Oneway.vn – Một tuần, sau khi con trai đầu lòng của tôi chào đời, tôi đã lên kế hoạch giảng về Sáng thế ký 22 – câu chuyện dâng Y-sác, nhưng tôi đã phải thay đổi bài giảng vì lúc ấy tôi chưa hiểu thấu đáo câu chuyện này.
Có lẽ nhiều người đặt ra câu hỏi cho câu chuyện này vì yêu cầu của Đức Chúa Trời dường như quá bất công, không giống một người cha yêu thương. Và đức tin của Áp-ra-ham dường như cũng vượt xa khả năng con người.
Khi suy ngẫm, tôi nhận ra cả hai suy nghĩ trên đều là sự lừa dối.
Chúa yêu cầu Áp-ra-ham điều gì?
Câu chuyện mở đầu rất khó hiểu: Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham; Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây (Sáng thế 22: 1).
Từ “thử” – nawsaw trong tiếng Do Thái có nghĩa là kiểm tra để chứng minh điều gì đó. Không phải là cám dỗ chúng ta làm sai, nhưng là thử thách để chúng ta có thể làm đúng. Chúa cho Áp-ra-ham một thử thách đức tin để ông có thể vượt qua cách tuyệt vời.
Thử thách: “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho (câu 2).
Hãy nhớ rằng Áp-ra-ham đã đợi 25 năm để có được đứa con trai này. Chúa cũng hứa với ông “do nơi Y-sác sẽ sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi” (Sáng 21:12). Rồi bây giờ, Chúa bảo người cha hơn 110 tuổi này đem con một của mình làm của lễ thiêu dâng Chúa.
“Hãy đi đến xứ Mô-ri-a”. Đây là ngọn núi quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Tại nơi Áp-ra-ham dâng Y-sác, sau đó, Đa-vít đã lập bàn thờ cho Chúa nơi sân đạp lúa của A-rau-na (2 Samuel 24: 17-19). Sa-lô-môn cũng đã xây dựng Đền thờ tại đây, trên đỉnh núi thánh này (2 Sử ký 3: 1).
Ngày này, đây là nơi mà cả người Do Thái và người Hồi giáo đều muốn chiếm. Đó là lý do cuộc xung đột ở Trung Đông đang hoành hành dữ dội.
Nhưng rất lâu trước tất cả những sự kiện đó, cuộc xung đột khủng kiếp đã nổ ra trong lòng một người cha già.
Ông đã đến nơi này để “hy sinh” chính con trai mình.
Để từ bỏ đứa con yêu dấu, người sẽ thừa kế di sản và tương lai mình, người quan trọng nhất cuộc đời ông.
Để dâng tất cả mọi điều cho Chúa.
Và ông đã vượt qua thử thách.
Áp-ra-ham và Y-sác dậy sớm, đi bộ hơn 40 dặm trong vòng ba ngày. Ông leo lên ngọn núi và đặt đứa con trai bị trói lên bàn thờ, giơ dao lên sẵn sàng thực hiện “hiến tế”.
Sao Áp-ra-ham có thể làm được điều đó?
Vì ông tin cậy Chúa.
Ông tin cậy Chúa, không chỉ bằng niềm tin tôn giáo mà bằng chính cuộc sống mình. Không chỉ bằng những gì ông có thể làm được, mà bằng hết mọi sức lực. Ông biết rằng khi vâng lời Chúa, Ngài sẽ ban phước.
Hê-bơ-rơ 11:19 chép: “Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình”. Ông biết, nếu Chúa muốn ông hy sinh con mình, Chúa cũng có thể khiến nó sống lại. Chúa vẫn sẽ giữ lời hứa biến đứa trẻ này thành người thừa kế. Chúa có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn.
Chúng ta có thể thấy rõ đức tin qua lời hứa của Áp-ra-ham với đầy tớ của ông: Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi (câu 5). Và ông đã giữ đúng lời hứa.
Chúng ta thấy đức tin qua lời ông hứa với Y-sác: Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu (câu 8). Và đúng như vậy, Chúa đã sắm sẵn cho Áp-ra-ham một chiên con làm của lễ thay con trai mình.
Áp-ra-ham tin cậy Chúa hết lòng, và Chúa làm việc qua đức tin đó nhiều hơn ông có thể tưởng tượng. Ngài đã biến đứa trẻ này thành cha của dân Do Thái. Qua dòng dõi Y-sác, Chúa đã đem chính Con Ngài, Đấng đã hy sinh gánh mọi tội lỗi của chúng ta.
“Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một. Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa” (Galatians 3: 28-29).
Qua con trai của Áp-ra-ham, tất cả chúng ta bây giờ đều được làm con Chúa.
Tất cả vì ông đã tận hiến hết mình cho Chúa, nên Chúa ban phước và vẫn còn đang sử dụng điều đó cho đến ngày nay.
Chúa kêu gọi chúng ta điều gì?
Bây giờ, Chúa đang kêu gọi chúng ta làm những gì Áp-ra-ham đã làm.
Ngài muốn chúng ta để Ngài làm chủ cuộc đời mình, đặt gia đình, bạn bè, tài chính và tương lai lên bàn thờ Ngài. Và đặt chính mình vào chỗ Áp-ra-ham đã đặt con trai ông.
Hãy dâng cả mạng sống chúng ta cho Chúa.
Rô-ma 12:1-2 qua lời bình của Keith Peterson, The Message:
Hãy mang cuộc sống hàng ngày của bạn – giấc ngủ, ăn uống, công việc và mọi thứ – dâng lên trước mặt Chúa như một của lễ. Hãy ghi khắc những gì Chúa làm cho bạn, đó là điều tốt nhất bạn có thể làm cho Ngài. Đừng quá hòa nhập với nền văn hóa quanh bạn đến nỗi hòa tan với nó. Thay vào đó, hãy luôn chăm nhìn Chúa. Bạn sẽ được biến đổi từ trong tấm lòng. Hãy sẵn sàng để nhận ra Chúa mong muốn ở bạn điều gì, và nhanh chóng đáp ứng. Không giống như văn hóa xung quanh, luôn cố lôi kéo bạn xuống tầm non kém, Chúa sẽ mang đến cho bạn những điều tốt nhất, giúp bạn trở nên trưởng thành trong Ngài.
Nhưng Chúa chỉ có thể hành động khi chúng ta tin cậy Ngài.
Không bác sĩ nào có thể điều trị cho một bệnh nhân không muốn khỏi bệnh. Chúa vẫn đang tìm kiếm những người có đức tin như Áp-ra-ham.
Hãy đặt cuộc đời bạn trước mặt Chúa như của dâng cho Ngài, đó chính là lời kêu gọi Chúa dành cho bạn hôm nay.
Y-sác là ai trong cuộc đời bạn?
Bài: Jim Denison, dịch: Hồng Nhạn
(Nguồn: Christianpost.com)
Leave a Reply