Tấm gương truyền giáo Phao-lô: công việc không có ngày nghỉ

Oneway.vn – Chúng ta nên bắt chước tính kiên nhẫn và bền chí của Phao-lô trong trách nhiệm giảng dạy truyền giáo

Đó là lần cuối cùng Phao-lô gặp các trưởng lão Ê-phê-sô. Sứ điệp ông mang đến là một lời cảnh báo nghiêm nghị. Mục vụ của Phao-lô ở Ê-phê-sô thành công đến mức Hội Thánh đã được thành lập, và các thợ thủ công đúc tượng thần tại đây cảm thấy công việc kinh doanh của họ đang trên bờ vực phá sản (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:23–27). Vậy tại sao sứ điệp của ông lại nghiêm trọng đến thế?

Phao-lô cho rằng Hội Thánh Ê-phê-sô sẽ bị tấn công. “Muông sói dữ tợn” sẽ xâm nhập từ bên ngoài, và những lời dạy sai lệch sẽ phát sinh từ bên trong (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:17–38). Những mối nguy mà Phao-lô dự đoán xuất phát từ các vấn đề giáo lý (“những người giảng những điều sai lạc”). Vì vậy, chiến lược bảo vệ Hội Thánh của Phao-lô tập trung vào việc giảng dạy giáo lý đúng đắn. 

Giống như Phao-lô đã trung tín công bố “toàn bộ mục đích của Đức Chúa Trời”, ông cũng mong đợi điều tương tự nơi các trưởng lão Ê-phê-sô, giao phó họ “cho Đức Chúa Trời và cho đạo ân điển của Ngài, là đạo có thể xây dựng và ban cơ nghiệp cho anh em”.

Phương pháp truyền giáo của Phao-lô tập trung vào việc giảng dạy Lời Đức Chúa Trời liên tục và trung thành, như một phương tiện gây dựng và bảo vệ Hội Thánh. Như các trưởng lão đã học theo quan điểm của Phao-lô, chúng ta cũng phải nhận biết tình thế cấp bách của việc giảng dạy Lời Chúa ngày nay.

Chiều rộng và chiều sâu Kinh Thánh

Các phương pháp truyền giáo phổ biến hiện nay không được xây dựng theo mô hình giảng dạy cặn kẽ như vậy. Thay vào đó, truyền giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo Lời Đức Chúa Trời, gây ra nhầm lẫn giữa việc biết lẽ thật và làm theo lẽ thật. Các nhà truyền giáo được dạy rằng “việc vâng theo Lời Đức Chúa Trời thay vì chỉ hiểu biết Lời Ngài là khuôn mẫu của công tác môn đồ hóa”. Nhưng việc vâng phục Lời Chúa bắt nguồn từ việc hiểu biết Đức Chúa Trời qua Lời Ngài.

Việc học Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một bài tập nhận thức. Học Kinh Thánh phải ảnh hưởng và biến đổi đời sống, chứ không chỉ là học thuật khô khan. Qua Lời Chúa, chúng ta phải học biết Đức Chúa Trời cách cá nhân. Và những ai thực sự biết Ngài sẽ tin cậy Ngài. Sự vâng lời từ đó đến theo lẽ tự nhiên.

Học biết về Đức Chúa Trời và Lời Ngài không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Những lẽ thật lớn nhất trong Kinh Thánh rất đơn giản (“Đức Chúa Trời nhân lành” và “Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân”). Nhưng chúng ta phải giữ đức tin đơn giản này giữa bộn bề cuộc sống thực. Các nhà truyền giáo cần có kiến thức tâm linh sâu rộng về mọi mặt của Kinh Thánh để đối phó với những cám dỗ xảo quyệt từ ma quỷ. Họ phải có khả năng trả lời hàng loạt câu hỏi khó của các môn đồ mới, chẳng hạn như: “Nếu Đức Chúa Trời nhân lành, tại sao cuộc sống lại đau khổ như vậy?” hoặc “Nếu Chúa yêu bạn, tại sao Ngài không cho phép bạn sống theo cách khiến bạn hạnh phúc?”

Để trả lời những câu hỏi đầy thách thức và cấp bách như vậy, các nhà truyền giáo phải dành nhiều năm nghiên cứu để thông thạo các ngôn ngữ địa phương và học biết văn hóa của những người chưa được biết đến Phúc Âm. Khi cần thiết, chúng ta phải chuyển ngữ Kinh Thánh. Chúng ta cũng phải dành nhiều năm để giảng dạy Kinh Thánh cách kỹ lưỡng và chủ động, như Phao-lô đã làm.

Lòng kiên nhẫn

Không có đường tắt để bày tỏ sự sâu nhiệm của Kinh Thánh. Phao-lô đã giảng dạy chủ động, trực tiếp và nhiều lần. Phao-lô không giảng thao thao bất tuyệt, mà thay vào đó ông luôn hướng dẫn – và các tín đồ Ê-phê-sô đã học được lẽ thật. Điều này yêu cầu thời gian. 

Phao-lô rao truyền mọi điều lợi ích cho các tín hữu, chẳng giữ lại điều gì, và dạy dỗ anh em nơi công chúng, hay từ nhà nầy sang nhà  trong ba năm, đêm và ngày Phao-lô hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người ở Ê-phê-sô luôn. (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:20,31).

Tại sao Phao-lô ở Ê-phê-sô ba năm trong khi ông chỉ ở Tê-sa-lô-ni-ca ba tuần? Có thể Phao-lô sẽ ở lại các thành khác lâu như ở Ê-phê-sô nếu như ông không bị kẻ thù đánh đuổi. Ngay cả ở Ê-phê-sô, có thể Phao-lô cũng muốn ở lại lâu hơn, nhưng cuối cùng lại phải rời đi sau khi cuộc bạo động nổ ra.

Các nhà truyền giáo ngày nay thường cần một thời gian dài để học ngôn ngữ địa phương trước khi có thể giảng dạy như Phao-lô. Nên dự kiến chúng ta ​​sẽ phải dành nhiều hơn ba năm ở một nơi. Vấn đề không phải là thời gian, mà là mục tiêu truyền đạt “toàn bộ mục đích của Đức Chúa Trời”.

Ngày nay, các phương pháp truyền giáo phổ biến lại truyền đạt điều ngược lại. Một số phương pháp gần như gạt bỏ tầm quan trọng của việc tiếp thu và dịch thuật ngôn ngữ. Một số cho rằng việc truyền giáo rất đơn giản; ngay cả tín đồ mới cũng có thể gây dựng Hội Thánh. Một số cho rằng không cần phải giảng dạy Kinh Thánh; Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ những gì cần thiết.

Những phương pháp sáng tạo này đều có mục đích tốt, nhằm tăng tốc độ truyền bá Phúc Âm khắp nơi. Thực tế, những phương pháp mới này đã lập nên hàng triệu Hội Thánh và hàng chục triệu Thánh Lễ Báp-têm tại những nơi chưa biết đến Tin Lành.

Nhưng đáng buồn thay, những con số này bị thổi phồng quá mức. Như Phao-lô đã nói, lúa mì mọc lên giữa đám cỏ lùng. Ngay cả những báo cáo chính xác cũng có khả năng sai lệch nếu không được theo dõi trong thời gian dài. Điều này không có nghĩa là tất cả những phương pháp truyền giáo ngày nay đều thất bại – chúng ta hãy tiếp tục cầu xin ân điển Đức Chúa Trời! Nhưng mọi Hội Thánh đều đang bị tấn công. Chúng ta chuẩn bị để chống lại bầy muông sói như thế nào?

Tái xác định mức độ cấp bách

Câu trả lời là tái xác định mức độ cấp bách ngày nay. Vào thời Phao-lô, dân số chỉ mới đạt một phần nhỏ thế giới. Trong khi Phao-lô cố gắng phát triển Hội Thánh về mặt số lượng, đây không phải là mối quan tâm duy nhất của ông. Thay vào đó, ông dành nhiều nỗ lực truyền giáo để giúp các Hội Thánh hiểu biết Lời Chúa và chống lại giáo lý sai lệch.

Nói cách khác, Phao-lô quan tâm đến an ninh của bầy chiên hơn là quy mô. Rốt cuộc, quy mô của bầy chiên chẳng còn quan trọng nếu cả bầy không được bảo vệ khi muông sói ập đến. Vì vậy, Phao-lô dạy dỗ các tín đồ Ê-phê-sô ngày đêm trong nhiều năm. Và khi buộc phải rời đi, ông đã trao lại trách nhiệm này cho các trưởng lão mà ông đã nuôi dưỡng. Ngay cả sau đó, Phao-lô vẫn tiếp tục tham gia vào Hội Thánh Ê-phê-sô. Ông viết thư cho Hội Thánh. Ông viếng thăm các trưởng lão, cảnh báo về các giáo lý sai lệch. Ông cũng đưa Ti-mô-thê đến để tiếp tục công việc giữa Hội Thánh, sửa chữa những lời dạy sai lầm và củng cố các nhà lãnh đạo.

Chúng ta nên bắt chước tính kiên nhẫn và bền chí của Phao-lô trong trách nhiệm giảng dạy truyền giáo này. Nhiều người vẫn chưa bao giờ được nghe đến Phúc Âm, và chúng ta phải cảm biết nhu cầu cấp bách của họ. Tuy nhiên, những người mới tin Chúa cũng đối diện với nhiều rủi ro. Nếu không cảm thấy cấp bách trong việc bảo vệ các tín đồ mới, công việc của chúng ta có thể chẳng ích lợi gì.

Bài: MATT RHODES; dịch: Nhạn Võ 
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *