bình và tôn trọng nhau như con người. Cơ Đốc nhân ủng hộ khoan dung tôn giáo: thành phố, nhà nước hoặc quốc gia không xử phạt hoặc phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo của công dân (trừ khi niềm tin đó gây tổn hại về thể chất cho người khác).

Nhưng Hội Thánh thì khác. Một số người trong Hội Thánh ở Thi-a-ti-rơ đang đặt lòng khoan dung ở sai chỗ. Họ có thể bao dung chấp nhận những quan điểm khác nhau trong thành phố. Họ là những người con người hăng hái đóng góp và tham gia vào nền văn hóa. Họ đang thực hiện những hành động yêu thương ở Thi-a-ti-rơ. Nhưng trong tình yêu rộng rãi, không phân biệt với thế giới, họ đã trở nên thiếu quan tâm đối với chính Hội Thánh mình – điều rất dễ xảy ra trong các Hội Thánh khoan dung rộng rãi. 

Dung túng tội lỗi

Trong nhà Đức Chúa Trời, họ đang dung túng Giê-sa-bên, “người phụ nữ tự xưng mình là nhà tiên tri, dạy dỗ và quyến dụ các đầy tớ Ta phạm tội gian dâm” – có thể là tà dâm theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng, hoặc cả hai.

Giê-sa-bên này tuyên xưng đức tin Cơ Đốc và đang giảng dạy trong Hội Thánh. Tên Giê-sa-bên ở đây là biểu tượng cho sự gian ác, ám chỉ một trong những nhân vật xấu xa nhất trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Vào thời tiên tri Ê-li, A-háp là vị vua gian ác nhất của Y-sơ-ra-ên cho đến thời điểm đó. Ông ta đã làm điều ác khi lấy con gái vua Si-đôn là Giê-sa-bên làm vợ (1 Các Vua 16:31). Đó là một cuộc hôn nhân thỏa hiệp: Bà ta thờ thần Ba-anh, và một khi A-háp cưới bà, ông ta cũng sẽ sớm như vậy. Giê-sa-bên đã sử dụng quyền lực nữ hoàng để giết các tiên tri chân chính của Đức Chúa Trời (1 Các Vua 18:4,13), và đe dọa giết cả Ê-li (1 Các Vua 19:2). 1 Các Vua 21:25 cho biết bà đã xúi giục A-háp làm điều ác.

Cuối cùng, A-háp và Giê-sa-bên không thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã báo Giê-sa-bên về huyết của các tiên tri Ngài (2 Các Vua 9:7), Giê-sa-bên bị ném ra ngoài cửa sổ, bị dẫm đạp dưới chân, và bị chó ăn thịt giống như Ê-li đã nói tiên tri (1 Các Vua 21:23; 2 Các Vua 9:36).

Người được gọi là Giê-sa-bên ở Thi-a-ti-rơ cũng là một phụ nữ. Mặc dù Giê-sa-bên không phải là vua, nhưng bà đã xúi giục người chồng nhu nhược của mình làm điều ác. Chồng bà chiều theo lòng bà. Có lẽ sự xúi giục tương tự đã xảy ra ở Thi-a-ti-rơ, và các nhà lãnh đạo đã dung túng và chiều lòng người này, bởi vì đó là một phụ nữ, thậm chí có thể là vợ của một trong số họ.

Người phụ nữ này đang quyến dụ một số người trong Hội Thánh “phạm tội gian dâm và ăn của cúng thần tượng” (Khải Huyền 2:20). Đây cũng là hai sự cám dỗ đề cập trong thư gửi Hội Thánh Bẹt-găm: “ăn của cúng thần tượng và phạm tội gian dâm”(2:14).

Đây là hai sự thỏa hiệp văn hóa-xã hội lớn nhất đương thời. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15, tại hội đồng Giê-ru-sa-lem, khi các sứ đồ và trưởng lão đồng ý rằng Cơ Đốc nhân ngoại bang không cần phải sống theo luật pháp Cựu Ước, họ nhấn mạnh rằng:

“Vì Đức Thánh Linh và chúng tôi đã đồng ý rằng chẳng nên chất thêm gánh nặng cho anh em, ngoại trừ những điều cần yếu nầy: Phải kiêng của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngạt, và chớ gian dâm. Anh em giữ mọi điều ấy là tốt. Kính chào tạm biệt!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28–29)

Thi-a-ti-rơ đang phải đối mặt với những cám dỗ đặc trưng của thời đại. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên với một Hội Thánh như vậy: họ đang phát triển trong tình yêu thương, tuyên xưng Đấng Christ giữa thế gian, nhưng lại đối mặt với cám dỗ phục vụ xác thịt và áp lực xã hội từ thế giới không tin Chúa xung quanh họ.

(Còn tiếp…)

Bài: David Mathis; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *