Tại sao phải có ngày nghỉ?

Oneway.vn – Học cách say mê với món quà nghỉ ngơi mà Chúa ban.

Dù đang học tập, nuôi gia đình, giữa lưng chừng sự nghiệp hay kết hợp tất cả những điều này, chúng ta đều là những người quản lý.

Quản lý nghĩa là có trách nhiệm với một tài sản nào đó. Là khi nhận ra rằng Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta tất cả mọi thứ. Ngài muốn chúng ta sử dụng và làm những điều tuyệt vời với món quà ấy.

Thời gian là một trong những món quà đó. Kỷ luật, siêng năng và xuất sắc là cách chúng ta sử dụng tài sản Chúa ban cách đẹp lòng Ngài. Tuy nhiên, để trở thành người quản lý giỏi, chúng ta cũng cần phải làm một điều có vẻ “ngược”: nghỉ ngơi.


Mạng lệnh của Chúa

Trong Mười Điều Răn, Chúa phán rõ rằng phải giữ ngày nghỉ. Chúng ta không coi nhẹ các điều răn khác, như không trộm cướp, giết người và ngoại tình. Vậy tại sao lại bỏ qua điều này? Có lẽ do hậu quả không rõ ràng. Không nghỉ ngày Sa-bát dường như là lựa chọn tốt hơn! Ngày ấy có thể làm biết bao nhiêu việc ích lợi! Tuy nhiên, ngày Sa-bát được tạo ra vì lợi ích của chúng ta.

Chúa Jesus phán: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người”. Hãy coi ngày Sa-bát là một món quà. Chúng ta được ban cho thời gian để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và thờ phượng Chúa. Chúng ta được phép nghỉ ngơi, nhưng lại từ chối nó.


Nghỉ ngơi giúp làm việc hiệu quả

Hãy xem ngày Sa-bát là kỷ luật, không phải thói quen. Hiếm khi nào bạn không có việc gì để làm vào đúng ngày Sa-bát. Nghỉ ngơi lúc này là chủ động nỗ lực trong suốt cả tuần để hoàn thành mọi việc trước ngày Sa-bát.

Vì tính kỷ luật này, tôi làm việc năng suất hơn rất nhiều trong suốt cả tuần. Mỗi tuần, tôi cảm thấy thật sự mình có được một ngày nghỉ đúng nghĩa. Thật kỳ lạ, sau ngày Sa-bát, tôi khao khát được làm việc. Điều đó khiến tôi năng động và hiệu quả hơn trong tuần mới.


Nghỉ ngơi không có nghĩa là trì hoãn

Cần phân biệt giữa trì hoãn và nghỉ ngơi ngày Sa-bát. “Hôm nay tôi chẳng làm gì cả, vì vậy hôm nay sẽ là ngày Sa-bát của tôi” hoàn toàn khác với việc chủ động nghỉ ngơi một ngày. Nếu không có chủ ý, những suy nghĩ về công việc còn dang dở sẽ khiến bạn chán nản vào ngày nghỉ. Làm việc kém hiệu quả thường dẫn đến cảm giác xấu hổ và thất vọng, thay vì thật sự nghỉ ngơi. Ngày Sa-bát phải là ngày xua tan những suy nghĩ đó.

Vâng, công việc vẫn phải được thực hiện. Tuy nhiên, lần này bạn đang chủ động gác lại mọi thứ. Bạn sẽ tự do tận hưởng một ngày mà không nghĩ đến công việc. Bạn sẽ thoải mái tận hưởng thời gian cầu nguyện, một giấc ngủ ngắn, cuộc trò chuyện dài với bạn bè hoặc thực hiện hoạt động sáng tạo như vẽ tranh.


Nghỉ ngơi để không kiệt sức

Khi còn là sinh viên năm nhất học kỳ 1, tôi luôn trung tín nhóm lại. Nhưng đến học kỳ 2, tôi không còn giữ kỷ luật. Tôi có hai việc làm thêm, rồi nào là thực hành, hội nữ sinh, tổ chức cuộc họp và chương trình học tập căng thẳng hơn. Tôi đã không giữ ngày nghỉ và rồi bị kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần. Đó là vì: Thứ nhất, tôi không hề nghỉ ngơi. Tôi không có cơ hội chần chừ, suy tư hoặc thậm chí thở! Thứ hai, tôi đã ôm đồm quá nhiều thứ. Nói cách đơn giản: nếu bạn làm việc quá nhiều đến nổi không có ngày nghỉ, thì bạn đang quá sức rồi đấy.


Thể hiện đức tin nơi Chúa

Giống như dâng hiến tiền bạc, Chúa yêu cầu chúng ta phải dâng thời gian nữa. Thời gian của chúng ta là món quà từ Ngài. Chúa muốn chúng ta dành một ngày trong tuần cho Ngài. Có vẻ như quá nhiều, nhưng điều này thể hiện đức tin của chúng ta nơi Chúa. Chúng ta phải tin cậy Chúa, rằng công việc cần phải hoàn thành sớm muộn vẫn sẽ được hoàn thành. Giữ ngày Sa-bát nghĩa là chúng ta ưu tiên thời gian tương giao với Chúa hơn công việc của chúng ta.


Chúa hiểu chúng ta nhiều hơn cách chúng ta hiểu bản thân

Chúa thiết lập ngày Sa-bát vì một lý do. Ngài tạo ra con người có mong muốn làm việc, sáng tạo và sản xuất. Chúa biết mong muốn đó sẽ chiếm lấy chúng ta. Làm việc có thể khiến chúng ta kiệt sức và xao lãng khỏi Chúa. Đôi khi, chúng ta trượt dài trong đời sống tâm linh vì quá bận rộn. Là Đấng sáng tạo, Chúa biết chúng ta được tạo ra vì Ngài. Một ngày nghỉ ngơi và thông công với Ngài cũng giá trị như sáu ngày làm việc.

Bạn có nhận món quà Chúa ban hay không? Hãy để Chúa Nhật thực sự là ngày bạn được nghỉ ngơi và tự do thờ phượng Ngài.

 

Bài: Adrienne Scrima, dịch: Jennie

(nguồn: relevantmagazine.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *