Oneway.vn – Đấng Christ kiên nhẫn. Nhưng không phải là vô thời hạn. Vào đúng lúc, Ngài sẽ thực thi công lý thích đáng.
1. Thỏa hiệp với thế gian
Mọi thế hệ Cơ Đốc nhân đều phải đối mặt với câu hỏi: giữa nền văn hóa đương thời, điều gì nên chấp nhận và điều gì nên từ chối. Thách thức này ngày càng khó khăn hơn. Thế giới ngày nay phức tạp hơn gấp nhiều lần so với các thành phố lớn nhất cách đây hai nghìn năm – huống chi một thị trấn nhỏ như Thi-a-ti-rơ. Các công cụ và công nghệ giao tiếp kết nối chúng ta với mọi người, với những ý tưởng và thách thức ở rất xa – đó là lý do tại sao chúng ta cần nhau, cần sự dạy dỗ trung thành của Hội Thánh để có thể sáng suốt. Giữa vòng xoáy cám dỗ liên tục ngày nay, cả hai vấn đề này đều có liên quan đến chúng ta – một trực tiếp, một gián tiếp.
Hãy xem xét thực tế tình trạng gian dâm ngày nay, từ cách ăn mặc gợi cảm, cho đến truyền thông và nội dung khiêu dâm, những đòi hỏi khi hẹn hò và đính hôn, cho đến các vấn đề đồng tính và chuyển giới.
Còn việc ăn của cúng thần tượng? Ở Thi-a-ti-rơ, việc không ăn thịt đã dọn trước mặt có thể khiến bạn mất việc. Song hành với tôn giáo là áp lực kinh tế. Và chúng ta bị cám dỗ đến mức nào khi phải thỏa hiệp theo những gì xã hội đang bày ra trước mắt? Có thể là do áp lực công việc, hoặc hình thức giải trí, hoặc những kỳ vọng chính trị của chúng ta.
Hãy tự hỏi bản thân: Điều gì ngày nay khiến tội lỗi trông thật bình thường và sự công bình trở nên kỳ lạ? Trong phim, trên truyền hình, trong thể thao, hoặc các cuộc trò chuyện xã giao?
Vấn đề của Hội Thánh Thi-a-ti-rơ là thỏa hiệp với thế gian. Điều đặc biệt nguy hiểm khi có người trong Hội Thánh đang xúi giục những hành động thỏa hiệp tinh vi. Có lẽ bà ta gọi đó là “những điều sâu xa của Chúa”. Tương đương với “những sự thâm hiểm của Sa-tan” mà Chúa Jêsus nói trong câu 24.
2. Lòng công bình kiên nhẫn
Chúa Jêsus phản ứng như thế nào trước sự thỏa hiệp này – thần học sai trật của Giê-sa-bên, và sự dung thứ thỏa hiệp của Hội Thánh? Câu 21 và 22 đưa ra hai câu trả lời:
Đầu tiên là lòng kiên nhẫn. Câu 21: “Ta đã cho người nữ nầy thì giờ để ăn năn”. Chúa Jêsus không vội phán xét. Ngài cho thời gian để ăn năn – thật kiên nhẫn tuyệt vời! Và nếu Ngài cho thời gian để ăn năn, thì chúng ta nên làm gì? Leon Morris nói: “Thật tuyệt vời làm sao, Chúa Jêsus “vẫn còn hy vọng về lòng thương xót. Sách Khải Huyền tràn ngập những phán xét nghiêm khắc, nhưng luôn có hy vọng cứu rỗi cho những ai ăn năn” (Khải Huyền, 72). Đừng nhầm lẫn giữa lòng kiên nhẫn với sự thỏa hiệp. Kiên nhẫn không phải là vô thời hạn.
Thứ hai là công lý của Đấng Christ – không bao giờ vô cớ hay quá trớn. Câu 22–23: “Nầy, Ta sẽ ném nó trên giường bệnh, và ném những kẻ phạm tội gian dâm với nó vào hoạn nạn lớn, nếu nó không ăn năn những việc làm của mình. Ta sẽ đánh chết các con của nó”. Nói cách khác, hình phạt sẽ thích đáng với tội danh. Hậu quả của giường dâm dục chính là giường bệnh. Giống như Ha-man bị treo cổ ngay trên giá treo mà chính hắn đã chuẩn bị trong Ê-xơ-tê 7:9–10. Hay như Thi Thiên 7:15–16: “Hắn đào hầm, đào hố nhưng lại té xuống hố đã đào. Tội ác hắn đổ lại trên đầu hắn. Và sự bạo hành giáng trên trán hắn” (xin xem Thi Thiên 9:15 và 10:2).
Đấng Christ kiên nhẫn. Nhưng không phải là vô thời hạn. Vào đúng lúc, Ngài sẽ thực thi công lý thích đáng. Điều đó dẫn đến thông điệp cuối cùng Ngài dành Hội Thánh này.
3. Lời hứa: Chúa Jêsus hứa sẽ ban Sao Mai cho dân Ngài.
Phần tuyệt vời nhất là hai lời hứa trong các câu 26–28. Bạn có tin những gì Chúa Jêsus hứa với Hội Thánh Ngài trong bảy bức thư này không? Ê-phê-sô: “ăn trái cây sự sống”. Si-miệc-nơ: “không bị hại bởi sự chết thứ hai”. Bẹt-găm: “ma-na đang giấu kín” và “một viên sỏi trắng”. Và bây giờ Thi-a-ti-rơ, có lẽ là điều tốt nhất, cùng với Lao-đi-xê: (“Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta”). Câu 26–27:
“Người nào thắng và giữ các công việc của Ta” (trái ngược với “những việc làm của mình” trong câu 22) cho đến cuối cùng thì Ta sẽ ban cho người ấy thẩm quyền trên các nước; người ấy sẽ cai trị các nước bằng một cây gậy sắt, và đập vỡ chúng như đồ gốm, cũng như Ta đã nhận thẩm quyền ấy từ Cha Ta”.
Chúa Jêsus được Đức Chúa Cha trao quyền cai trị các nước. Và cuối cùng, Ngài sẽ trao quyền đó cho con dân Ngài. Không chỉ Chúa Jêsus là Vua trên muôn nước và cai trị mọi dân tộc, mà con dân Ngài cũng sẽ đồng trị vì với Ngài. Cuối cùng, câu 28 mang đến điều tốt nhất:
“Ta sẽ ban cho người ấy ngôi sao mai”.
Điều đó có nghĩa là gì trên thế gian này? Hành tinh Sao Kim từ lâu được gọi là sao mai, vì nó xuất hiện trên đường chân trời ngay trước mặt trời. Sao Kim gần mặt trời hơn Trái Đất, và quay quanh mặt trời. Vì vậy, khi nhìn thấy sao Kim, bạn biết mặt trời ở phía sau không xa; sẽ không lâu nữa trước khi mặt trời xuất hiện trên đường chân trời. Ánh dương sắp sửa chiếu rọi. Vì vậy, sao mai tượng trưng cho hy vọng về một ngày mới, và bóng tối sẽ sớm lụi tàn. Nhưng việc nhận được ngôi sao mai có nghĩa là gì?
Sao Mai rất ít được đề cập trong Kinh Thánh, chỉ được nhắc đến trong sách Khải Huyền, nên đây là một món quà vô cùng đặc biệt. Khải Huyền 22:16: “Ta là Jêsus, đã sai thiên sứ Ta đến để làm chứng những điều nầy cho các con trước mặt các Hội Thánh. Ta là Cội Rễ và Hậu Tự của Đa-vít, là Sao Mai sáng chói”.
Sao mai là chính Đấng Christ. Đó là ơn phước tuyệt vời nhất mà Ngài có thể hứa với Hội Thánh. Chính Ngài sẽ được ban cho chúng ta. Chúng ta sẽ được gặp Ngài trực tiếp. Chúng ta sẽ thuộc về Ngài, và Ngài thuộc về chúng ta.
Phần thưởng cuối cùng của chúng ta là được ở với Chúa đời đời.
Bài: David Mathis; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: desiringgod.org)
Xem thêm: Sự khoan dung độc hại: Lời cảnh báo của Chúa Jêsus đối với Hội thánh của Ngài (Phần 1)
Leave a Reply