Tại sao Cơ Đốc nhân không giữ luật Do Thái?

Oneway.vn – Cả Kinh Thánh là một bộ tài liệu của người Do Thái. Trong tổng số 66 sách, có 64 sách được viết bởi người Do Thái. Đức Chúa Trời chọn dân Do Thái là tuyển dân của Ngài.

Chúa Jêsus người Na-xa-rét cũng là một người Do Thái, được Đức Chúa Trời sai đến để là Đấng Mết-si-a của người Do Thái.

Nói cách khác, Cơ Đốc giáo không bắt nguồn từ nơi nào khác, nhưng hệ thống gốc rễ của nó ăn sâu vào lịch sử của người Do Thái. Sự tiếp nối giữa Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo là liên tục và chắc chắn.

Vậy thì, tại sao Cơ Đốc nhân ngày nay không giữ toàn bộ luật Do Thái? Dù sao, dân của Đức Chúa Trời đã tuân giữ nó suốt nhiều thế kỷ trong Cựu Ước cơ mà. Điều gì đã xảy ra?

Sứ mệnh cần hoàn tất

Tân Ước bắt đầu với những từ ngữ này: “Gia phả của Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham” (Ma-thi-ơ. 1:1). Ngay từ đầu, trước giả Ma-thi-ơ đã nói rất rõ ràng rằng Chúa Jêsus đã đến trong lịch sử để hoàn thành những lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, tổ phụ đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên (Sáng-thế-ký 12:1–3), và với Đa-vít, vị vua vĩ đại nhất của Y-sơ-ra-ên (II Sa-mu-ên 7:12–16). Với tư cách là Nhà sáng lập một Y-sơ-ra-ên mới, Ngài là Áp-ra-ham đích thực và tốt hơn; và với tư cách là Người kế vị Ngôi cai trị vĩnh cửu, Ngài là Đa-vít đích thực và tốt hơn.

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Jêsus tuyên bố: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri; Ta đến, không phải để bãi bỏ nhưng để hoàn tất” (Ma-thi-ơ. 5:17). Nói cách khác, Ngài đang nói: “Ta đã đến để chính Ta giữ trọn luật pháp và để chỉ cho các con biết mục đích thực sự của nó. Cho nên, hãy diễn giải luật pháp theo Ta”.

Mục sư John Piper giải thích điều này rất hay: Mục đích của Chúa Jêsus không phải là bãi bỏ, mà là làm trọn. Và khi luật pháp đã được làm trọn trong Chúa Jêsus rồi thì mục đích nguyên thủy của nó cũng thay đổi hoàn toàn. Một kỷ nguyên mới đã mở ra, cách môn đồ của Chúa Jêsus liên hệ với luật pháp hoàn toàn khác với cách của người Israel xưa kia. Toàn bộ cuộc đời của Con Đức Chúa Trời đã giữ theo và hoàn thành luật pháp của Đức Chúa Trời thay cho con dân Ngài. Chúa Jêsus mang lấy mọi điều mà luật pháp đòi hỏi trong chính Ngài. Chính vì thế, sứ đồ Giăng đã dành ra sáu chương trong Phúc Âm để trình bày về Chúa Jêsus như là sự ứng nghiệm của mọi lễ hội mà người Do Thái đang kỷ niệm: Ngày Sa-bát (Giăng 5), lễ Vượt Qua (Giăng 6), lễ Lều Tạm (Giăng 7–9), lễ kỷ niệm Cung Hiến Đền Thờ (Giăng 10), còn sứ đồ Phao-lô thì công bố “Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, để mọi người tin đều được xưng công chính” (Rô 10:4).

Điều cần nhận ra đó là luật pháp chưa bao giờ có vấn đề. Luật pháp phản ánh đặc tính của Đức Chúa Trời và vì thế nó rất “thánh, công bình, và tốt đẹp” (Rô-ma 7:12). Vấn đề luôn là những con người tội lỗi. Chúng ta không thể giữ được luật pháp; vì thế, thay vì bênh vực cho chúng ta, luật pháp lại định tội chúng ta.

Cuối cùng, Người giữ trọn luật pháp đã xuất hiện

Tin tức tốt lành mà Cơ Đốc nhân tin theo và rao truyền đó là: Con Trời, là Đức Chúa Jêsus Christ, đã được “sinh ra dưới luật pháp” (Ga-la-ti 4:4) để vâng giữ toàn bộ đòi hỏi của nó và gánh lấy sự nguyền rủa của nó thay cho chúng ta. “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta — vì có lời chép: “Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ” — để trong Đấng Christ Jêsus phước lành dành cho Áp-ra-ham đến được với các dân ngoại, và bởi đức tin chúng ta nhận lãnh lời hứa về Thánh Linh.” (Ga 3:13–14)

Đấng ban luật pháp trở thành Người giữ trọn luật pháp và chết thế cho những kẻ phạm luật pháp.

Bởi đó, sứ đồ Phao-lô đã tuyên bố với những người Do Thái đang họp lại tại An-ti-ốt rằng: “Vậy, thưa anh em, hãy nhận biết rằng nhờ Đấng đó mà sự tha tội được công bố cho anh em; nhờ Ngài, tất cả những người tin đều được xưng công chính về mọi điều mà luật pháp Môi-se không thể xưng công chính được” (Công vụ 13:38–39). Đức Chúa Trời làm ra luật pháp vừa để hướng dẫn con dân Ngài, vừa để phơi bày tội lỗi họ và nhu cầu cần có Đấng Cứu rỗi của họ.

Gỡ bỏ những biển báo

Khi bạn lái xe đến một thành phố, điều thường thấy là những biển báo trên đường để giúp bạn đi đúng hướng, cũng như cho biết còn bao xa nữa thì tới đích. Một khi đã đến nơi, chúng không còn cần thiết nữa. Thật kỳ quặc và hoang mang nếu bạn nhìn thấy trong thành phố đầy những biển báo để chỉ đường đến… chính thành phố đó! Cũng vậy, Cựu Ước là một chặng đường dài đầy nắng gió với những biển báo chỉ người ta đi đến giao ước mới và thời đại mới được mở ra bởi một vị Vua mới (Giê-rê-mi 31:31–34; Ê-xê-chi-ên 36:26–27; Ê-sai 56–66).

Cách đây hơn 2000 năm, qua Con người- Đức Chúa Jêsus, điều ấy đã được ứng nghiệm: Vua mới đã đến, kỷ nguyên mới đã chiếu rạng. Một nhà thần học bình luận: “Cựu Ước vươn tay mong mỏi Đấng Christ, Đấng đến để chấm dứt mọi buồn bực của nó và hoàn thành mọi lời hứa”. Chính vì thế, biển báo của luật pháp có thể được tháo xuống; nó đã xong mục đích của nó.

Biển báo của luật pháp có thể được tháo xuống, nó đã xong mục đích của nó.

Tân Ước lặp đi lặp lại rằng con dân Đức Chúa Trời không còn “ở dưới luật pháp” (Rô-ma 6:14–15; I Cô-rinh-tô 9:20; Ga-la-ti 3:23; 4:4–5, 21; 5:18).

Kỷ nguyên của lịch sử cứu chuộc đã kết thúc khi chính Đức Chúa Trời, thông qua Chúa Jêsus, đã đến thế gian, vâng giữ luật pháp của Ngài và thiết lập Vương quốc của chính Ngài.

Để rồi, những ai ở trong Đấng Christ, được Đức Chúa Trời tha tội và có Đức Thánh Linh ngự trị, không còn bị tội lỗi cai trị và phải làm theo đòi hỏi định tội của luật pháp nữa. Sứ đồ Phao-lô đã tuyên bố:

“Vậy bây giờ, những ai ở trong Đấng Christ Jêsus sẽ không bị kết tội nữa; vì luật của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ Jêsus đã giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Vì điều gì luật pháp không thể làm được do xác thịt làm cho suy yếu thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã sai chính Con Ngài mang lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi để giải quyết tội lỗi; Ngài đã kết án tội lỗi trong xác thịt, để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh.” (Rô-ma 8:1–4)

Không những thế, ở một chỗ khác, vị sứ đồ đã giải thích rằng Đức Chúa Trời đã vĩnh viễn “hủy bỏ giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá” (Cô-lô-se 2:13–14). Những đòi hỏi của luật pháp Môi-se, vốn luôn cất tiếng định tội chúng ta, đã chết cùng với Vua Jêsus ở trên thập tự giá.

Ở dưới ân điển

Vì Đấng Christ đã giữ trọn luật pháp và chết thay cho sự vi phạm luật pháp của chúng ta, những ai được kết hiệp với Ngài thông qua đức tin giờ đây đang “ở dưới ân điển”, được đảm bảo ở trong ân huệ của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ bất xứng. Bất cứ nỗ lực nào để quay trở lại với lối sống của giao ước cũ đều là vô nghĩa, chẳng khác nào quay ngược lại đồng hồ lịch sử cứu chuộc. Các trước giả của Tân Ước không bao giờ nói như vậy.

Vậy thì, phải chăng điều này có nghĩa là Cơ Đốc nhân không hề có trách nhiệm nào về mặt đạo đức? Hoàn toàn không như thế. Dù chúng ta không bị ràng buộc bởi luật pháp của Môi-se nữa nhưng chúng ta đang đầu phục theo điều mà Tân Ước gọi là “luật pháp của Đấng Christ” — là luật đạo đức được gói gọn trong tình yêu biết hy sinh (Ga-la-ti 6:2; xem thêm I Cô-rinh-tô 9:21). Chúa Jêsus phán với các môn đồ Ngài: “Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy.” (Giăng 13:34)

Bất cứ nỗ lực nào để quay trở lại với lối sống của giao ước cũ đều là vô nghĩa, chẳng khác nào quay ngược lại đồng hồ lịch sử cứu chuộc.

Các tiên tri trong Cựu Ước mong mỏi đến ngày mà Đức Chúa Trời viết luật pháp vào lòng của con dân Ngài. Giờ đây đang chính là ngày ấy. Phao-lô viết: “Nhưng nếu anh em được Thánh Linh dắt dẫn thì chẳng ở dưới luật pháp đâu”, nhưng ở dưới ân điển (Ga 5:18). Nói cách khác, những ai tin cậy Chúa Jêsus không còn ở dưới luật pháp, nhưng luật pháp đang “ở dưới” họ – nó được khắc vào lòng của họ. Đức Thánh Linh ban năng lực cho những người được cứu bởi ân điển để khao khát và vâng theo những điều mà trước kia họ không thể.

Từ chiếc gương soi cho đến sự tẩy rửa

Hãy tưởng tượng rằng bạn có vết bẩn trên mặt nhưng không biết. Một người bạn nói: “Đi soi gương đi kìa!” Lúc này, nhiệm vụ của cái gương có phải là làm sạch khuôn mặt của bạn không? Tất nhiên là không. Nó phơi bày ra khuôn mặt của bạn để bạn phải đi rửa mặt.

Tương tự, luật pháp là cái gương để phơi bày tội lỗi. Nhiệm vụ của nó không phải là làm sạch chúng ta mà là để chúng ta phải đi đến Đấng duy nhất có thể làm sạch. Chiếc gương luật pháp được thiết kế để hướng chúng ta đến sự tẩy rửa của Phúc Âm (Rô-ma 3:20; 5:20; Ga-la-ti 3:23).

Những ai tin cậy Chúa Jêsus không còn ở dưới luật pháp, nhưng luật pháp đang “ở dưới” họ và được khắc vào lòng họ.

Đây chính là thông điệp trọng tâm của Tân Ước: Ở trong Phúc Âm, Đức Chúa Trời đã ban điều Ngài đòi hỏi trong luật pháp. Tóm lại, Cơ Đốc nhân không bị ràng buộc bởi luật pháp Do Thái bởi vì Chúa Jêsus đã giữ trọn nó cho chúng ta. Ngài đã làm trọn mọi đòi hỏi về nghi thức, lễ hội, sinh tế và đạo đức. Mục đích trên hết của luật pháp luôn là chỉ cho người ta thấy nhu cầu cần có một Đấng Cứu rỗi, Đấng tha thứ và thay đổi chúng ta từ trong ra ngoài, thay vì để mặc chúng ta tự uốn nắn và cứu lấy chính mình.

Bạn thân mến, đây là một tin tức tuyệt vời. Nhà cải chánh Martin Luther đã nhận xét từ cách đây rất lâu: “Luật pháp nói: ‘Hãy làm điều này!’ và chẳng bao giờ làm. Ân điển nói: ‘Hãy làm điều này!’ và đã làm sẵn hết mọi thứ”.

 

Bài: Matt Smethurst ; dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

 

Tác giả: Matt Smethurst đang chịu trách nhiệm cho khâu biên tập của Liên minh Phúc Âm (The Gospel Coalition), là tác giả của quyển Before You Open Your Bible: Nine Heart Postures for Approaching God’s Word (tạm dịch: Trước Khi Mở Kinh Thánh: Chín Trạng Thái Của Tấm Lòng Để Đến Với Lời Chúa) (10Publishing, 2019) và I&II Tê-sa-lô-ni-ca: Bài học Kinh Thánh 12 tuần (Crossway, 2017). Ông và vợ, Maghan, có ba người con và đang sống ở Louisville, Kentucky. Họ là thuộc viên của hội thánh Third Avenue Baptist Church, nơi Matt phục vụ trong vai trò trưởng lão. Bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *