Sự thăng thiên của Chúa Jêsus

Oneway.vn – Đây có lẽ là giáo lý quan trọng nhất bạn chưa bao giờ nghĩ đến. 

Điều này ở trong Kinh Thánh và cũng ngay trong bài tín điều các sứ đồ. Năm nay Hội Thánh Chúa kỷ niệm Lễ Thăng thiên vào ngày 21 tháng 5.

Sự thăng thiên của Chúa Jêsus được nói đến trong Lu-ca 24:50-51, Công-vụ 1:9-11. 

Phải chăng chúng ta thường phớt lờ sự thăng thiên của Chúa, điều này dường như bị mờ đi trước thập tự giá và sự phục sinh của Đấng Christ?

Hoặc chúng ta hơi ngượng nghịu trước câu chuyện nghe có vẻ như một siêu nhân bay vào không trung. Bất kể lý do là gì, dường như chúng ta không hoàn toàn đánh giá cao những gì sự thăng thiên của Chúa Jêsus cả trong lịch sử cứu rỗi lẫn trong những trải nghiệm Cơ Đốc.

Dưới đây là bốn lý do vì sao giáo lý về sự thăng thiên quan trọng với chúng ta.   

  1. Sự thăng thiên giải thích về sự vô hình của Chúa Jêsus

Nếu Chúa Jêsus đã chết, sự vắng mặt của Chúa là điều không cần giải thích (Chẳng ai trong chúng ta tự hỏi vì sao chúng ta chưa bao giờ thấy sứ đồ Phi-e-rơ, Phao-lô hay hoàng đế Sê-sa La-mã). Tuy nhiên, Chúa Jêsus không giống như vậy. 

Chúng ta thờ phượng và yêu mến một Đấng chúng ta chưa từng thấy. Và không chỉ đối những tín hữu ở thế kỷ 21, các Cơ Đốc nhân ở thế kỷ đầu tiên cũng vậy. Như sứ đồ Phi-e-rơ đã viết thư cho các Hội Thánh vùng Tiếu Á rằng: “Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài.” (I Phi-e-rơ 1:8)

Sự buồn vui xen lẫn này rõ đến mức chúng ta xem đó như điều hiển nhiên. Và nếu không có sự thăng thiên, mọi thứ sẽ mập mờ.

Chúa Jêsus luôn hiện diện và sống động, hơn cả khi Ngài khiến La-xa-rơ sống lại cách đây hơn 2000 năm. 

Sự thăng thiên đã đem đến những trạng thái vui buồn mà nhiều Cơ Đốc nhân trên đất từng trải nghiệm trong gần hai thiên niên kỷ qua: đó là việc ở trong thân thể vật lý này và xa cách Chúa (II Cô-rinh-tô 5:6-9). Dĩ nhiên, Cơ Đốc nhân luôn kinh nghiệm điều quan trọng rằng Chúa Jêsus vẫn hằng ở cùng (Ma-thi-ơ 18:20, 28:20), nhưng điều này chưa phải là sự hiểu biết đầy đủ và cuối cùng. Cũng giống như thiên sứ đã chỉ vào ngôi mộ trống và nói: “Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi” (Ma-thi-ơ 28:6), chúng ta cũng có thể chỉ vào toàn thế gian này và nói rằng “Ngài không ở đây đâu, Ngài đã thăng thiên rồi”.           

  1. Sự thăng thiên chứng minh  Chúa Jêsus đang ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Cha 

Sự thăng thiên không chỉ nói về những gì Chúa Jêsus đã để lại, nhưng Ngài đã đi đâu và tại sao.

Tôi gọi nó như “sự buồn vui lẫn lộn” và nhấn mạnh vào phần buồn. Nhưng sự thăng thiên cũng nên là sự ngọt ngào với những ai yêu mến Ngài. Sự thăng thiên nghĩa là Chúa Jêsus đang trở về nhà. Ngài trở về với Đức Chúa Cha. Trở về với nơi Ngài đã ngự trong tình yêu vinh quang đời đời (Giăng 1:1,18; 13:1; 17:5,11,13,23) – và giờ đây Ngài sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ (Khải-huyền 1:8). 

Tuy nhiên, sự thăng thiên không chỉ đơn giản là Chúa Jêsus trở về nhà; đó là Chúa Jêsus được ngồi trên ngai ngự trị. Kinh Thánh liên tục nói về cái kết của sự thăng thiên với việc Chúa Jêsus “hiện đang ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Xem Thi-thiên 110:1, Công-vụ 2:33-34, Ê-phê-sô 1:20, I Phi-e-rơ 3:22). Và đây không phải là nơi toạ bình thường. Vì Chúa Jêsus đã bảo cùng Hội  Thánh Lao-đi-xê rằng, “… Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai của Ngài”.

Thật vậy, sự thăng thiên không chỉ đơn thuần là Chúa Jêsus trở về Nhà, mà là Chúa Jêsus hiện đang ngự trị trên ngôi. 

Chúa Jêsus đã chiến thắng như thế nào? Bằng cách chịu chết và sống lại.

Khải-huyền 5:5-6 cho chúng ta biết Sư tử của bộ tộc Giu-đa đã đắc thắng cũng là Chiên Con đã bị giết, nhưng hiện đang ngự giữa ngai vinh quang. Sự mô tả về việc Chiên Con ở đây không có nghĩa mâu thuẫn với nhiều sự tham khảo khác rằng Chúa Jêsus đang ngồi trên ngai, nhưng đúng hơn, điều này có ý nghĩa Chúa Jêsus vẫn hằng sống, bởi lẽ những con chiên bị giết thì thường không đứng được.

Bởi sự thăng thiên Chúa Jêsus mà sứ đồ Giăng đã thấy Ngài đang đứng giữa ngai trên trời, được vây quanh bởi các trưởng lão, các sinh vật, các thánh, tất cả đều hát ngợi khen Ngài và Đức Chúa Cha (Khải-huyền 5:6-14).     

Đây là thông điệp của hầu hết đoạn Kinh Thánh Cựu Ước thường được trích dẫn trong Tân Ước, Thi-thiên 110:1 chép rằng: “Đức Giê-hô-va phán với Chúa của con rằng: “Hãy ngồi bên phải Ta cho đến khi Ta đặt các kẻ thù của Con làm bệ chân cho Con.” Và sự thăng thiên là cách Ngài đã đến đó (Công-vụ 2:33-34). Đó là những gì đã tôn Ngài làm vua, “cai trị giữa các thù địch mình” (Thi-thiên 110:1).

  1. Sự thăng thiên tiếp tục chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Chúa Jêsus đối với chúng ta

Tuy nhiên như Thi-thiên 110 cho chúng ta biết rõ sự thăng thiên cũng khởi đầu chức vụ thầy tế lễ đời đời của Chúa Jêsus (câu 4). Lẽ thường, khi nghĩ về chức vụ thầy tế lễ của Chúa Jêsus, chúng ta nghĩ đến việc Ngài dâng chính mình làm của lễ chuộc tội trên thập tự giá. Dĩ nhiên điều đó đúng. Thập tự giá là điều quan trọng trước nhất (I Cô-rinh-tô 15:3-4). Đó là nơi Chúa Jêsus đã nói rằng: “Mọi sự đã được trọn” (Giăng 19:30).

Tuy nhiên, chúng ta không được hiểu “mọi sự đã được trọn” nghĩa là sự cứu rỗi đã toàn vẹn và không còn điều nào cần cho chúng ta để được cứu rỗi. Chẳng hạn như, nếu Đấng Christ không sống lại, điều duy nhất “hoàn tất” đã không dành cho chúng ta (I Cô-rinh-tô 15:14-19). Không! Mặc dù mọi sự đoán phạt vì cớ tội lỗi của chúng ta đã được trả trên thập tự, nhưng chức vụ thầy tế lễ của Đấng Christ không kết thúc ở đó.

Điều này vẫn tiếp tục trên Thiên đàng, nơi Đấng Christ “thay cho chúng ta đến trước mặt Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 9:24). Sự bước vào nơi chí thánh của Chúa Jêsus để cầu thay cho chúng ta được minh chứng bởi sự hy sinh của Ngài trên thập tự, như Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 9:12 chép rằng: “Ngài đã bước vào nơi Chí Thánh… dùng chính huyết mình để đem đến sự cứu chuộc đời đời cho chúng ta”. Hãy lưu ý điều này: Sự cứu chuộc vĩnh cửu của chúng ta được đảm bảo không chỉ đơn giản qua sự chết của Chúa Jêsus mà còn qua việc Ngài bước vào thiên đàng bởi chính huyết báu của Ngài. 

Rốt lại, nếu không có sự thăng thiên, thì không có sự cứu rỗi. 

Đó là lý do tại sao Tiến sĩ Thần học Robert Peterson đề cập đến sự thăng thiên như “điều mấu chốt vĩ đại trong công việc cứu rỗi của Đấng Christ” – bởi lẽ sự thăng thiên tạo ra sự chuyển đổi chức vụ của Chúa Jêsus trên đất sang chức vụ đời đời trên thiên đàng. Nếu không có “điểm chốt” này thì các bánh xe sẽ trượt khỏi sự cứu rỗi dành cho chúng ta. 

Thực tế Chúa Jêsus đã thăng thiên về trời và ngồi trên ngai được xem là bằng chứng cho thấy công việc trên thập tự của Chúa Jêsus đã thành công.

Tuy vậy, sự thăng thiên không làm suy giảm tầm quan trọng về thập tự giá và sự phục sinh của Chúa Jêsus trong việc hoàn thành sự cứu chuộc. Mặt khác, đây là một sự mở rộng thiết yếu trong việc bày tỏ sự cứu rỗi. Lý do Chúa Jêsus cứu chúng ta trọn vẹn không chỉ vì Ngài đã chết nhưng bởi Ngài luôn sống để cầu thay cho chúng ta trên thiên đàng (Hê-bơ-rơ 7:23-24). Thật vậy, việc Chúa Jêsus đã thăng thiên về trời và ngồi trên ngai được xem là bằng chứng cho thấy công việc trên thập tự của Chúa Jêsus đã thành công.

Như Lời Chúa chép rằng: “Mỗi thầy tế lễ hằng ngày đứng phục vụ và thường xuyên dâng cùng một loại sinh tế, là điều không bao giờ có thể cất tội lỗi đi được. Nhưng Đấng Christ đã vì tội lỗi dâng một sinh tế chuộc tội duy nhất và đời đời, rồi ngồi bên phải Đức Chúa Trời; và từ đó, Ngài chờ đợi cho đến khi những kẻ thù của Ngài bị đặt làm bệ cho chân Ngài. Vì nhờ một sinh tế duy nhất, Ngài làm cho những người được thánh hóa trở nên toàn hảo mãi mãi.” (Hê-bơ-rơ 10:11-14)

Đó là lý do tại sao chúng ta có thể “giữ vững những điều chúng ta xưng nhận” – vì chúng ta không chỉ có một thầy tế lễ thượng phẩm chịu chết trên thập tự giá mà chúng ta còn có “một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại đã vượt qua các tầng trời” (Hê-bơ-rơ 4:14).

  1. Sự thăng thiên đóng vai trò là bệ phóng cho sự chiến thắng và trở lại của Chúa Jêsus

Vào Lễ Ngũ tuần, khi Ngài tuôn đổ Thánh Linh Ngài và bắt đầu giải phóng mọi dân tộc. Theo Chúa Jêsus, đây là một trong những mục đích chính của sự thăng thiên, như lời Ngài đã phán: “Ta đi là ích lợi cho các con. Vì nếu Ta không đi thì Đấng An Ủi sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến.” (Giăng 16:7).

Tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc được cứu chuộc; giờ đây họ phải nhóm họp lại và dĩ nhiên chúng ta không thể làm điều đó một mình. Đó là công việc của Đức Thánh Linh.

Đức Thánh linh được ban xuống thì Đại mạng lệnh mới có thể tiến tới, và Chúa Jêsus thăng thiên thì Ngài mới có thể ban Đức Thánh Linh (Lu-ca 24:49, Giăng 7:39). Chỉ đến lúc đó, “khi đã được tôn cao ở bên phải Đức Chúa Trời và đã nhận lãnh lời hứa về Đức Thánh Linh từ nơi Cha, Ngài đổ Đức Thánh Linh ra như anh em đang thấy và nghe.” (Công-vụ 2:33)

Là một ngôi trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Đức Thánh Linh –  Đấng đại diện Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con ở trong chúng ta, nên điều này đồng nghĩa với việc Chúa Jêsus ở cùng chúng ta thậm chí ngay lúc này (Rô-ma 8:9-10, II Cô-rinh-tô 3:17, Ga-la-ti 4:6).

Đây là cách mà dù đang ngự nơi Thiên đàng, Chúa Jêsus vẫn có thể ở cùng chúng ta cho đến tận thế như lời Ngài hứa – cho đến khi thu hoạch vụ mùa và sứ mạng được hoàn tất (Ma-thi-ơ 28:20). 

Thời đại này sẽ không tồn tại mãi, và sứ mạng sẽ không được hoàn tất chỉ với việc Chúa Jêsus ngồi trên ngai Trời. Một ngày kia Ngài sẽ trở lại và khi Ngài trở lại toàn thế giới sẽ biết điều đó. Kẻ thù của Chúa Jêsus bị đạp dưới của Ngài và Ngài sẽ dựng lại trời mới đất mới. (Thi-thiên 110:1, 5-6; Khải-huyền 3:21, Rô-ma 8:21).

Sự thăng thiên không phải là một nơi dừng chân, đó là một bệ phóng. “Từ trên trời chúng ta trông đợi Chúa và Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng sẽ biến hoá thân thể thấp hèn của chúng ta” “phục hồi muôn vật” (Phi-líp 3:20, Công-vụ 3:21). Một ngày nào đó Ngài sẽ trở lại (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Và khi ngày đó đến, chúng ta sẽ không còn phải lựa chọn giữa việc sống trong thân thể này và cách xa Chúa của chúng ta nữa. 

Vậy, hãy chờ đợi đến ngày đó. 

Chúa Jêsus là Vua, hãy cúi xuống và tôn thờ Ngài. Chúa Jêsus là thầy tế lễ thượng phẩm, hãy mạnh dạn đến trước ngôi ân sủng của Ngài, vì biết rằng chúng ta có một Đấng Biện Hộ hằng ở đó, Đấng đã đi trên con đường của chúng ta và cảm biết sự đau khổ của chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:14-16, I Giăng 2:21). Và Chúa Jêsus đang trở lại – vì vậy chúng ta hãy cùng tham gia vào sứ mạng của Đức Thánh Linh để Danh Chúa Jêsus được biết đến giữa các bộ lạc, quốc gia và mọi dân tộc trên thế giới.

Bài: Justin Dillehay; dịch: Sophie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *